Hà Nội xây bệnh viện dã chiến 500 giường
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang gấp rút xây dựng bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch, công suất 500 giường. Bệnh viện dã chiến xây dựng tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai.
Bệnh viện dã chiến được xây dựng tại ngõ 587 Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nặng Covid-19 nặng |
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết Bệnh viện có diện tích 3,5 ha, quy mô 500 giường, có lối đi riêng biệt cho bệnh nhân và nhiều cây xanh để khuôn viên thông thoáng. Bệnh viện dự kiến huy động khoảng 1.000 nhân viên y tế gồm 272 bác sĩ và 680 điều dưỡng. Lực lượng nòng cốt là từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và một số bệnh viện do Bộ Y tế hỗ trợ.
Theo bác sĩ Hiếu, lợi thế bệnh viện dã chiến này là được xây từ đầu theo tiêu chuẩn điều trị ICU, khu dinh dưỡng, xét nghiệm, điều trị riêng biệt nhằm đảm bảo vô trùng, kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo trong Bệnh viện. Đây là công trình cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, dự kiến hoàn thiện sau một tháng khởi công, tức cuối tháng 8.
Trước đó, Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chuẩn bị nguồn lực về cơ sở vật chất, nhân lực, để thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) quy mô 500 giường.
Quyết định này nằm trong Đề án Tăng cường năng lực hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Theo kế hoạch, Bộ Y tế sẽ lập 5 Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia đặt tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện hồi sức tích cực Covid-19 TP.HCM (cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM). Mỗi trung tâm có từ 500 - 1.000 giường bệnh.
Chính phủ đồng ý thêm gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của Covid-19
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý đề xuất của Bộ Tài chính về bổ sung các giải pháp hỗ trợ tiếp theo cho người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19.
Chính phủ đồng ý thêm gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của Covid-19 |
Chỉ đạo này của lãnh đạo Chính phủ đưa ra trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính về một số giải pháp thu ngân sách trong năm 2021, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của Covid-19.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính chủ trì, cùng Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan hoàn thiện đề xuất hỗ trợ theo theo trình tự thủ tục rút gọn, trình Thủ tướng trước ngày 10/8 để xem xét, quyết định.
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý, gói hỗ trợ mới cần được xây dựng trên cơ sở rà soát, đánh giá kỹ các giải pháp hỗ trợ đã thực hiện, nhằm điều chỉnh, bổ sung sát thực tế, hiệu quả và kịp thời hơn.
Các Bộ, cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để triển khai, bảo đảm thời hạn, chất lượng.
Trước đó, tại Phiên thảo luận kinh tế - xã hội ngày 25/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan này đang đề xuất Chính phủ một gói hỗ trợ mới về thuế, phí cho doanh nghiệp, người dân khó khăn vì Covid-19, khoảng 24.000 tỷ đồng.
Gói hỗ trợ này được đề xuất nghiên cứu trước thực tế các doanh nghiệp, người dân đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động từ làn sóng dịch thứ 4.
Đầu tháng 7, Chính phủ ban hành gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng với 12 chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do đại dịch. Đến 24/7, 11 triệu lao động được thụ hưởng từ nhóm chính sách hỗ trợ bảo hiểm; hơn 52.000 lao động bị tạm hoãn hợp đồng đã được nhận hỗ trợ.
Đà Nẵng ra Nghị quyết chống dịch cao hơn Chỉ thị 16 từ 18h ngày 31/7
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói việc ban hành các biện pháp cấm, hạn chế người và phương tiện đi lại lúc này là cần thiết để chống dịch.
Đà Nẵng ra Nghị quyết chống dịch cao hơn Chỉ thị 16 từ 18h ngày 31/7 |
Ban thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng ban hành Nghị quyết 08 về tăng cường môt số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Thành phố sẽ thực hiện các biện pháp mạnh hơn, cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng; nhằm đảm bảo phong tỏa, giãn cách và cách ly trên địa bàn, bắt đầu từ 18h ngày 31/7.
Nghị quyết được đưa ra trong bối cảnh 20 ngày qua Đà Nẵng ghi nhận 568 ca mắc Covid-19; nhiều chuỗi lây nhiễm cộng đồng liên tiếp được phát hiện; nhiều bệnh nhân chưa rõ nguồn lây; 47/56 xã, phường ở Đà Nẵng đã có người nhiễm SARS-CoV-2 đặt Thành phố vào mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao.
Ông Quảng nói, thực tế hai tháng qua Đà Nẵng ban hành nhiều biện pháp chống dịch tương đương với Chỉ thị 16. Thời gian tới, Thành phố sẽ áp dụng các biện pháp cấm, hạn chế người, phương tiện đi lại và một số hoạt động trong thời gian nhất định, trừ trường hợp được phép theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Quy định này địa phương đã đề ra, nhưng cần thực hiện nghiêm hơn.
Ngoài các chốt kiểm dịch ở cảng hàng không, nhà ga đường sắt, cảng biển và giáp ranh với các địa phương khác, các lực lượng chức năng được yêu cầu tổ chức chốt kiểm soát trong khu vực nội thành, tại các khu dân cư.
Thành phố cũng sẽ tổ chức lực lượng cơ động tuần tra, nhắc nhở, xử lý các vi phạm, khắc phục tình trạng "chặt ngoài, lỏng trong".
Ngành y tế khẩn trương xét nghiệm diện rộng trên địa bàn toàn thành phố, đa dạng với các hình thức xét nghiệm PCR và xét nghiệm nhanh tại các khu dân cư, hộ gia đình, trong các doanh nghiệp.
Đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho tài xế, phụ xe ngành vận tải, logistics
Tài xế, phụ xe vận tải liên tỉnh, lao động tại các cảng biển, cửa khẩu... ngành vận tải, logistics được Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh ưu tiên tiêm vaccine Covid-19.
Đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho tài xế, phụ xe ngành vận tải, logistics |
Đề nghị này vừa được Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải gửi UBND các tỉnh, thành phố.
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố bổ sung đối tượng lao động trong ngành vận tải, logistics, nhất là lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu... vào đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine như lực lượng tuyến đầu chống dịch. Việc này được Bộ Công Thương nhấn mạnh, nhằm bảo đảm dòng lưu thông hàng hoá được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất.
Đề xuất trên của Bộ Công Thương được đưa ra dựa trên cơ sở phản ánh, kiến nghị của các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp trong ngành vận tải, logistics.
Những người lao động ngành vận tải, nhất là các tài xế, nhân viên vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động ở cảng biển, cửa khẩu... có vai trò quan trọng tương tự lực lượng tuyến đầu chống dịch. Họ có nhiệm vụ bảo đảm sự liên tục, thông suốt trong cung cấp hàng hoá thiết yếu, vật tư, thiết bị y tế chống dịch cũng như cung ứng nguyên vật liệu, hàng hoá cho chuỗi sản xuất trong nước.
Logistics, vận chuyển, lưu thông hàng hoá là mạch máu của hoạt động kinh tế đất nước, trong đó có sản xuất công nghiệp. Vì thế, Bộ Công Thương cho rằng, đối tượng cần tập trung ưu tiên tiên tiêm trước mắt là đội ngũ tài xế, phụ xe vận tải liên tỉnh, lao động trong ngành logistics phục vụ lưu thông hàng hoá tại các cửa khẩu, cảng biển.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nếu giải quyết được ưu tiên tiêm vaccine cho đối tượng nêu trên thì việc lưu thông hàng hoá sẽ được bảo đảm.
Hà Nội mở thêm 328 điểm bán thực phẩm, hàng hoá thiết yếu
Thêm 328 điểm bán, Hà Nội hiện có 8.194 điểm bán cung ứng hàng hóa thiết yếu, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong thời gian giãn cách xã hội.
Hà Nội mở thêm 328 điểm bán thực phẩm, hàng hoá thiết yếu |
Theo Sở Công Thương Hà Nội, đến ngày 30/7, số điểm bán này gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa và 455 chợ truyền thống đang hoạt động. Thời gian mở/đóng cửa của các điểm bán hàng tại Hà Nội dao động trong khung giờ 6 - 22 giờ hàng ngày.
Ngoài hệ thống các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay tạp hóa, hiện 63 cửa hàng thuộc chuỗi siêu thị mẹ & bé Kid Plaza tại Hà Nội cũng tham gia bán thêm thực phẩm, trái cây trong mùa dịch.
Ngoài kênh bán trực tiếp, các điểm bán hàng thiết yếu (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini...) cung cấp thêm thông tin số điện thoại hoặc website, mạng xã hội... để người dân đặt mua trực tuyến (online).
UBND Thành phố đã gửi văn bản yêu cầu ngành Công Thương khuyến khích các điểm bán hàng thiết yếu mở cửa 24/24 giờ nếu cần thiết, trên cơ sở đảm bảo quy định chống dịch, nhằm giãn cách không tập trung đông người vào một thời điểm.
Với các chợ, Thành phố yêu cầu giãn cách các quầy bán hàng thiết yếu, bảo đảm khoảng cách và yêu cầu về phòng, chống dịch. Các chợ đầu mối phải bố trí địa điểm trung chuyển hàng hóa, yêu cầu tiểu thương giãn thời gian giao nhận hàng để tránh tập trung đông người, hàng hóa ùn lại trong các giờ cao điểm.
Sở Công Thương TP.HCM đề nghị tiêm vaccine cho 62.000 shipper
Khoảng 62.000 tài xế giao hàng ở TP.HCM được Sở Công Thương TP.HCM đề xuất ưu tiêm vaccine trong thời gian thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Sở Công Thương TP.HCM đề nghị tiêm vaccine cho 62.000 shipper |
Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ đã có văn bản về việc tiêm vaccine cho người giao - nhận hàng hóa trong thời gian Thành phố giãn cách xã hội.
Theo ông Vũ, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM trong Công văn 2941, Sở Công Thương đã tổng hợp danh sách và gửi Sở Y tế và UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức ưu tiên tổ chức tiêm vaccine cho 62.000 đối tượng là nhân viên giao hàng của các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper.
Theo danh sách của Sở này đề xuất có 16 đơn vị với khoảng 62.000 tài xế. Bao gồm các ứng dụng giao hàng như: Grab, Now, Beamin, Gojek. Ngoài ra, tài xế của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada cũng thuộc danh sách được Sở Công Thương đề nghị tiêm vaccine.
Cùng ngày, hàng loạt các ứng dụng gọi xe cũng đề xuất, vận động cơ quan chức năng sớm có phương án triển khai tiêm vaccine cho lực lượng shipper tại TP.HCM do lực lượng này là mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng, đặc biệt là tại các thành phố lớn.
Trước đó, chiều 27/7, khoảng 1.500 tài xế đối tác của Grab được tiêm vaccine Covid-19 mũi đầu tiên tại 5 điểm tiêm ở Quận 7. Đây là đợt tiêm chủng lớn đầu tiên dành cho nhóm đối tượng là lực lượng shipper của ứng dụng gọi xe.
Đại học Đông Đô cấp bằng giả cho người học thạc sĩ, thi công chức
Nhóm cựu lãnh đạo Đại học Đông Đô đã cấp 431 bằng và chứng nhận giả, thu lợi bất chính 7,1 tỷ đồng. Nhiều người dùng giấy tờ giả để học thạc sĩ, thi công chức, làm nghiên cứu sinh.
Đại học Đông Đô cấp bằng giả cho người học thạc sĩ, thi công chức |
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố ông Dương Văn Hòa (cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô) cùng 9 bị can khác về tội Giả mạo trong công tác.
Theo cáo trạng, trong quá trình hoạt động, Đại học Đông đô chưa làm thủ tục đề nghị và chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có ngành tiếng Anh.
Khi thấy nhiều người muốn lấy văn bằng 2 tiếng Anh để phục vụ nghiên cứu sinh hay thi công chức, Trần Khắc Hùng đã lợi dụng chức vụ Chủ tịch HĐQT của Trường, chỉ đạo Ban Giám hiệu và các phòng, ban làm, cấp văn bằng 2 giả của hệ chính quy ngành tiếng Anh cho người có nhu cầu.
Trần Khắc Hùng giao các bị can Trần Kim Oanh (Phó viện trưởng Viện Đào tạo liên tục) và Lê Ngọc Hà (Phó viện trưởng Viện 4.0) thu nhận hồ sơ của người cần cấp văn bằng 2, không tổ chức thi đầu vào, không đào tạo tín chỉ mà hướng dẫn học viên chép lại đáp án bài thi, có trường hợp không cần thi.
Viện Kiểm sát (VKS) cáo buộc từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, Trần Khắc Hùng và các bị can đã cấp 429 bằng giả và 2 giấy chứng nhận giả, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỷ đồng. Trong số này, cơ quan tố tụng đã triệu tập 210 trường hợp và thu số tiền trên 2,7 tỷ đồng. Còn 221 người đã làm rõ danh tính nhưng không tìm ra nơi cư trú, đơn vị công tác.
Đáng chú ý, VKS xác định sau khi vụ cấp bằng giả bị Bộ Công an phát hiện, một số người liên quan có dấu hiệu tiêu hủy hồ sơ lý lịch của học viên và sổ sách liên quan vụ cấp bằng giả.
VKS làm rõ trong 210 trường hợp được cấp bằng và chứng nhận giả, 67 người đã dùng các loại giấy tờ này để làm nghiên cứu sinh, 2 trường hợp sử dụng để học thạc sĩ, 4 người kê khai hồ sơ công và viên chức, 3 cá nhân khác dùng bằng giả để thi công chức hoặc thi thăng hạng.