Bản tin thời sự sáng 3/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Quảng Trị giao 5 mỏ đất đắp phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam; Ban Quản lý vịnh Hạ Long đề nghị không mở thêm bãi tắm dù Ti Tốp quá tải; Quốc lộ 14 đoạn qua TP. Gia Nghĩa bị nứt; học sinh công lập tựu trường sớm nhất ngày 22/8; Thanh Hóa đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng để mở rộng đại lộ xuống biển Sầm Sơn…

Quảng Trị giao 5 mỏ đất đắp phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam

UBND tỉnh Quảng Trị quyết định giao 5 mỏ đất thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2023 cho các nhà thầu thi công xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua tỉnh Quảng Trị.

Quảng Trị giao 5 mỏ đất đắp phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam

Quảng Trị giao 5 mỏ đất đắp phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam

5 mỏ đất được UBND tỉnh Quảng Trị giao cho các nhà thầu thi công xây dựng đường cao tốc gồm Vĩnh Hà 1, Vĩnh Sơn 5, huyện Vĩnh Linh và Linh Trường 1, Linh Trường 3, Hải Thái, huyện Gio Linh. 2 nhà thầu được giao mỏ đất là Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh và Công ty CP Giao thông xây dựng số 1, với trữ lượng 1,1 triệu m3 đất.

UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh và các nhà thầu thi công tổ chức đánh giá lại chất lượng, trữ lượng đất san lấp huy động vào khai thác và thực hiện đầy đủ các nội dung, yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường...

Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND Tỉnh giải quyết các thủ tục đăng ký khai thác; phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức bàn giao thực địa đối với 5 điểm mỏ đất này cho Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh và nhà thầu thi công.

Ban Quản lý vịnh Hạ Long đề nghị không mở thêm bãi tắm dù Ti Tốp quá tải

Ban Quản lý vịnh Hạ Long vừa có văn bản gửi Sở Du lịch Quảng Ninh về việc không mở thêm bãi tắm trên vịnh Hạ Long.

Bãi tắm trên đảo Ti Tốp nhiều khi quá tải vì rất đông du khách tắm biển

Bãi tắm trên đảo Ti Tốp nhiều khi quá tải vì rất đông du khách tắm biển

Theo đó, văn bản Ban Quản lý vịnh Hạ Long gửi Sở Du lịch Quảng Ninh nêu rõ, để bảo vệ tính toàn vẹn và bảo vệ các yếu tố gốc cấu thành giá trị của di tích quốc gia đặc biệt, di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Ban Quản lý vịnh Hạ Long sẽ không tiếp tục phát triển các bãi tắm du lịch trên vịnh này.

Lý do là với đặc thù về địa hình tự nhiên, hầu hết các bãi cát trên vịnh Hạ Long đều là các bãi cát nhỏ ven chân đảo, có độ dốc lớn, nhiều đá ngầm, dòng chảy mạnh. Khi triều cường, hầu hết các bãi cát này đều bị chìm ngập.

Để phát triển các bãi cát trên Vịnh trở thành bãi tắm du lịch, ngoài việc phải đổ thêm cát để đảm bảo an toàn cho du khách, cần phải đầu tư hạ tầng bãi tắm theo quy định như: hệ thống điểm neo đậu, bến tàu, nhà tắm tráng, nhà vệ sinh, nhà quản lý, trạm quan sát... Những hoạt động này sẽ gây tác động tiêu cực trực tiếp đến tính toàn vẹn và các yếu tố gốc cấu thành giá trị của di tích đặc biệt, di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Hiện tại, trên vịnh Hạ Long chỉ có duy nhất bãi tắm trên đảo Ti Tốp là du khách được phép xuống tắm. Tuy nhiên, vào thời gian cao điểm, bãi tắm này quá tải khi có rất đông người, chen nhau tắm biển.

Trước đó, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long có công văn gửi UBND TP. Hạ Long, Quảng Ninh đề xuất đưa vào khai thác cụm bãi tắm tại khu vực Trà Sản - Cống Đỏ.

Theo đánh giá của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, khu vực Trà Sản - Cống Đỏ có diện tích khoảng 250 ha, sở hữu nhiều bãi cát tự nhiên đẹp, với nhiều rạn san hô và đa dạng loài sinh vật dưới nước rất phong phú trong tổng thể khu di sản. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được UBND TP. Hạ Long phê duyệt.

Học sinh công lập tựu trường sớm nhất ngày 22/8

Học sinh lớp 1 các trường công lập tựu trường sớm nhất vào ngày 22/8, các khối lớp khác 29/8.

Học sinh các trường công lập tựu trường sớm nhất vào ngày 22/8. Ảnh minh họa

Học sinh các trường công lập tựu trường sớm nhất vào ngày 22/8. Ảnh minh họa

Theo kế hoạch năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cuối tháng 7, lễ khai giảng năm học mới diễn ra vào ngày 5/9 như mọi năm.

Học sinh được tựu trường sớm nhất trước một tuần, tức ngày 29/8. Riêng với lớp 1, các trường có thể tổ chức tựu trường sớm hơn ngày khai giảng hai tuần, tức ngày 22/8.

Các nhà trường kết thúc học kỳ I trước ngày 15/1 và học kỳ II trước 25/5/2024. Với học sinh lớp 5 và lớp 9, việc xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và tốt nghiệp THCS trước ngày 30/6. Việc tuyển sinh đầu cấp (lớp 1, 6, 10) phải xong 31/7.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các tỉnh, thành căn cứ vào khung kế hoạch năm học này để xây dựng kế hoạch riêng, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương. Tuy nhiên, các nhà trường phải đảm bảo có 35 tuần thực học (18 tuần kỳ I và 15 tuần kỳ II), các trung tâm giáo dục thường xuyên có 32 tuần thực học với lớp 9, 12 và 35 tuần với lớp 6, 7, 8, 10 và 11.

Khung kế hoạch năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành được áp dụng với các trường công lập. Với khối tư thục, các trường được tựu trường sớm 4 tuần, theo Thông tư 13/2011 của Bộ. Vì thế, ngày 1/8, nhiều trường tư thục ở Hà Nội đã cho học sinh đến trường để làm quen hoặc bắt đầu chương trình chính khóa.

Quốc lộ 14 đoạn qua TP. Gia Nghĩa bị nứt

Sau nhiều ngày mưa lớn, Quốc lộ 14 đoạn qua TP. Gia Nghĩa bất ngờ nứt kéo dài hơn 50 m, chính quyền di dời người dân, phân luồng xe đi đường khác.

Cơ quan chức năng căng dây ngăn không cho xe qua lại

Cơ quan chức năng căng dây ngăn không cho xe qua lại

Sáng 2/8, mặt Quốc lộ 14 đoạn qua trung tâm TP. Gia Nghĩa xuất hiện nhiều vết nứt dài phía gần bờ hồ Đại La. Nhiều vị trí nứt rộng khoảng 5 cm. Nhà cửa nhiều hộ dân sống gần đó cũng bị hư hỏng.

Lực lượng chức năng đã phân luồng ôtô trọng tải lớn chạy hướng TP.HCM - Đăk Lăk theo đường tránh Gia Nghĩa từ cầu Đăk R'tih (phường Nghĩa Phú) qua xã Đắk R'moan về phường Quảng Thành.

Ông Đỗ Tấn Sương, Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa cho biết, để đảm bảo an toàn cho người dân, trước mắt địa phương di dời khẩn cấp 16 hộ ra khỏi khu vực nứt. "Thành phố cùng các đơn vị liên quan tìm nguyên nhân, đánh giá mức độ sụt lún để có giải pháp", ông Sương cho biết thêm.

Trước đó, ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (cách TP. Gia Nghĩa khoảng 80 km) xuất hiện vết nứt dài 200 m sau hai tiếng nổ lớn. Hôm 2/8, vết nứt lan rộng, kéo dài hơn 1 km, chính quyền địa phương phải di dời hàng trăm người dân.

Cơ quan chức năng Đăk Nông chưa xác định được nguyên nhân vết nứt ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức và trên Quốc lộ 14.

Thanh Hóa đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng để mở rộng đại lộ xuống biển Sầm Sơn

Ngày 2/8, thông tin từ Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa cho biết, từ cơ chế đặc thù, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết cho phép TP. Sầm Sơn và TP. Thanh Hóa được hưởng 100% số thu tiền sử dụng đất các dự án khai thác quỹ đất để đầu tư các dự án trọng điểm, trong đó có Dự án Đầu tư mở rộng tuyến đại lộ Nam sông Mã (giai đoạn 2).

Tuyến đại lộ Nam sông Mã (nối từ TP. Thanh Hóa xuống TP. Sầm Sơn) hiện tại

Tuyến đại lộ Nam sông Mã (nối từ TP. Thanh Hóa xuống TP. Sầm Sơn) hiện tại

Cụ thể, Nghị quyết của HĐND tỉnh Thanh Hóa về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Sầm Sơn nêu rõ, ngân sách thành phố này sẽ được hưởng 100% số thu tiền sử dụng đất thu được từ 5 dự án khai thác quỹ đất trên địa bàn Thành phố, để thực hiện đầu tư xây dựng 9 công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn.

Trong số 9 dự án trọng điểm ở TP. Sầm Sơn có Dự án mở rộng tuyến đại lộ Nam sông Mã, tuyến đường này có chiều dài 5,8 km, nối từ Quốc lộ 10 đến đường Nguyễn Du và bao gồm cả hoàn thiện mặt đường Trần Nhân Tông (TP. Sầm Sơn). Dự án dự kiến có tổng mức đầu tư là 939 tỷ đồng.

Còn đối với TP. Thanh Hóa, ngân sách Thành phố cũng được hưởng 100% số thu tiền sử dụng đất thu được từ 19 dự án khai thác quỹ đất trên địa bàn, để thực hiện đầu tư xây dựng 10 công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn Thành phố.

Trong số 10 dự án trọng điểm ở TP. Thanh Hóa có Dự án mở rộng tuyến đại lộ Nam Sông Mã, tuyến đường này có chiều dài gần 12 km (đoạn từ cầu Hàm Rồng đến hết địa phận TP. Thanh Hóa tại phường Quảng Tâm). Dự án này dự kiến tổng mức đầu tư là hơn 1.900 tỷ đồng.

Qua đó cho thấy, Dự án mở rộng đại lộ Nam sông Mã (giai đoạn 2) qua địa phận TP. Thanh Hóa và TP. Sầm Sơn có chiều dài hơn 17 km, với tổng mức đầu tư là hơn 2.800 tỷ đồng.

Chủ nhà máy lọc dầu Dung Quất thu 4 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng mỗi ngày

Sáu tháng đầu năm, với hơn 29.000 tỷ đồng gửi ngân hàng, Lọc hóa dầu Bình Sơn thu trên 4 tỷ đồng tiền lãi mỗi ngày.

Chủ nhà máy lọc dầu Dung Quất thu 4 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng mỗi ngày

Chủ nhà máy lọc dầu Dung Quất thu 4 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng mỗi ngày

Theo báo cáo tài chính hợp nhất mới đây, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị sở hữu Nhà máy lọc dầu Dung Quất - đang có gần 29.230 tỷ đồng tiền gửi các kỳ hạn tại ngân hàng. Trong đó, hơn hai phần ba là các khoản gửi có kỳ hạn không quá 3 tháng. Các khoản tiền nhàn rỗi này đang chiếm gần 39% tổng tài sản của BSR.

Nhờ đó, 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận hơn 760 tỷ đồng tiền lãi từ gửi ngân hàng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2022. Trung bình mỗi ngày, BSR nhận hơn 4 tỷ đồng lãi tiền gửi.

Hoạt động tài chính thuận lợi, nhưng hoạt động kinh doanh gặp khó. Doanh thu của công ty này 6 tháng đầu năm giảm hơn 22%, về khoảng 67.735 tỷ đồng. Giá vốn giảm chậm hơn và ở tỷ lệ cao so với doanh thu khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt 3.249 tỷ đồng, giảm hơn 4 lần so với nửa đầu năm trước.

Nhóm các chi phí thường xuyên cũng tăng lên. Tổng lại, lợi nhuận sau thuế giảm 4,2 lần về mức gần 2.950 tỷ đồng.

Kết quả trên cùng chiều với các đơn vị phân phối xăng dầu khác khi giá bán hạ nhiệt hơn hẳn so với năm trước.

Đề xuất đầu tư 90 tỷ đồng sửa đoạn kè bị sụp lún ở bán đảo Thanh Đa

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất xây lại kiên cố gần 500 m bờ kè bị sụp lún trong bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh với kinh phí 90 tỷ đồng.

Đoạn kè bị sụt lún ở Thanh Đa cách đây hơn một tháng

Đoạn kè bị sụt lún ở Thanh Đa cách đây hơn một tháng

Kiến nghị trên vừa được gửi UBND TP.HCM, sau khi đơn vị tư vấn khảo sát địa hình và tính toán phương án khắc phục.

Bờ kè ở Thanh Đa dài gần 500 m, hoàn thành năm 2008. Hơn một tháng trước, một đoạn thuộc công trình này bị sụp lún, làm nhiều nhà dân bị nứt, nghiêng về phía kênh. Thành phố đã phải di dời khẩn cấp 15 hộ để đảm bảo an toàn.

Với số tiền 90 tỷ đồng, đoạn kè sẽ được xây dựng lại kiên cố, đồng thời bổ sung hệ thống thoát nước, công viên cây xanh... Khoản kinh phí này chưa tính giải phóng mặt bằng cho phạm vi 10 m, tính từ đỉnh kè vào bên trong.

Theo Sở Giao thông vận tải, dựa trên kết quả quan trắc, đo đạc, đoạn kè trên không còn đảm bảo an toàn. Nguyên nhân là sau 15 năm khai thác, công trình đã bị xuống cấp, bên cạnh đó nhà dân cùng các công trình xây gần quá đỉnh kè (cách 3,5 m thay vì 10 m) làm tăng tải trọng, lâu ngày dẫn đến sụt lún.

Ngoài khu vực trên, tại bán đảo Thanh Đa, các công trình xây kè chống sạt lở ở nhiều đoạn khác đang được triển khai. Trong đó, hai gói thầu thi công đoạn 2 (sông Sài Gòn - khu khách sạn Sài Gòn Domaine) và đoạn 4 (sông Sài Gòn - khu biệt thự Lý Hoàng đến nhà thờ La San Mai Thôn) có tiến độ chậm trễ nên chủ đầu tư tính dừng hợp đồng và chọn nhà thầu mới để đẩy nhanh tiến độ.

Gia tăng tình trạng giả danh cơ quan thuế tại Hà Nội để lừa đảo

Cục Thuế Hà Nội khuyến cáo người dân khi nhận được các tin nhắn, thông báo nộp thuế, quyết định xử phạt,… cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo hướng dẫn trong tin nhắn.

Lực lượng Công an làm việc với một nạn nhân bị lừa đảo qua mạng

Lực lượng Công an làm việc với một nạn nhân bị lừa đảo qua mạng

Ngày 2/8, Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết, hiện tượng một số đối tượng giả danh công chức, viên chức Nhà nước, giả mạo thông báo và mạo danh cơ quan thuế đang có chiều hướng gia tăng với mức độ, tần suất liên tục.

Cục Thuế thành phố Hà Nội thông báo chỉ ủy quyền cho UBND các phường, xã, thị trấn, ủy nhiệm thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân và ủy nhiệm cho Bưu điện Hà Nội thu thuế của các hộ kinh doanh thuộc địa bàn các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Sơn Tây, Thanh Oai - Chương Mỹ, Phúc Thọ, Phú Xuyên. Các cơ quan được ủy nhiệm thu sẽ cấp biên lai, chứng từ thu theo quy định cho người nộp thuế.

Bên cạnh đó, Cục Thuế thành phố Hà Nội khuyến cáo người nộp thuế khi nhận được các tin nhắn, thông báo nộp thuế, quyết định xử phạt,… cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo hướng dẫn trong tin nhắn, thông báo.

Trường hợp nhận được các tin nhắn trên các nền tảng mạng xã hội và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, Cục Thuế Hà Nội yêu cầu người nộp thuế cần lưu lại các bằng chứng như tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi, phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý, đồng thời cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an và cơ quan thuế nơi gần nhất đề nghị xử lý hành vi sai phạm của các đối tượng theo quy định pháp luật.