Bản tin thời sự sáng 29/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là: Đà Nẵng thêm 8 ca mắc, nâng số ca nhiễm cộng đồng lên 30; Ban Bí thư khai trừ 3 cán bộ, đảng viên ra khỏi Đảng;TP.HCM điều chỉnh quy hoạch khu tái định cư cho dân Thủ Thiêm...

Dịch Covid-19: Đà Nẵng thêm 8 ca mắc, nâng số ca nhiễm cộng đồng lên 30

Sáng ngày 29/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết đã có thêm 8 ca bệnh dương tính với Covid-19 ở Đà Nẵng. Đến thời điểm này, Việt Nam có 446 ca bệnh.

30 ca nhiễm trong cộng đồng trong 5 ngày qua

30 ca nhiễm trong cộng đồng trong 5 ngày qua

8 ca bệnh dương tính với Covid-19 đều liên quan đến các bệnh viện ở Đà Nẵng, nâng số ca nhiễm cộng đồng năm ngày qua lên 30.

Tính đến 6h ngày 29/7, Việt Nam có tổng cộng 446 ca mắc Covid-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tính từ 18h ngày 28/7 đến 6h ngày 29/7, Việt Nam ghi nhận 8 ca mắc mới.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 16.248 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 375 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 12.996 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 3.352 người.

Đến thời điểm này đã có 369/446 ca bệnh Covid-19 được công bố khỏi bệnh, chiếm 84,2% tổng số ca bệnh.

Tính đến sáng ngày 29/7, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, có 12 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 - 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 65 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.

Riêng trong số các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng hiện có 3 trường hợp nặng, đó là: bệnh nhân (BN) 416 chạy ECMO sau 5 ngày các chỉ số đã cải thiện, khả năng bệnh nhân nay sẽ được cai ECMO trong những ngày tới; BN 418 tiền sử mắc nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, gặp biến chứng suy hô hấp, suy tim, tổn thương thận cấp, trường hợp này tiếp tục được theo dõi, chưa có chỉ định ECMO. Hiện cả hai trường hợp bệnh nhân 416 và 418 đều đã hết sốt.

Trường hợp thứ 3 là BN 431 mắc nhiều bệnh nền như suy thận mãn giai đoạn cuối, xơ gan, suy tim, tăng huyết áp, tổn thương phổi… tuy nhiên hiện các thông số tạm ổn định, chưa phải chạy ECMO. Bệnh nhân đang thở oxy qua mặt nạ.

Ban Bí thư khai trừ 3 cán bộ, đảng viên ra khỏi Đảng

Ban Bí thư quyết định khai trừ Đảng các ông Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt và Nguyễn Văn Điều sau khi xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ban Bí thư quyết định khai trừ Đảng ông Nguyễn Hữu Tín nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Ban Bí thư quyết định khai trừ Đảng ông Nguyễn Hữu Tín nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Quyết định được đưa ra tại cuộc họp ngày 28/7, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Ban Bí thư cho rằng, sai phạm của ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Đào Anh Kiệt, nguyên Thành ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM là "rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của địa phương và cá nhân".

Hơn nữa, ông Tín và ông Kiệt đã bị Toà án nhân dân TP.HCM phạt tù; đang chấp hành án tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ông Nguyễn Văn Điều, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình đã vi phạm nghiêm trọng Quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm; về trách nhiệm nêu gương và vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia gây hậu quả rất nghiêm trọng, đã bị khởi tố hình sự.

Đồng chí Trung tướng Dương Đức Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân khu 2, Bộ Quốc phòng trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 2 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc của Đảng ủy Quân khu 2 và vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Vi phạm nghiêm trọng của đồng chí Dương Đức Hòa ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của quân đội và cá nhân các đồng chí. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Dương Đức Hòa bằng hình thức khiển trách.

Quảng Nam: Tạm dừng các hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19

UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành quyết định 2014/QĐ-UBND, ngày 28/7/2020 về việc tạm dừng các hoạt động để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thời gian áp dụng từ 0h ngày 29/7/2020 đến 0h ngày 13/8/2020.

Từ 0h ngày 29/7/2020 đến 0h ngày 13/8/2020, tỉnh Quảng Nam quyết định dừng hết mọi hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19

Từ 0h ngày 29/7/2020 đến 0h ngày 13/8/2020, tỉnh Quảng Nam quyết định dừng hết mọi hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19

Theo đó tại quyết định này quy định tạm dừng các hoạt động để phòng, chống dịch bệnh bao gồm:

Các hoạt động tạm dừng: Hoạt động vận chuyển hành khách của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh; các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt liên tỉnh từ Quảng Nam đi thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi (trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất). Các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Bán vé số dạo.

Các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội, hội thi, hội diễn, lễ kỷ niệm, triển lãm, nghi lễ tôn giáo, các sự kiện khác tập trung quá 20 người tại công cộng. Các khu, điểm du lịch, khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tổ chức hoạt động đón khách tập trung quá 20 người. Các tour du lịch đưa khách đi, khai thác khách đến từ thành phố Đà Nẵng và các vùng có dịch. Đón mới khách lưu trú từ thành phố Đà Nẵng và các vùng có dịch.

Hoạt động của các khu vui chơi, giải trí; quán pub, quán bar; internet công cộng, trò chơi điện tử; karaoke, massage, rạp chiếu phim, rạp hát, vũ trường; cơ sở làm đẹp. Hoạt động của các trung tâm tin học, ngoại ngữ, giáo dục kỹ năng sống và dạy thêm - học thêm.

TP.HCM điều chỉnh quy hoạch khu tái định cư cho dân Thủ Thiêm

UBND TP.HCM điều chỉnh 3 khu đất với diện tích gần 20.000 m2 tại Quận 2 thành đất nhà ở để phục vụ tái định cư các hộ dân thuộc khu 4,3 ha chịu ảnh hưởng bởi dự án Thủ Thiêm.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Ngày 28/7, UBND Quận 2 cùng Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm tổ chức hội nghị công bố đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2000 và đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của 3 lô đất thuộc quy hoạch khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm cùng 2 lô đất khác của khu đô thị rộng 296,4 ha nằm liền kề.

3 khu đất tại KĐTM Thủ Thiêm được điều chỉnh quy hoạch có tổng diện tích gần 20.000 m2 thuộc khu dân cư 38,4 ha phường Bình Khánh (Quận 2) và một số phần tiếp giáp.

UBND TP.HCM đã quyết định phê duyệt điều chỉnh chức năng sử dụng 3 khu đất trên thành nhóm đất nhà ở phục vụ tái định cư cho các hộ dân thuộc khu 4,3 ha (phường Bình An, Quận 2). Đồng thời, UBND Thành phố cũng xác định chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch cho từng lô đất theo quy định hiện hành đối với loại hình nhà ở liền kề.

3 khu đất vừa được công bố điều chỉnh quy hoạch gồm khu đất thứ nhất có tổng diện tích 4.247 m2 với ký hiệu 7-5 thuộc khu dân cư 38,4 ha (phường Bình Khánh) và phần tiếp giáp với đường Lương Định Của (Quận 2). Khu đất thứ hai có diện tích 11.962 m2, gồm lô có ký hiệu 7-9 và lô có ký hiệu III-HH8.

Khu đất thứ 3 có tổng diện tích 3.630 m2, gồm các lô có ký hiệu II-CC1, phần tiếp giáp cùng lô đất công viên trong khu dân cư 38,4 ha phường Bình Khánh.

Bắt giữ phóng viên tống tiền doanh nghiệp vật liệu xây dựng

Lấy danh Phóng viên Tạp chí Nhân đạo và Đời sống, Lê Văn Lý có hành vi nhận số tiền 40 triệu đồng của một chủ doanh nghiệp vật liệu xây dựng tại TP. Vũng Tàu.

Lê Văn Lý bị bắt quả tang đưa về trụ sở công an

Lê Văn Lý bị bắt quả tang đưa về trụ sở công an

Khoảng 12 giờ ngày 28/7, tại trước Siêu thị Co.op Mart Bà Rịa (đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Phước Trung, thành phố Bà Rịa), Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt quả tang đối tượng Lê Văn Lý (sinh năm 1974, trú tại ấp 3, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Lê Văn Lý lấy danh Phóng viên Tạp chí Nhân đạo và Đời sống (thuộc Văn phòng Đại diện tại khu vực Đông Nam Bộ) đang có hành vi nhận số tiền 40 triệu đồng của một chủ doanh nghiệp vật liệu xây dựng tại thành phố Vũng Tàu.

Theo thông tin ban đầu, đối tượng Lê Văn Lý đi tìm hiểu, thấy trên đường Hội Bài - Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ) có một bãi tập kết cát xây dựng nên đã chụp ảnh, ghi hình và dò hỏi thông tin về chủ bãi tập kết vật liệu trên.

Ngày 26/7, Lê Văn Lý đã gọi điện cho chủ bãi vật liệu xây dựng để gặp mặt, hỏi thông tin về việc khai thác cát có hợp pháp hay không.

Theo lời khai của chủ doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, chiều 27/7, đối tượng Lê Văn Lý đã hẹn anh ra quán cà phê và tại đây đã yêu cầu anh chi số tiền 100 triệu đồng thì sẽ không đăng bài doanh nghiệp mua bán cát lậu.

Dù nói có giấy phép khai thác cát, nhưng sợ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh, chủ doanh nghiệp đã đồng ý chi tiền nhưng xin đối tượng Lê Văn Lý giảm số tiền xuống còn 40 triệu đồng.

Đến trưa 28/7, khi đối tượng Lê Văn Lý đang nhận tiền thì bị lực lượng công an bắt giữ. Hiện, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, tiến hành khám xét nơi ở và nơi làm việc của đối tượng Lý.

"Siết" chặt kiểm soát nơi điều hành các chuyến bay trên vùng trời Đà Nẵng

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) quyết định tái kích hoạt ứng phó dịch Covid-19 cấp độ 3 tại Trung tâm kiểm soát tiếp cận - tại sân Đà Nẵng, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trong 15 ngày.

Đài chỉ huy không lưu tại Đà Nẵng sẽ cách ly trong 15 ngày, "nội bất xuất, ngoại bất nhập"

Đài chỉ huy không lưu tại Đà Nẵng sẽ cách ly trong 15 ngày, "nội bất xuất, ngoại bất nhập"

VATM cho biết, quyết định này được đưa ra trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại khu vực Đà Nẵng. Thời gian thực hiện cấp độ 3 từ ngày 28/7, việc cách ly này sẽ thực hiện đến hết 7h ngày 11/8.

Nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, Tổng công ty tái kích hoạt kế hoạch ứng phó dịch Covid-19 cấp độ 3 tại Trung tâm kiểm soát tiếp cận - tại sân Đà Nẵng; Bộ phận trực thông báo hiệp đồng bay; Trạm Ra đa Sơn Trà và Đài DOR/DME/ADS-B Đà Nẵng.

Tổng công ty cũng quyết định duy trì cấp độ 2 đối với tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay còn lại thuộc phạm vi quản lý của Công ty Quản lý bay miền Trung và Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay Trung tâm thông báo tin tức hàng không tại khu vực Đà Nẵng.

Đại diện VATM cho biết, ứng phó với Covid-19, VATM đã xây dựng một kế hoạch tổng thể với 5 cấp độ, tương ứng với diễn biến của dịch bệnh tại từng thời điểm để đảm bảo chủ động trong mọi tình huống dịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mọi chuyến bay cất hạ, cánh và các hoạt động bay quá cảnh trong hai vùng thông báo bay của Việt Nam.

Đến thời điểm này, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trong khu vực đã chủ động xây dựng và sớm thực hiện kế hoạch ứng phó đại dịch tại các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.

Tin cùng chuyên mục