Bản tin thời sự sáng 28/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là: cát đỏ tràn xuống đường đi Mũi Né gây ách tắc cục bộ; khẩn trương khắc phục sự cố xói lở thượng lưu công trình hồ Nà Tằm; sạt lở hàng nghìn m3 đất tại tuyến đường tránh thành phố Sơn La; Phú Quốc điều chỉnh, cắt giảm 12 dự án đầu tư…

Cát đỏ tràn xuống đường đi Mũi Né gây ách tắc cục bộ

Sau cơn mưa lớn kéo dài, sáng 27/7, nước từ các dự án trên đồi kéo theo cát đỏ tràn xuống, gây ách tắc cục bộ đường đi Mũi Né, TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).

Một ô tô đi qua đường Phú Hài bị mắc kẹt trong bùn cát đỏ

Một ô tô đi qua đường Phú Hài bị mắc kẹt trong bùn cát đỏ

Khoảng 6h30, lũ từ hướng đồi - nơi có nhiều dự án đang triển khai trên đường 706B đã đổ dồn về đoạn Phú Hài - bãi Đá Ông Địa (Hàm Tiến), gần Đại học Phan Thiết. Lũ xé toạc một khu đất trên đồi, kéo theo lượng lớn cát đỏ tràn xuống đường, rồi băng qua dãy nhà và hàng quán phía đối diện.

Cát đỏ dồn ngập tràn trên đoạn đường hơn 20 m, cao gần một mét, khiến các xe từ Phan Thiết ra Mũi Né và hướng ngược lại không thể di chuyển. Một số ô tô cố vượt qua bị mắc kẹt trong bùn cát, phải nhờ các xe lớn đến kéo ra khỏi hiện trường.

Ngoài ra, cát đỏ còn tràn vào một hàng quán ven đường, vùi lấp bàn ghế, đồ đạc, gây thiệt hại tài sản và đình trệ công việc làm ăn trong dịp cuối tuần.

Chính quyền địa phương đã cử lực lượng cảnh sát chặn ở hai đầu đoạn đường Phú Hài - Hàm Tiến, đồng thời hướng dẫn các xe quay đầu, đi lên phía đường 706B để về trung tâm Phan Thiết hoặc ra biển Mũi Né.

Trong buổi sáng, gần chục phương tiện gồm xe múc, xe ben được điều đến di dời lượng cát đổ xuống để thông tuyến đường du lịch. Đến gần 12h, lượng lớn cát trên đường đã được đưa ra khỏi hiện trường, giao thông trở lại bình thường.

Lãnh đạo UBND TP. Phan Thiết và các phòng ban liên quan đã đến khảo sát hiện trường. Nguyên nhân ban đầu được xác định là lượng nước từ trên đồi dồn về, trong khi hệ thống cống thoát ở khu vực này đang xây dựng, chưa đấu nối nên gây lũ cát.

Trước đó ngày 26/7, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận thống kê có 14 công trình đang triển khai dọc bờ biển tại Bình Thuận có nguy cơ sạt lở, gây lũ cát, uy hiếp các khu dân cư và tuyến đường du lịch, cần có biện pháp ứng phó. Trong đó, Phan Thiết có 11 công trình, còn lại ở các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam.

Khẩn trương khắc phục sự cố xói lở thượng lưu công trình hồ Nà Tằm

Đến thời điểm hiện nay, thân đập đã bị rỗng nên tiếp tục bị sụt lún phần bên hố xói với diện tích khoảng 4 - 5 m2. Ban chỉ huy phân công các lực lượng tiếp tục ứng trực để sẵn sàng ứng cứu.

Xói lở tại thượng lưu công trình hồ Nà Tằm do ảnh hưởng của đợt mưa vừa qua. Ảnh minh họa

Xói lở tại thượng lưu công trình hồ Nà Tằm do ảnh hưởng của đợt mưa vừa qua. Ảnh minh họa

Ngày 27/7, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình, tại địa bàn xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) đã xảy ra sự cố xói lở mái thượng lưu công trình hồ Nà Tằm.

Công trình hồ Nà Tằm được xây dựng từ năm 1980. Hồ có dung tích hơn 800.000 m3, chiều cao đập 12 m, chiều dài đập 260 m, cung cấp nước tưới tiêu cho hơn 50 ha đất canh tác nông nghiệp và nước sinh hoạt cho bà con. Đập chứa nước là đập đất, mái thượng lưu được gia cố bảo vệ bằng khung bê tông bên trong lát đá hộc.

Do ảnh hưởng của 2 đợt mưa lớn kéo dài vừa qua, lượng mưa lớn trên 200 mm, lưu lượng nước về hồ nhanh. Tại thời điểm xảy ra sự cố ngày 26/7, mực nước trong hồ là 9,5 m, cao hơn mực nước dâng bình thường và đang chảy tràn khoảng 0,5 cm.

Đơn vị quản lý công trình đã chủ động điều tiết nước qua cống để xả nước tiêu đệm, tuy nhiên do cống lấy nước nhỏ nên thoát nước chậm.

Vào 16 giờ 30 ngày 26/7, tại vị trí giữa mái đập thượng lưu công trình hồ Nà Tằm, bên dưới mực nước dâng bình thường khoảng 20 cm xuất hiện hố sụt với đường kính khoảng 40 cm. Nước chảy mạnh kéo theo đất, đá của mái thượng lưu vào miệng hố xói chảy luồn qua thân đập về phía hạ lưu. Đến 18 giờ cùng ngày, vị trí hố xói tiếp tục mở rộng với diện tích khoảng 10 - 15 m2, nước chảy mạnh, xói 2 bên miệng hố cuốn theo đất đá chảy về hạ lưu đập.

Sau khi xảy ra sự cố, các đơn vị chức năng tỉnh Hòa Bình đã khẩn trương có mặt để xử lý vụ việc.

Qua đó, đã huy động các lực lượng tại chỗ gồm: hơn 100 nhân công địa phương và lực lượng địa phương để ứng cứu, đắp bao tải đất lấp hố xói; huy động 2 máy xúc, 6 xe tải chở đất đá kịp thời xử lý lấp hố xói; triển khai phương án đảm bảo an toàn, thông báo di dời khoảng 30 hộ dân phía sau hạ lưu đến khu vực an toàn...

Đến thời điểm hiện nay, thân đập đã bị rỗng nên tiếp tục bị sụt lún phần bên hố xói với diện tích khoảng 4 - 5 m2.

Sạt lở hàng nghìn m3 đất tại tuyến đường tránh thành phố Sơn La

Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua khiến taluy dương tại Km304+620 tuyến tránh Quốc lộ 6, địa phận bản Lụa, xã Hua La, TP. Sơn La (tỉnh Sơn La) bị sạt lở ngày 27/7 khiến hàng nghìn m3 đất đổ sập xuống, lấp kín lòng đường gây cản trở giao thông.

Máy xúc, ô tô được huy động để xúc, ủi, san gạt, đảm bảo thông tuyến nhanh nhất.

Máy xúc, ô tô được huy động để xúc, ủi, san gạt, đảm bảo thông tuyến nhanh nhất.

Rất may thời điểm xảy ra vụ việc không có phương tiện giao thông di chuyển qua, điểm sạt lở cách xa nơi có hộ dân sinh sống nên không bị ảnh hưởng.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Sơn La đã có mặt tại hiện trường để chốt chặn, cảnh báo và hướng dẫn các phương tiện di chuyển an toàn; hàng chục máy xúc, ô tô được huy động để xúc, ủi, san gạt, khẩn trương khắc phục sự cố, đảm bảo thông tuyến nhanh nhất.

Trước đó, từ ngày 23 - 26/7, trên địa bàn tỉnh Sơn La xuất hiện mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất, lũ quét, ngập úng làm thiệt hại nặng nề về người, tài sản và hạ tầng..., ước tổng thiệt hại trên 280 tỷ đồng.

Mưa lũ, sạt lở đất, đá đã làm 15 người chết, bị thương, mất tích (2 người tại huyện Thuận Châu bị mất tích đã tìm thấy thi thể); gần 2.350 ngôi nhà bị thiệt hại; 8 điểm trường bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, mưa lớn còn gây sạt lở, sụt taluy dương, sa bồi 261.268 m3; sạt lở taluy âm 512 m; xói lề đường 1.327 m3; hư hỏng 16 cầu, cống; 130 vị trí sạt lở gây ách tắc giao thông, nhiều điểm nguy cơ cao sạt lở đất, đá…

Phú Quốc điều chỉnh, cắt giảm 12 dự án đầu tư

Kỳ họp thứ 17, HĐND TP. Phú Quốc vừa thông qua nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư cắt giảm 12 dự án. Đáng chú ý, có tới 7 dự án liên quan đến trường học bị cắt giảm đầu tư.

Một số dự án tại thành phố Phú Quốc chưa được bố trí quỹ đất để thực hiện

Một số dự án tại thành phố Phú Quốc chưa được bố trí quỹ đất để thực hiện

Các dự án bị cắt giảm gồm: Trường Mầm non Dương Đông 2; Khu trung tâm hành chính Phú Quốc; Trường Tiểu học Dương Tơ 1 điểm Suối Lớn; Trường Tiểu học và THCS Bãi Thơm; Trường THCS Hàm Ninh; Trường Mầm non Hồ Thị Nghiêm; Trường Mầm non An Thới giai đoạn 2; Trường Tiểu học và THCS An Thới 2; đường ven biển phía Tây; Bệnh viện Đa khoa Phú Quốc; chợ mới An Thới và Dự án xây dựng mới đồn biên phòng.

Lý giải việc cắt giảm 12 dự án, lãnh đạo UBND TP. Phú Quốc cho biết, có nhiều nguyên nhân, trong đó một số dự án xây dựng chưa được bố trí quỹ đất để thực hiện.

Dự án Đường ven biển phía Tây trùng với Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường ven biển phía Tây đảo Phú Quốc được HĐND tỉnh Kiên Giang ban hành Nghị quyết số 174/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 quyết định chủ trương đầu tư, vì vậy Dự án đang tạm ngưng, không triển khai thực hiện. Dự án Xây dựng Bệnh viện Đa khoa Phú Quốc vướng về pháp lý như thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và vướng thủ tục chuyển đổi đất rừng.

Dự án Khu trung tâm hành chính Phú Quốc do nguyên nhân bất khả kháng làm thay đổi mục tiêu, quy mô đầu tư, chi phí và thời gian thực hiện. Dự án được phê duyệt thực hiện trong thời gian từ 2021 đến 2024, tuy nhiên tới thời điểm hiện tại chưa chuẩn bị đầu tư Dự án, dẫn tới không thể hoàn thành Dự án theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.

Thành phố Thanh Hóa sẽ giữ nguyên tên cũ sau sáp nhập

Theo Đề án sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa, đơn vị hành chính mới vẫn giữ tên cũ do có ưu điểm về văn hóa, lịch sử và tiết kiệm kinh phí.

Một góc TP. Thanh Hóa hiện nay

Một góc TP. Thanh Hóa hiện nay

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, địa phương đang hoàn thiện thủ tục cuối cùng trước khi trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Đề án sáp nhập TP. Thanh Hóa và huyện Đông Sơn.

Dự kiến trong năm 2024 hoặc nửa đầu 2025, kế hoạch sáp nhập hai đơn vị hành chính cấp huyện này sẽ hoàn thành. Chính quyền huyện Đông Sơn và TP. Thanh Hóa cũng vừa hoàn thành bước lấy ý kiến người dân, cơ bản nhận được đồng thuận cao.

Kế hoạch sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa dự kiến thực hiện tháng 7/2023, song phải lùi lại do vướng mắc một số thủ tục hành chính. Theo Dự thảo Đề án đang được trình các bộ, ngành Trung ương, toàn bộ gần 83 km2, dân số hơn 101.000 ở 14 xã, thị trấn của huyện Đông Sơn sẽ nhập vào TP. Thanh Hóa.

Sau sáp nhập, Thành phố sẽ có diện tích tự nhiên hơn 228 km2, dân số hơn 570.000, với 37 phường và 11 xã. Có 7 phường dự kiến được lập mới gồm Rừng Thông, Hoằng Quang, Hoằng Đại, Đông Tiến, Đông Văn, Đông Khê và Đông Thịnh.

Vấn đề đặt tên gọi cho đơn vị hành chính mới sau sáp nhập thời gian qua nhận được sự quan tâm lớn của người dân, có nhiều ý kiến trái chiều. Một số nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa cho rằng, cần đặt tên thành phố mới là TP. Đông Sơn bởi gắn liền với tên gọi một nền văn hóa nổi tiếng trong lịch sử đất nước. Tuy nhiên, theo Ban soạn thảo Đề án, tên gọi này sẽ làm nảy sinh một số bất cập, lãng phí về mặt kinh tế.

Theo Đề án, danh xưng Thanh Hóa đã có từ gần 1.000 năm, xuyên suốt quá trình chia tách, mở rộng, thành lập các đơn vị hành chính. Trải qua nhiều thời kỳ phát triển của đất nước cũng như của tỉnh Thanh Hóa, lỵ sở, đô thị tỉnh lỵ tên gọi Thanh Hóa vẫn không thay đổi. Mặt khác, tên gọi Thanh Hóa "đã được định vị và nhận diện rộng khắp trong nước và quốc tế, gắn liền với quá trình hội nhập, phát triển của tỉnh Thanh Hóa"…

Mặt cầu Phù Đổng hư hỏng sau bão Prapiroon

Cầu Phù Đổng bắc qua sông Đuống, nối TP. Hà Nội với tỉnh Bắc Giang bị bong lớp bê tông nhựa mặt cầu, tạo thành những ổ gà, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Mặt cầu Phù Đổng bị bong bật lớp bê tông nhựa

Mặt cầu Phù Đổng bị bong bật lớp bê tông nhựa

Nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão Prapiroon, tỉnh Bắc Giang xảy ra mưa lớn ngày 23 - 24/7. Sau khi kiểm tra cầu Phù Đổng, Khu quản lý đường bộ I đánh giá, mặt cầu bị hỏng, bong bật dài 32 m, rộng 14 m, tiềm ẩn mất an toàn cho người và phương tiện.

Khu quản lý đường bộ I yêu cầu Công ty CP BOT Hà Nội - Bắc Giang và nhà thầu bảo trì sửa chữa khẩn cấp để bảo đảm giao thông trên tuyến. Trước mắt, đơn vị sửa chữa sẽ cào bóc phần bê tông nhựa mặt cầu, sau đó làm chống thấm mặt cầu, tưới nhựa bám dính và thảm bê tông nhựa.

Cầu Phù Đổng dài 946 m, gồm 6 làn xe và 2 làn khẩn cấp, có hai đơn nguyên. Đơn nguyên bên phải đã khai thác 22 năm nên bề mặt có dấu hiệu xuống cấp. Công trình nằm trên Quốc lộ 1, mật độ giao thông rất lớn.

Lạng Sơn giải ngân hơn 1.100 tỷ đồng đầu tư công

Nửa đầu năm, tỉnh Lạng Sơn giải ngân vốn đầu tư công đạt 1.128 tỷ đồng, bằng 33% kế hoạch.

Nhà thầu huy động phương tiện thảm mặt đường Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn Km3+700 đến Km18, tại phân đoạn Km6

Nhà thầu huy động phương tiện thảm mặt đường Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn Km3+700 đến Km18, tại phân đoạn Km6

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, các chủ đầu tư đã có nhiều nỗ lực thực hiện giải ngân nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc khiến tiến độ chưa đạt kỳ vọng.

Trong đó, những vướng mắc ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là giải phóng mặt bằng còn chậm; công tác thu tiền sử dụng đất để bố trí cho các dự án gặp nhiều khó khăn; vướng mắc về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất...

Trong số 38 dự án chuyển tiếp do các cơ quan cấp tỉnh quản lý, có 8 dự án tiến độ chậm do vướng mắc giải phóng mặt bằng, điều chỉnh thiết kế. 9 công trình mục tiêu quốc gia khởi công mới do các cơ quan cấp tỉnh quản lý đều chưa khởi công do vướng quy hoạch tổng mặt bằng, thủ tục đầu tư, đối tượng chi. Đối với 8 dự án khởi công mới sử dụng nguồn vốn đầu tư công tập trung do cấp tỉnh quản lý, mới thực hiện khởi công 1 công trình, 7 công trình còn lại chậm về hoàn thiện thủ tục đầu tư và vướng mắc về đấu thầu...

Với 5 dự án trọng điểm của Tỉnh sử dụng vốn đầu tư công và 1 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tiến độ cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Trong đó, có 3 trong 5 công trình chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng; 1 dự án thiếu chỉ tiêu đất giao thông.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của toàn tỉnh là 3.449 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị được giao chủ đầu tư đã giải ngân được 1.128 tỷ đồng, tương ứng 33% kế hoạch (tương đương cùng kỳ 2023). Từ nay đến cuối năm, số vốn cần giải ngân là 2.321 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục