Bản tin thời sự sáng 2/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là công an tỉnh Tiền Giang thông tin vụ trạm biến áp cháy dữ dội làm 100.000 người bị ảnh hưởng; Thừa Thiên Huế sẽ trở thành đô thị loại I vào năm 2025; kiến nghị kiểm điểm tập thể lãnh đạo Bộ Xây dựng 2 giai đoạn; giao dịch qua TPBank bị nghẽn…

Công an tỉnh Tiền Giang thông tin vụ trạm biến áp cháy dữ dội làm 100.000 người bị ảnh hưởng

Vụ trạm biến áp ở Tiền Giang cháy dữ dội làm hơn 100.000 người bị ảnh hưởng do mất điện. Thông tin sơ bộ ban đầu, nguyên nhân vụ việc do sét đánh...

Hiện trường vụ cháy tại trạm biến áp ở thị xã Cai Lậy

Hiện trường vụ cháy tại trạm biến áp ở thị xã Cai Lậy

Ngày 1/9, Công an tỉnh Tiền Giang thông tin vụ cháy tại trạm biến áp 220kV ở thị xã Cai Lậy.

Theo công an tỉnh Tiền Giang, khoảng 21h30 tối 31/8, Đội Chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Cai Lậy (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Tiền Giang) nhận tin báo về vụ cháy xảy ra tại Trạm biến áp 220 KV Cai Lậy (Phường 5, thị xã Cai Lậy). Lập tức, 17 cán bộ, chiến sĩ cùng 3 xe chữa cháy được điều tới hiện trường.

Đồng thời, Ban Chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh điều động 1 xe chỉ huy, 2 xe chữa cháy, 17 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường chữa cháy.

Theo công an, đám cháy có diện tích khoảng 100 m2 trên tổng diện tích 33.000 m2 của Trạm biến áp.

Đến 22h55 cùng ngày, đám cháy được khống chế. Cảnh sát tiếp tục thực hiện các biện pháp làm mát để dập tắt hoàn toàn đám cháy và phân công lực lượng ứng trực tại hiện trường nhằm kịp thời xử lý nếu có sự cố cháy phát sinh.

Đám cháy không gây thiệt hại về người, tuy nhiên thiệt hại 2 máy biến áp.

Do Trạm biến áp cấp điện cho 16 xã, phường tại thị xã Cai Lậy cùng 15 xã, thị trấn của huyện Cai Lậy nên sự cố ảnh hưởng cả trăm nghìn người dân, đơn vị sản xuất, kinh doanh.

Sáng 1/9, Tổng công ty Điện lực miền Nam cùng các cơ quan chuyên môn đến hiện trường vụ cháy để làm rõ nguyên nhân, đồng thời tìm hướng khắc phục.

Theo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, thông tin ban đầu là đã xảy ra sét đánh vào đầu trụ cáp ngầm 22kV phía ngoài trạm, sau đó lan truyền vào Trạm biến áp Cai Lậy gây sự cố máy biến áp 110kV. Thời điểm này, khu vực trên xảy ra mưa lớn, giông sét.

Thừa Thiên Huế sẽ trở thành đô thị loại I vào năm 2025

Toàn bộ địa giới hành chính gần 5.000 km2 của tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến trở thành đô thị loại I vào năm 2025.

Trung tâm TP. Huế ở bờ nam sông Hương

Trung tâm TP. Huế ở bờ nam sông Hương

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, đạt tiêu chí đô thị loại I.

Phạm vi đánh giá phân loại đô thị là toàn bộ địa giới hành chính hiện hữu của tỉnh Thừa Thiên Huế, với diện tích tự nhiên gần 5.000 km2. Khu vực nội thành dự kiến thành lập 2 quận trong thành phố trực thuộc Trung ương, gồm toàn bộ địa giới hành chính của TP. Huế là 266 km2.

Trước đó, ngày 22/7, Bộ Xây dựng đã thẩm định đề án công nhận tỉnh Thừa Thiên Huế đạt tiêu chí đô thị loại I và đánh giá trình độ cơ sở hạ tầng của khu vực dự kiến thành lập quận, phường. Sau rà soát, Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, đến 2025, Thừa Thiên Huế phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với 9 đơn vị hành chính gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện.

Hai quận dự kiến là Phú Xuân với dân số khoảng 203.000 người và Thuận Hóa với dân số khoảng 300.000 người. Ba thị xã là Phong Điền, Hương Thủy và Hương Trà, có vai trò bảo tồn, hỗ trợ đô thị trung tâm. Bốn huyện gồm Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới và một huyện sáp nhập Phú Lộc với Nam Đông.

Kiến nghị kiểm điểm tập thể lãnh đạo Bộ Xây dựng 2 giai đoạn

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng tổ chức kiểm điểm để có hình thức xử lý tập thể lãnh đạo bộ giai đoạn 2007 - 2008, 2016 - 2017.

Bộ Xây dựng phải làm rõ việc thoái vốn nhà nước tại DIC Corp

Bộ Xây dựng phải làm rõ việc thoái vốn nhà nước tại DIC Corp

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC (nay là Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC Corp).

Kết luận thanh tra cho thấy còn nhiều hạn chế, thiếu sót và vi phạm trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn như căn cứ pháp lý và trình tự, thủ tục cổ phần hóa; về xác định giá trị tài sản; về xử lý tài chính; về phát hành cổ phiếu riêng lẻ; về trình tự, thủ tục thoái vốn và việc xác định giá trị cổ phần hóa để thoái vốn nhà nước.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, trách nhiệm đối với các vi phạm về trình tự, thủ tục trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp thuộc về Ban Chỉ đạo cổ phần hoá Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng (Ban Chỉ đạo), lãnh đạo Bộ Xây dựng giai đoạn 2007 - 2008.

Trách nhiệm về vi phạm trong xác định giá trị tài sản khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá chủ yếu thuộc về đơn vị tư vấn là VIVACO, đồng thời có phần trách nhiệm của Ban Chỉ đạo, lãnh đạo Bộ Xây dựng giai đoạn 2007 - 2008.

Trách nhiệm trong việc không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất mà sử dụng phương pháp tập hợp chi phí đầu tư và giá trị quyền phát triển dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc về Ban Chỉ đạo, lãnh đạo Bộ Xây dựng giai đoạn 2007 - 2008.

Trách nhiệm về vi phạm trong việc hạch toán khoản lỗ của các công ty con trong quá trình quyết toán vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc về Ban Chỉ đạo, lãnh đạo Bộ Xây dựng giai đoạn năm 2008, năm 2016.

Trách nhiệm trong việc chỉ đạo về giá chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2009 thuộc lãnh đạo Bộ Xây dựng giai đoạn năm 2009.

Trách nhiệm đối với thiếu sót về trình tự, thủ tục trong phê duyệt phương án thoái vốn nhà nước tại DIC Corp thuộc Bộ Xây dựng, lãnh đạo Bộ Xây dựng giai đoạn 2016 - 2017.

Trên cơ sở kết quả thanh tra nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng tổ chức kiểm điểm để có hình thức xử lý theo quy định đối với tập thể lãnh đạo Bộ Xây dựng giai đoạn 2007 - 2008, 2016 - 2017 và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra những hạn chế, vi phạm.

"Trong quá trình kiểm điểm, rà soát, xử lý, khắc phục các hạn chế, vi phạm nêu trên, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì Bộ Xây dựng chuyển thông tin đến cơ quan điều tra xem xét xử lý theo thẩm quyền", Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Giao dịch qua TPBank bị nghẽn

Hệ thống giao dịch của TPBank bị gián đoạn trong gần hết ngày nghỉ lễ thứ hai, khi ngân hàng này nâng cấp hệ thống core banking.

Ứng dụng TPBank có thể đăng nhập nhưng không thể thực hiện một số tác vụ

Ứng dụng TPBank có thể đăng nhập nhưng không thể thực hiện một số tác vụ

Tuần trước, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) thông báo kế hoạch nâng cấp hệ thống. Việc này dự kiến thực hiện từ tối ngày 31/8 đến 11h ngày 1/9. Tuy nhiên, đến chiều nay, giao dịch của ngân hàng này vẫn chưa thông suốt.

Đến 17h45, nhiều khách hàng cho biết hệ thống TPBank có thể đăng nhập và giao dịch trở lại, chậm hơn nhiều giờ so với hạn hoàn thành nâng cấp hệ thống của nhà băng này trước đó. Dù vậy, một số tác vụ như tra cứu lịch sử giao dịch, chuyển khoản... vẫn không thể thực hiện.

Đến cuối năm 2023, TPBank cho biết có 12 triệu khách hàng. Lượng khách mới tăng hơn 40% so với năm 2022. Hết quý II, ngân hàng này có tổng tài sản hơn 361.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Quy mô cho vay và huy động tiền gửi của khách hàng đều trên 200.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, nhà băng này lãi trước thuế hơn 3.700 tỷ, tăng hơn 10% cùng kỳ năm trước.

Đấu giá hơn 2.100 xe máy vi phạm, giá từ 600.000 đồng/chiếc

Lô tài sản gồm hơn 2.100 mô tô hai bánh là phương tiện vi phạm hành chính đã xác lập quyền sở hữu toàn dân được đấu giá khởi điểm hơn 1,48 tỷ đồng.

Đấu giá hơn 2.100 xe máy vi phạm, giá từ 600.000 đồng/chiếc. Ảnh minh họa

Đấu giá hơn 2.100 xe máy vi phạm, giá từ 600.000 đồng/chiếc. Ảnh minh họa

Theo thông báo bán đấu giá, lô tài sản là hơn 2.100 chiếc mô tô, xe gắn máy 2 bánh (bán phế liệu không được đăng ký lưu hành). Số xe này là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị Công an TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) tịch thu.

Giá khởi điểm của lô tài sản này là hơn 1,48 tỷ đồng, chưa bao gồm thuế, phí khác (nếu có), trung bình gần 700.000 đồng/xe. Số tiền đặt trước 290 triệu đồng. Thời gian đấu giá dự kiến vào chiều ngày 9/9 theo hình thức trực tuyến với phương thức trả giá lên, bước giá 5 triệu đồng.

Theo danh sách hơn 2.100 xe đấu giá, đa số vẫn còn biển số, là các loại xe thương hiệu Honda, Yamaha với những dòng như Dream, Sirius, Wave... Nhiều xe không còn xác định được số khung, số máy vì bị oxy hóa, chất lượng còn sử dụng được khoảng 15 - 25%. Giá trị xe được cơ quan chức năng xác định khoảng 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.

Công ty đấu giá xe máy cũng lưu ý khách hàng không đi xem tài sản thì được coi là đã chấp nhận chất lượng và số lượng của tài sản đấu giá và không có quyền khiếu kiện, khiếu nại sau khi nộp hồ sơ tham gia. Cơ quan công an sẽ thuê đơn vị độc lập để tiến hành mài số, cắt đôi khung, sườn đục số máy, đục thủng lốc máy... trước khi nhận bàn giao tài sản.

Hà Nội lấy ý kiến về điều kiện tách thửa, hợp thửa từng loại đất

Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND thành phố Hà Nội Dự thảo quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách với từng loại đất.

Hà Nội lấy ý kiến về điều kiện tách thửa, hợp thửa từng loại đất

Hà Nội lấy ý kiến về điều kiện tách thửa, hợp thửa từng loại đất

Triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành trên địa bàn Thành phố, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm, đúng thẩm quyền và quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND thành phố Hà Nội Dự thảo quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách với từng loại đất. Thành phố đang lấy ý kiến về vấn đề này.

Căn cứ vào các quy định của Luật, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề xuất, nếu tách thửa không hình thành lối đi mới tại phường, thị trấn, thửa đất phải đảm bảo diện tích không nhỏ hơn 50 m2, chiều dài trên 4 m và chiều rộng giáp đường giao thông từ 4 m trở lên.

Đối với các xã vùng đồng bằng, diện tích tối thiểu để tách thửa là 80 m2, các xã vùng trung du là 100 m2, các xã miền núi tối thiểu 150 m2. Trường hợp tách thửa có hình thành lối đi, chiều rộng mặt cắt ngang của lối đi được yêu cầu từ 3,5 m đối với thị trấn, 4 m trở lên đối với khu vực đồng bằng và 5 m trở lên đối với trung du, miền núi.

Cũng theo Dự thảo, đất phi nông nghiệp áp dụng cho các thửa đất không thuộc trường hợp được Nhà nước giao hoặc cho thuê để thực hiện dự án tại phường, thị trấn (với đất thương mại dịch vụ), thửa đất mới phải có chiều rộng giáp đường giao thông từ 10 m trở lên, diện tích tối thiểu 400 m2. Riêng các loại đất phi nông nghiệp khác, thửa đất phải có chiều rộng trên 20 m, diện tích tối thiểu 1.000 m2. Tại các xã khác, đất thương mại dịch vụ được tách thửa phải có diện tích không dưới 800 m2 và đất phi nông nghiệp khác không dưới 2.000 m2.

Hiện nay, việc tách thửa ở Hà Nội áp dụng theo Quyết định số 20/2017. Theo quy định, lô đất sau khi tách thửa phải có diện tích tối thiểu 30 m2 với các phường, thị trấn và không nhỏ hơn 50% hạn mức giao đất ở mới (tối thiểu) với các địa bàn còn lại.

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng nhẹ

Hơn 10 ngân hàng tư nhân tiếp tục tăng lãi suất từ 0,1% đến 0,9%, áp đảo số ít đơn vị giảm trong tháng qua.

Hơn 10 ngân hàng tư nhân tiếp tục tăng lãi suất từ 0,1% đến 0,9%

Hơn 10 ngân hàng tư nhân tiếp tục tăng lãi suất từ 0,1% đến 0,9%

Tính đến cuối tháng 8 cho thấy, hơn 10 ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ lãi suất trong tháng 8. Danh sách tăng lãi suất tiết kiệm gồm nhiều nhà băng tư nhân lớn như VPBank, Techcombank, ACB, Sacombank, TPBank, SHB.

Trong đó, VPBank tăng 0,5% ở kỳ hạn 1 tháng và 0,2% kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. ACB, SHB tăng 0,1 - 0,4% ở tất cả kỳ hạn. Techcombank, TPBank tăng 0,2 - 0,4% cho các kỳ hạn dưới 12 tháng. Sacombank là nhà băng lớn điều chỉnh mạnh nhất trong nhóm này khi tăng tới 0,8% cho kỳ hạn 6 tháng và 0,5 - 0,6% cho kỳ hạn 9 - 12 tháng.

Đợt tăng lãi suất cũng ghi nhận tại một vài nhà băng top dưới như DongABank, CBBank, Saigonbank, BaoVietBank sau thời gian dài giữ nguyên. Trong đó, DongABank tăng mạnh tới 0,9% ở hầu hết kỳ hạn. Ngoài ra, nhà băng ngoại CIMB cũng điều chỉnh biểu lãi suất đợt này.

Tuy nhiên, tháng qua cũng ghi nhận một vài ngân hàng top dưới điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm sau các đợt tăng trước đó, như SeABank, BacABank.

Hiện, ngoài ABBank đang yết lãi suất 6,2% cao nhất hệ thống cho khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, một số nhà băng khác như BaoVietBank, BVBank, NCB, HDBank cũng trả lãi suất 6% nhưng với các khoản tiền gửi kỳ hạn dài hơi hơn 15 - 24 tháng.

Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 năm nay. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ quanh 5% một năm, hiện lên 6,2% một năm. Số ngân hàng trả lãi suất từ 5% trở lên cũng nhiều hơn gấp đôi, từ 12 lên 29 đơn vị.

Tính đến hết quý II, số dư tiền gửi của phần lớn ngân hàng tăng thấp hơn cùng kỳ trong bối cảnh giải ngân tín dụng hạn chế. Thậm chí, 4 ngân hàng như Vietcombank, TPBank, ABBank và VietABank ghi nhận lượng tiền gửi giảm so với đầu năm.

Sáp nhập hơn 84.000 người vào thành phố Nam Định từ 1/9

Sau khi sắp xếp, thành phố Nam Định có 21 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 15 đơn vị), gồm 14 phường và 7 xã.

Một góc thành phố Nam Định

Một góc thành phố Nam Định

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1104 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Nam Định, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2024.

Theo Nghị quyết, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 74,49 km2, quy mô dân số là 84.045 người của huyện Mỹ Lộc vào TP. Nam Định. Sau khi nhập, TP. Nam Định có diện tích tự nhiên là 120,90 km2 và quy mô dân số là 364.181 người.

Thành lập, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP. Nam Định như sau: thành lập phường Nam Phong trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Nam Phong; thành lập phường Nam Vân trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Nam Vân; thành lập phường Hưng Lộc trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Mỹ Hưng và thị trấn Mỹ Lộc; nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Lộc An và phường Văn Miếu vào phường Trường Thi; nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Hạ Long và phường Thống Nhất vào phường Quang Trung; nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Trần Tế Xương và phường Vị Hoàng vào phường Vị Xuyên; nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Phan Đình Phùng và phường Nguyễn Du vào phường Trần Hưng Đạo; nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Ngô Quyền và phường Trần Quang Khải vào phường Năng Tĩnh; nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Bà Triệu và phường Trần Đăng Ninh vào phường Cửa Bắc.

Thành lập xã Mỹ Lộc trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Mỹ Thành, xã Mỹ Thịnh và xã Mỹ Tiến.

Sau khi sắp xếp, TP. Nam Định có 21 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 15 đơn vị), gồm 14 phường: Cửa Bắc, Cửa Nam, Hưng Lộc, Lộc Hạ, Lộc Hòa, Lộc Vượng, Nam Phong, Nam Vân, Năng Tĩnh, Mỹ Xá, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Trường Thi, Vị Xuyên và 7 xã: Mỹ Hà, Mỹ Lộc, Mỹ Phúc, Mỹ Tân, Mỹ Thắng, Mỹ Thuận, Mỹ Trung.

Hoàn thành GPMB dự án mở rộng đường Tam Trinh (Hà Nội) trong tháng 9

UBND quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ dự án mở rộng đường Tam Trinh, dự kiến hoàn thành trong tháng 9.

Đường Tam Trinh lụt tiến độ nhiều năm khiến người dân đi lại vất vả.

Đường Tam Trinh lụt tiến độ nhiều năm khiến người dân đi lại vất vả.

Dự án Đầu tư xây dựng đường Tam Trinh dài hơn 3,5 km được UBND TP. Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2012, khởi công năm 2016, dự kiến hoàn thành sau 3 năm. Dự án sẽ mở rộng đường Tam Trinh lên 40m với 6 làn xe. Dự án có điểm đầu nối với đường Minh Khai, thuộc đường Vành đai 2 (dài gần 44 km) và đường Vành đai 3 (dài 65 km).

Thời điểm năm 2012, Dự án có tổng mức đầu tư 2.066 tỷ đồng, đến năm 2019 được điều chỉnh lên 3.354 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 12 năm, Dự án vẫn dang dở.

Thông tin về tình hình triển khai Dự án xây dựng đường Tam Trinh, UBND quận Hoàng Mai cho biết, đang đặt mục tiêu hết tháng 9/2024 hoàn thành cơ bản công tác giải phóng mặt bằng, tập trung thi công và phấn đấu đến hết năm 2025, cơ bản hoàn thành dự án mở rộng đường Tam Trinh.

UBND quận Hoàng Mai cũng yêu cầu, Trung tâm Phát triển quỹ đất Quận phối hợp với địa phương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án trước ngày 1/10/2024.

Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng tại phường Mai Động cơ bản đã hoàn thành, đặc biệt là khu vực chợ Mai Động đã được bàn giao. Còn phường Yên Sở chiều dài đoạn tuyến Dự án chạy qua địa bàn phường là 1,3 km với tổng diện tích thu hồi 43.000 m2, liên quan đến 1.300 trường hợp, trong đó 800 hộ liên quan đến đất nông nghiệp, còn lại là đất ở.

Đến nay, khu vực Tây Tam Trinh đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, còn bên Đông Tam Trinh liên quan đến 201 hộ, với 146 hộ chưa giải phóng mặt bằng. UBND phường đã vận động, tuyên truyền, đến nay còn 40 hộ chưa đồng ý với phương án bồi thường.

UBND quận Hoàng Mai khẳng định dù vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc cần tiếp tục giải quyết, nhưng UBND quận quyết tâm đến hết tháng 9/2024 hoàn thành cơ bản công tác giải phóng mặt bằng, tập trung thi công và phấn đấu đến hết năm 2025, cơ bản hoàn thành dự án mở rộng đường Tam Trinh.

Tin cùng chuyên mục