Bản tin thời sự sáng 30/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là các hãng hàng không bắt đầu mở bán vé bay quốc tế; xuất nhập khẩu đạt hơn 660 tỷ USD, mức cao kỷ lục; Hội An và Huế dừng nhiều lễ hội chào mừng năm mới 2022; Trung Quốc dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam đến 26/1/2022; tăng tàu địa phương dịp Tết Dương lịch 2022…

Các hãng hàng không bắt đầu mở bán vé bay quốc tế

Ngày 29/12, Vietnam Airlines bắt đầu mở bán ba chặng bay quốc tế sau khi được Cục Hàng không cấp phép; Vietjet mở bán vé bay Nhật, trong khi Bamboo Airways đã bán vé tới Đài Loan.

Các hãng hàng không Việt Nam đã bắt đầu mở bán vé bay quốc tế từ 1/1/2022

Các hãng hàng không Việt Nam đã bắt đầu mở bán vé bay quốc tế từ 1/1/2022

Cụ thể, Vietnam Airlines đã mở bán vé các chặng đến Campuchia, Nhật Bản, Mỹ. Chặng TP.HCM - Phnom Penh (Campuchia) khởi hành ngày 1/1/2022.

Chặng bay Hà Nội - Tokyo (Nhật Bản) ngày 5/1/2022 hiện đã được Vietnam Airlines cung ứng. Chặng TP.HCM - San Francisco (Mỹ) ngày 9/1/2022 đã mở bán. Hãng hàng không quốc gia hiện chưa mở bán vé chặng Singapore và Đài Bắc dù đã được cấp phép bay.

Trong khi đó, Bamboo Airways cũng mở bán vé chặng Hà Nội - Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), khởi hành ngày 5/1/2022. Hãng khai thác tần suất một chuyến mỗi tuần, khởi hành tiếp theo vào các ngày 12/1, 19/1 và 26/1.

Vietjet Air cũng đã thực hiện mở bán vé chặng bay Hà Nội - Tokyo vào ngày thứ 5 hàng tuần.

Theo yêu cầu của Cục Hàng không, hành khách khi lên máy bay nhập cảnh vào Việt Nam cần đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch như có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine hoặc giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19.

Hành khách chưa tiêm đủ liều hoặc chưa được chứng nhận khỏi bệnh sẽ phải có giấy xác nhận đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cách ly y tế tại nhà, hoặc xác nhận đã đặt chỗ khách sạn (tối thiểu 7 ngày). Nơi đặt chỗ phải nằm trong danh sách khách sạn đủ điều kiện cách ly theo công bố của địa phương. Khi làm thủ tục lên máy bay, hãng hàng không sẽ kiểm tra các giấy tờ này.

Xuất nhập khẩu đạt hơn 660 tỷ USD, mức cao kỷ lục

Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 660 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước đến nay, dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ diễn biến phức tạp của Covid-19.

Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 660 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước đến nay

Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 660 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước đến nay

Kinh tế Việt Nam năm nay chịu đòn giáng mạnh của đại dịch. Tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt 2,58%, mức thấp nhất trong thập kỷ gần đây. Trong đó, tăng trưởng GDP quý III lần đầu ghi nhận con số âm. Dù vậy, trong bức tranh chung vẫn có những điểm sáng, một trong số đó là xuất nhập khẩu.

Tính chung năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước và là mức cao kỷ lục mới.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm nay ước đạt hơn 336 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu 88,7 tỷ USD, tăng 13,4% và chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247,54 tỷ USD, tăng hơn 21%.

Trong năm nay, Việt Nam có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Về nhập khẩu, kim ngạch cả năm 2021 ước đạt hơn 332 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu hơn 114 tỷ USD, tăng 21,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ghi nhận 218 tỷ USD, tăng hơn 29%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu, Mỹ là nơi xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 95,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch ước đạt 109,9 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 12 ước tính xuất siêu 2,54 tỷ USD. Tính chung cả năm, cán cân thương mại ước xuất siêu 4 tỷ USD, ghi nhận năm thứ 6 liên tiếp xuất siêu. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu hơn 25 tỷ USD, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu hơn 29 tỷ USD.

Hội An và Huế dừng nhiều lễ hội chào mừng năm mới 2022

Chính quyền TP. Hội An và Huế lên kế hoạch tổ chức nhiều chương trình chào đón Tết Dương lịch 2022 nhưng do Covid-19 bùng phát nên phải dừng.

Hội An trang hoàng đèn lồng phục vụ du khách đón năm mới 2022

Hội An trang hoàng đèn lồng phục vụ du khách đón năm mới 2022

Ngày 29/12, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch TP. Hội An cho biết, do diễn biến phức tạp của Covid-19, nhiều ca nhiễm cộng đồng chưa xác định được nguồn lây nên Thành phố tạm dừng chương trình Dạ hội Hội An - chào năm mới đêm 31/12 và đón đoàn khách đầu tiên tham quan thành phố sáng 1/1/2022. Cả hai chương trình đã phát hành giấy mời tham dự nhưng sẽ hủy.

Riêng việc đón khách tham quan theo tour bằng hình thức khép kín, văn hóa nghệ thuật đường phố, hoạt động trải nghiệm, tham quan phố cổ và làng nghề truyền thống vẫn hoạt động bình thường để phục vụ du khách. Các hoạt động này phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Ngày 1/1/2022, Hội An dự kiến đón 8 đoàn 400 khách đến tham quan đầu năm mới.

Tương tự, Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật cho biết, phố đi bộ quanh Hoàng thành Huế ở tuyến đường Lê Huân và 23/8 dự kiến khai trương vào đêm 31/12 sẽ dừng hoạt động. Đêm nhạc countdown chào đón năm 2022 dự kiến tổ chức tại ngã 6 trung tâm Thành phố đêm 31/12 cũng sẽ dừng để phòng dịch Covid-19.

Trung Quốc dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam đến 26/1/2022

Do phát hiện có virus SARS-CoV-2, cơ quan chức năng phía Trung Quốc sẽ tạm dừng nhập khẩu mặt hàng thanh long của Việt Nam trong khoảng 4 tuần, kể từ ngày 29/12.

Cơ quan chức năng đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chủ động tiêu thụ trong thị trường nội địa, hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu

Cơ quan chức năng đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chủ động tiêu thụ trong thị trường nội địa, hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Vy Công Tường cho biết, Cục Hải quan TP. Bằng Tường (Trung Quốc) vừa có thông báo sẽ tạm dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam bắt đầu từ 0h ngày 29/12.

Trước thông tin này, từ ngày 28 - 29/12 đã có khoảng 500 xe container chở thanh long đang ùn ứ ở cửa khẩu Lạng Sơn quay đầu về tiêu thụ trong nước.

Ông Tường cho biết thêm, trong ngày 29/12, Cục Hải quan các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và Cao Bằng cũng đã hội đàm trực tiếp với hải quan Nam Ninh để tìm biện pháp tháo gỡ.

Theo thông báo của Cơ quan Kiểm soát phòng chống dịch TP. Bằng Tường, từ ngày 20/11 - 27/12, lô hàng thanh long và bao bì nhập khẩu từ Việt Nam về cảng TP. Bằng Tường qua cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) cho kết quả dương tính với 3 mẫu xét nghiệm Covid-19. Do đó, phía Trung Quốc sẽ tạm dừng nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long thời gian từ 0h ngày 29/12 đến 24h ngày 26/1/2022.

Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, tính đến sáng 28/12, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, TânThanh, Chi Ma là 3.838 xe, giảm 154 xe so với 1 ngày trước đó.

Tăng tàu địa phương dịp Tết Dương lịch 2022

Ngành đường sắt tăng chuyến trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng và tổ chức thêm đôi tàu Hà Nội - Vinh dịp Tết Dương lịch 2022.

Hành khách đi tàu tại ga Hà Nội

Hành khách đi tàu tại ga Hà Nội

Ngày 29/12, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam công bố chạy thêm đôi tàu NA1 và NA2 trên tuyến Hà Nội - Vinh. Tàu NA1 xuất phát tại ga Hà Nội lúc 22h15 ngày 31/12, tàu NA2 khởi hành tại ga Vinh lúc 21h25 ngày 3/1/2022.

Cùng với đó, ngành đường sắt tổ chức chạy tăng cường các đoàn tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Tàu LP7 xuất phát tại ga Hà Nội lúc 18h15 ngày 3/1/2022; tại ga Long Biên có tàu LP3 khởi hành lúc 9h25 ngày 4/1/2022.

Tại Hải Phòng, tàu LP8 khởi hành lúc 15h ngày 3/1/2022, tàu HP2 rời ga lúc 18h40 cùng ngày.

Hiện tuyến Bắc Nam hàng ngày có tàu chạy qua Vinh, chưa có tàu riêng tuyến Hà Nội - Vinh. Trên chặng Hà Nội - Hải Phòng hàng ngày có một đôi tàu LP5/6, cuối tuần có thêm đôi tàu LP3/8.

Theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, việc tăng tàu nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách gia tăng trong dịp Tết Dương lịch 2022.

Theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, khách đi tàu không cần xét nghiệm SARS-CoV-2 nếu đi từ vùng xanh, vàng, cam; chỉ thực hiện nếu từ vùng đỏ, vùng phong tỏa hoặc có yêu cầu điều tra dịch tễ.

Người tiêm đủ liều vaccine và F0 đã khỏi bệnh cần xét nghiệm trong 72 giờ khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc vùng phong tỏa. Ngoài ra, hành khách cần xét nghiệm y tế khi có một trong các biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, đau họng...

Hà Giang đầu tư xây dựng tuyến đường gần 1.500 tỷ đồng

Tỉnh Hà Giang vừa khởi công xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp đường Bắc Quang - Xín Mần (ĐT 177) giai đoạn I với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.

Hà Giang cải tạo, nâng cấp tuyến đường gần 1.500 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ

Hà Giang cải tạo, nâng cấp tuyến đường gần 1.500 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ

Tổng chiều dài dự án theo thiết kế là hơn 41km. Điểm đầu tuyến giao với Quốc lộ 2 tại Km 244+500 (Bắc Quang), điểm cuối tuyến Km41+494 (Hoàng Su Phì).

Công trình thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi, chiều rộng nền đường 7,5m, lề đường 2m. Trong đó, mặt đường được thảm bê tông nhựa trên các lớp móng cấp phối đá dăm.

Dự kiến, công trình cải tạo, nâng cấp tuyến đường Bắc Quang- Xín Mần sẽ hoàn thành sau hơn 2 năm triển khai.

Đồng ý thí điểm phần mềm mô phỏng trong đào tạo lái xe

Bộ Giao thông Vận tải vừa đồng ý cho phép thí điểm phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông sử dụng trong đào tạo, sát hạch lái xe ôtô.

Đồng ý thí điểm phần mềm mô phỏng trong đào tạo lái xe. Ảnh minh họa

Đồng ý thí điểm phần mềm mô phỏng trong đào tạo lái xe. Ảnh minh họa

Bộ Giao thông vận tải vừa đồng ý việc thí điểm hệ thống quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe; thí điểm phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải thống nhất triển khai thí điểm phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; đồng thời thí điểm hệ thống quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát thời gian, quãng đường học thực hành lái xe theo quy định của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ôtô và dịch vụ sát hạch lái xe theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam lưu ý các giải pháp kỹ thuật trong quá trình thí điểm, thử nghiệm là giải pháp mở, đảm bảo cạnh tranh, công bằng khi đề xuất giải pháp triển khai chính thức. Quá trình thí điểm phải đảm bảo bảo mật dữ liệu, làm rõ quyền hạn và nghĩa vụ của đơn vị được lựa chọn thí điểm đối với dữ liệu hệ thống trong giai đoạn thí điểm và sau khi kết thúc thí điểm.

Được biết, hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thành lập tổ chuyên gia để biên soạn, xây dựng 120 kịch bản các tình huống giao thông theo điều kiện giao thông đường bộ thực tế của Việt Nam.

Phần mềm thí điểm mô phỏng các tình huống giao thông bằng công nghệ đồ họa 3D trên máy tính thành các đoạn video, clip với 6 nội dung như: Giao thông trên đường phố, giao thông trên đường giao thông nông thôn, giao thông trên đường cao tốc, giao thông trên đường núi, giao thông trên quốc lộ và các tình huống mô phỏng từ các vụ tai nạn giao thông điển hình đã xảy ra trong thực tế.

Đầu tư hơn 28 tỷ đồng trùng tu Khám lớn Cần Thơ

Di tích Khám lớn Cần Thơ - nhà tù lớn nhất miền Tây thời Pháp thuộc, được trùng tu nguyên trạng để thể hiện giá trị lịch sử, tạo điểm nhấn cho Thành phố.

Một toà nhà nằm trong Khám lớn Cần Thơ

Một toà nhà nằm trong Khám lớn Cần Thơ

Dự án trùng tu di tích này vừa được UBND TP. Cần Thơ phê duyệt, có quy mô hơn 3.500 m2 với các hạng mục như: nhà giám thị (gần 130 m2); dãy nhà giam nam (314 m2), dãy nhà giam nữ (gần 300 m2); tháp nước (9 m2), tháp canh (8 m2). Các công trình này được phục dựng theo đúng diện tích, vị trí...

Công tác phục dựng còn bổ sung gần 200 bức tượng thể hiện cảnh sinh hoạt, tra tấn... trưng bày trong các phòng giam di tích. Ngoài ra còn có các hạng mục phụ trợ như cây xanh, sân đường nội bộ, cấp thoát nước, chiếu sáng...

Tổng mức đầu tư dự án hơn 28,2 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2024.

Khám lớn Cần Thơ tọa lạc số 8, đường Ngô Gia Tự, phường Tân An, quận Ninh Kiều, là nhà tù do thực dân Pháp xây dựng những năm 1878 - 1886 với tên Prison Provinciale (nhà tù tỉnh, lớn nhất miền Tây lúc bấy giờ). Công trình được xây kiên cố, tường dày, cao 3,6 - 5 m, rào sắt bao bọc. Các vọng gác để kiểm soát cao 6 m, có đèn pha chiếu sáng.

Khám được chia thành 2 khu, với 21 phòng giam tập thể (sức chứa 30 - 40 người, nhưng có lúc giam giữ hơn 100 người) cùng nhiều xà lim nhỏ dùng để biệt giam. Toàn bộ toà nhà được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1996.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dự kiến khởi công năm 2022

Đoạn chạy qua huyện Tân Phú (Đồng Nai) tới TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng), dài 66 km, thuộc Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dự kiến khởi công cuối năm 2022.

Sơ đồ hướng tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đoạn Tân Phú - Bảo Lộc sẽ được triển khai trước

Sơ đồ hướng tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đoạn Tân Phú - Bảo Lộc sẽ được triển khai trước

Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương tổng chiều dài hơn 200 km, chia thành 3 đoạn đầu tư. Chính phủ giao UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện 2 đoạn huyện Tân Phú - TP. Bảo Lộc và TP. Bảo Lộc - Liên Khương (huyện Đức Trọng). Đoạn Dầu Giây - Tân Phú do Bộ Giao thông vận tải phụ trách.

Để thực hiện Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và đối tác liên quan triển khai nhanh nhất các thủ tục pháp lý sớm khởi công 2 dự án qua tỉnh Lâm Đồng trong năm sau. Riêng đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, Tỉnh phấn đấu khởi công vào tháng 10/2022.

Đoạn từ xã Phú Trung, huyện Tân Phú đến đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Bảo Lộc dài 66 km (55 km của địa phận Lâm Đồng, còn lại ở Đồng Nai). Dự án quy mô 4 làn ôtô và 2 làn dừng khẩn cấp, tổng mức đầu tư hơn 16.200 tỷ đồng, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có sự góp vốn của nhà nước.

Đoạn Bảo Lộc - Liên Khương (nối TP. Bảo Lộc với cao tốc Liên Khương - Prenn) nằm trên địa bàn Lâm Đồng, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ 11.300 tỷ đồng, theo phương thức PPP.

Đoạn từ Dầu Giây đến Tân Phú dài 61 km, tổng vốn đầu tư 7.369 tỷ đồng. Dự kiến cả 3 dự án thành phần sẽ hoàn thành trước năm 2025.

Thủ tướng phê duyệt xây cao tốc hơn 4.700 tỷ tại Đồng Tháp

Dự án Đầu tư xây dựng cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 qua Đồng Tháp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương, với tổng vốn thực hiện khoảng 4.770,75 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc…

Đầu tư 4.770 tỷ đồng xây 26 km cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 qua Đồng Tháp. Ảnh minh hoạ.

Đầu tư 4.770 tỷ đồng xây 26 km cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 qua Đồng Tháp. Ảnh minh hoạ.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1, sử dụng vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc.

Cụ thể, Dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 26,16 km. Quy mô cao tốc 4 làn xe hạn chế, bề rộng đường nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản dự án, nhà tài trợ là Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF).

Dự kiến tổng vốn thực hiện Dự án khoảng 4.770,75 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Quỹ EDCF là 3.677,22 tỷ đồng, tương đương 158,80 triệu USD sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị, chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công không bao gồm thuế VAT, dự phòng phần vốn ODA.

Phần vốn đối ứng dự kiến khoảng 1.093,53 tỷ đồng sử dụng để thanh toán thuế VAT, phần chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn trong nước... theo các quy định hiện hành, chi phí giải phóng mặt bằng, dự phòng phần vốn đối ứng, phí dịch vụ.

Thời gian thực hiện Dự án là 5 năm sau khi hiệp định tài trợ có hiệu lực.

Tin cùng chuyên mục