Bản tin thời sự sáng 29/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng ngày 1/3 có thể tăng lần thứ 6 liên tiếp; tiếp tục đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang trong vụ bán rẻ đất công; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm vượt 100 tỷ USD; hai tuyến cáp quang IA và APG vừa được sửa xong; hoàn tất cưỡng chế 2 lô biệt thự Ocean View Nha Trang xây vượt tầng…

Giá xăng ngày 1/3 có thể tăng lần thứ 6 liên tiếp

Theo doanh nghiệp đầu mối, giá xăng và dầu thế giới tiếp tục đi lên nên kỳ điều hành ngày 1/3, giá sản phẩm này có thể tăng thêm 300 đồng một lít. Ngày 1/3, Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ mới.

Ngày 1/3, ngày đầu tiên điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ mới

Ngày 1/3, ngày đầu tiên điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ mới

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho biết, xung đột Nga - Ukraine khiến giá dầu liên tục tăng "sốc" và vượt xa mốc 100 USD một thùng và có thể còn leo thang. Do đó, kỳ điều hành này, giá xăng và dầu trong nước sẽ tăng khoảng 200 - 300 đồng một lít.

Ngược lại, nếu cơ quan quản lý trích và sử dụng Quỹ bình ổn, giá xăng và dầu có thể được giữ nguyên.

Đồng quan điểm, lãnh đạo đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho rằng, giá xăng có thể điều chỉnh tăng ngày 1/3. Tuy nhiên, 5 lần tăng liên tiếp vừa qua đang khiến cho giá vận chuyển và hàng hoá trong nước có dấu hiệu "nhảy vọt". Do đó, ông cho rằng ở một phương án khác, có thể cơ quan quản lý sử dụng Quỹ, thậm chí giảm thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong thời gian tới.

Tại kỳ điều hành 21/2, giá xăng E5 RON 92 là 25.530 đồng một lít (tăng 960 đồng); RON 95 là 26.280 đồng một lít (tăng 960 đồng). Dầu hoả là 19.500 đồng một lít, tăng 750 đồng. Dầu diesel là 20.800 đồng một lít, đắt hơn 940 đồng. Dầu madut là 17.930 đồng một kg, tăng 280 đồng.

Tiếp tục đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang trong vụ bán rẻ đất công

Theo kết luận điều tra mới, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM tiếp tục đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Bị cáo Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thành ủy.

Bị cáo Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thành ủy.

Ngày 28/2, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM cho biết đã tiếp nhận kết luận điều tra bổ sung và toàn bộ tài liệu chứng cứ của Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố về vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Xây dựng Tân Thuận).

Trước đó vào tháng 10/2021 và tháng 12/2021, Viện Kiểm sát đã hai lần trả kết luận điều tra, đề nghị điều tra bổ sung vụ án.

Theo kết luận điều tra bổ sung mới nhất của Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM, Cơ quan điều tra tiếp tục đề nghị truy tố bị can Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM), Trần Công Thiện (nguyên Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Tân Thuận) và 8 đồng phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cơ quan điều tra xác định bị can Tất Thành Cang và đồng phạm có sai phạm trong chuyển nhượng Dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) và Dự án Khu dân cư Ven Sông (Quận 7) từ Công ty Tân Thuận cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, gây thất thoát tổng cộng 248 tỷ đồng.

Các bị can nguyên là cán bộ Công ty Xây dựng Tân Thuận đã có hành vi tổ chức và thực hiện không đúng quy định về xây dựng giá dẫn đến giá trị chuyển nhượng phần đất đã đền bù không đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm vượt 100 tỷ USD

Trong 2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 937 triệu USD…

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2022 giảm do số ngày làm việc ít hơn tháng trước.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2022 giảm do số ngày làm việc ít hơn tháng trước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 2/2022 có số ngày làm việc ít hơn tháng 1/2022 nên tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng giảm 20% so với tháng trước, ước đạt 48,2 tỷ USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 2 năm nay vẫn tăng 17,6%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Về xuất khẩu hàng hóa, trong tháng 2/2022 ước đạt 22,95 tỷ USD, giảm 25,6% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2022 tăng 13,2%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2022 ước đạt 25,28 tỷ USD, giảm 14,2% so với tháng trước; nhưng tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,73 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tháng 2/2022 ước tính nhập siêu 2,34 tỷ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 937 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,6 tỷ USD).

Chuẩn bị tàu bay, phương án đưa công dân Việt Nam tại Ukraine về nước

Các hãng hàng không có trách nhiệm báo cáo phương án khai thác các chuyến bay đưa công dân Việt Nam tại Ukraine về nước do căng thẳng tại Nga - Ukraine.

Các hãng hàng không có trách nhiệm báo cáo phương án khai thác các chuyến bay đưa công dân Việt Nam tại Ukraine về nước.

Các hãng hàng không có trách nhiệm báo cáo phương án khai thác các chuyến bay đưa công dân Việt Nam tại Ukraine về nước.

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways… yêu cầu chuẩn bị nguồn lực (tàu bay, phi công, tiếp viên) và xây dựng phương án khai thác các chuyến bay đưa công dân Việt Nam tại Ukraine về nước.

Văn bản do Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn ký yêu cầu các hãng hàng không có trách nhiệm báo cáo phương án khai thác về Cục Hàng không trước ngày 2/3/2022.

Cục Hàng không Việt Nam sẽ có thông báo đến các hãng hàng không về việc thực hiện các chuyến bay nêu trên khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải.

Công tác này tiếp tục được khẩn trương xúc tiến sau khi công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình tại Ukraine được ban hành trong ngày 26/2.

Hai tuyến cáp quang IA và APG vừa được sửa xong

Cả 2 tuyến IA và APG vừa được sửa chữa và khôi phục dung lượng trên tuyến. Hiện tại, AAG là tuyến cáp quang biển duy nhất còn gặp sự cố.

Tuyến cáp APG đi qua nhiều địa điểm tại châu Á.

Tuyến cáp APG đi qua nhiều địa điểm tại châu Á.

Đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, hoạt động bảo dưỡng và khắc phục các sự cố trên tuyến cáp biển Liên Á (Intra Asia – IA) đã hoàn thành.

Bên cạnh đó, một tuyến cáp biển khác là Asia Pacific Gateway (APG) cũng đã được khắc phục. Sau gần 3 tháng gặp tình trạng gián đoạn dịch vụ do sự cố trên 2 hướng cáp kết nối đi Nhật Bản và Hong Kong (Trung Quốc), tuyến cáp biển APG đã trở lại hoạt động bình thường.

Tuyến cáp biển IA có tổng chiều dài 6.800 km và được đưa vào vận hành từ tháng 11/2009. Hiện tại, tuyến đang được kết nối với Singapore, Việt Nam, Philippines, HongKong và Nhật Bản. Đây là tuyến cáp quang quan trọng để trung chuyển lưu lượng đến châu Mỹ và châu Âu cho các khách hàng ở Việt Nam cũng như trong khu vực.

Tuyến cáp APG được đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12/2016, có chiều dài khoảng 10.400 km, với nhiều điểm kết nối các khu vực tại châu Á. Cáp APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT Telecom và CMC Telecom. Tuyến cáp này được đánh giá có tốc độ đường truyền lớn và ổn định cho người dùng Internet tại Việt Nam.

Sau khi cả 2 tuyến IA và APG được sửa chữa và khôi phục dung lượng trên tuyến, các nhà mạng sẽ không còn phải chịu áp lực lớn khi đảm bảo đường truyền Internet cho người dùng. Tuy nhiên, hiện tại tuyến Asia America Gateway (AAG) vẫn đang gặp sự cố và là tuyến duy nhất chưa được khắc phục.

Hoàn tất cưỡng chế 2 lô biệt thự Ocean View Nha Trang xây vượt tầng

Chính quyền TP. Nha Trang (Khánh Hòa) đã hoàn tất cưỡng chế 2 lô biệt thự Ocean View Nha Trang xây vượt tầng.

Chính quyền đã cưỡng chế, tháo dỡ biệt thự Ocean View Nha Trang xây vượt tầng.

Chính quyền đã cưỡng chế, tháo dỡ biệt thự Ocean View Nha Trang xây vượt tầng.

Ngày 28/2, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trường (TP. Nha Trang) Lê Thị Kim Phượng xác nhận, trong tổng số 15 căn biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang, có 2 công trình tại lô E69, lô A17 đã hoàn thành việc cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm.

Theo quy hoạch chi tiết 1/500, Dự án Ocean View Nha Trang có 69 lô biệt thự, mật độ xây dựng 40 - 60%, được xây từ 1 - 3 tầng. Tuy nhiên, nhiều hộ khu vực này đã xây dựng từ 4 - 8 tầng, mật độ xây dựng nhiều lô lên đến 100%.

Đầu năm 2021 đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành 15 quyết định về việc phê duyệt phương án tháo dỡ phần công trình sai phạm tại Dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang. Để tháo dỡ công trình vi phạm, UBND phường Vĩnh Trường đã công khai đấu thầu và lựa chọn được doanh nghiệp tham gia tháo dỡ các công trình biệt thự xây vượt tầng.

Liên quan đến việc tháo dỡ lô biệt thự A17 và E69, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trường Lê Thị Kim Phượng xác nhận trước đó Phường đã công khai đấu thầu và lựa chọn được doanh nghiệp tham gia tháo dỡ các công trình biệt thự xây vượt tầng.

Cũng theo bà Lê Thị Kim Phượng, song song với việc cưỡng chế 2 lô E69, A17, địa phương đang lập hồ sơ đề nghị phê duyệt quyết định cưỡng chế các lô còn lại.

Trình Thủ tướng phê duyệt xây cầu hơn 2.400 tỷ nối Bến Tre - Vĩnh Long

UBND 2 tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cầu Đình Khao trên tuyến Quốc lộ 57 (nối 2 tỉnh Bến Tre - Vĩnh Long) theo hình thức PPP, với tổng kinh phí hơn 2.400 tỷ đồng.

Việc xây dựng cầu Đình Khao để thay thế bến phà hiện hữu là nhu cầu bức thiết của 2 tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre.

Việc xây dựng cầu Đình Khao để thay thế bến phà hiện hữu là nhu cầu bức thiết của 2 tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre.

Theo tờ trình, dự kiến cầu Đình Khao sẽ bắt đầu từ vị trí trên Quốc lộ 53 (cách trung tâm thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long khoảng 1,2 km), sau đó đi trùng với đường tỉnh (ĐT) 909 cắt qua ĐT 902 và vượt sông Cổ Chiên tại vị trí cách phà Đình Khao hiện hữu khoảng 5,5 km về phía hạ lưu, kết nối với cồn Phú Đa (thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) và kết thúc tại vị trí giao với Quốc lộ 57 hiện hữu.

Thời gian dự kiến thực hiện Dự án trong năm 2022 - 2025, theo hình thức PPP, với tổng kinh phí khoảng 2.425 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 320 tỷ đồng, xây dựng cầu 1.323 tỷ đồng, chi phí dự phòng hơn 327 tỷ đồng… và chi phí khác.

Trong đó, phần tuyến thiết kế theo quy mô đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, bề rộng mặt đường 11 m, bề rộng nền đường 12 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.

Tin cùng chuyên mục