Bản tin thời sự sáng 4/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là phát hiện vi phạm tại Dự án Khách sạn JW Marriott Hà Nội; Hà Nội đầu tư 8.000 tỷ đồng cải tạo 21,7 km Quốc lộ 6; sẽ có tàu nghỉ qua đêm trên sông Sài Gòn; người Việt tiêu thụ hơn 1.100 tấn mì gói mỗi ngày; Hà Nội sắp có khu phố đi bộ kết hợp ẩm thực hấp dẫn tại Đảo Ngọc Ngũ Xã…

Phát hiện vi phạm tại Dự án Khách sạn JW Marriott Hà Nội

Thanh tra Chính phủ yêu cầu Hà Nội xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến vi phạm tại Dự án Khách sạn 5 sao JW Marriott Hà Nội; Tập đoàn Bitexco nộp bổ sung 26,2 tỷ đồng.

Khách sạn JW Marriott tại Hà Nội

Khách sạn JW Marriott tại Hà Nội

Thông tin trên được Thanh tra Chính phủ nêu trong Kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ...

Khi vào cuộc, cơ quan thanh tra trung ương đã phát hiện nhiều vi phạm trong chấp hành chính sách, pháp luật khi thực hiện một số dự án đầu tư du lịch như: Dự án tại Ban Quản lý Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, Dự án Khách sạn 5 sao JW Marriott Hà Nội…

Năm 2008, UBND TP. Hà Nội có quyết định thu hồi đất cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco xây Dự án Khách sạn 5 sao JW Marriott Hà Nội. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ phát hiện thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu, Dự án chưa được HĐND TP. Hà Nội thông qua. Phần diện tích khu khách sạn kết hợp sân vườn (giảm 5.497 m2), diện tích mặt nước (tăng 5.224 m2) là chưa đúng quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia được phê duyệt của Bộ Xây dựng.

Theo Thanh tra Chính phủ, Dự án được ưu đãi đầu tư theo giai đoạn trước năm 2014 cũng không đúng quy định nên số tiền thuê đất nhà đầu tư Bitexco phải nộp bổ sung là 26,2 tỷ đồng.

Sau khi phát hiện các sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP. Hà Nội báo cáo, yêu cầu Tập đoàn Bitexco nộp bổ sung số tiền trên và thu tiền chậm nộp nếu có để tránh thất thoát ngân sách. Cơ quan thanh tra còn kiến nghị Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh quy hoạch khu vực xây dựng khách sạn JW Marriott để phù hợp với diện tích đất, mặt nước thực tế.

Hà Nội đầu tư 8.000 tỷ đồng cải tạo 21,7 km Quốc lộ 6

Sáng 3/12, UBND TP. Hà Nội khởi công cải tạo 21,7 km Quốc lộ 6 qua quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ, tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2027.

Hướng tuyến đoạn Quốc lộ 6 được cải tạo, nâng cấp

Hướng tuyến đoạn Quốc lộ 6 được cải tạo, nâng cấp

Dự án Xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai có điểm đầu tại Km14 địa phận Ba La, quận Hà Đông; điểm cuối là Km38, kết thúc ở thị trấn Xuân Mai, tiếp giáp với huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Theo thiết kế, đoạn tuyến rộng 50 - 60 m, tốc độ thiết kế 80 - 100 km/h. Trên tuyến có một cống hộp (cống Tuân) và 7 cầu gồm: Mai Lĩnh, Đồng Trữ, Tân Thượng, Quán Lát, Xuân Mai, Sông Bùi và Năm Lu.

Dự án có 4 nút giao chính, trong đó có các nút giao khác mức (nơi có hai hoặc nhiều đường giao nhau nằm ở cao độ khác nhau) với Quốc lộ 21A, đường trục Bắc Nam và Vành đai 4. Nền đường, cấp thoát nước, hệ thống hào cáp kỹ thuật, chiếu sáng, cây xanh, vỉa hè sẽ được xây dựng mới.

Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trong đó chi phí xây lắp gần 2.500 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng hơn 5.000 tỷ đồng.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố (chủ đầu tư) cho biết, sẽ phải giải phóng mặt bằng khoảng 115 ha (quận Hà Đông 30 ha; huyện Chương Mỹ 85 ha); tái định cư hơn 990 hộ (quận Hà Đông 330 hộ, huyện Chương Mỹ 660 hộ); di chuyển nhiều đường dây điện lực, thông tin, hệ thống ống cấp, thoát nước và công trình hạ tầng kỹ thuật...

Quốc lộ 6 nối thủ đô Hà Nội với Tây Bắc, đi qua bốn tỉnh và thành phố là Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên, tổng chiều dài 478 km.

Sẽ có tàu nghỉ qua đêm trên sông Sài Gòn

Tàu nghỉ qua đêm 100 - 200 phòng, tàu gỗ nhỏ chở 10 - 50 khách tham quan dọc sông Sài Gòn... là những hình thức phát triển du lịch đường thuỷ đến năm 2025.

Sở Du lịch TP.HCM dự kiến làm tour tàu nghỉ qua đêm trải nghiệm sông Sài Gòn

Sở Du lịch TP.HCM dự kiến làm tour tàu nghỉ qua đêm trải nghiệm sông Sài Gòn

Kế hoạch trên vừa được Sở Du lịch TP.HCM công bố. Sở đặt mục tiêu đến năm 2025 du lịch đường thuỷ đạt 1,5 triệu lượt khách và tăng trưởng 10 - 15% mỗi năm. Doanh thu năm 2025 đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 15% mỗi năm.

Để đạt được mục tiêu này, sẽ có nhiều giai đoạn phát triển. Cụ thể, năm 2022 - 2023, Sở phát triển nhiều mô hình mới như tàu nghỉ qua đêm 100 - 200 phòng trải nghiệm sông Sài Gòn, tàu gỗ nhỏ chở 10 - 50 khách để kết nối với các khu rạch nhỏ, kênh cho du khách tham quan di tích lịch sử, đình, chùa, làng nghề. Chợ nổi tại khu vực cầu Tân Thuận vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần sẽ được tái hiện. Khu vực này đang có 3 - 5 thuyền mua bán hàng hoá nên Sở muốn đa dạng hoá các dịch vụ giải trí trên phương tiện thuỷ, hỗ trợ nhà điều hành tour du lịch sông nước để đưa đường sông thành phương thức vận chuyển trong tương lai.

Các câu lạc bộ giải trí dưới nước cũng được kết nối như du thuyền, thuyền hơi, chèo thuyền kayak... để hút du khách, tạo không khí nhộn nhịp trên tuyến sông nội đô. TP.HCM đã thử nghiệm tour buýt đêm cuối năm 2021 từ bến Bạch Đằng (Quận 1) đến bến Bình An (TP. Thủ Đức) và chạy muộn nhất đến 21h vào cuối tuần.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm sẵn có. Cụ thể, tuyến du lịch đi Quận 7 (bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - kênh Tẻ - rạch Ông Lớn - rạch Đia), tăng dịch vụ trải nghiệm như chèo thuyền kayak, cano kéo (tại trạm chèo Sài Gòn). Tuyến du lịch Bạch Đằng - Cần Giờ sẽ được mở rộng với phà biển Tắc Suất - Vũng Tàu để trở thành tour liên tỉnh, thu hút khách Đông Nam Bộ.

Đường 1.500 tỷ đồng nối vùng sâu với trung tâm TP. Cần Thơ sẽ hoàn thành trong tháng 12

Đường 922 dài hơn 29,5 km, kết nối trung tâm TP. Cần Thơ với các quận, huyện: Bình Thủy, Ô Môn, Thới Lai, Cờ Ðỏ sẽ hoàn thành trong tháng 12/2022.

Đường 922, đoạn qua huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ.

Đường 922, đoạn qua huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ.

Sáng 3/12, ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ cho biết, đến nay, Gói thầu số 1 gồm 13 cầu bê tông, 30 cống qua đường, 8 nút giao... đã hoàn thành, được thông xe kỹ thuật phục vụ người dân.

Gói thầu số 2 gồm 4 cầu: 5, 6, 7, 8 và đường dẫn trên địa bàn huyện Cờ Đỏ đang gấp rút hoàn thiện. Người dân và xe vẫn được chạy trên các cầu cũ. Bốn cầu xây dựng mới này phát sinh sau, từ nguồn vốn kết dư của Dự án. Do khó khăn trong giải phóng mặt bằng và dịch Covid-19, 4 cầu bị chậm tiến độ, nhưng vẫn trong khung thời gian được gia hạn đến hết năm 2022.

Theo ông Cường, trong số 4 cầu, 3 cầu cơ bản đã hoàn thành, chờ thảm nhựa bề mặt. Cầu số 8 hoàn thiện khoảng 95%, hiện vướng mắc hai hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng tại mố cầu ở phía trung tâm thị trấn Cờ Đỏ, dẫn đến chậm trễ. Giữa tháng này, Dự án sẽ được giải ngân 11 tỷ đồng còn lại để hoàn thành các cầu trong tháng 12, tổ chức khánh thành toàn tuyến trước Tết Nguyên đán 2023.

Tuyến đường trên có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, khởi công năm 2018. Công trình có điểm đầu giao Quốc lộ 91B (quận Bình Thuỷ), điểm cuối tại trung tâm huyện Cờ Đỏ, giao với tuyến Bốn Tổng - Một Ngàn kết nối huyện Vĩnh Thạnh, Phong Điền (TP. Cần Thơ) và các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang. Tuyến dài hơn 29,5 km, rộng 7 - 12 m, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Người Việt tiêu thụ hơn 1.100 tấn mì gói mỗi ngày

Năm 2021, có hơn 1.127 tấn mì gói được tiêu thụ mỗi ngày tại Việt Nam, tăng khoảng 20% so với 5 năm trước đó.

Người dân mua mì ăn liền để dự trữ trong mùa dịch năm ngoái

Người dân mua mì ăn liền để dự trữ trong mùa dịch năm ngoái

Theo báo cáo của Euromonitor (một trong những hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, có trụ sở tại Anh), năm 2021, Việt Nam tiêu thụ khoảng 411.500 tấn mì gói, tăng 9% so với năm 2020 và tăng hơn 20% so với năm 2016. Về giá trị, thị trường mì ăn liền ghi nhận hơn 3.800 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với năm 2020 và tăng gần 18% so với 5 năm trước đó. Như vậy, trung bình mỗi ngày, người Việt dùng hơn 1.127 tấn và chi hơn 84 tỷ đồng cho việc ăn mì gói.

Báo cáo về tiêu thụ mì gói toàn cầu của Euromonitor được thực hiện trên 80 nước và công bố hàng năm. Trước đó, số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA) cũng cho thấy, Việt Nam vượt Hàn Quốc thành thị trường tiêu thụ mì gói tính trên đầu người cao nhất thế giới. Trung bình mỗi người dùng 87 gói/năm.

Ngoài ra, Euromonitor cũng chỉ ra, Acecook và Masan là hai doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường mì gói, chiếm tổng cộng 33%. Tuy nhiên, thị phần của doanh nghiệp đến từ Nhật Bản ngày càng giảm, từ nắm gần 24% vào năm 2017, nay lùi về còn hơn 19%. Trong khi đó, doanh nghiệp nội lại gia tăng thị phần từ gần 12% lên gần 14%. Các thương hiệu mì ăn liền khác như Uniben (mì 3 Miền), Asia Foods (mì Gấu Đỏ), Saigon Vewong (mì A-One), Safoco, Colusa Miliket, Thiên Hương Food, Vifon... lần lượt xếp sau với thị phần thấp hơn hẳn hai "ông lớn" kể trên.

Toàn bộ công nhân Công ty TNHH SSLV Đà Nẵng nghỉ làm từ ngày 3/12

Gần 500 lao động của Công ty TNHH SSLV Đà Nẵng chính thức nghỉ làm việc từ ngày 3/12/2022 do doanh nghiệp giải thể.

Công ty TNHH SSLV Đà Nẵng giải thể vì không có đơn hàng

Công ty TNHH SSLV Đà Nẵng giải thể vì không có đơn hàng

Tối 3/12, Công ty TNHH SSLV Đà Nẵng phát văn bản thông báo, toàn bộ công nhân của doanh nghiệp này (gần 500 người) chính thức nghỉ làm việc từ ngày 3/12/2022.

Công ty sẽ chi trả tiền lương tháng 11/2022; tiền lương từ ngày 1 - 3/12/2022; tiền trợ cấp thôi việc. Ngoài ra, Công ty hỗ trợ thêm cho lao động mang thai 2 triệu đồng/người và những lao động còn lại 1 triệu đồng/người. Tất cả các khoản tiền này sẽ được thanh toán đầy đủ vào ngày 9/12 tới bằng hình thức chuyển khoản.

Trước đó, chiều 3/12, đại diện UBND quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng; Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng; Công an quận Liên Chiểu; Đại diện Công ty TNHH SSLV Đà Nẵng cùng ký vào "Biên bản làm việc về việc tham gia hỗ trợ Công ty giải quyết chế độ chính sách cho người lao động".

Trước đó, ngày 2/12, gần 500 lao động của Công ty TNHH SSLV Đà Nẵng đóng tại Khu công nghiệp Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng tập trung tại nhà xe trong Công ty, cản trở không cho xe chở sản phẩm ra khỏi nhà máy để đòi quyền lợi do doanh nghiệp tuyên bố giải thể.

Công ty TNHH SSLV Đà Nẵng (chi nhánh của một doanh nghiệp đóng tại Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi) có 100% vốn Hồng Kông, Trung Quốc, chuyên về may túi xách. Cao điểm, doanh nghiệp này có khoảng 1.200 lao động. Tuy nhiên đến thời điểm này, do thiếu đơn hàng nên chỉ còn gần 500 lao động.

Hà Nội sắp có khu phố đi bộ kết hợp ẩm thực hấp dẫn tại Đảo Ngọc Ngũ Xã

Nhiều du khách đang mong chờ sự kiện khai trương tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã (Hà Nội) vào cuối tháng 12/2022.

Dự kiến phạm vi khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã gồm 7 tuyến phố

Dự kiến phạm vi khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã gồm 7 tuyến phố

Các đơn vị chức năng của quận Ba Đình (Hà Nội) đang tập trung chỉ đạo UBND phường Trúc Bạch và các đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng, cảnh quan khu vực hồ Trúc Bạch, để bảo đảm tiến độ khai trương tuyến phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã vào cuối tháng 12/2022.

Dự kiến, phạm vi khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã gồm 7 tuyến phố: Ngũ Xã, Trần Tế Xương, Nguyễn Khắc Hiếu, Mạc Đĩnh Chi, Nam Tràng, Lạc Chính và Trấn Vũ.

Trong đó, 2 tuyến phố trung tâm là phố Ngũ Xã và phố Nguyễn Khắc Hiếu sẽ tổ chức đi bộ trên đoạn phố dài khoảng 120 m, rộng trung bình 8 m. Các tuyến phố trên được định hướng phát triển hoạt động kinh doanh (quán ăn, quán cà phê...) hiện có, kết hợp chợ hàng hóa, sản phẩm OCOP (sản phẩm, dịch vụ truyền thống có lợi thế ở địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân hoặc tập thể thực hiện) cùng với hoạt động văn hóa, văn nghệ đường phố vào cuối tuần và kỳ lễ hội.

Thời gian thí điểm tổ chức khu phố ẩm thực từ 19 giờ đến 24 giờ các ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật. Sau thời gian thí điểm, sẽ xem xét tổ chức khu phố ẩm thực để đón du khách hàng ngày, từ 19 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.

Gần 680 lô hàng quá cảnh bị phát hiện vi phạm

Kiểm tra 1.300 lô hàng quá cảnh có dấu hiệu nghi vấn từ đầu năm đến nay, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện 676 lô vi phạm.

Cục Hải quan TP.HCM tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại dịp cuối năm

Cục Hải quan TP.HCM tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại dịp cuối năm

Ngày 3/12, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết, từ đầu năm đến nay đã phối hợp với các lực lượng chống buôn lậu xử phạt 676 vụ vi phạm liên quan đến hàng quá cảnh. Những lô hàng này nằm trong tổng số 1.300 lô có nghi vấn, hải quan tạm dừng để kiểm tra thực tế (chỉ chiếm 1,3% số lô hàng quá cảnh tại Chi cục) với tổng giá hàng hoá vi phạm gần 75 tỷ đồng.

Nguyên nhân được cho là thời gian qua, những băng nhóm tội phạm đã lợi dụng loại hình dịch vụ quá cảnh xuất sang Campuchia (qua cửa khẩu đường bộ các tỉnh biên giới Tây Nam) để buôn lậu, đánh tráo hàng hóa... Tổng số tiền phạt hải quan thu về ngân sách nhà nước là gần 2,5 tỷ đồng. Với các vụ việc vượt thẩm quyền, Hải quan đã tham mưu UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt.

Thời điểm cuối năm, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại gia tăng, Cục Hải quan TP.HCM đang phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường giám sát hàng hóa quá cảnh.

Tin cùng chuyên mục