Bản tin thời sự sáng 3/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất đầu tư 'siêu cảng' Cái Mép Hạ đón tàu biển lớn nhất thế giới; Hà Nội xây bể điều tiết ngầm để chống ngập; Vietnam Airlines phải giải trình lý do tăng giá vé máy bay; tàu biển Resorts World One đưa hơn 2.000 khách quốc tế trải nghiệm Côn Đảo…

Đề xuất đầu tư 'siêu cảng' Cái Mép Hạ đón tàu biển lớn nhất thế giới

Dự án cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ được đề xuất đầu tư với tổng vốn 50.820 tỷ đồng, quy mô 351 ha, có thể đón các tàu biển lớn nhất thế giới.

Cảng Cát Lái. Ảnh minh họa

Cảng Cát Lái. Ảnh minh họa

Liên danh Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - Tập đoàn Geleximco - Công ty CP Vận tải và Thương mại quốc tế (ITC) mới đây đã đề xuất triển khai Dự án Đầu tư xây dựng cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ. Giai đoạn 1 (2024 - 2030) đầu tư 2 bến với tổng chiều dài 0,9 km cho tàu tải trọng đến 250.000 DWT.

Vị trí cảng thuộc phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nằm ở cửa sông, có luồng hàng hải rộng và sâu, cho phép tiếp nhận tàu trọng tải lớn.

Trong văn bản gửi Chính phủ tuần qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đánh giá việc liên danh nhà đầu tư đề xuất giai đoạn 1 là phù hợp với quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết cảng biển về quy mô cỡ tàu, công năng và lộ trình đầu tư các bến cảng.

Bộ GTVT ủng hộ nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm để đầu tư đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất, mặt nước, khu vực biển, tăng cường sự kết nối giữa cơ sở hạ tầng và ứng dụng khoa học công nghệ. Việc này góp phần phát huy định hướng quy hoạch cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng đặc biệt.

Với tổng vốn đầu tư Dự án khoảng 50.820 tỷ đồng, Bộ GTVT cho rằng, liên danh nhà đầu tư cần chứng minh năng lực tài chính, khả năng thu xếp nguồn vốn làm cơ sở để cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án theo quy định.

Hiện cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu có 7 bến cảng với chức năng khai thác hàng container công suất quy hoạch đến năm 2020 đạt 7,66 triệu Teu/năm. Trong khi đó, lượng hàng container trung bình 3 năm vừa qua qua các bến cảng đã đạt trên 8 triệu Teu/năm. Như vậy, lượng hàng container thông qua đã vượt quá công suất thiết kế của các bến container.

Bên cạnh đó, thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến Cái Mép Hạ (Bà Rịa - Vũng Tàu) được Chính phủ xác định là thuộc các dự án bến cảng biển ưu tiên đầu tư đến năm 2030. Do vậy, Bộ GTVT đánh giá việc sớm triển khai đầu tư các bến cảng khu vực Cái Mép Hạ theo quy hoạch là cần thiết.

Hà Nội xây bể điều tiết ngầm để chống ngập

Theo kế hoạch, UBND thành phố Hà Nội sẽ triển khai Dự án xây dựng bể điều tiết ngầm để chống ngập tại quận Hoàn Kiếm.

Để chống ngập, TP. Hà Nội sẽ xây bể điều tiết ngầm

Để chống ngập, TP. Hà Nội sẽ xây bể điều tiết ngầm

Nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế về tình trạng úng ngập xảy ra thường xuyên gây ách tắc giao thông, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 166 với nhiều giải pháp nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai công tác thoát nước để khắc phục tình trạng úng ngập khi mưa trên địa bàn Thành phố...

Đối với những địa bàn đã được đầu tư hệ thống thoát nước hoàn chỉnh theo lưu vực Tô Lịch gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận Tây Hồ, Thanh Xuân..., TP. Hà Nội sẽ tập trung phát huy hiệu quả tiêu thoát nước của hệ thống hiện có, đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu và các trạm bơm đầu mối, đảm bảo thoát nước nhanh...

Đối với các địa bàn chưa được đầu tư đồng bộ hoặc chưa được đầu tư - Lưu vực Tả Nhuệ, Lưu vực Hữu Nhuệ gồm địa bàn các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông; Lưu vực Long Biên gồm địa bàn quận Long Biên, tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư hệ thống thoát nước sử dụng vốn ngân sách theo quy định của Luật Đầu tư công.

Với các giải pháp lâu dài, Thành phố sẽ rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cập nhật và lồng ghép vào Đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Hoàn thành 3 dự án đang triển khai là hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, trạm bơm Vĩnh Thanh và Xây dựng, nâng cấp trạm bơm Phương Trạch tại huyện Đông Anh; cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Thành phố.

5 dự án đang chuẩn bị đầu tư là hệ thống thoát nước mưa lưu vực Tả sông Nhuệ; xây dựng hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực Hữu Nhuệ; xây dựng trạm bơm Gia Thượng, hồ điều hòa và tuyến mương Thượng Thanh, quận Long Biên...

Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ triển khai Dự án xây dựng bể điều tiết ngầm tại khu vực ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa - Phùng Hưng do UBND Quận Hoàn Kiếm đề xuất và được UBND TP. Hà Nội thống nhất chủ trương.

Vietnam Airlines phải giải trình lý do tăng giá vé máy bay

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) yêu cầu, Vietnam Airlines giải trình lý do tăng giá vé máy bay chặng nội địa trong giai đoạn từ 1/1 đến nay.

Vietnam Airlines phải giải trình về lý do tăng giá vé máy bay

Vietnam Airlines phải giải trình về lý do tăng giá vé máy bay

Mới đây, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) đã có văn bản gửi Vietnam Airlines đề nghị báo cáo về lý do tăng giá vé máy bay trong thời gian vừa qua.

Trong đó, cơ quan này yêu cầu, Vietnam Airlines cung cấp thông tin về giá và các đợt điều chỉnh giá vé máy bay các chặng bay nội địa ở tất cả hạng vé, loại vé từ 1/1 đến nay.

Đồng thời, Hãng cũng cần thông tin về số lượng, doanh thu bán vé máy bay các chặng nội địa ở tất cả các hạng vé, loại vé trong 4 tháng đầu năm.

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đề nghị, Vietnam Airlines thông tin công thức tính giá vé máy bay chặng nội địa ở tất cả các hạng vé, loại vé. Cùng với đó, Hãng cần báo cáo về chi phí và sự biến động chi phí của các yếu tố cấu thành giá vé và giải trình lý do điều chỉnh tăng giá vé máy bay, kèm tài liệu chứng minh.

Vietnam Airlines cũng được yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu liên quan về lý do tăng giá vé máy bay, gửi về Ủy ban Cạnh tranh quốc gia trước ngày 4/6.

Mới đây, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu tăng cường kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai và niêm yết giá vé của các hãng, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm về giá. Trường hợp cần thiết, Cục Hàng không đề xuất thanh tra chuyên ngành về giá tiến hành thanh tra.

Bộ GTVT yêu cầu, Cục Hàng không khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách để giảm giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và hành khách.

Tàu biển Resorts World One đưa hơn 2.000 khách quốc tế trải nghiệm Côn Đảo

Trên hải trình Đông Nam Á, ngày 2/6, tàu biển quốc tế Resorts World One đưa hơn 2.000 khách quốc tế tham quan, khám phá Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) trong ngày.

Tàu biển Resorts World One có trọng tải 75.338 tấn

Tàu biển Resorts World One có trọng tải 75.338 tấn

UBND huyện Côn Đảo và Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo phối hợp với Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist tổ chức lễ đón tàu tại cảng Bến Đầm.

Đúng 6 giờ sáng 2/6, tàu biển quốc tế Resorts World One đã thả neo ở vùng biển Côn Đảo. Tàu chở theo 1.138 thuyền viên và 2.128 hành khách đa quốc tịch. Tàu neo tại phao số 0, du khách được trung chuyển vào cảng Bến Đầm. Đây là chuyến tàu du lịch quốc tế thứ 2 đến Côn Đảo kể từ đầu năm đến nay.

Tại cảng Bến Đầm, UBND huyện Côn Đảo, Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo phối hợp với Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist long trọng đón tiếp hãng tàu và các vị khách quốc tế từ tàu Resorts World One đến thăm Côn Đảo.

Tàu Resorts World One có khoảng 10 tiếng lưu lại Côn Đảo để du khách tham quan các điểm du lịch sinh thái và tâm linh theo 3 hành trình: Bảo tàng Côn Đảo - Trại tù Phú Tường - Trại tù Phú Sơn - Nhà chúa đảo - chợ Côn Đảo; Vườn Quốc gia Côn Đảo -trekking khám phá rừng nguyên sinh; ngồi ca nô ra Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau tham quan khu ấp trứng rùa, rừng ngập mặn, lặn ngắm san hô, chèo thuyền kayak, chèo sup.

Tàu biển Resorts World One có trọng tải 75.338 tấn, chiều dài 268 m, rộng 32 m, cao 13 tầng, tổng cộng 928 phòng ngủ, 17 nhà hàng với ẩm thực đa dạng. Trên tàu có đầy đủ dịch vụ giải trí, vui chơi, thể thao, sức khỏe, văn hóa và ẩm thực để du khách tận hưởng.

Tàu Resorts World One khởi hành từ Singapore ngày 30/5, bắt đầu hải trình Đông Nam Á 5 ngày. Ngày 1/6, tàu cập cảng Cái Mép - Thị Vải để du khách tham quan Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM. Khoảng 16 giờ chiều 2/6, tàu rời Côn Đảo tiếp tục tục hải trình đến Redang (Malaysia) ngày 3/6 và trở về Singapore vào ngày 4/6.

27/28 trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội có nguy cơ tạm dừng hoạt động trong tháng 7 tới

Trong tháng 7 tới, nếu các vụ án liên quan đến đại án đăng kiểm được xét xử đồng thời, dự kiến trên địa bàn TP. Hà Nội có đến 27/28 trung tâm phải tạm dừng hoạt động.

Dự kiến trong tháng 7 tới đây, khi các vụ án đăng kiểm được đưa ra xét xử đồng thời, Hà Nội sẽ có 27/28 trung tâm đăng kiểm có nguy cơ tạm dừng hoạt động

Dự kiến trong tháng 7 tới đây, khi các vụ án đăng kiểm được đưa ra xét xử đồng thời, Hà Nội sẽ có 27/28 trung tâm đăng kiểm có nguy cơ tạm dừng hoạt động

Theo thông tin từ Cục đăng kiểm Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có 28/31 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động với 50/63 dây chuyển đang hoạt động, tổng số 204 đăng kiểm viên.

Tuy nhiên, đã có tới 113/204 đăng kiểm viên, chiếm tỷ lệ 55% bị khởi tố nhưng vẫn đang làm việc, tham gia hoạt động hỗ trợ kiểm định.

Dự kiến trong khoảng tháng 7, các vụ án đăng kiểm sẽ được đưa ra xét xử.

Trường hợp các đăng kiểm viên bị kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì Cục Đăng kiểm Việt Nam phải thực hiện thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên, dẫn đến việc có 27/28 trung tâm đăng kiểm sẽ bị tạm đình chỉ trong 3 tháng theo quy định tại khoản 10, Điều 1, Nghị định số 30/2023/NĐ-CP.

Các trung tâm đăng kiểm dự kiến phải tạm dừng hoạt động bao gồm: 2901V - 2901S - 2902V - 2902S - 2903S - 2903V - 2904V - 2905V - 2906V - 2907D - 2910D - 2911D - 2912D - 2913D - 2914D - 2915D - 2917D - 2918D - 2921D - 2922D - 2923D - 2925D - 2927D - 2929D - 2930D - 2932D - 3301S.

Cũng theo Cục Đăng kiểm, trường hợp khi tòa án đưa ra xét xử trong thời gian đồng thời, với thời gian xét xử 1 tháng thì chỉ còn 92 đăng kiểm viên của 28 trung tâm đăng kiểm có thể thực hiện kiểm định.

Đồng nghĩa với việc có 9 trung tâm phải dừng hoạt động vì không đủ đăng kiểm viên. Trong số 9 trung tâm còn hoạt động thì có đến 4 trung tâm phải hoạt động với công suất tối thiểu vì chỉ còn 2 đăng kiểm viên.

Như vậy, theo tính toán, công suất kiểm định trong tháng 7 chỉ đáp ứng khoảng 35.880 phương tiện, trong khi lượng phương tiện có nhu cầu kiểm định dự kiến khoảng 90.552 phương tiện. Như vậy, chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu kiểm định trong tháng.

Hà Nam dự kiến sáp nhập 4 cụm, khu công nghiệp khoảng 1.375 tỷ đồng

Tỉnh Hà Nam dự kiến sẽ sáp nhập Cụm công nghiệp Châu Giang vào Khu công nghiệp Châu Giang I và Cụm công nghiệp Lê Hồ vào Khu công nghiệp Kim Bảng I.

Một góc của tỉnh Hà Nam

Một góc của tỉnh Hà Nam

Theo thông tin từ UBND tỉnh Hà Nam, trong Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tỉnh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nam sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao của vùng.

Dự kiến, UBND tỉnh Hà Nam sẽ sáp nhập Cụm công nghiệp Châu Giang (tổng vốn đầu tư 475 tỷ đồng) vào Khu công nghiệp Châu Giang I và Cụm công nghiệp Lê Hồ (tổng vốn đầu tư khoảng 900 tỷ đồng) vào Khu công nghiệp Kim Bảng I khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trong phương án phát triển các khu chức năng, tỉnh Hà Nam sẽ đẩy nhanh tiến độ các thủ tục, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghệ cao Hà Nam có quy mô khoảng 663 ha (huyện Lý Nhân).

Nâng cao chất lượng hạ tầng, dịch vụ, hiệu quả hoạt động của 8 khu công nghiệp đã thành lập gồm: Đồng Văn I, Đồng Văn II, Đồng Văn III, Đồng Văn IV, Hoà Mạc, Châu Sơn, Thanh Liêm, Thái Hà giai đoạn I với tổng diện tích 2.516 ha.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư để lấp đầy 2 khu công nghiệp đã có chủ trương đầu tư (Khu công nghiệp Đồng Văn I mở rộng về phía đông đường cao tốc và Khu công nghiệp Thái Hà giai đoạn II).

Đến năm 2030, Hà Nam sẽ ưu tiên thành lập mới, mở rộng phát triển các khu công nghiệp có vị trí địa lý thuận lợi, khả năng thu hút các nhà đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh gồm: Khu công nghiệp Kim Bảng II, Kim Bảng III, Kim Bảng IV, Thanh Bình I, Thanh Bình II, Bình Lục, Thái Hà III.

Các Khu công nghiệp Châu Giang II, Thái Hà II, Đạo Lý sẽ được thành lập mới tùy theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thực tế của địa phương trong thời kỳ quy hoạch, dự kiến các khu công nghiệp mới thành lập sẽ có tổng diện tích là 3.200 ha.

Hà Nam tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật 5 cụm công nghiệp theo hiện trạng, giữ nguyên diện tích gồm các cụm công nghiệp Nam Châu Sơn, Thanh Hải, Cầu Giát, Nhật Tân, Bình Lục. Điều chỉnh, mở rộng 3 cụm công nghiệp hiện có là Kim Bình, Thi Sơn, Trung Lương, thành lập 14 cụm công nghiệp mới với tổng diện tích là 726 ha.

Tập đoàn Asanzo của ông Phạm Văn Tam nợ thuế hơn 52 tỷ đồng

Cục Thuế TP.HCM cho biết, tính đến hết tháng 4, Công ty CP Tập đoàn Asanzo của CEO Phạm Văn Tam đang nợ thuế quá hạn hơn 52 tỷ đồng.

Đầu năm nay Tập đoàn Asanzo cũng bị cơ quan hải quan cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan

Đầu năm nay Tập đoàn Asanzo cũng bị cơ quan hải quan cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan

Cục Thuế TP.HCM vừa công bố danh sách doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn tính đến hết tháng 4. Theo đó, đến cuối tháng 4, trên địa bàn Thành phố có 267 doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế và các khoản thu khác với tổng số tiền trên 4.600 tỷ đồng.

Đứng đầu danh sách với khoản nợ thuế hơn nghìn tỷ tiếp tục là Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil nợ 1.678 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây cũng là doanh nghiệp bị nêu tên nhiều lần trong các đợt trước.

Công ty CP Tập đoàn Asanzo cũng bị cơ quan thuế "bêu tên" vì nợ thuế hơn 52 tỷ đồng. Trước đó, hồi đầu năm Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư - Cục Hải quan TP.HCM cũng quyết định cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Asanzo.

Đây là lần thứ 2 chỉ trong vòng hơn một năm, Asanzo bị Cục Hải quan TP.HCM áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan. Hồi cuối năm 2022, Cục Hải quan TP.HCM đã dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp này do nợ hơn 47 tỷ đồng tiền thuế.

Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp bất động sản có tên tuổi cũng nằm trong danh sách nợ thuế của cơ quan chức năng đến hết tháng 4. Chẳng hạn, Công ty CP Phát triển và kinh doanh Nhà (HDTC) nợ hơn 330 tỷ đồng, Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) nợ gần 92 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư xây dựng Địa ốc Trường Thịnh Phát nợ hơn 89 tỷ đồng, Công ty CP Bất động sản Khải Thịnh nợ hơn 37 tỷ đồng...

Theo Cục Thuế TP.HCM, tính đến hết ngày 31/3, tổng số tiền nợ thuế ước tính là hơn 53.000 tỷ đồng, trong đó, tổng nợ thuế và phí ước tính là 12.330 tỷ đồng.

Thời gian qua, Cục Thuế TP.HCM đã quyết liệt triển khai cưỡng chế nợ thuế, kết quả thu nợ thuế 3 tháng đầu năm đã thực hiện được gần 6.500 tỷ đồng; trong đó, thu nợ năm 2023 chuyển sang là 4.300 tỷ đồng và thu nợ mới phát sinh năm 2024 là hơn 2.100 tỷ đồng.

Cũng trong quý I, cơ quan thuế đã ban hành 26.062 quyết định cưỡng chế; tạm hoãn xuất cảnh đối với 4.886 trường hợp nợ thuế...

Công an Hà Nội yêu cầu dừng giao dịch 77 lô đất tại La Khê, Hà Đông

Công an TP. Hà Nội yêu cầu dừng giao dịch 77 lô đất tại phường La Khê, Hà Đông để xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Dừng giao dịch 77 lô đất Hà Đông để điều tra dấu hiệu vi phạm quy định về bồi thường. Ảnh minh họa

Dừng giao dịch 77 lô đất Hà Đông để điều tra dấu hiệu vi phạm quy định về bồi thường. Ảnh minh họa

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở Tư pháp Hà Nội, Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Hà Nội về việc dừng giao dịch bất động sản 77 lô đất tại La Khê, Hà Đông (TP. Hà Nội).

Theo văn bản, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đang xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại quận Hà Đông, liên quan đến 77 lô đất có địa chỉ tại phường La Khê.

Công an Hà Nội yêu cầu, Sở Tư pháp chỉ đạo các văn phòng công chứng, tổ chức hành nghề công chứng, phòng tư pháp các quận, huyện, thị xã, UBND cấp xã trên địa bàn toàn Thành phố tạm dừng công chứng, chứng thực các giao dịch liên quan đến 77 lô đất trên địa bàn phường La Khê.

Yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Hà Nội chỉ đạo văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố không thực hiện đăng ký biến động liên quan đến 77 lô đất nêu trên.

Tin cùng chuyên mục