Tuần tới bắt đầu cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19
Tuần tới, người dân sẽ bắt đầu được cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19 với thông tin tương ứng số mũi tiêm đã nhập lên hệ thống tiêm chủng. Hộ chiếu vắc xin được cập nhật trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và PC-COVID. Hiện đã có 1000 người được cấp hộ chiếu vắc xin.
Người dân sắp được cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19 |
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, ngày 2/4, Bệnh viện E bắt đầu cấp hộ chiếu vắc xin cho người đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 và có thông tin trên hệ thống đầy đủ. Trước đó, đến cuối tháng 3 đã có 1.000 người tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai và có nhu cầu hộ chiếu vắc xin để đi công tác, du lịch... đã được cấp hộ chiếu. Đây là những người đầu tiên ở Việt Nam được cấp hộ chiếu vắc xin.
Theo Bộ Y tế, qua thí điểm ban đầu cho thấy, trình tự cấp theo quy định Bộ ban hành tháng 12/2021 đảm bảo thông suốt để cấp chứng nhận tiêm chủng theo định dạng chuẩn quốc tế cho người có nhu cầu.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu y tế (Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế), hộ chiếu vắc xin bản chất là chứng nhận tiêm vắc xin điện tử. Trên chứng nhận này bao gồm 11 thông tin, đầy đủ các thông tin của người tiêm chủng gồm: họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; số mũi tiêm đã nhận; ngày tiêm; liều số; vắc xin; sản phẩm vắc xin; nhà cung cấp hoặc sản xuất vắc xin; mã số của chứng nhận.
Bản chất của hộ chiếu vắc xin điện tử là mỗi người dân sẽ có mã QR giống như mã QR trên ứng dụng PC-COVID hiện nay, chỉ khác là sử dụng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh châu Âu để có thể xác minh thông tin lẫn nhau khi ra nước ngoài.
Trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ có văn bản hướng dẫn triển khai việc cấp hộ chiếu vắc xin cho người dân. Hộ chiếu vắc xin về mặt kĩ thuật có thời hạn 12 tháng. Hết thời hạn trên, hệ thống sẽ tự động tạo QR mới.
Vietnam Airlines lỗ luỹ kế gần 1 tỷ USD
Năm 2021, khoản lỗ lũy kế của hãng hàng không quốc gia lên đến 21.978 tỷ đồng, ăn mòn gần hết vốn góp của chủ sở hữu.
Năm 2021, khoản lỗ lũy kế của hãng hàng không quốc gia lên đến 21.978 tỷ đồng |
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2021.
Theo đó, doanh thu quý IV của hãng đạt hơn 9.200 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020; luỹ kế cả năm doanh thu đạt 28.093 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Còn lợi nhuận sau thuế quý IV/2021 lỗ 1.184 tỷ đồng, luỹ kế cả năm lỗ 13.337 tỷ đồng.
Ba năm ảnh hưởng của dịch bệnh khiến lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán của hãng đến nay ghi nhận âm 21.978 tỷ đồng, ăn mòn gần hết vốn góp của chủ sở hữu là 22.143 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của hãng vẫn dương nhờ được Quốc hội thông qua gói giải cứu 12.000 tỷ đồng. Theo đó, Tổng công ty thực hiện đợt tăng vốn 7.961 tỷ đồng trong tháng 9/2021, riêng SCIC nộp tiền mua cổ phần khoảng 6.880 tỷ đồng.
Sau phương án trên, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước vẫn là cổ đông lớn nhất chiếm 55,2% vốn, tiếp đến là SCIC có 31,14% cổ phần và Tập đoàn ANA là 5,62%.
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt hơn 63.000 tỷ đồng; nợ ngắn hạn 14.374 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với đầu năm; vay dài hạn 20.424 tỷ đồng, giảm hơn 2.400 tỷ so với đầu năm 2021.
Đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng nâng cấp luồng Cái Mép - Thị Vải
Luồng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ được mở rộng 310 - 350 m, sâu 14 - 15,5 m nhằm nâng cao hiệu suất khai thác của cụm cảng và đón tàu lớn.
Tàu container cập cảng Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) dỡ hàng |
Theo Ban Quản lý dự án Hàng hải (Bộ Giao thông vận tải), luồng Cái Mép - Thị Vải dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm nay, với tổng mức đầu tư khoảng 1.420 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 bố trí khoảng 1.278 tỷ đồng.
Sau hơn 11 năm được nạo vét, với đáy rộng 310 m, độ sâu 12 - 14 m, những con tàu quốc tế chở sức chở từ trên 8.000 TEU (1 TEU = container 20 feet) chỉ có thể lợi dụng thủy triều dâng hoặc phải hạ tải bớt để cập các cảng Cái Mép - Thị Vải.
Dự án nhằm nâng cao hiệu suất khai thác, hình thành và phát triển cụm cảng đầu mối cửa ngõ quốc tế, thu hút hàng hóa trong khu vực.
Theo đó, đoạn luồng 30,5 km từ phao số 0 đến thượng lưu cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT) bề rộng đáy 350 m, sâu 15,5 m cho tàu 160.000 tấn (cho phép tránh nhau với tàu đến 50.000 tấn); tàu 120.000 tấn khai thác hai chiều và tàu 200.000 tấn/18.000 TEU giảm tải hoặc lớn hơn khai thác một chiều.
Đoạn luồng 3,2 km từ cảng container quốc tế Cái Mép đến cảng Tân Cảng - Cái Mép (TCIT và TCCT) được mở rộng đáy 310 m, sâu 14 m, cho tàu 120.000 tấn (cho phép tránh nhau với tàu 60.000 tấn); tàu 100.000 tấn khai thác hai chiều và tàu 160.000 tấn giảm tải hoặc lớn hơn khai thác một chiều.
Đoạn luồng từ Tân Cảng - Cái Mép đến bến cảng khởi động Phước An cho tàu 60.000 tấn hoặc lớn hơn khai thác một chiều.
Đến cuối năm 2020, Cái Mép - Thị Vải có 7 cảng container đã đi vào hoạt động, công suất thiết kế 6,8 triệu TEU một năm và là cảng đầu tiên ở Việt Nam đón tàu hơn 214.000 tấn.
Hơn 100.000 ha lúa, hoa màu miền Trung thiệt hại
Sáng ngày 3/4, miền Trung chỉ còn mưa rải rác, lũ rút gần hết, để lại 103.000 ha lúa, hoa màu cùng 160.000 cây cảnh bị hư hại.
103.000 ha lúa, hoa màu cùng 160.000 cây cảnh bị hư hại do mưa lũ trái mùa |
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đợt mưa lũ trái mùa ngày 31/3 - 2/4 gây thiệt hại cho 9 tỉnh từ Quảng Bình tới Khánh Hòa, nhiều nhất là Thừa Thiên Huế với hơn 20.000 ha lúa, 2.300 ha hoa màu. Kế đó là Quảng Nam 16.800 ha lúa, 4.500 ha hoa màu; Bình Định lần lượt 15.120 ha và 2.320 ha. Mưa lũ làm thủy sản bị thiệt hại nặng với hơn 220 ghe thuyền chìm, 2.500 lồng bè hư hại.
Hiện chỉ còn một số huyện Đakrông, Triệu Phong, Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị ngập trung bình 1 - 1,5 m, nước rút chậm. Địa phương đang hỗ trợ gia cố đê bao bị tràn ở các xã Hải Thọ, Hải Định, Hải Dương, Hải Phong, Hải Trường, Hải Lâm...
Lũ rút gần hết, nhưng miền Trung có nguy cơ đối diện với đợt lũ mới. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của đới gió đông kết hợp với rìa tây nam lưỡi áp cao lạnh lục địa nên từ đêm 3/4 đến ngày 6/4, từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to.
Lượng mưa từ Đà Nẵng đến Quảng Nam phổ biến 100 - 150 mm, có nơi trên 200 mm; Quảng Ngãi đến Bình Định 100 - 200 mm, có nơi trên 250 mm; Phú Yên đến Khánh Hòa 100 - 180 mm, có nơi trên 200 mm; Tây Nguyên 70 - 120 mm, có nơi hơn 150 mm.
Dự kiến khởi công cao tốc Điện Biên - Sơn La vào tháng 12/2023
Tỉnh Điện Biên vừa có tờ trình đề nghị Thủ tướng xem xét, giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án xây dựng cao tốc Điện Biên - Sơn La.
Tỉnh Điện Biên vừa có tờ trình Thủ tướng về Dự án xây dựng cao tốc Điện Biên - Sơn La. Ảnh minh họa |
Cụ thể, UBND tỉnh Điện Biên đề nghị Thủ tướng xem xét, giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án xây dựng cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1 từ TP. Điện Biên Phủ đến nút giao Km15+800/Quốc lộ 279.
Theo thiết kế, tuyến đường thuộc giai đoạn 1 của Dự án sẽ đi qua địa phận TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Ảng và huyện Tuần Giáo có tổng chiều dài hơn 50 km, gồm 45 km tuyến chính và 6,7 km đoạn kết nối vào Quốc lộ 279 để đảm bảo việc vận hành, kết nối khai thác.
Tuyến đường này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, trong giai đoạn 1 sẽ triển khai xây dựng tuyến đường tốc độ cao.
Các yếu tố còn lại phân kỳ đầu tư theo quy mô đường cấp III miền núi, có mặt cắt ngang 2 làn xe, bề rộng nền đường rộng 9 m, trên tuyến dự kiến 2 vị trí xây dựng hầm. Trong giai đoạn 2, Dự án sẽ hoàn thiện quy mô 4 làn xe theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Tổng mức đầu tư Dự án ước khoảng 8.177 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 5.900 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư 1.269 tỷ đồng; phần vốn huy động khác khoảng 2.989 tỷ đồng, dự kiến huy động từ nhiều nguồn như ngân hàng, các nhà đầu tư có lợi ích liên quan... thông qua hợp đồng hợp tác BCC.
Theo Giám đốc Sở GTVT Điện Biên Trần Thanh Kiên, hiện Tỉnh đang phấn đấu hoàn thành các thủ tục, đề xuất phương án để trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 12/2022, hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, khảo sát thiết kế trong tháng 7/2023, hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và khởi công xây dựng vào tháng 12/2023.
Ngày đầu thu phí cảng biển hơn 8 tỷ đồng
Ngày đầu tiên áp dụng thu phí cảng biển chính thức, TP.HCM thu về số tiền 8,25 tỷ đồng với 6.139 tờ khai.
Bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP.HCM |
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa báo cáo kết quả sau hai ngày vận hành thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn.
Theo đó, ngày 1/4 có 6.139 tờ khai với số tiền 8,25 tỷ đồng. Ngày 2/4 (tính đến 17h) có 4.138 tờ khai với số tiền gần 4,7 tỷ đồng. Dự kiến năm 2022, Thành phố thu 3.036 tỷ đồng, bình quân 8,32 tỷ đồng một ngày. Như vậy, số tiền phí ngày đầu tiên gần bằng bình quân số thu mỗi ngày dự kiến trong đề án thu phí.
Hình thức thu phí của Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố (đơn vị thu phí) không sử dụng tiền mặt thông qua hệ thống 24/7 của các ngân hàng thương mại, không ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa. Khi doanh nghiệp nộp phí, dữ liệu sẽ được tích hợp về các cổng cảng biển để quản lý xe ra vào.
Trước đó, việc TP.HCM ra quyết định thu phí hạ tầng cảng biển gây nhiều phản ứng trong doanh nghiệp. Nhiều hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp liên tục đề xuất lùi thời gian thu phí nhưng không được chấp nhận.