Bản tin thời sự sáng 27/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là kiến nghị lắp camera giám sát để bảo tồn san hô ở vịnh Nha Trang; đề xuất cách gỡ vướng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng; cựu cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM bị bắt về tội buôn lậu; Lào Cai đầu tư 450 tỷ đồng xây dựng cây cầu thứ 9 bắc qua sông Hồng…

Kiến nghị lắp camera giám sát để bảo tồn san hô ở vịnh Nha Trang

TP. Nha Trang đề xuất mức kinh phí khoảng 260 triệu đồng để lắp hệ thống camera trên vịnh Nha Trang nhằm giám sát, phục vụ công tác bảo tồn san hô.

San hô ở Hòn Mun chết phủ trắng đáy biển

San hô ở Hòn Mun chết phủ trắng đáy biển

Ngày 26/7, UBND TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đã có báo cáo về kết quả thực hiện các giải pháp xử lý tình trạng suy giảm rạn san hô ở Hòn Mun - vùng lõi khu bảo tồn biển và vịnh Nha Trang.

Trong báo cáo, UBND TP. Nha Trang đã chỉ đạo Ban Quản lý vịnh Nha Trang phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Viện Nghiên cứu khoa học, công nghệ khai thác thủy sản Nha Trang nghiên cứu, điều tra, khảo sát nguyên nhân sự suy giảm hệ san hô khu vực Hòn Mun và các khu vực khác trong vịnh Nha Trang.

Kết quả của việc khảo sát là căn cứ để Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tiếp tục công tác trồng, phục hồi san hô thí điểm tại một số khu vực tại đảo Hòn Mun, cũng như một số điểm trong vịnh Nha Trang.

Liên quan đến việc san hô bị “tẩy trắng” ở Hòn Mun, UBND TP. Nha Trang giao Ban Quản lý vịnh Nha Trang phối hợp các đơn vị khác vào cuộc nghiên cứu, khảo sát hiện trường, điều tra nguyên nhân suy giảm hệ san hô thời gian qua.

Về lâu dài, UBND TP. Nha Trang kiến nghị thành lập ban điều phối để chỉ đạo đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học Khánh Hòa, trong đó có vịnh Nha Trang; thành lập đội công tác liên ngành gồm bộ đội biên phòng, công an, chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh… tại khu vực Hòn Mun và vịnh Nha Trang. Đội liên ngành có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát 24/24h.

Cơ quan này cũng lên phương án lắp phao phân vùng, biển hiệu tại những khu vực được thực hiện trồng phục hồi san hô; lắp camera dạng năng lượng mặt trời nhằm tăng cường giám sát ở khu vực Hòn Mun.

Đề xuất cách gỡ vướng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

Tổ đàm phán đề xuất phương án gia hạn thời gian thực hiện dự án và quỹ đất thanh toán cùng lúc để công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng sớm "về đích".

Công trường thi công cống Tân Thuận - một trong 6 cống ngăn triều thuộc dự án

Công trường thi công cống Tân Thuận - một trong 6 cống ngăn triều thuộc dự án

Nội dung được đề cập trong kết quả đàm phán phụ lục hợp đồng dự án chống ngập do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) của đại diện nhiều sở, ngành vừa gửi UBND TP.HCM.

Theo hợp đồng năm 2016, Thành phố thanh toán 7 khu đất cho nhà đầu tư. Còn theo thỏa thuận mới, quỹ đất thanh toán dự kiến giảm còn 5, tổng giá trị ước tính hơn 1.800 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án sẽ được gia hạn cho đúng thực tế.

Tổ đàm phán đánh giá phương án điều chỉnh cùng lúc thời gian thực hiện và quỹ đất thanh toán cho dự án sẽ tạo đồng thuận giữa các bên vì có cơ sở để Ngân hàng BIDV giải ngân. Bởi, nếu không có điều khoản quỹ đất thanh toán ở phụ lục hợp đồng BT điều chỉnh, BIDV không tiếp tục ký hợp đồng tín dụng. Việc này cũng khiến Ngân hàng Nhà nước không thể gia hạn tái cấp vốn cho công trình.

Một phương án khác cũng được tổ đàm phán đưa ra là điều chỉnh thời gian thực hiện công trình trước, sau đó mới điều chỉnh quỹ đất thanh toán. Tuy nhiên, cách này bị cho là khó tạo đồng thuận.

Công trình 10.000 tỷ được đầu tư với mục tiêu kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.

Tháng 4 năm ngoái, Chính phủ chấp thuận cho Thành phố làm tiếp dự án theo cơ chế đặc thù nhằm tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư. UBND TP.HCM được yêu cầu hoàn thành dự án đúng quy định; đồng thời thanh toán cho nhà đầu tư và rà soát, loại bỏ các chi phí bất hợp lý. Tuy nhiên, các công việc đến nay chưa tiến triển do phụ lục hợp đồng BT chưa được ký.

Cựu cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM bị bắt về tội buôn lậu

Cựu cán bộ Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP.HCM và các đồng phạm vừa bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội buôn lậu.

Hải quan TP.HCM phát hiện container hàng điện máy cũ nát (cấm nhập khẩu), tháng 7/2021

Hải quan TP.HCM phát hiện container hàng điện máy cũ nát (cấm nhập khẩu), tháng 7/2021

Ngày 26/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố bị can đối với Võ Văn Đông, cựu cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.HCM và Nguyễn Mạnh Toàn, Nguyễn Thị Mai Phương, Nguyễn Đình Thiều, Lê Văn Thành, Vũ Văn Tuấn, Phạm Toàn để điều tra về tội buôn lậu.

Cơ quan điều tra cũng đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Võ Văn Đông, Nguyễn Thị Mai Phương, Nguyễn Đình Thiều và Phạm Toàn.

Các bị can nói trên có liên quan đến vụ buôn lậu do Hoàng Duy Tiến (cựu cán bộ thuộc Đội chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM) và đồng phạm thực hiện mà cơ quan điều tra đã khởi tố.

Theo hồ sơ, từ tháng 8/2019 đến nay, Hoàng Duy Tiến và đồng phạm đã thành lập 47 công ty, sử dụng tư cách pháp nhân của 45/47 công ty để nhập khẩu gần 1.300 container hàng máy móc thiết bị cũ từ nước ngoài, với trị giá tính thuế là gần 200 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định Võ Văn Đông, Nguyễn Mạnh Toàn, Nguyễn Thị Mai Phương, Nguyễn Đình Thiều, Lê Văn Thành, Vũ Văn Tuấn, Phạm Toàn là các chủ hàng đã thuê Tiến nhập lậu máy móc cũ từ nước ngoài về bán, kiếm lời.

Tiến thỏa thuận với một số chủ cửa hàng kinh doanh máy móc cũ, thông qua doanh nghiệp do Tiến thành lập để nhập máy móc đã qua sử dụng ở nước ngoài về tiêu thụ trong nước, bằng cách kê khai gian dối là thiết bị nhập khẩu nhằm mục đích đưa vào sản xuất.

Cụ thể, khi chủ hàng có nguồn thiết bị, máy móc cũ ở nước ngoài thì gửi danh mục hàng cho Tiến. Tiến chỉ đạo các nhân viên của mình làm hồ sơ nhập khẩu, lấy đơn vị nhập khẩu là các công ty do Tiến lập ra với chi phí nhập mỗi container dao động từ 60 - 90 triệu đồng, sau đó các chủ hàng sẽ thanh toán tiền công cho Tiến.

Quá trình thực hiện hành vi trên, Tiến đã chỉ đạo các đồng phạm thành lập nhiều công ty khác nhau để đứng tên pháp nhân nhập khẩu các container hàng và phân công công việc cụ thể cho các nhân viên để làm thủ tục, hồ sơ nhập khẩu các container này.

Lào Cai đầu tư 450 tỷ đồng xây dựng cây cầu thứ 9 bắc qua sông Hồng

Cây cầu Phú Thịnh bắc qua sông Hồng, kết nối phường Bắc Cường với xã Vạn Hòa, TP. Lào Cai chuẩn bị được khởi công với tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng.

Lào Cai chuẩn bị đầu tư 450 tỷ đồng xây dựng cây cầu thứ 9 bắc qua sông Hồng

Lào Cai chuẩn bị đầu tư 450 tỷ đồng xây dựng cây cầu thứ 9 bắc qua sông Hồng

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Lào Cai, địa phương sẽ khởi công xây dựng cầu Phú Thịnh, cây cầu thứ 9 bắc qua sông Hồng trên địa bàn.

Theo đó, cầu được xây dựng để kết nối phường Bắc Cường với xã Vạn Hòa, TP. Lào Cai. Công trình được xây dựng bằng bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực và thép, chịu được động đất cấp 7.

Cầu có chiều dài cầu là 250,2 m, gồm 5 nhịp, trong đó, các nhịp là dầm liên tục bằng bê tông cốt thép dự ứng lực thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng và đúc tại chỗ; bề rộng mặt cầu là 15,5 m tại nhịp đúc tại chỗ, rộng 20 m tại nhịp đúc hẫng và được mở rộng lên 30,5 m tại vị trí sàn ngắm cảnh quan.

Phương án kiến trúc cầu Phú Thịnh được lấy ý tưởng từ dãy Ngũ Chỉ Sơn và đỉnh Fansipan. Kết cấu vòm thép 5 nhịp cầu mô phỏng 5 đỉnh núi, tượng trưng cho dãy núi Ngũ Chỉ Sơn. Đỉnh cao nhất ở chính giữa với thiết kế nhịp rộng khoảng 102 m (đảm bảo khổ tĩnh không thông thuyền 50 m), cao khoảng 33 m so với mực nước thiết kế, tượng trưng cho đỉnh Fansipan.

Hà Nội sẽ khôi phục loa phường

UBND TP. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư.

Loa phường tại địa bàn quận Hoàn Kiếm khi thành phố chưa có đề án sắp xếp lại

Loa phường tại địa bàn quận Hoàn Kiếm khi thành phố chưa có đề án sắp xếp lại

Đây là một trong những chỉ tiêu của Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022 - 2025 mới được Thành phố ban hành.

Cùng với mục tiêu trên, để phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, Thành phố cũng đề ra đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử của UBND cấp xã; trên 70% xã có bảng tin điện tử công cộng để phổ biến thông tin thiết yếu và tương tác với người dân.

Để chuyển đổi số, đài truyền thanh cấp xã có dây/không dây FM sẽ chuyển dần sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông theo nguyên tắc chuyển đổi trước những đài hư hỏng, xuống cấp, hết khấu hao, phù hợp với điều kiện của địa phương, bảo đảm tránh lãng phí trong đầu tư...

Tháng 8/2017, Thành phố ban hành Đề án số 5133 sắp xếp lại hoạt động của đài truyền thanh xã, phường, thị trấn theo hướng tại các quận chỉ duy trì từ 5 - 10 cụm loa và loa phường tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng không phát hàng ngày, chỉ phát khi có thông báo khẩn như thiên tai, dịch bệnh hoặc theo yêu cầu của Trung ương, Thành phố.

Sau đó, Thành phố thí điểm lắp đặt thiết bị thông minh tại 4 phường thuộc ba quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Cầu Giấy, với kỳ vọng thiết bị sẽ thay thế được loa phường.

Trong 2 năm đại dịch Covid-19, tại các cuộc tiếp xúc, cử tri đã đề nghị khôi phục hệ thống loa phường như trước để phục vụ tuyên truyền phòng, chống dịch.

Tháng 3/2021, Hà Nội quyết định điều chỉnh Đề án số 5133, không quy định cứng số lượng cụm loa mà giao chính quyền cơ sở tự quyết định phù hợp với điều kiện thực tế. Quyết định điều chỉnh cũng quy định về nội dung, thời gian và thời lượng phát thanh; nội dung khác được Thành phố hướng dẫn tiếp tục thực hiện theo Đề án.