Bản tin thời sự sáng 30/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thu hồi 5 biệt thự cổ ở di tích lầu Bảo Đại; lãi suất tiết kiệm giảm đồng loạt; các dự án cao tốc qua Đồng Nai cần hơn 14 triệu m3 đất đắp; vốn đăng ký mở mới doanh nghiệp thấp hơn giai đoạn dịch; kiến nghị Thủ tướng giao điện khí Ô Môn 3 và 4 cho PVN…

Thu hồi 5 biệt thự cổ ở di tích lầu Bảo Đại

Tỉnh Khánh Hòa thu hồi gần 9.400 m2 đất ở 5 biệt thự cổ tại di tích Cầu Đá để chỉnh trang, phục vụ người dân tham quan.

Dự án ở di tích lầu Bảo Đại ngưng thi công hơn 5 năm nay

Dự án ở di tích lầu Bảo Đại ngưng thi công hơn 5 năm nay

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng vừa ký quyết định về việc thu hồi gần 9.300 m2 đất thuộc 5 căn biệt thự di tích Cầu Đá (lầu Bảo Đại) do Công ty CP Đầu tư Khánh Hà thuê đất tại Cầu Đá, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang.

Năm biệt thự cổ, gồm: Nghinh Phong, Vọng Nguyệt, Bông Giấy, Phượng Vĩ và Cây Bàng, do người Pháp xây dựng cách nay đúng 100 năm.

Động thái trên được thực hiện sau khi Công ty CP Đầu tư Khánh Hà có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa xin trả lại 5 biệt thự cổ nằm trong Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư.

Sau khi thu hồi, gần 9.400 m2 đất và 5 biệt thự cổ sẽ được giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa quản lý theo quy định. UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu, Công ty CP Đầu tư Khánh Hà chấm dứt việc sử dụng đất kể từ ngày 19/5 để sở, ban ngành liên quan thực hiện các thủ tục thu hồi.

UBND tỉnh Khánh Hòa giao TP. Nha Trang chỉ đạo Phòng Tài nguyên Môi trường phối hợp với UBND phường Vĩnh Nguyên, đơn vị có liên quan xác định cụ thể mốc giới khu đất thu hồi và bàn giao đất cho Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa quản lý theo quy định.

Giao Văn phòng Đăng ký đất đai Khánh Hòa thu hồi và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty CP Đầu tư Khánh Hà phần đất sau khi trừ đi diện tích gần 9.400 m2 trên để thực hiện Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại.

Lãi suất tiết kiệm giảm đồng loạt

Hơn 20 ngân hàng hạ lãi suất tại nhiều kỳ hạn, đưa mức lãi suất niêm yết cao nhất về 8,5% một năm.

Hơn 20 ngân hàng hạ lãi suất tại nhiều kỳ hạn

Hơn 20 ngân hàng hạ lãi suất tại nhiều kỳ hạn

Động thái này diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng vào tuần trước.

Theo đó, các ngân hàng giảm trung bình 0,5% một năm với các kỳ hạn dưới 6 tháng, tương ứng mức giảm của Ngân hàng Nhà nước. Với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, hệ thống ngân hàng đã giảm trung bình 0,2 - 0,3% một năm so với cách đây hai tuần.

Nhóm ngân hàng có vốn nhà nước gồm Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank đã giảm tới 0,4% với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, đưa mức lãi suất cao nhất về mức 6,8 - 7% một năm.

Mức lãi suất niêm yết tại phần lớn nhà băng tư nhân hiện nay cũng không quá 8% một năm. Một số đơn vị trả cao nhất thị trường, dao động từ 8,2 - 8,5% một năm gồm GPBank, SeABank, ABBank, VietABank và PVCombank...

Nếu cách đây hai tuần, mức lãi suất xấp xỉ 9% vẫn còn xuất hiện thì hiện nay, lãi suất cao nhất chỉ còn 8,5% một năm.

Tính đến 28/5, khoản tiền gửi dưới 6 tháng bị khống chế bởi trần lãi suất 5% một năm. Lãi suất bình quân khi gửi tại quầy với kỳ hạn 6 - 9 tháng là 7% một năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,4% một năm. Người gửi tiền sẽ được lợi hơn khi gửi tiền trực tuyến, với lãi suất trung bình 7,4% một năm kỳ hạn 6 - 9 tháng và 7,7% một năm kỳ hạn một năm.

Ngân hàng Nhà nước hôm 25/5 đã giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng xuống 5% một năm. Đây là lần thứ hai nhà điều hành giảm trần lãi suất huy động từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh tỷ giá ổn định, lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt.

Các dự án cao tốc qua Đồng Nai cần hơn 14 triệu m3 đất đắp

Đồng Nai chuẩn bị xây dựng 4 dự án giao thông trọng điểm, trong đó cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Biên Hoà - Vũng Tàu...

Nhu cầu cung cấp vật liệu san lấp đối với 4 dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh hơn 14,142 triệu m3

Nhu cầu cung cấp vật liệu san lấp đối với 4 dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh hơn 14,142 triệu m3

Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Nai cho biết, sắp tới trên địa bàn Tỉnh sẽ triển khai hàng loạt dự án giao thông trọng điểm. Nhu cầu cung cấp vật liệu san lấp đối với 4 dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh hơn 14,142 triệu m3; 2,57 triệu m3 đá xây dựng.

Cụ thể, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cần 2,9 triệu m3 đất đắp, Dầu Giây - Tân Phú 4,2 triệu m3, Vành đai 3 - TP.HCM 0,54 triệu m3, Vành đai 4 - TP.HCM 4,6 triệu m3.

Chỉ tính riêng cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, theo khảo sát của chủ đầu tư, sơ bộ nhu cầu đất đắp cần khoảng hơn 4,2 triệu m3, tận dụng thi công đào nền đường san lấp được 1,95 triệu m3. Như vậy còn thiếu khoảng 2,3 triệu m3.

Trên địa bàn Tỉnh có 11 vị trí có trữ lượng cung cấp đất đắp cho dự án. Tuy nhiên, đến nay chỉ có duy nhất một mỏ được cấp phép đang khai thác, các mỏ còn lại đang quy hoạch.

Để dự án sớm triển khai, chủ đầu tư đề nghị cơ quan chức năng Tỉnh sớm tham mưu thỏa thuận các điểm giao cắt, nút giao kết nối, các khu vực khai thác đất san lấp.

Sau khi thống nhất các công trình trên tuyến, Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long, tư vấn thiết kế có cơ sở hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ sở, nghiên cứu báo cáo tiền khả thi.

Đối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban QLDA các công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết, Dự án thành phần 1 (dài 16km) do Ban làm chủ đầu tư cũng có nguy cơ thiếu đất đắp.

Nguồn vật liệu cát đất đắp nền đường thi công các dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 đang bị thiếu hụt.

Để chuẩn bị nguồn vật liệu phục vụ các dự án trên địa bàn, tỉnh Đồng Nai đã khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản vật liệu san lấp tại các huyện: Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc... Tuy nhiên, đến nay các mỏ này vẫn chưa được cấp phép.

Vốn đăng ký mở mới doanh nghiệp thấp hơn giai đoạn dịch

Vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới 5 tháng đầu năm chỉ nhỉnh hơn cùng kỳ 2020, còn lại giảm mạnh so với giai đoạn từ 2019 đến nay.

Tổng số vốn đăng ký trong 5 tháng qua chỉ nhỉnh hơn cùng kỳ 2020 - thời kỳ Covid-19 mới xuất hiện ở Việt Nam

Tổng số vốn đăng ký trong 5 tháng qua chỉ nhỉnh hơn cùng kỳ 2020 - thời kỳ Covid-19 mới xuất hiện ở Việt Nam

Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố cho biết, trong 5 tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 61.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn là 568.700 tỷ đồng - giảm 1,6% về số doanh nghiệp và giảm 25,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số vốn đăng ký trong 5 tháng qua chỉ nhỉnh hơn cùng kỳ 2020 - thời kỳ Covid-19 mới xuất hiện ở Việt Nam, còn lại giảm mạnh so trong giai đoạn 2019 - 2023.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp chỉ đạt 9,2 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 5 tháng đầu năm kể từ năm 2017.

Nếu tính cả 824.900 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 21.100 doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm là hơn 1,39 triệu tỷ đồng, giảm 43%.

Bên cạnh đó, số liệu cho thấy, có gần 33.000 doanh nghiệp quay lại hoạt động cũng giảm 7,4% so với cùng kỳ; 55.200 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,3%; 25.500 doanh nghiệp chờ giải thể, tăng 34,1%; 7.300 doanh nghiệp hoàn tất giải thể.

Bình quân một tháng có 17.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Các doanh nghiệp này chủ yếu thuộc nhóm kinh doanh bất động sản, vận tải kho bãi, công nghiệp chế biến chế tạo.

Kiến nghị Thủ tướng giao điện khí Ô Môn 3 và 4 cho PVN

Các bộ, ngành kiến nghị Thủ tướng đồng ý chuyển hai dự án nhiệt điện khí Ô Môn 3, Ô Môn 4 bị chậm tiến độ từ EVN về PVN.

Trung tâm điện lực Ô Môn - nơi sẽ tiêu thụ dòng khí lô B khi đi vào vận hành, góp phần đảm bảo cung cấp điện miền Nam
Trung tâm điện lực Ô Môn - nơi sẽ tiêu thụ dòng khí lô B khi đi vào vận hành, góp phần đảm bảo cung cấp điện miền Nam

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý với đề xuất trên của các bộ, ngành tại cuộc họp gỡ vướng cho chuỗi dự án khí - điện lô B Ô Môn, ngày 29/5.

Hai dự án điện khí Ô Môn 3 và 4 thuộc chuỗi dự án khí - điện lô B Ô Môn (Cần Thơ) là các dự án trọng điểm, khi vận hành sẽ đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên, các dự án này bị chậm tiến độ nhiều năm do khó khăn về vốn, chưa thống nhất về khai thác, vận chuyển và sử dụng khí trong suốt vòng đời dự án.

EVN, chủ đầu tư của hai dự án này, đang gặp khó khăn lớn trong sử dụng vốn ODA cho Dự án Ô Môn 3 và huy động vốn vay thương mại cho Dự án Ô Môn 4. Tập đoàn này cũng đang gặp vướng mắc về cơ chế huy động điện lên lưới để bảo đảm tiêu thụ hết sản lượng khí cung cấp, trong khi giá thành sản xuất điện khí đang cao hơn giá bán điện của EVN.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, "không thể để chậm mãi" trong triển khai 2 dự án nhiệt điện khí này. "Phải rõ trách nhiệm của các tập đoàn, bộ, ngành để tháo gỡ hoặc đề xuất hướng xử lý các khó khăn, vướng mắc", Phó Thủ tướng nói.

Ông đồng ý với đề xuất của các bộ, ngành, EVN và PVN về việc chuyển giao hai dự án này về PVN làm chủ đầu tư. "Bộ Công Thương làm việc với EVN, nắm bắt kỹ tình hình, nhất là khó khăn khác của tập đoàn để báo cáo Thủ tướng", Phó Thủ tướng lưu ý thêm.

Hải quan tìm chủ chiếc Mercedes Benz bỏ xe gần 5 năm ở cảng

Chiếc Mercedes Benz GLS 63 nhập về cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng từ năm 2018 đến nay chưa có người đến làm thủ tục tiếp nhận.

Hình ảnh chiếc Mercedes Benz GLS 63

Hình ảnh chiếc Mercedes Benz GLS 63

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2 (Cục Hải quan Hải Phòng), chiếc Vehicle New 2018 Mercedes Benz GLS 63 (ô tô hiệu Mercedes Benz GLS 63) được cập cảng từ ngày 20/10/2018 nhưng đến nay chưa có người nhận. Như vậy, thời gian xe ở cảng đã gần 5 năm.

Thông tin trên đơn hàng cho biết, đơn vị vận chuyển là hãng tàu IWASHO chuyến 003N. Chiếc xe đang được lưu giữ tại Cảng Nam Hải Đình Vũ.

Tại thị trường nước ngoài, mẫu xe này có giá khởi điểm trên 126.000 USD (khoảng gần 3 tỷ đồng) chưa bao gồm các tùy chọn.

Để có thể thông quan xe này tại Việt Nam, bên nhận có thể phải nộp thuế nhập khẩu. Sau đó, mẫu xe này để được lưu hành phải nộp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt. Cuối cùng, bên nhận xe phải nộp thêm thuế VAT. Số tiền phải nộp khoảng hơn 11 tỷ đồng các chi phí.

Nhiều cảng biển nhiều năm nay xuất hiện tình trạng siêu xe bị "bỏ quên" sau khi nhập cảnh trong thời gian dài. Nguyên nhân thường là phía nhận xe không thu xếp được tiền để nộp thuế hay có vi phạm quy định về nhập khẩu.

Năm ngoái, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan cũng siết chặt việc quản lý ô tô nhập khẩu về Việt Nam theo diện quà biếu tặng để đảm bảo không trực lợi từ hình thức này.

Lâm Đồng thu hồi đất dự án 33 tỷ của Tập đoàn Trung Nguyên chậm triển khai

Dự án Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê trung nguyên Legend - Lộc An nhiều năm liền chậm triển khai, nên địa phương đã quyết định thu hồi đất.

Ngày 29/5, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì xem xét nội dung đề nghị của UBND huyện Bảo Lâm về thu hồi, quản lý đất tại Dự án Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend tại xã Lộc An, huyện Bảo Lâm.

Trước đó vào tháng 9/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định chấm dứt Dự án Đầu tư Khu Thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend - Lộc An của Công ty CP Cà phê Trung Nguyên.

Tỉnh này cũng có hướng dẫn về việc quản lý, sử dụng diện tích đất thu hồi dự án nói trên. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng đã giao UBND Huyện quản lý diện tích đất sau khi thu hồi đúng quy định.

Ngày 5/5/2023, UBND huyện Bảo Lâm đã báo cáo tỉnh Lâm Đồng xem xét, ban hành quyết định thu hồi diện tích đất nêu trên và giao về UBND Huyện để làm cơ sở quản lý theo quy định.

Được biết vào năm 2017, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê trung nguyên Legend - Lộc An của Tập đoàn Trung Nguyên với tổng mức đầu tư là 33 tỷ đồng.

Mục tiêu dự án là xây dựng không gian thưởng lãm và trưng bày để kinh doanh sản phẩm cà phê Trung Nguyên và các loại hàng hóa khác; kinh doanh dịch vụ ăn uống…

Dự án có diện tích đất thực hiện là 15.529 m2 với các công trình kiến trúc như: xây dựng mới các hạng mục nhà bán hàng, nhà ở nhân viên, chòi; cải tạo các hạng mục như khu triển lãm và kinh doanh cà phê, 3 nhà kho, nhà vệ sinh, văn phòng, nhà ở nhân viên; xây dựng không gian cà phê ngoài trời, bể nước, hồ cảnh quan, bãi đậu xe.

Chủ đầu tư cam kết tiến độ thực hiện Dự án từ cuối năm 2017 đến hết quý III/2019 sẽ hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động… Cam kết là vậy nhưng Dự án đến nay vẫn chưa triển khai và để xảy ra hàng loạt vi phạm về pháp lý.

Quảng Nam đắp 3 đập ngăn mặn

Quảng Nam thi công ba đập tạm ngăn mặn, giữ nước ngọt trên các sông Đầm, Vĩnh Điện, Bà Rén để cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Đập Tứ Câu trên sông Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn được đắp để ngăn mặn từ sông Hàn, Đà Nẵng

Đập Tứ Câu trên sông Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn được đắp để ngăn mặn từ sông Hàn, Đà Nẵng

Cuối tháng 5, mới đầu mùa khô hạn nhưng trên sông Đầm, một nhánh sông Bàn Thạch qua xã Tam Thăng, TP. Tam Kỳ, cách biển hơn 20 km, đã bị nhiễm mặn. Thời điểm cao nhất, nồng độ mặn 9,2 phần nghìn, trong khi độ mặn cho phép bằng hoặc dưới 0,8 phần nghìn.

Ông Trần Trung Hậu, Phó Chủ tịch TP. Tam Kỳ cho biết, năm nay mặn xâm nhập sớm hơn và mặn hơn mấy năm trước. Chính quyền đã cho đắp đập trên sông Đầm với kinh phí hơn 420 triệu đồng để đảm bảo nước tưới cho hơn 300 ha lúa hè thu xã Tam Phú, Tam Thăng và phường An Phú. Việc ngăn mặn còn bảo vệ các diện tích cây sen và hệ sinh thái của sông Đầm.

Cách Tam Kỳ hơn 50 km về phía bắc, trên sông Vĩnh Điện, một nhánh sông Thu Bồn, thị xã Điện Bàn, chính quyền chi gần 3 tỷ đồng đắp đập dài hơn 100 m ngăn sông giữ nước ngọt. Thân đập được đắp bằng 10.000 m3 cát, gia cố cọc gỗ, bạt. Đập hoàn thành cuối tháng 4, giúp cung cấp nước cho gần 2.000 ha lúa hè thu thị xã Điện Bàn và Nhà máy nước Hội An.

Sông Thu Bồn, sông Bà Rén ở huyện Duy Xuyên cũng bị mặn xâm nhập. Để ngăn chặn, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam đang triển khai đập ngăn mặn ở khu vực Cầu Đen, kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Đập này hoàn thành, cung cấp nước cho gần 1.000 ha lúa.

Tin cùng chuyên mục