Bản tin thời sự sáng 4/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam sẽ sớm cấp phép thuốc remdesivir điều trị Covid-19; 83.300 thí sinh TP.HCM sẽ xét tuyển vào lớp 10 bằng điểm trung bình lớp 9; Hà Nội phong tỏa chợ đầu mối Long Biên từ 13h ngày 3/8; vận chuyển bưu chính được hoạt động ở TP.HCM sau 18h; đề xuất ưu tiên vaccine cho hệ thống bán lẻ Hà Nội…

Việt Nam sẽ sớm cấp phép thuốc remdesivir điều trị Covid-19

Bộ Y tế đang nghiên cứu đưa remdesivir vào phác đồ điều trị, sẽ cấp phép để sử dụng cho bệnh nhân Covid-19.

Việt Nam sẽ sớm cấp phép thuốc remdesivir điều trị COVID-19

Việt Nam sẽ sớm cấp phép thuốc remdesivir điều trị COVID-19

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, loại thuốc này được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt điều trị cho bệnh nhân Covid-19, cho thấy hiệu quả giảm lượng virus nhanh. Nhiều nước trên thế giới cũng đã cấp phép sử dụng thuốc này. Thời gian qua, thông qua nguồn tặng, viện trợ, Việt Nam cũng đã sử dụng remdesivir cho bệnh nhân Covid-19 ở một số cơ sở y tế.

Thứ trưởng Sơn cho biết thêm, việc chỉ định dùng remdesivir cho từng bệnh nhân Covid-19 sẽ do các bác sĩ quyết định tại cơ sở y tế. Do vậy, người dân không nên mua thuốc tự ý sử dụng tại nhà.

Còn theo Cục trưởng Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường, đơn vị thường xuyên phối hợp Cục Khám chữa bệnh cập nhật danh mục điều trị mới. Với 500.000 lọ thuốc remdesivir do Tập đoàn Vingroup tặng Bộ Y tế, ông Cường cho biết đang nghiên cứu đưa vào phác đồ điều trị nhằm giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân nặng và trung bình.

Ngoài remdesivir, ông Cường cũng cho biết đang xem xét cấp phép thuốc favipiravir. Thuốc có cơ chế hoạt động tương tự remdesivir, ngăn chặn quá trình nhân lên của SARS-CoV-2, loại bỏ virus khỏi đường thở.

Cục trưởng Quản lý Dược yêu cầu các địa phương đảm bảo thuốc phục vụ điều trị, đặc biệt thuốc điều trị Covid-19, trong bối cảnh dịch phức tạp. Một số mặt hàng rất cần thiết như dịch lọc máu liên tục, dịch truyền, thuốc kháng sinh, thuốc chống đông...

Remdesivir là thuốc kháng virus do Tập đoàn Gilead Sciences, Mỹ, sản xuất. Thuốc được FDA phê duyệt điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ tháng 10/2020. Với khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân diễn tiến nặng, remdesivir được 50 quốc gia như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị. Thuốc được sử dụng tiêm tĩnh mạch.

83.300 thí sinh TP.HCM sẽ xét tuyển vào lớp 10 bằng điểm trung bình lớp 9

83.300 thí sinh TP.HCM sẽ không thi mà chuyển sang xét tuyển vào lớp 10 bằng điểm trung bình lớp 9, theo quyết định của UBND Thành phố ngày 3/8.

83.300 thí sinh TP.HCM sẽ xét tuyển vào lớp 10 bằng điểm trung bình lớp 9

83.300 thí sinh TP.HCM sẽ xét tuyển vào lớp 10 bằng điểm trung bình lớp 9

Quyết định được UBND TP.HCM đưa ra trong bối cảnh thành phố tiếp tục giãn cách xã hội, số ca Covid-19 vượt 100.000 ca. Việc xét tuyển lớp 10 các hệ THPT thường, chuyên và tích hợp áp dụng cho thí sinh đã đăng ký nguyện vọng và đủ điều kiện dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT (dự kiến diễn ra ngày 2 - 3/6).

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu bàn giao lại hồ sơ của thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 từ điểm thi về các trường - nơi thí sinh học lớp 9. Các trường cập nhật điểm trung bình môn tiếng Anh lớp 9 cho tất cả thí sinh.

Với học sinh đăng ký thi vào lớp 10 chuyên, các trường bổ sung điểm trung bình cả năm lớp 9 của môn chuyên. Kết quả các giải thưởng học sinh giỏi cấp thành phố, cấp quốc gia, cuộc thi khoa học kỹ thuật cũng được gửi về Sở để tính điểm khuyến khích, ưu tiên.

Trước đó, sau gần hai tháng hoãn kỳ thi vào lớp 10, trường Trung học Thực hành (Đại học Sư phạm TP.HCM) chuyển sang xét tuyển học sinh chuyên bằng điểm trung bình lớp 9.

Hà Nội phong tỏa chợ đầu mối Long Biên từ 13h ngày 3/8

Chợ đầu mối với khoảng 1.200 hộ kinh doanh bị phong toả từ 13h ngày 3/8 do phát hiện ca F0 đến giao hàng cho một số tiểu thương.

Chợ Long Biên được dựng rào, chăng dây cách ly y tế từ chiều 3/8

Chợ Long Biên được dựng rào, chăng dây cách ly y tế từ chiều 3/8

Theo lãnh đạo quận Ba Đình, UBND phường Phúc Xá (quận Ba Đình) đã ban hành quyết định cách ly y tế đối với chợ Long Biên từ 13h ngày 3/8 cho đến khi có thông báo mới.

Chợ Long Biên bị phong tỏa do phát hiện ca F0 (trú tại ngõ 187 Hồng Hà, phường Phúc Xá, Ba Đình) đến giao hàng cho một số tiểu thương tại chợ. Hiện chính quyền đã lấy mẫu xét nghiệm 150 tiểu thương và nhân viên Ban Quản lý chợ; các hộ khác được thông báo khai báo y tế tại địa phương.

Trước đó, ngày 1/8, quận Ba Đình đã phong tỏa một phần (khu vực kinh doanh hải sản) chợ Long Biên do liên quan đến một ca dương tính SARS-CoV-2 địa chỉ tại huyện Thanh Trì; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm 260 trường hợp liên quan, tất cả mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính lần một.

Long Biên là chợ đầu mối thứ tư của Hà Nội bị phong tỏa do liên quan đến các ca dương tính SARS-CoV-2. Trước đó, chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai), chợ đầu mối Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), chợ Minh Khai (Bắc Từ Liêm) đã lần lượt bị phong tỏa.

Vận chuyển bưu chính được hoạt động ở TP.HCM sau 18h

Dịch vụ bưu chính tại TP.HCM được nới lỏng yêu cầu hoạt động, xe được chạy trên đường từ 18h đến 6h sáng trong thời gian tăng cường biện pháp giãn cách xã hội.

Vận chuyển bưu chính được hoạt động ở TP.HCM sau 18h

Vận chuyển bưu chính được hoạt động ở TP.HCM sau 18h

Nội dung đề cập trong văn bản khẩn do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký, để hỗ trợ doanh nghiệp bưu chính và không gây gián đoạn dịch vụ bưu chính, hành chính công, hàng hóa thiết yếu... khi Thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Chính quyền Thành phố cho phép dịch vụ vận chuyển bưu chính hoạt động, xe chạy trên đường trong khung thời gian nêu trên, nhưng chỉ chở thư tín, tài liệu, không chở hàng hóa, kể cả bằng xe 2 bánh (shipper). Đồng thời, nhân viên của doanh nghiệp bưu chính được hoạt động theo mô hình truyền thống (trực tiếp nhận hàng từ địa chỉ người gửi đưa về bưu cục để chuyển tới địa chỉ người nhận). Doanh nghiệp phải đảm bảo về phòng, chống Covid-19.

TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 9/7 và từ chiều 26/7 người dân hạn chế tối đa ra đường; các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18h đến 6h sáng. Trong khung thời gian này, các trường hợp được ra đường như: cấp cứu, lực lượng làm công tác phòng, chống dịch; phóng viên, phát hành báo…

Hiện, TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 thêm 14 ngày, từ 0h ngày 2/8 do tình hình dịch vẫn phức tạp.

Đề xuất ưu tiên vaccine cho hệ thống bán lẻ Hà Nội

Bộ Công Thương vừa có báo cáo đề xuất về việc đưa người lao động tại hệ thống bán lẻ hàng hóa vào đối tượng ưu tiên tiêm vaccine.

Bộ Công Thương đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động tại hệ thống bán lẻ

Bộ Công Thương đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động tại hệ thống bán lẻ

Theo Bộ Công Thương, hiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội, gần nhất là việc Công ty TNHH Cung ứng thực phẩm Thanh Nga, đơn vị cung cấp nguồn hàng cho hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+.

Đồng thời, việc một số chợ truyền thống, chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội có các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã ảnh hưởng đến việc cung ứng, kinh doanh tại một số cơ sở kinh doanh hàng hóa thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi của các doanh nghiệp phân phối (trừ các siêu thị của Vincommerce đang tạm dừng hoạt động đã công bố) của các đơn vị khác vẫn diễn ra bình thường, hàng hóa vẫn được cung ứng an toàn và luôn được bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân với giá bán ổn định.

Nguồn cung hàng hóa tại các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố vẫn ổn định, giá hàng hóa không có biến động bất thường.

Về giải pháp, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương thành phố Hà Nội yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở có ca lây nhiễm Covid-19 để xử lý ngay các biện pháp phòng chống lây lan dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo đề xuất về việc đưa người lao động tại hệ thống bán lẻ hàng hóa vào đối tượng ưu tiên tiêm vaccine, đồng thời đề nghị ngành y tế của địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động doanh nghiệp phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu.

Cơ quan này cũng đã trao đổi và yêu cầu các doanh nghiệp phân phối (BRG, Aeon, BigC, MM Megamarket…), các chợ cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại chợ đầu mối, chợ bán lẻ trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16.

Giải phóng hàng tồn khỏi cảng Cát Lái đến lưu giữ tại các cảng khác

Tổng cục Hải quan vừa cho phép Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chuyển hàng từ Cát Lái đến lưu giữ tại các cảng khác để giảm ùn tắc.

Giải phóng hàng tồn khỏi cảng Cát Lái đến lưu giữ tại các cảng khác để giảm ùn tắc

Giải phóng hàng tồn khỏi cảng Cát Lái đến lưu giữ tại các cảng khác để giảm ùn tắc

Đây là một trong những chỉ đạo vừa được Tổng cục Hải quan đưa ra để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hoá tại cảng Cát Lái trong giai đoạn TP.HCM giãn cách xã hội.

Trước đó, Cục Hải quan TP.HCM đã đề xuất cho Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn được vận chuyển hàng tồn đọng quá 90 ngày từ cảng Cát Lái về cảng Tân Cảng Hiệp Phước, cũng như thuê các cảng thuộc địa bàn của TP.HCM để lưu giữ hàng hóa nhằm giảm tải cho cảng Cát Lái trong thời gian dịch bệnh phức tạp.

Tổng cục Hải quan giao Cục Hải quan TP.HCM lập danh sách, quản lý chặt chẽ và báo cáo phương án xử lý nhóm hàng hoá tồn đọng về Tổng cục trước khi chuyển các lô hàng này từ cảng Cát Lái về Tân Cảng Hiệp Phước. Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chịu mọi chi phí vận tải, lưu giữ với các lô hàng từ khi vận chuyển đến khi hoàn thành việc xử lý hàng hoá tồn đọng.

Doanh nghiệp này cũng phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp hàng hoá thất thoát. Phương án giải quyết việc lưu giữ, giám sát hàng hoá tồn đọng thực hiện đến hết ngày 31/12.

Tổng cục Hải quan cũng đưa ra các điều kiện để hàng hoá được vận chuyển từ cảng Cát Lái đến lưu giữ tại cảng biển khác thuộc TP.HCM và các cảng cạn (ICD). Theo đó, hàng hoá phải nguyên container, chưa được đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu, không có dấu hiệu nghi vấn…

Do lượng container tồn bãi tăng nhanh, cảng Cát Lái đã dừng nhận nhiều loại hàng hoá đến ngày 16/8. Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, lượng container hàng nhập tồn bãi tại cảng Cát Lái đang tăng nhanh do nhiều nhà máy, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động.