Bản tin thời sự sáng 3/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM yêu cầu 5 huyện không đề xuất lên quận hoặc thành phố; Hà Nội định hướng nghiên cứu phát triển không gian đi bộ Trần Nhân Tông theo 2 giai đoạn; giá USD giảm mạnh; Phát Đạt liên tiếp mua lại trái phiếu trước hạn…

TP.HCM yêu cầu 5 huyện không đề xuất lên quận hoặc thành phố

Các huyện ngoại thành được đề nghị không xin chủ trương lên quận hoặc thành phố, mà chờ sau khi đạt chuẩn, TP.HCM mới quyết định mô hình phù hợp với từng địa phương.

5 huyện ở TP.HCM muốn lên thành phố

5 huyện ở TP.HCM muốn lên thành phố

Yêu cầu của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa được Văn phòng UBND Thành phố truyền đạt, sau cuộc họp về tiến độ triển khai Đề án Đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố) giai đoạn 2021 - 2030.

Kế hoạch đầu tư xây dựng các huyện để lập đơn vị hành chính quận hoặc thành phố là nhiệm vụ được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần XI nhiệm kỳ 2020 - 2025. Hai năm qua, lần lượt 5 huyện của TP.HCM là Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè và Hóc Môn đều muốn lên thành phố trước 2030.

Theo ông Hoan, việc phát triển huyện nhằm khai thác lợi thế từng địa phương, hình thành vùng động lực, cực tăng trưởng mới cho TP.HCM. Nhiệm vụ trước mắt của các huyện là nghiên cứu quy hoạch không gian, hình thành khung kết cấu hạ tầng giao thông, khu đô thị lớn cùng các thiết chế văn hoá - xã hội. Sau khi các huyện đạt chuẩn theo quy định, Thành phố mới trình cấp có thẩm quyền quyết định mô hình đơn vị hành chính đô thị phù hợp với từng địa phương.

UBND TP.HCM thống nhất đề xuất Thường trực Thành uỷ cho lùi thời hạn báo cáo Đề án Đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố) giai đoạn 2021 - 2030 đến quý 1/2023, thay vì cuối năm nay. Trong tháng 12, các sở, ngành liên quan phải sớm hoàn thành các nhiệm vụ nhánh trong Đề án, gồm: văn hoá đô thị, con người đô thị, quản lý nhà nước, kinh tế đô thị và hạ tầng đô thị.

Hà Nội định hướng nghiên cứu phát triển không gian đi bộ Trần Nhân Tông theo 2 giai đoạn

UBND TP. Hà Nội yêu cầu quận Hai Bà Trưng khẩn trương hoàn chỉnh phương án tổ chức không gian đi bộ khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận. Trong đó, Thành phố định hướng nghiên cứu theo 2 giai đoạn phát triển không gian đi bộ.

Hà Nội sẽ có thêm tuyến phố đi bộ xung quanh khu vực hồ Thiền Quang và Công viên Thống Nhất.

Hà Nội sẽ có thêm tuyến phố đi bộ xung quanh khu vực hồ Thiền Quang và Công viên Thống Nhất.

Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa thông báo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn về Đề án Tổ chức không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận...

Nội dung tờ trình của UBND quận Hai Bà Trưng chưa cụ thể, rõ ràng để có thể đưa không gian đi bộ khai trương hoạt động từ ngày 1/1/2023.

UBND Thành phố giao UBND quận Hai Bà Trưng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn chỉnh phương án tổ chức không gian đi bộ khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận.

Về không gian đi bộ, UBND Thành phố định hướng nghiên cứu phát triển theo 2 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 xác định không đưa các đoạn tuyến phố Quang Trung, Trần Bình Trọng, Nguyễn Du vào không gian tuyến phố đi bộ.

Giai đoạn 2 có thể nghiên cứu mở rộng đối với các đoạn tuyến phố Quang Trung, Trần Bình Trọng, Nguyễn Du; nghiên cứu lồng ghép trong không gian đi bộ các công trình quan trọng tại khu vực như: Nhà hát chèo, Rạp xiếc Trung ương...

UBND Thành phố thống nhất phương án đề xuất của UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức không gian đi bộ giai đoạn 1 vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần; thống nhất phương án mở ngay một cạnh của Công viên Thống Nhất phía đường Trần Nhân Tông, tạo không gian mở công viên - giai đoạn 1 để kết nối với không gian đi bộ, liên kết công viên với hồ Thiền Quang.

Cùng với đó, UBND Thành phố yêu cầu nghiên cứu phương án kết nối hoạt động văn hóa, nghệ thuật từ Công viên Thống Nhất ra không gian đi bộ. Trong thời gian tiếp theo, nghiên cứu thực hiện các dự án đầu tư để hoàn chỉnh không gian đi bộ theo quy trình, quy định của Luật Đầu tư công.

Thời gian khai trương không gian đi bộ quận Hai Bà Trưng đồng thời với mở một cạnh của Công viên Thống Nhất dự kiến từ ngày 1/1/2023.

Giá USD giảm mạnh

Giá bán USD chợ đen ngày 2/12 đồng loạt hạ hơn 200 đồng so với ngày 1/12, trong ngân hàng cũng giảm gần 400 đồng.

Giao dịch USD tại một ngân hàng thương mại

Giao dịch USD tại một ngân hàng thương mại

Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do trong xu hướng giảm một tuần trở lại đây và ngày càng lùi xa mốc 25.000 đồng/USD. Đầu ngày 2/12, các điểm thu đổi ngoại tệ tự do giảm mạnh giá USD hơn 200 đồng chiều mua và 100 đồng chiều bán so với ngày 1/12, về 24.620 - 24.720 đồng/USD. Như vậy, trong một tháng qua, mỗi đôla Mỹ trên thị trường tự do đã giảm hơn 700 đồng, tương ứng gần 3%.

Giá USD giao dịch tại các ngân hàng cũng giảm vài chục đồng so với hôm qua và đã thấp hơn 300 - 350 đồng so với mức đỉnh thiết lập đầu tháng 11, tương ứng mức giảm 1,15 - 1,4%.

Cụ thể, tỷ giá USD/VND của Vietcombank sáng 2/12 là 24.290 - 24.600 đồng, giảm 40 đồng so với ngày 1/12. Tại Sacombank, giá USD cũng giảm 80 đồng về 24.325 - 24.535 đồng.

Đến chiều 2/12, các ngân hàng tiếp tục giảm sâu giá đôla Mỹ về dưới 24.000 đồng. Lúc 16h, giá USD tại Vietcombank là 23.930 - 24.240 đồng, giảm thêm 360 đồng so với phiên sáng. Sacombank giảm 300 đồng hai chiều mua bán xuống 24.020 - 24.320 đồng.

Hầu hết các nhà băng đang yết giá USD thấp hơn nhiều so với mức trần được phép. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng được yết tỷ giá ở mức tối thiểu 22.477 đồng và cao nhất là 24.843 đồng.

Phát Đạt liên tiếp mua lại trái phiếu trước hạn

Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) vừa công bố sẽ mua lại 188,7 tỷ đồng trái phiếu trước hạn phát hành năm ngoái, sau vài ngày chi 150 tỷ đồng trả sớm lô trái phiếu khác.

Công ty Phát Đạt vừa công bố sẽ mua lại 188,7 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

Công ty Phát Đạt vừa công bố sẽ mua lại 188,7 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

Thông tin mua lại trước hạn lô trái phiếu 188,7 tỷ đồng được Phát Đạt đưa ra chiều 2/12. Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn đến tháng 12/2023, tức Phát Đạt trả nợ cho trái chủ trước hạn một năm.

Trước đó, vào ngày 25/11, công ty này đã tất toán lô trái phiếu phát hành lần 9 năm 2021 kỳ hạn 2 năm trị giá 150 tỷ đồng sớm hơn kỳ hạn một năm. Hôm 21 và 25/10, Phát Đạt cũng đã tất toán khoản vay vốn lưu động có giá trị tổng cộng 220 tỷ đồng cho Tập đoàn Tài chính Mirae Asset (Hàn Quốc).

Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tháng, tính từ cuối tháng 10 đến nay, Phát Đạt đã tất toán tổng cộng 558,7 tỷ đồng các khoản vay, trong đó có 338,7 tỷ tất toán trước hạn trái phiếu. Hiện tổng nợ vay của công ty này giảm từ mức 5.265 tỷ đồng xuống khoảng 4.700 tỷ đồng. Số dư nợ trái phiếu giảm xuống còn 2.500 tỷ đồng.

Ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc Phát Đạt cho biết, đã chuẩn bị kế hoạch và lộ trình để thanh toán đúng hạn các khoản vay, cũng như đảm bảo quyền lợi của trái chủ. Theo ông Vũ, song song với việc mua lại trái phiếu trước hạn, Công ty còn tái cơ cấu danh mục đầu tư với mục đích tối ưu nguồn lực, đảm bảo dòng tiền, tăng khả năng thanh khoản nợ vay.

TP.HCM đề xuất đầu tư 230 tỷ đồng tu bổ khu di tích Ba Son

Khu di tích quốc gia ghi dấu cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng rộng 6.000 m2, trong Nhà máy Đóng tàu Ba Son, Quận 1, vừa được TP.HCM đề xuất tu bổ.

Khu vực Nhà máy Đóng tàu Ba Son nhìn từ trên cao

Khu vực Nhà máy Đóng tàu Ba Son nhìn từ trên cao

Đề án Tu bổ, tôn tạo đã được UBND TP.HCM trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thẩm định để thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025. Di tích nằm trên khu đất vốn là nhà máy đóng tàu lâu đời nhất Thành phố, cạnh sông Sài Gòn, đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Hữu Cảnh (phường Bến Nghé). Đây là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Theo UBND TP.HCM, hiện trạng di tích gồm phần còn lại của khối nhà xưởng cơ khí, khối nhà làm việc, ụ tàu nhỏ, triền nề, hạ tầng sân đường, cây xanh... Tuy nhiên, trải qua hàng trăm năm, tất cả các hạng mục đều hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo điều kiện hoạt động.

Đề án sẽ tu bổ các hạng mục như: phục hồi nguyên trạng triền nề 1918, ụ tàu nhỏ 1863, tôn tạo nhà xưởng cát, phục hồi xưởng vũ khí và xưởng điện tử, sân vườn cảnh quan tổng thể... Đồng thời mở một khu trưng bày với hơn 60 hiện vật, 100 hình ảnh, 120 tư liệu bằng tiếng Pháp và tiếng Việt về lịch sử hình thành ngành đóng tàu trong nước.

Đề án do Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá TP.HCM làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành quý I/2025. Trước đó, năm 2019, UBND Thành phố kiến nghị Bộ Quốc phòng giao khu đất để quản lý, thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo.

Agribank siết nợ xe trộn bê tông, ô tô của công ty liên quan Tân Hoàng Minh

Khoản nợ của công ty này là gần 28,3 tỷ đồng, bị xếp vào nợ có khả năng mất vốn. Agribank sẽ thu giữ các tài sản gồm 30 xe trộn bê tông và nhiều ô tô, máy móc, thiết bị…

Agribank thu giữ loạt tài sản của một công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh

Agribank thu giữ loạt tài sản của một công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh

Agribank Chi nhánh Tràng An vừa thông báo thu giữ tài sản đảm bảo của Công ty CP Sản xuất và Thương mại THM-Concrete (THM-Concrete) để thu hồi nợ. THM-Concrete là công ty thành viên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Ngân hàng này cho biết, THM-Concrete đã vi phạm thời hạn bàn giao tài sản bảo đảm theo thông báo về việc tự nguyện bàn giao để xử lý thu hồi nợ của Agribank Chi nhánh Tràng An. Do đó, Ngân hàng thu giữ hoặc tiếp quản tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ xấu theo quy định tại hợp đồng bảo đảm đã được ký kết.

Khoản nợ của THM-Concrete tính đến thời điểm 1/12 là gần 28,3 tỷ đồng và bị xếp vào nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).

Tài sản bảo đảm bị thu giữ gồm 1 xe ô tô 5 chỗ hiệu Mazda, sản xuất năm 2018; 2 xe ô tô hiệu Ford Ranger, cùng sản xuất năm 2018; 30 xe trộn bê tông cùng được sản xuất năm 2019; 2 máy xúc lật bánh lốp hiệu Liugong, sản xuất năm 2018; 1 trạm trộn bê tông công suất 180 m3/h hoạt động từ năm 2018; 1 công trình trạm biến áp 1.000 kVA - 35(22)/0,4 kV hoạt động từ năm 2018; 1 máy phát điện sản xuất năm 2018; 1 hệ thống thiết bị làm mát nước; 1 máy đào bánh xích hiệu Hitachi, sản xuất năm 2018.

Việc thu giữ bắt đầu từ 10h ngày 2/12 cho đến khi hoàn thành. Địa điểm thu giữ được thực hiện tại Hà Nội.

Từ năm 2023, thay đổi điều kiện được hưởng 100% chi phí khám bệnh

Do mức lương cơ sở tăng từ ngày 1/7/2023 nên điều kiện để người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) 5 năm liên tục hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB) cũng thay đổi theo.

Không phải trường hợp nào tham gia bảo hiểm y tế liên tục từ 5 năm trở lên đều được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh minh họa

Không phải trường hợp nào tham gia bảo hiểm y tế liên tục từ 5 năm trở lên đều được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh minh họa

Quyền lợi lớn nhất của người tham gia BHYT 5 năm liên tục là có thể được thanh toán 100% chi phí KCB. Tại Điểm c Khoản 1 Điều 22 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định mức hưởng BHYT như sau: "100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến".

Như vậy, không phải trường hợp nào tham gia BHYT liên tục từ 5 năm trở lên đều được hưởng 100% chi phí KCB BHYT.

Để được chi trả 100% chi phí KCB BHYT, người tham gia BHYT phải đáp ứng đủ 2 điều kiện. Thứ nhất, có thời gian tham gia BHYT từ đủ 5 năm liên tục trở lên tính từ thời điểm người đó tham gia BHYT đến thời điểm đi KCB. Thứ hai, có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở tính từ thời điểm tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục.

Tức là trong năm, nếu số tiền KCB mà người bệnh đồng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì phần vượt quá 6 tháng lương cơ sở sẽ do Quỹ BHYT thanh toán và người bệnh được chi trả 100% chi phí KCB BHYT từ thời điểm này cho đến hết năm.

Do điều kiện thứ 2 căn cứ theo lương cơ sở nên khi mức lương cơ sở thay đổi từ ngày 1/7/2023, điều kiện để được miễn đồng chi trả cũng thay đổi theo.

Thanh Hóa đưa 270 dự án ra khỏi danh mục đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022

Một số địa phương có nhiều dự án đưa ra khỏi danh sách đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 là: TP. Thanh Hóa với 35 dự án; huyện Đông Sơn 32 dự án; huyện Thiệu Hóa 29 dự án; huyện Quảng Xương 19 dự án; huyện Ngọc Lặc 22 dự án; huyện Nga Sơn 24 dự án...

TP. Thanh Hóa có 35 dự án đưa ra khỏi danh sách đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022

TP. Thanh Hóa có 35 dự án đưa ra khỏi danh sách đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa quyết định bổ sung, điều chỉnh và đưa ra khỏi danh mục một số dự án đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022.

Theo đó, có 270 dự án được đưa ra khỏi danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích đất theo quy hoạch là 571,65 ha. Tổng diện tích đất thực hiện đấu giá 225,07 ha. Tổng số tiền sử dụng đất dự kiến thu là 6.032,9 tỷ đồng. Nếu trừ chi phí giải phóng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật thì còn hơn 3.400,8 tỷ đồng.

Ngoài việc đưa hàng loạt dự án ra khỏi danh sách đấu giá đất năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng quyết định bổ sung 158 dự án thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong năm 2022. Tổng diện tích đất theo quy hoạch là hơn 42 ha. Tổng diện tích đất thực hiện đấu giá là 42,68 ha. Tổng số tiền sử dụng đất dự kiến thu từ các dự án này khoảng 1.470,3 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí giải phóng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật sẽ thu về cho ngân sách hơn 1.092,5 tỷ đồng.

Do đã bước vào thời điểm cuối năm 2022, nên đối với các dự án sẽ triển khai đấu giá, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND cấp huyện và Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa khẩn trương thực hiện những công việc tiếp theo để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất các dự án theo quy định. Các đơn vị có tài sản bán đấu giá là quyền sử dụng đất phải cam kết đến 31/12/2022 hoàn thành kế hoạch đấu giá năm 2022 đã được phê duyệt.

Tin cùng chuyên mục