Bản tin thời sự sáng 5/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ đề xuất giảm thuế môi trường với xăng dầu hết năm sau; cầu Thủ Thiêm 4 có thể nâng tĩnh không lên 45 m; nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thiết kế 350 km/h; hợp long cầu lớn nhất cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Hà Nội nêu 5 nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông…

Chính phủ đề xuất giảm thuế môi trường với xăng dầu hết năm sau

Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế môi trường với xăng, dầu đến hết năm 2024, ngân sách dự tính giảm thu hơn 38.900 tỷ đồng khi áp dụng chính sách này.

Chính phủ đề xuất giảm thuế môi trường với xăng dầu hết năm sau

Chính phủ đề xuất giảm thuế môi trường với xăng dầu hết năm sau

Tại tờ trình vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị kéo dài chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu tới hết năm 2024. Theo đó, thuế này với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng một lít. Nhiên liệu bay, dầu diesel, mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng một lít. Còn mức thuế với dầu hỏa 600 đồng một lít. Mức này tương đương 50% biểu khung thuế và đang áp dụng từ tháng 4/2022 đến hết năm nay.

Khi giảm thuế này, giá xăng, dầu tới tay người tiêu dùng sẽ hạ tương ứng 1.100 - 2.200 đồng mỗi lít (đã gồm VAT), riêng dầu hỏa hạ 660 đồng mỗi lít.

Từ 1/1/2025, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ trở lại mức trần trong biểu khung thuế, tức 4.000 đồng một lít với xăng (trừ ethanol); nhiên liệu bay 3.000 đồng một lít.

Đánh giá tác động của việc giảm thuế, Chính phủ cho biết, ngân sách nhà nước ước giảm thu bình quân mỗi tháng (đã gồm VAT) khoảng 38.924 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc kéo dài giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu tới hết năm sau sẽ giúp hạ giá bán lẻ trong nước, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân, chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Mặt khác, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trường hợp thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn tăng lên bằng mức trên của biểu khung thuế từ đầu năm 2024, sẽ làm CPI bình quân tăng thêm 0,36 - 0,54 điểm phần trăm. Ngược lại, nếu tiếp tục giảm thuế này hết năm sau sẽ tránh được biến động tăng giá bán lẻ xăng, dầu và không làm tăng CPI.

Việc giảm thuế này cũng giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi, nhất là các doanh nghiệp được hưởng lợi từ giảm thuế với xăng, dầu như vận tải, dịch vụ khí đốt, đánh bắt thủy sản.

Cầu Thủ Thiêm 4 có thể nâng tĩnh không lên 45 m

Cầu Thủ Thiêm 4 vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng có thể nâng hạ chiều cao mặt cầu lên 45 m để tàu lớn dễ dàng qua lại sông Sài Gòn.

Thiết kế cầu Thủ Thiêm 4 có thể nâng tĩnh không lên 45 m

Thiết kế cầu Thủ Thiêm 4 có thể nâng tĩnh không lên 45 m

Kết quả nghiên cứu tiền khả thi như trên về phương án thiết dự án cầu Thủ Thiêm 4 vừa được Sở Giao thông Vận tải trình UBND TP.HCM, ngày 4/12.

Tổng chiều dài toàn dự án khoảng 2,16 km, trong đó phần cầu dài hơn 1,6 km, 6 làn xe; cầu có thể nâng hạ nhịp chính với tĩnh không tối đa 45 m. Thiết kế cầu dạng này được Sở Giao thông Vận tải nhận định chưa từng có tại Việt Nam, giúp tàu lớn dễ dàng chạy trên sông Sài Gòn vào trung tâm thành phố.

Công trình có điểm đầu từ đoạn trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh, đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát nối vào đường Lưu Trọng Lư (Quận 7). Cầu tiếp tục cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn nối Khu đô thị Thủ Thiêm tại giao lộ trục Bắc - Nam và đường Bùi Thiện Ngộ. Thời gian xây dựng công trình dự kiến từ 2025 - 2028.

Cầu Thủ Thiêm 4 là một trong các dự án trọng điểm ở TP.HCM, khi xây dựng hoàn thành ngoài thúc đẩy Khu đô thị Thủ Thiêm phát triển còn rút ngắn thời gian đi từ TP. Thủ Đức và quận Bình Thạnh qua các quận 7, 8, Nhà Bè, Bình Chánh. Dự án cũng giúp giảm ùn tắc xung quanh các cảng Bến Nghé, Khu chế xuất Tân Thuận, đường Huỳnh Tấn Phát tại Quận 7.

Nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thiết kế 350 km/h

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý Bộ GTVT cần xem xét nghiên cứu đầu tư đường sắt tốc độ cao đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới, tốc độ thiết kế 350 km/h.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý Bộ GTVT cần xem xét nghiên cứu đầu tư đường sắt tốc độ cao đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý Bộ GTVT cần xem xét nghiên cứu đầu tư đường sắt tốc độ cao đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới

Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được tổ chức.

Theo Phó Thủ tướng, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Bộ GTVT thực hiện nghiêm túc, công phu trong thời gian dài; trong đó Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án năm 2010 đã được Bộ Chính trị tán thành chủ trương đầu tư, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền thông qua.

Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ GTVT đã kế thừa kết quả nghiên cứu trước đây, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Do Đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì vậy, Phó Thủ tướng lưu ý quá trình xây dựng, triển khai Đề án cần có sự đồng thuận, góp sức và thực sự vào cuộc của liên ngành trên nhiều lĩnh vực.

Về kịch bản phát triển, Phó Thủ tướng cho rằng, cần dựa vào nhu cầu nội tại về phát triển kinh tế - xã hội nước ta, kinh nghiệm đầu tư đường sắt tốc độ cao trên thế giới để nghiên cứu đầu tư đường sắt tốc độ cao đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới, tốc độ thiết kế 350 km/h và thực sự trở thành trục "xương sống" theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, đồng thời khai thác hiệu quả tuyến đường sắt hiện có.

“Do Dự án có quy mô lớn, phức tạp về kỹ thuật - công nghệ, thời gian thực hiện dài nên cần làm rõ việc tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư chỉ là ước tính ban đầu, số liệu chính xác sẽ tiếp tục được cập nhật ở các bước tiếp theo khi đủ điều kiện, tránh hiểu nhầm trong trường hợp tổng mức đầu tư Dự án tăng trong giai đoạn triển khai”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Hợp long cầu lớn nhất cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Công trình cầu cao nhất vượt núi và thung lũng thuộc dự án cao tốc nối hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận được hợp long, ngày 4/12.

Cầu số 3 - cầu cao nhất cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Cầu số 3 - cầu cao nhất cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Nhà thầu đổ bêtông phủ đoạn dầm cuối cùng, nối liền nhịp cầu số 3 vượt thung lũng Sông Trâu (TP Cam Ranh). Đây là cầu cao 47 m, dài 900 m, băng qua hai ngọn núi và là công trình lớn nhất trong tổng số 14 cầu của cao tốc.

Theo Công ty 194 (đơn vị thi công), khu vực làm cầu có địa hình phức tạp, đường tiếp cận khó, quanh co. Từ tháng 4/2022, nhà thầu mới hoàn thành khai phá núi đá để mở đường vận chuyển thiết bị khoan cọc nhồi hạng nặng vào đến vị trí cầu, sau đó thi công hơn 229 cọc.

Sau gần 20 tháng, cầu được hợp long, phần lớn được thảm bêtông nhựa và đảm bảo tiến độ cam kết với Bộ Giao thông vận tải. Hơn 400 thiết bị gồm xe đào, ôtô vận chuyển, máy khoan đá với 600 kỹ sư và công nhân được huy động thi công ngày đêm. Công trình dự kiến thông xe kỹ thuật ngày 30/12, hoàn thành toàn bộ dự án vào 3 tháng tiếp theo.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5 km, tổng mức đầu tư 13.687 tỷ đồng, đi qua Khánh Hòa (gần 5 km), Ninh Thuận (63 km), Bình Thuận (gần 12 km). Dự án do Công ty 194 thuộc Tập đoàn Đèo Cả thực hiện, thi công đạt khối lượng 79%. Khi tuyến hoàn thành, ôtô chạy liền mạch từ TP.HCM đến Nha Trang bằng cao tốc.

Hà Nội nêu 5 nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông

UBND TP. Hà Nội vừa báo cáo HĐND Thành phố về công tác tổ chức giao thông, trông giữ phương tiện và quản lý lòng đường, hè phố. Trong báo cáo, UBND Thành phố nêu ra 5 nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Toàn TP. Hà Nội hiện có 7,8 triệu phương tiện giao thông

Toàn TP. Hà Nội hiện có 7,8 triệu phương tiện giao thông

Thứ nhất, do số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh nhưng hạ tầng giao thông không theo kịp dẫn đến quá tải.

“Phương tiện cá nhân tăng 4 - 5%, nhưng tốc độ phát triển hạ tầng giao thông 0,6%, luôn chới với chạy theo mà không bao giờ đuổi kịp”, UBND TP. Hà Nội nêu trong báo cáo.

Cụ thể, số lượng phương tiện giao thông đường bộ tính đến tháng 10/2023 là trên 7,8 triệu, trong đó ô tô khoảng 1,1 triệu, xe máy khoảng 6,8 triệu, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn.

Thứ hai, do đầu tư thiếu đồng bộ, các tuyến đường vành đai chưa hoàn chỉnh, cầu qua sông Hồng còn thiếu...

Hà Nội quy hoạch 7 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài 285 km, trong đó có 5 tuyến vành đai chính (1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (2,5 và 3,5).

Thứ 3, nhiều công trình thi công gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường dẫn đến ùn tắc giao thông.

Theo báo cáo, trên địa bàn Hà Nội hiện nay có 38 tuyến đường bị thu hẹp, điển hình như Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; cầu vượt nút giao đường Thanh Niên - An Dương giai đoạn 2 trên trục đường Âu Cơ - Xuân Diệu; nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.

Thứ 4, nguyên nhân ùn tắc ở các tuyến đường hướng tâm và cầu lớn là do mật độ phương tiện tham gia giao thông vượt thiết kế. Nút Ngã Tư Sở có lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm…

Thứ 5, ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao, không tuân thủ nghiêm quy định dẫn đến ùn tắc giao thông.

Năm 2022, Hà Nội có 35 điểm ùn tắc, ngành giao thông xử lý được 8 điểm nhưng phát sinh 10 điểm, tồn tại 37 điểm ùn tắc; năm 2023 xử lý được 11/37 điểm và phấn đấu xử lý thêm 1 - 2 điểm từ nay đến cuối năm, tuy nhiên có thể phát sinh thêm 8 điểm ùn tắc mới.

Hoàn thành dự án mở rộng đèo Prenn trước Tết Nguyên đán 2024

Dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn đang được đẩy nhanh thi công các hạng mục, dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2023 và đưa vào khai thác trước Tết Nguyên đán 2024.

Đoạn tuyến dài 3 km từ thác Datanla đến cuối tuyến thuộc Dự án nâng cấp đèo Prenn đã cơ bản hoàn thành

Đoạn tuyến dài 3 km từ thác Datanla đến cuối tuyến thuộc Dự án nâng cấp đèo Prenn đã cơ bản hoàn thành

Cập nhật tiến độ triển khai Dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, sau gần 10 tháng thi công, tính đến nay, sản lượng xây lắp Dự án đạt khoảng 85% giá trị hợp đồng.

Trong đó, đoạn tuyến từ thác Datanla đến cuối tuyến dài khoảng 3 km đã cơ bản hoàn thành.

Đoạn còn lại hơn 4 km từ đầu tuyến đến thác Datanla, nhà thầu đang tranh thủ thời tiết thuận lợi tăng ca/kíp để đẩy mạnh thi công, đặc biệt là các hạng mục quyết định đến tiến độ Dự án như: cầu Prenn, cầu cải tuyến.

"Dự kiến, đến cuối năm nay, Dự án sẽ được thông xe kỹ thuật toàn tuyến để phục vụ dịp Tết dương lịch và khánh thành đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán", Tập đoàn Đèo Cả thông tin; đồng thời cho biết, đèo Prenn là dự án đặc thù do có địa hình hiểm trở, phức tạp với một bên là vách núi, một bên là vực sâu với độ cao rất lớn.

Đèo Prenn là tuyến cửa ngõ kết nối TP. Đà Lạt với sân bay Liên Khương, cao tốc Liên Khương - Prenn, là đường giao thông huyết mạch đi về TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn được khởi công từ tháng 2/2023. Dự án có tổng mức đầu tư 553 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh Lâm Đồng và do liên danh Đèo Cả làm nhà thầu thi công.

Tòa sắp xét xử 21 kháng cáo trong vụ 'chuyến bay giải cứu'

Ngày 20/12, TAND Cấp cao sẽ xét kháng cáo kêu oan và xin giảm nhẹ của 21 người, trong đó có cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng và cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng.

Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng rời tòa sau khi nghe tuyên án

Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng rời tòa sau khi nghe tuyên án

Phiên phúc thẩm mở tại TAND Cấp cao ở Hà Nội, kéo dài 4 ngày. Hai bị cáo kháng cáo kêu oan là Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an), án sơ thẩm phạt tù chung thân; Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty CP Xây dựng Thái Hòa), án sơ thẩm 18 năm tù.

19 người còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, trong đó có cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng, án sơ thẩm 16 năm tù và 3 người bị tuyên án chung thân: Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao); Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế) và Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an).

Vụ án được TAND Hà Nội xét xử sơ thẩm giữa tháng 7 qua 18 ngày làm việc, tuyên 4 người tù chung thân, 10 án tù treo và 30 bị cáo từ 18 tháng đến 16 năm tù giam.

Trong 54 bị cáo, 21 người bị xét xử về tội Nhận hối lộ; 24 người về tội Đưa hối lộ; 4 người tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và 4 người Môi giới hối lộ. Số người tham gia được cho là nhiều nhất trong những đại án gần đây với 105 luật sư, 46 người có quyền nghĩa vụ liên quan, 33 nhân chứng.

Tòa sơ thẩm đánh giá, vụ án xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Từ tháng 4/2020, do Covid-19, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo - người dân tự trả phí toàn bộ.

Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, 372 chuyến bay combo đã được tổ chức. Để được cấp phép chuyến bay, nhóm 20 doanh nghiệp đã đưa - nhận hối lộ lên tới 515 lần, tổng 165 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục