Công an TP.HCM điều tra sai phạm khi chuyển đổi hàng triệu m2 đất công
Thanh tra TP.HCM phát hiện 215 tỷ đồng vi phạm tài chính và 6,4 triệu m2 đất công bị chuyển mục đích sử dụng vi phạm pháp luật... trong 10 năm qua.
Công ty Cây trồng thành phố có diện tích thanh tra lớn nhất với 2,7 triệu m2 tại huyện Bình Chánh |
UBND TP.HCM vừa chuyển Công an TP.HCM điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự trong chuyển mục đích sử dụng đất công, trong đó có một vụ liên quan Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV (số còn lại không được công bố).
Thông tin được nêu trong báo cáo của UBND TP.HCM gửi Thanh tra Chính phủ về kết quả thanh tra việc chuyển mục đích sử dụng từ đất sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở của doanh nghiệp nhà nước hoặc cổ phần hoá giai đoạn 2011 - 2021.
Trong thời gian này, Thành phố có 70 vị trí đất được doanh nghiệp nhà nước hoặc cổ phần hoá chuyển đổi mục đích với tổng diện tích gần 1,4 triệu m2, thu về hơn 8.500 tỷ đồng.
TP.HCM đã thanh tra 8 doanh nghiệp nhà nước/cổ phần hoá có 28 vị trí đất, với tổng diện tích gần 6 triệu m2, gồm: Trung tâm Hạt nhân thành phố; Công ty CP SX KD DV và Xuất nhập khẩu quận 1 (Fimexco); Công ty CP Đầu tư và Xây lắp 5; Công ty CP NAKYCO; Công ty TNHH MTV Cây trồng thành phố; Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV; Công ty TNHH MTV Cảng sông Sài Gòn (nay là Công ty CP Cảng Phú Định); Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV.
Trong đó, Công ty Cây trồng thành phố có diện tích lớn nhất với 2,7 triệu m2 tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Còn Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn có nhiều vị trí bị thanh tra nhất - 15 địa điểm tại Quận 8, 11, 4, 5, Tân Phú, Tân Bình.
Thanh tra đã phát hiện 215 tỷ đồng vi phạm tài chính và 6,4 triệu m2 vi phạm về đất đai; kiến nghị kỷ luật hành chính 11 tổ chức, 18 cá nhân; thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 27 tỷ đồng và gần 130.000 m2 đất.
Thời gian tới, TP.HCM sẽ tăng thanh kiểm tra các dự án có sử dụng đất công và thu hồi ngay dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, có sai phạm trong đấu thầu, đấu giá.
Hai cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ở Angola và Nga bị khởi tố
Ông Vũ Ngọc Minh và Lý Tiến Hùng, cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola và Nga, bị khởi tố với cáo buộc nhận hối lộ khi thực hiện chuyến bay giải cứu.
Các bị can Vũ Hồng Quang, Lý Tiến Hùng, Nguyễn Thị Hiền, Đào Minh Dương, Phạm Thị Kim Ngân (từ trái qua). |
Ngày 4/12, ông Hùng (cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, hiện là chuyên viên Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cùng ông Minh (cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola) và Vũ Hồng Quang (Phó phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải) bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố để điều tra về tội Nhận hối lộ, theo Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Liên quan vụ án, cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra khởi tố ông Đào Minh Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vijasun), Nguyễn Thế Dũng (Giám đốc Công ty TNHH Du lịch, thương mại Sang Trọng) và Nguyễn Thị Hiền (lao động tự do) về tội Đưa hối lộ, theo Điều 364 Bộ luật Hình sự.
Phạm Thị Kim Ngân (cán bộ Phòng Trị sự, Tạp chí Thanh tra, thuộc Thanh tra Chính phủ) bị khởi tố về tội Môi giới hối lộ, theo Điều 365 Bộ luật Hình sự.
Các quyết định tố tụng, ra lệnh bắt tạm giam với 7 người nêu trên đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn.
Đây là diễn biến mới sau gần 10 tháng điều tra vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan khi thực hiện các chuyến bay giải cứu. Hiện hơn 20 người đã bị bắt.
Đề xuất bổ sung sân bay Yên Bái vào quy hoạch cảng hàng không
UBND tỉnh Yên Bái vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung sân bay Yên Bái vào Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
UBND tỉnh Yên Bái vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung sân bay Yên Bái vào quy hoạch. Ảnh minh họa |
Cảng hàng không Yên Bái được đề xuất là sân bay dân dụng cấp 4C và quân sự cấp 2, có công suất dự kiến 0,8 - 1 triệu hành khách mỗi năm; hình thức đầu tư đối tác công tư.
Hiện nay, sân bay Yên Bái là sân bay quân sự cấp 2 do Trung đoàn 921, Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng quản lý. Tổng diện tích sân bay gần 279,5 ha, đường cất, hạ cánh 2.400 m, thuận lợi cho việc sử dụng theo hình thức lưỡng dụng.
Theo đường bộ, khoảng cách từ sân bay quân sự Yên Bái đến sân bay Sa Pa (huyện Bảo Yên, Lào Cai) khoảng 95 km.
Gần một tháng trước, trong cuộc làm việc với UBND tỉnh Yên Bái về đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay của Tỉnh, Cục hàng không Việt Nam đánh giá, sân bay Yên Bái khả thi cho khai thác hàng không dân dụng. Trong tương lai, khi sân bay Sa Pa hoạt động, cần nghiên cứu công tác phối hợp điều hành giữa hai sân bay.
Tỉnh Yên Bái nằm ở trung tâm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đầu mối các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh lên cửa khẩu Lào Cai.
Theo lãnh đạo tỉnh Yên Bái, để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch, văn hóa phong phú, hấp dẫn thì phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có hàng không là cần thiết.
Quảng Bình có thêm tour du lịch mạo hiểm 'Khám phá hung Thoòng'
Tham gia tour khám phá thung lũng Thoòng, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều dạng địa hình khác nhau, từ treking giữa rừng già, bơi qua hang đến đu dây vượt vách đá... và ngắm các hồ nước xanh ngọc bích tuyệt đẹp.
Một điểm khám phá thuộc hung Thoòng |
UBND tỉnh Quảng Bình vừa chính thức có quyết định về việc khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch “Khám phá hung Thoòng” trong 12 tháng. Hung theo tiếng của người Phong Nha là thung lũng.
Theo đó, UBND Tỉnh đồng ý chủ trương cho phép Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng liên kết, phối hợp với đơn vị đủ điều kiện theo quy định để khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch mới này.
Hung Thoòng là một trong những nơi hoang sơ nhất của Phong Nha - Kẻ Bàng. Với địa hình thay đổi liên tục từ đi bộ xuyên rừng, leo qua các núi đá, bơi qua các hang động ngầm, luồn lách trong các hang khô và cắm trại giữa đại ngàn Phong Nha - Kẻ Bàng, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng cảm giác ngâm mình trong các dòng suối mát lạnh.
Theo thông tin từ công ty chuyên tổ chức những tour khám phá hang động Jungle Boss, hành trình khám phá hung Thoòng đầu tiên sẽ được khởi hành vào ngày 1/1/2023. Khám phá hung Thoòng sẽ đưa bạn đến với rừng nguyên sinh Phong Nha - Kẻ Bàng, chinh phục hang Hùng, hang Tròn và hang Thung, cắm trại bên suối hung Thoòng và khám phá thung lũng Ma Đa.
Hà Nội điều chỉnh phương án tách làn ô tô, xe máy trên đường Nguyễn Trãi
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, việc rào chắn 8 hố ga trên đường Nguyễn Trãi sẽ làm gia tăng thêm lưu lượng trên tuyến. Do đó, phương án thí điểm tổ chức giao thông đang thực hiện trên đường này cần phải điều chỉnh.
Sở GTVT Hà Nội tính chỉnh phương án tách làn ô tô, xe máy trên đường Nguyễn Trãi. |
Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, để thi công Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, thời gian tới, nhà thầu sẽ rào chắn 8 hố ga trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) từ ngõ 495 Nguyễn Trãi đến đường Nguyễn Xiển với chiều dài khoảng 600 m.
Các rào chắn sẽ làm thu hẹp lòng đường, đặc biệt vị trí cạnh hầm chui Thanh Xuân còn 4m cho các phương tiện lưu thông.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đường Nguyễn Trãi là tuyến đường xuyên tâm, vừa là trục chính đô thị, lưu lượng phương tiện lưu thông lớn, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm.
Trên tuyến có nhiều giao cắt với các đường ngang, điểm quay đầu nên vẫn còn tồn tại tình trạng ùn ứ vào giờ cao điểm.
Hai bên tuyến đường này có nhiều chung cư, cơ quan, trường học, cửa hàng,... do vậy phát sinh nhu cầu chính đáng cho các phương tiện ôtô ra, vào làn đường cho xe máy, xe buýt, đồng thời khó khăn trong việc xử lý các vi phạm theo quy định.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, khi phân luồng phương tiện trên tuyến đường Nguyễn Trãi để phục vụ thi công dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sẽ làm gia tăng thêm lưu lượng trên tuyến và ảnh hưởng đến phương án tổ chức giao thông.
Do đó, phương án thí điểm tổ chức giao thông trên đường Nguyễn Trãi đang thực hiện cần phải điều chỉnh.
Trước đó, từ đầu tháng 9/2022, Sở GTVT Hà Nội tổ chức thí điểm tách ô tô, xe máy đi theo làn riêng biệt trên đường Nguyễn Trãi.
Chuyển công an điều tra vụ 'mua đắt bán rẻ' lô đất ở Đà Lạt
Một cá nhân mua lô đất ở xã Xuân Thọ (TP. Đà Lạt) 20,8 tỷ đồng, nhưng chưa đầy 2 tháng sau, bán lại cho người khác với giá “rẻ bất thường”, chỉ hơn 7,8 tỷ đồng.
Tỉnh Lâm Đồng đã và đang siết chặt quản lý các hoạt động liên quan kinh doanh bất động sản |
UBND TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết đã có văn bản giao Chi cục Thuế khu vực Đà Lạt - Lạc Dương tổ chức triển khai thực hiện quy trình kê khai, nộp thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản của ông Phạm Quốc Anh đảm bảo nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm” theo quy định.
Đồng thời, cung cấp tất cả các hồ sơ có liên quan đến quá trình giao dịch chuyển nhượng bất động sản của ông Phạm Quốc Anh sang Công an TP. Đà Lạt để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.
UBND TP. Đà Lạt giao Công an Thành phố chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND xã Xuân Thọ, trên cơ sở hồ sơ do Chi cục Thuế cung cấp tổ chức điều tra, xác minh, xử lý nghiêm, đúng quy định đối với ông Phạm Quốc Anh nếu có vi phạm pháp luật về thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Theo Chi cục Thuế khu vực Đà Lạt - Lạc Dương, ngày 18/11, đơn vị nhận được phiếu chuyển thông tin địa chính của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Đà Lạt về việc xác định nghĩa vụ tài chính liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bên chuyển nhượng là ông Phạm Quốc Anh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) và bên nhận chuyển nhượng là ông Đ.N.Q. (xã Xuân Thọ).
Địa chỉ thửa đất chuyển nhượng số 227, 220, 217, tờ bản đồ số 41, xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt. Vị trí theo bảng giá đất là vị trí 2; diện tích 11.800,5 m2. Hợp đồng chuyển nhượng thể hiện giá chuyển nhượng 7,84 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước đó ngày 21/9, Chi cục thuế khu vực Đà Lạt - Lạc Dương nhận hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của một công ty ở Bình Thuận do ông L.T.K. làm Tổng giám đốc chuyển nhượng sang cho ông Phạm Quốc Anh tại thửa đất nêu trên với giá 20,8 tỷ đồng (cả 2 lần hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều do 1 văn phòng công chứng P.L.A. công chứng).
Thêm ba người bị khởi tố liên quan đường dây đánh bạc của Phan Sào Nam
Trần Đình Quảng cùng hai người bị bắt với cáo buộc làm đại lý cấp hai trong đường dây đánh bạc do Phan Sào Nam cầm đầu, năm 2015 - 2017.
Cảnh sát đọc lệnh bắt Trần Đình Quảng (áo đỏ) |
Ngày 4/12, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam cho biết đã khởi tố và bắt tạm giam Trần Đình Quảng, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành; Nguyễn Doãn Nghĩa, phường Cẩm Nam, TP. Hội An và Lê Hiếu Đức, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn về hành vi Tổ chức đánh bạc.
Đây là chuyên án do Công an Quảng Nam phối hợp với một số địa phương mở rộng điều tra đường dây đánh bạc qua mạng do Phan Sào Nam cầm đầu. Việc khởi tố điều tra với các đại lý cấp 2 nằm trong giai đoạn 2 của vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng phạm phạm.
Theo điều tra, năm 2015 - 2017, Quảng, Nghĩa và Đức đã liên hệ, trao đổi, thống nhất với các đại lý cấp 1 của hệ thống game bài đổi thưởng RikVip/Tip.Club để làm đại lý cấp 2 tổ chức đánh bạc.
Cơ quan chức năng cáo buộc, quá trình trích xuất dữ liệu trên hệ thống cho thấy các Đại lý cấp 2 đã giao dịch số tiền Rik có giá trị hàng tỷ đồng, với hàng trăm tài khoản đánh bạc để hưởng phần trăm chênh lệch.
Giai đoạn một của vụ án, nhà chức trách xác định dưới sự bao che của ông Phan Văn Vĩnh khi đương chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa, đường dây đánh bạc trực tuyến RikVip và Tip.Club do Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch CNC) và Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch VTC Online) tổ chức đã phát triển hàng nghìn đại lý, thu hút hơn 43 triệu tài khoản. Hai năm vận hành, đường dây có doanh thu bất chính hơn 10.000 tỷ đồng.