Bản tin thời sự sáng 31/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thủ tướng yêu cầu hoàn thành thủ tục để xử lý 1.533 dự án vướng mắc trước 30/5; cư dân chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng bốc thăm nhận nhà tái định cư; tranh của họa sỹ Việt được bán với giá hơn 2 triệu USD, dẫn đầu phiên đấu giá ở Hong Kong…

Thủ tướng yêu cầu hoàn thành thủ tục để xử lý 1.533 dự án vướng mắc trước 30/5

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, các thủ tục để xử lý cho 1.533 dự án tồn đọng, có vướng mắc phải cố gắng hoàn thành trước ngày 30/5.

Riêng với 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2, lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý chủ trương bố trí thêm ngân sách từ nguồn tăng thu năm 2024 để hoàn thành trong năm nay

Riêng với 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2, lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý chủ trương bố trí thêm ngân sách từ nguồn tăng thu năm 2024 để hoàn thành trong năm nay

Tại cuộc họp với Ban chỉ đạo về gỡ vướng cho các dự án ngày 30/3, theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 1.533 dự án gặp khó khăn. Số này gồm 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Ngoài ra, Bộ Tài chính nhận được văn bản của doanh nghiệp phản ánh về 12 dự án gặp vướng mắc.

Các khó khăn chủ yếu của số dự án trên chủ yếu liên quan tới xử lý tài sản công; quản lý, sử dụng, bố trí vốn đầu tư công; chuyển mục đích sử dụng đất; dừng, thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án... Các dự án cũng được phân loại theo thẩm quyền xử lý của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng và bộ ngành, địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc tháo gỡ cho hơn 1.500 dự án gặp vướng mắc nhằm giải phóng, khai thác nguồn lực rất lớn, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay. Thủ tướng yêu cầu, việc gỡ vướng phải đảm bảo công khai, minh bạch theo hướng "trách nhiệm tập thể, cá nhân tới đâu xử lý tới đó", "đánh chuột nhưng không vỡ bình" và không để sai chồng sai, tạo tiền lệ xấu.

Thời gian qua, Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra tại TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa; Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Cùng với đó, Chính phủ đã có chủ trương tháo gỡ cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Dự kiến, các cơ quan sẽ trình Chính phủ nghị quyết tháo gỡ cho 5 dự án tại TP.HCM ngay đầu tháng 4.

Riêng với 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2, lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý chủ trương bố trí thêm ngân sách từ nguồn tăng thu năm 2024 để hoàn thành trong năm nay.

Theo Thủ tướng, với vướng mắc về mặt bằng, địa phương cần giải quyết dứt điểm, căn cứ quy định để hỗ trợ phù hợp. Việc này phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Các chính sách cần "thấu tình đạt lý" với người khó khăn, yếu thế, đồng thời xử nghiêm trường hợp cố tình vi phạm, chây ỳ, chống đối...

Các bộ ngành, địa phương cần rà soát quy hoạch, nhất là quy hoạch chuyên ngành bảo đảm phù hợp, đồng bộ. Các dự án có vướng mắc trong các kết luận thanh tra, bản án, đề xuất Quốc hội cho phép vận dụng chính sách đặc thù đã được thông qua.

Cư dân chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng bốc thăm nhận nhà tái định cư

Sau 14 năm tạm cư, 19 hộ dân chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa (TP. Hà Nội) được bốc thăm căn hộ tái định cư, dự kiến quý IV/2027 nhận nhà mới.

Người dân bốc thăm căn hộ tái định cư tại dự án cải tạo chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng

Người dân bốc thăm căn hộ tái định cư tại dự án cải tạo chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng

Chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng được xây dựng từ năm 1991, gồm 5 tầng chia thành hai đơn nguyên với tổng số 42 căn hộ. Tháng 3/2011, đơn nguyên 1 bị sập một phần do ngôi nhà số 49 bên cạnh đổ đè vào. 19 hộ dân được di dời đến nơi tạm cư tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. 23 hộ còn lại vẫn ở chung cư.

Sau 14 năm, người dân, chính quyền và nhà đầu tư đã thống nhất triển khai Dự án Đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư số 51 Huỳnh Thúc Kháng trên diện tích 1.200 m2. Công trình có 13 tầng nổi, tum kỹ thuật và 5 hầm, tổng diện tích sàn xây dựng trên 17.000 m2.

Chủ đầu tư vừa tổ chức bốc thăm căn hộ tái định cư để thực hiện dự án xây dựng lại nhà chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng. Trong thời gian chờ xây nhà mới, 19 hộ dân tiếp tục tạm cư ở phường Đại Kim, 23 hộ còn lại sẽ được bố trí tạm cư tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy.

Lý giải việc cải tạo tòa nhà kéo dài nhiều năm, ông Trương Thế Khôi, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường, quận Đống Đa, cho hay có hai vấn đề vướng mắc. Thứ nhất, các nghị định liên quan đến cải tạo chung cư cũ thay đổi khiến đơn vị chuyên môn phải nghiên cứu điều chỉnh kế hoạch, phương án cho phù hợp.

Vướng thứ hai là quy định về mật độ dân cư. Chủ đầu tư muốn xây cao tầng để bù chi phí phần tái định cư, nhưng vướng quy định. "Chúng tôi phải gặp gỡ, tuyên truyền cho người dân, nhà đầu tư rất nhiều lần để làm sao hài hòa lợi ích giữa ba bên: người dân - chủ đầu tư - chính quyền", ông Khôi nói.

Cũng theo ông Khôi, để tạo được sự đồng thuận của người dân, chính quyền đã làm việc với chủ đầu tư để đưa ra mức đền bù tốt nhất có thể là 1,3 lần nên đa số người dân đồng thuận…

Đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bách Khoa, cho biết ngoài việc căn hộ được tăng diện tích so với nhà cũ, tòa nhà mới có công năng hiện đại, thang máy riêng, nhà sinh hoạt cộng đồng. Các căn hộ được hoàn thiện nội thất liền tường như đèn chùm phòng khách, tủ bếp có hút mùi, bồn rửa, bếp từ, giàn phơi quần áo.

"Chúng tôi cùng chính quyền quyết tâm tháng 6 khởi công, tập trung cao độ hoàn thành Dự án trong quý IV/2027", ông Kiên nói.

Tranh của họa sỹ Việt được bán với giá hơn 2 triệu USD, dẫn đầu phiên đấu giá ở Hong Kong

Bức “Le Trois Femmes” của Nguyễn Gia Trí được bán với giá 16 triệu HKD, vượt xa dự kiến ban đầu vì là hàng hiếm, có nguồn gốc rõ ràng, mức độ hoàn thiện cao và chất lượng bảo quản tốt.

Tranh Nguyễn Gia Trí trên trang của sàn Christie's.

Tranh Nguyễn Gia Trí trên trang của sàn Christie's.

Danh họa Nguyễn Gia Trí vừa có tranh được "gõ búa" khoảng 2,07 triệu USD tại buổi đấu giá "A Quest for Eternity: The Philippe Damas Collection," do nhà đấu giá Christie's Hong Kong (Trung Quốc), tổ chức ngày 29/3.

Cụ thể bức "Le Trois Femmes" (1934), tạm dịch là Ba người phụ nữ, được đấu giá thành công mức 16.105.000 HKD, vượt xa dự kiến 4 - 6 triệu HKD, dẫn đầu buổi đấu giá. HENI News cho biết, bức vẽ từng được giao dịch hai lần trong quá khứ.

Mức giá này đặt Nguyễn Gia Trí vào hạng 4 trên 10 tranh Việt đắt giá nhất, sau "Chân dung cô Phương" 3,1 triệu của Mai Trung Thứ (2021), "Gia đình trong vườn" 2,37 triệu USD (2023) và "Dáng hình trong vườn" 2,29 triệu USD (2022) đều của Lê Phổ.

Theo thống kê của HENI News, đã có 40 tác phẩm được gõ búa thành công trong buổi đấu giá. Tổng trị giá khoảng 60,5 triệu HKD, tương đương 7,78 triệu USD.

Các tác phẩm nổi bật có thể kể đến như “Marché au Tonkin” của Jos Henri Ponchin bán 3,5 triệu HKD (dự kiến 240.00-350.000 HKD), “Le retour de marché” của Joseph Inguimberty bán 12,5 triệu HKD (dự kiến 1,2-2,2 triệu HKD), Victor Tardieu, Georges Barriere...

Đối với tác phẩm từ Việt Nam, ngoài Nguyễn Gia Trí còn có tranh của Nguyễn Sáng (bức Family - Gia đình), Tô Ngọc Vân (Deux femmes - Hai người phụ nữ), Trần Phúc Duyên (La prière - Người cầu nguyện), Lưu Văn Sìn (Bonzesse - Nữ tu Phật giáo), Vũ Cao Đàm, Lê Phổ...

50 tỉnh, thành phố ghi nhận bất cập tại hàng trăm cụm đèn tín hiệu giao thông

Theo Bộ Xây dựng, qua rà soát trên mạng lưới đường bộ tại 50 tỉnh, thành phố, đã phát hiện 586 cụm đèn tín hiệu giao thông có bất cập.

Hàng trăm cụm đèn tín hiệu giao thông gặp trục trặc

Hàng trăm cụm đèn tín hiệu giao thông gặp trục trặc

Bộ Xây dựng vừa báo cáo Chính phủ về việc rà soát, xử lý tồn tại, bất cập về tổ chức giao thông đường bộ, trong đó có hệ thống đèn tín hiệu giao thông.

Theo Bộ Xây dựng, do số lượng biển báo và đèn tín hiệu giao thông trên toàn bộ mạng lưới đường bộ rất lớn, trong khi thời điểm triển khai tổng rà soát, các cơ quan, đơn vị đang tiến hành sắp xếp tổ chức, bộ máy, nên đến nay còn một số địa phương chưa gửi báo cáo.

Căn cứ báo cáo từ 50 địa phương gửi về, Cục Đường bộ Việt Nam đã tổng hợp đến ngày 25/3.

Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trên mạng lưới đường bộ đã rà soát có 5.209 cụm nút giao đèn tín hiệu giao thông. Thông qua rà soát đã phát hiện 586 cụm đèn có bất cập, đến nay đã xử lý xong 139 cụm, còn 447 cụm đang tiếp tục khắc phục.

Tính riêng trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng có 1.864 cụm đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao. Thông qua rà soát đã phát hiện 447 cụm đèn có bất cập, đến nay đã xử lý xong 83 cụm, còn 364 cụm đang tiếp tục khắc phục.

Đối với hệ thống đèn tín hiệu giao thông do 50 địa phương quản lý, có bố trí 3.253 vị trí và đã phát hiện 139 cụm đèn tín hiệu có bất cập về tổ chức giao thông. Đến nay đã khắc phục 56 cụm, còn 83 cụm đang tiếp tục xử lý.

Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân của các hư hỏng, bất cập của cụm đèn tín hiệu giao thông là do thời gian khai thác, sử dụng trên 5 năm, chịu tác động của nắng, mưa, gió, bão và các yếu tố thời tiết dẫn đến tín hiệu xanh, đỏ hoạt động chập chờn, không ổn định.

Ngoài ra, còn xảy ra tình trạng hệ thống cấp điện bị hư hỏng, gồm hỏng tủ điện, hư hỏng bộ phận hoặc ắc quy cũ dẫn đến tín hiệu đèn bị yếu.

Một nguyên nhân khác là do khai thác, tai nạn giao thông; bóng đèn bị cháy; nhiều cụm đèn chưa có đèn đếm ngược thời gian.

Ngoài ra còn có bất cập như: Thiếu đèn tín hiệu chỉ dẫn cho người đi bộ tại nút giao hoặc có nhưng đã hỏng không hoạt động; một số vị trí đặt cột đèn tín hiệu không hợp lý, bị che khuất…

Đề xuất đầu tư đường hơn 1.205 tỷ đồng ở Lâm Đồng

Cơ quan chức năng vừa đề nghị thẩm định chủ trương đầu tư, nguồn vốn... cho Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường DT721 có quy mô hơn 1.205 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng vừa đề nghị thẩm định chủ trương đầu tư, nguồn vốn... cho Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường DT721. Ảnh minh họa

Cơ quan chức năng vừa đề nghị thẩm định chủ trương đầu tư, nguồn vốn... cho Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường DT721. Ảnh minh họa

Ban Quản lý dự án giao thông đã có văn bản gửi Sở Tài chính và UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường ĐT721, đoạn từ Km16+600 đến Km49+500.

Địa điểm xây dựng là ở huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng với tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 1.205 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Theo Ban Quản lý dự án giao thông, công trình này thuộc dự án giao thông nhóm B và UBND tỉnh Lâm Đồng là cấp quyết định đầu tư dự án. Tổng chiều dài tuyến đường hơn 27,5 km.

Về quy mô ở đoạn đường thông thường (khu vực dân cư thưa thớt, đồng ruộng) thì nền đường rộng 15,5 m, mặt đường rộng 12 m. Dải phân cách giữa được kẻ vạch sơn rộng 0,5 m. Lề gia cố rộng 2 m, lề đất (gia cố bê tông) rộng 1 m.

Đoạn qua trung tâm thị trấn Đạ Tẻh (Km16+600 - Km17+885) nền đường rộng 21,1 m, mặt đường rộng 12 m. Dải phân cách giữa kẻ vạch sơn rộng 0,5 m. Lề gia cố rộng 2 m. Rãnh vỉa và vỉa hè có tổng chiều rộng 6,6 m.

Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 208,374 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 766.973 tỷ đồng... Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2025 - 2028.

Theo đánh giá, hiện nay, tuyến đường ĐT721 chỉ đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi với mặt cắt ngang hẹp, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông.

Do đó, phần lớn phương tiện từ các huyện phía Tây Bắc tỉnh Lâm Đồng như Đam Rông, Lạc Dương và thành phố Đà Lạt phải di chuyển theo Quốc lộ 20.

Việc này đã làm cho lưu lượng giao thông trên Quốc lộ 20 ngày càng gia tăng, nhất là tại các cung đường đèo nguy hiểm như: Đèo Bảo Lộc, đèo Chuối... làm tăng nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng, việc đầu tư nâng cấp tuyến đường ĐT721 sẽ giúp phân luồng, giảm tải áp lực cho Quốc lộ 20.

Khi đó, các phương tiện có thể lựa chọn các tuyến ĐT725, ĐT726 kết nối với ĐT721 để di chuyển về Bình Phước, Đồng Nai và các tỉnh phía Nam…

Nước sạch sông Đà lần đầu tăng giá bán buôn sau 11 năm

Giá bán buôn của Công ty Nước sạch Sông Đà hiện là 5.069 đồng/m3, được áp dụng từ 2014.

Nước sạch sông Đà lần đầu tăng giá bán buôn sau 11 năm. Ảnh minh họa

Nước sạch sông Đà lần đầu tăng giá bán buôn sau 11 năm. Ảnh minh họa

Theo Quyết định số 1799/QĐ-UBND vừa phê duyệt giá bán nước sạch sinh hoạt của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà áp dụng trên địa bàn Thành phố là 7.767 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Quyết định của UBND TP. Hà Nội giao Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà cung cấp nước sạch sinh hoạt đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCVN 01-1:2018/BYT.

Đồng thời, có trách nhiệm rà soát việc thực hiện phương án giá bán nước sạch sinh hoạt phù hợp với thực tế trong quá trình hoàn thiện dự án Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II, nâng công suất nhà máy lên 600.000 m3/ngày đêm.

Công ty tổng hợp hồ sơ, đánh giá quy trình công nghệ sản xuất, quản lý, vận hành mạng cấp nước gửi Sở Xây dựng theo quy định đối với giá nước sinh hoạt bán lẻ tới người dân Hà Nội, Thành phố đã có quyết định điều chỉnh vào 7/7/2023 và đến nay vẫn áp dụng mức giá này.

Năm 2024, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế gần 26.000 tỷ đồng

Số thu thuế từ hộ, cá nhân kinh doanh năm ngoái đạt 25.953 tỷ đồng, tăng 20% so với 2023, theo Cục Thuế.

Năm 2024, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế gần 26.000 tỷ đồng

Năm 2024, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế gần 26.000 tỷ đồng

Cả nước hiện có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, góp hơn 24% vào GDP và được đánh giá là "xương sống" trong nhiều ngành, lĩnh vực, từ công-nông nghiệp đến thương mại, dịch vụ.

Theo thông tin từ Cục Thuế (Bộ Tài chính), số thu từ hộ, cá nhân kinh doanh năm ngoái đạt 25.953 tỷ đồng, bằng 120% so với năm 2023. Tuy nhiên, theo lãnh đạo cơ quan thuế, kết quả này vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra.

Hiện 3 loại thuế, phí các hộ, cá nhân kinh doanh phải đóng gồm lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập cá nhân. Ngoài ra, hộ kinh doanh còn có thể phải nộp thuế bảo vệ môi trường, tài nguyên... nếu kinh doanh hàng hóa thuộc diện chịu thuế của các luật này.

Thực tế, Chính phủ nhiều lần yêu cầu ngành thuế có giải pháp để quản lý với hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh nhà hàng, khách sạn và dịch vụ. Việc này nhằm hạn chế "lách luật" để trốn thuế, gây thất thu ngân sách.

Tại hội nghị về quản lý thuế cuối tuần qua, Phó Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn cho biết, ngành thuế tăng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (BigData) trong quản lý với hộ, cá nhân kinh doanh. Nhà điều hành cũng phát triển các ứng dụng, đặc biệt là eTax Mobile, để hỗ trợ việc quản lý thuế.

Đồng thời, ngành thuế sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan cấp giấy phép kinh doanh để xử lý hộ, cá nhân không đăng ký theo quy định và đưa trường hợp được cấp phép kinh doanh vào diện quản lý thuế. Phó Cục trưởng Mai Sơn đề nghị cơ quan thuế các cấp hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu về hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn quản lý trong tháng 4.

Chuẩn bị tăng phí trạm BOT Quốc lộ 1 thuộc cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn

Từ ngày 25/4, giá vé qua trạm thu phí Km93+160 trên Quốc lộ 1 thuộc Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ tăng lên, trong đó mức tăng cao nhất là từ 200.000 đồng lên 230.000 đồng/lượt áp dụng với nhóm xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet.

Trạm thu phí Km93+160, Quốc lộ 1 thuộc Dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn.

Trạm thu phí Km93+160, Quốc lộ 1 thuộc Dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn.

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản chấp thuận điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí Km93+160, Quốc lộ 1 thuộc Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn kể từ 0 giờ 00 phút ngày 25/4/2025.

Mức giá điều chỉnh khi áp dụng thuế giá trị gia tăng là 10% cụ thể như sau:

Đối với nhóm xe 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng) giá vé tăng từ 52.000 đồng/lượt lên 60.000 đồng/lượt; giá vé tháng và vé quý lần lượt tăng từ 1,56 triệu đồng và 4,2 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng và 4,86 triệu đồng.

Nhóm xe 2 (xe từ 12 - 30 ghế ngồi, xe có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) giá vé tăng từ 70.000 đồng/lượt lên 81.000 đồng/lượt; giá vé tháng và quý lần lượt tăng từ 2,1 triệu đồng và 5,67 triệu đồng lên 2,43 triệu đồng và 6,56 triệu đồng.

Nhóm xe 3 (xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn, xe đầu kéo không kéo theo rơ mooc hoặc sơ mi rơ mooc) giá vé tăng từ 87.000 đồng/lượt lên 100.000 đồng/lượt; giá vé tháng và vé quý tăng từ 2,61 triệu đồng và 7,04 triệu đồng lên 3 triệu đồng và 8,1 triệu đồng.

Nhóm xe 4 (xe có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet) có giá vé từ 140.000 đồng/lượt lên 161.000 đồng/lượt. Giá vé tháng và vé quý lần lượt tăng từ 4,2 triệu đồng và 11,34 triệu đồng lên 4,83 triệu đồng và 13,04 triệu đồng.

Nhóm xe 5 (xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet) có giá vé từ 200.000 đồng/lượt lên 230.000 đồng/lượt. Giá vé tháng và vé quý tăng từ 6 triệu đồng và 16,2 triệu đồng lên 6,9 triệu đồng và 18,63 triệu đồng.

“Việc điều chỉnh giá vé trạm thu phí Km93+160 nhằm đảm bảo phương án tài chính của Dự án và nâng cao chất lượng vận hành, bảo trì tuyến đường cao tốc”, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng chiều dài 64 km, từ điểm đầu tại Km45+100 (giao cắt với Quốc lộ 1 tại xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) đến điểm cuối tại Km109+660, kết nối với điểm cuối dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức BOT (thuộc thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) trong Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

TNG muốn hủy kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông

TNG muốn hủy việc phát hành 12,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, thay vào đó họ sẽ phát hành cho người lao động nhằm tăng vốn điều lệ lên hơn 1.287 tỷ đồng.

Công nhân làm việc tại nhà máy của TNG

Công nhân làm việc tại nhà máy của TNG

Thông tin này được nêu trong tài liệu họp cổ đông vừa được Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) công bố. Doanh nghiệp dự kiến tổ chức đại hội cổ đông thường niên vào ngày 20/4 tại Thái Nguyên.

Theo đó, TNG muốn hủy việc phát hành 12,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Thay vào đó, công ty muốn tập trung vào phương án phát hành 6,13 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) với giá ưu đãi 10.000 đồng một cổ phiếu. Với phương án này, TNG có thể thu về 61,3 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động.

Kế hoạch này dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2026, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên hơn 1.287 tỷ đồng.

Song song với kế hoạch phát hành ESOP, Công ty cũng trình cổ đông phê duyệt việc niêm yết trái phiếu chào bán ra công chúng trên HNX trong 2025. Đây là bước đi tiếp theo nhằm hiện thực hóa chiến lược huy động vốn đã được đề ra từ những năm trước.

Năm nay, TNG đặt mục tiêu doanh thu 8.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 340 tỷ đồng, tăng lần lượt 6% và 8% so với năm trước. Nếu hoàn thành, đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp công ty lập kỷ lục mới về doanh thu và lợi nhuận. Năm ngoái, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 7.656 tỷ đồng và lãi ròng 315 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 8% và 42% so với năm 2023.

Với kết quả kinh doanh tích cực, TNG đề xuất chia cổ tức 2024 với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt, tức 2.000 đồng một cổ phiếu - mức cao nhất từ trước đến nay. Công ty này dự tính chi hơn 245 tỷ đồng để thanh toán cổ tức, tương đương gần 78% lợi nhuận sau thuế của 2024.

Tin cùng chuyên mục