Bản tin thời sự sáng 5/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tại tăng 36% do cắt giảm việc làm; Thừa Thiên Huế làm đường đi bộ dọc sông Như Ý; Đồng Nai thanh tra dự án khu dân cư 79 ha; hàng chục chung cư tại TP.HCM chưa nghiệm thu phòng cháy; thống nhất hướng tuyến tàu điện ngầm kết nối Đà Nẵng - Quảng Nam…

Lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tại tăng 36% do cắt giảm việc làm

Do cắt giảm việc làm tiếp tục gia tăng nên 5 tháng đầu năm nay, lượng người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.

Lao động thất nghiệp 5 tháng đầu năm tại Hà Nội tăng cao so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh minh hoạ

Lao động thất nghiệp 5 tháng đầu năm tại Hà Nội tăng cao so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh minh hoạ

Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tính đến hết tháng 5/2023, số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp là gần 34.000 hồ sơ, tăng hơn 9.100 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, riêng tháng 6/2023 ghi nhận hơn 10.000 hồ sơ. Con số này tăng mạnh so với các tháng khác những năm trước và cao hơn cả thời điểm đại dịch Covid-19.

Số người làm hồ sơ nhận trợ cấp chủ yếu là công nhân phổ thông làm việc trong các ngành sản xuất chế tạo, điện tử, dệt may. Lao động bị cắt giảm đã có sự dịch chuyển sang các ngành thâm dụng lao động so với năm trước chủ yếu là du lịch, khách sạn, giao thông vận tải.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dù chưa ghi nhận doanh nghiệp cắt giảm hàng nghìn lao động như ở khu vực phía Nam, tuy nhiên đã có hàng trăm công nhân điện tử cùng một công ty đến làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp.

Phần lớn lao động sau nghỉ, mất việc đều muốn quay lại thị trường sớm hơn thay vì đi học nghề. Nhiều người nộp hồ sơ nhận trợ cấp 1 - 2 tuần rồi lại có đơn xin hủy vì đã tìm được việc làm mới.

Thừa Thiên Huế làm đường đi bộ dọc sông Như Ý

Đường đi bộ dọc sông Như Ý rộng 6 m, dài hơn 1,6 km từ Đập Đá đến cầu Vân Dương đang được thi công với tổng kinh phí hơn 267 tỷ đồng.

Các đơn vị thi công dùng sà lan chở cọc nhồi đóng xuống sông Như Ý

Các đơn vị thi công dùng sà lan chở cọc nhồi đóng xuống sông Như Ý

Tuyến đường đi bộ chạy qua hai phường Phú Hội và Xuân Phú, TP. Huế. Những ngày qua, nhà thầu đã đóng hàng trăm cọc ván bêtông dài 12 - 22 m dọc bờ sông Như Ý, phía sau nhà dân ở đường Nguyễn Công Trứ.

Theo thiết kế, tuyến đường được lót đá granite, lan can là thép không gỉ, sơn tĩnh điện. Toàn tuyến có bãi đỗ xe rộng hơn 1.300 m2 giáp với Đập Đá; cầu vòm dài 36 m bắc qua hói Thát Lát; 11 bến nước, phía trên bến lát đá granite. Khu vực giáp ranh với nhà dân sẽ được bố trí các tiểu cảnh, cây xanh.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế (chủ đầu tư công trình) cho biết, Dự án kè sông Như Ý và xây dựng tuyến đường đi bộ nằm trong Dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế, tổng kinh phí 24,8 tỷ Yên từ nguồn vay ODA Nhật Bản, thực hiện từ tháng 8/2015. Tuyến bộ dọc bờ sông hoàn thành vào tháng 6/2024 sẽ tạo diện mạo mới cho cảnh quan hai bên bờ, giảm tình trạng xả thải nước sinh hoạt trực tiếp ra sông.

Đồng Nai thanh tra dự án khu dân cư 79 ha

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có quyết định thanh tra toàn diện đối với Dự án Khu dân cư mật độ thấp và du lịch sinh thái Giang Điền tại huyện Trảng Bom.

Khu du lịch sinh thái thác Giang Điền
Khu du lịch sinh thái thác Giang Điền

Dự án này rộng 79 ha, chưa được UBND tỉnh Đồng Nai giao đất, nhưng từ năm 2010, Chủ đầu tư là Công ty CP Du lịch Giang Điền đã hợp tác với công ty môi giới bán ra gần 800 nền đất, thu về hàng trăm tỷ đồng. Năm 2022, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Tỉnh đã làm việc với Chủ đầu tư liên quan đến đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một số khách hàng.

Theo quyết định, trong 45 ngày, đoàn sẽ thanh tra về công tác quản lý, sử dụng đất và bảo vệ môi trường; việc quản lý đầu tư và nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước từ năm 2011 đến nay.

Đoàn thanh tra về công tác quản lý xây dựng, kinh doanh bất động sản của Công ty CP Du lịch Giang Điền.

Hàng chục chung cư tại TP.HCM chưa nghiệm thu phòng cháy

Hơn 20 công trình tại TP.HCM chưa hoàn tất nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, trong đó nhiều dự án đã bàn giao cho cư dân vào ở cả chục năm.

Khu văn phòng chung cư cao cấp Petro Vietnam Landmark chưa hoàn tất nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy

Khu văn phòng chung cư cao cấp Petro Vietnam Landmark chưa hoàn tất nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy

Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, hiện còn hơn 20 công trình, hạng mục (đa số là cao tầng) chưa tiến hành nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Nhiều dự án trong số này đã đưa vào sử dụng từ lâu.

Trong số này, ngay cả chung cư cao cấp cũng chưa vượt qua bài kiểm tra an toàn của cơ quan chức năng như cao ốc Đảo Kim Cương. Đây là một trong những dự án căn hộ cao cấp đầu tiên tại khu vực phường Bình Trưng Tây, TP. Thủ Đức. Căn hộ Mỹ Vinh cũng là một trong những dự án cao cấp đầu tiên trên trục đường Nguyễn Thị Minh Khai, thuộc lõi trung tâm Quận 3.

Nhiều cao ốc đã xây dựng chục năm, đã đưa vào vận hành hoạt động như La Bonita, Bảy Hiền Tower, tòa chung cư Cao Ốc Xanh, khu văn phòng chung cư cao cấp Petro Vietnam Landmark, khu căn hộ 584 cũng chưa hoàn tất nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.

Thậm chí có trường hợp trong danh sách này còn vi phạm các quy định về xây dựng như chung cư Khang Gia Tân Hương, được cấp phép xây dựng năm 2008 chỉ với 232 căn hộ nhưng, khi hoàn thành vọt lên hơn 400 căn. Phòng sinh hoạt cộng đồng, khu vực giữ xe, nhà trẻ bị lấn chiếm, các ô thông tầng và cầu thang bộ từ tầng trệt lên tầng lửng của dự án này bị lấp, việc chia nhỏ diện tích tại tầng trệt, lửng không đúng với hồ sơ được duyệt. Cao ốc thương mại, dịch vụ và căn hộ Lakesie Tower thi công xây dựng trái phép hàng nghìn m2, hiện chưa tháo dỡ khắc phục, chưa được nghiệm thu.

Hàng chục công trình này được cơ quan công an đề xuất UBND Thành phố có chế tài, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục các điểm còn thiếu để hoàn tất thủ tục nghiệm thu. Dự án nào đã bị xử phạt nhiều lần nhưng chưa khắc phục sẽ áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động. Chủ đầu tư không chấp hành các quyết định sẽ đề xuất chính quyền cưỡng chế.

Thống nhất hướng tuyến tàu điện ngầm kết nối Đà Nẵng - Quảng Nam

Ngày 4/7, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết đã thống nhất đề xuất của Sở Giao thông vận tải về điểm đầu và điểm cuối hướng tuyến đường sắt đô thị (tàu điện ngầm) kết nối hai cảng hàng không Đà Nẵng với Chu Lai.

Đường sắt đô thị được quy hoạch chạy dọc đường Võ Chí Công đến sân bay Chu Lai

Đường sắt đô thị được quy hoạch chạy dọc đường Võ Chí Công đến sân bay Chu Lai

Cụ thể, tuyến đường sắt theo trục đường Trần Đại Nghĩa - Đà Nẵng đi vào Quảng Nam bám theo đường ĐT 607 (Trần Thủ Độ), đường quy hoạch phía Đông ven sông Vĩnh Điện, qua sông Thu Bồn. Sau đó, tuyến theo hướng đường tránh thị trấn Nam Phước, đường nối Quốc lộ 14H với đường Võ Chí Công (nút Bình Sa); chạy dọc theo đường Võ Chí Công đến sân bay Chu Lai.

Đề xuất được đưa ra sau 3 tháng kể từ cuộc làm việc giữa hai địa phương về hợp tác triển khai tuyến đường sắt đô thị hồi tháng 4. Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cũng đồng thuận hướng tuyến và điều chỉnh sau khi có ý kiến của Sở Xây dựng và các địa phương liên quan.

Tuy nhiên, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam lưu ý cần nghiên cứu bổ sung hướng tuyến kết hợp mô hình TOD (phát triển đô thị gắn kết giao thông công cộng) để kết nối chuỗi đô thị Điện Bàn - Hội An - Duy Hải, Duy Nghĩa - Bình Minh - Tam Kỳ - Núi Thành.

Sau khi cấp thẩm quyền cho ý kiến, đề xuất sẽ được đưa vào hồ sơ Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Y tế Đồng Tháp bị khởi tố vì liên quan Việt Á

Ông Huỳnh Văn Thêm, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Y tế Đồng Tháp, bị cáo buộc sai phạm liên quan các gói thầu của Công ty Việt Á.

Sở Y tế Đồng Tháp

Sở Y tế Đồng Tháp

Ngày 4/7, ông Thêm bị Công an tỉnh Đồng Tháp khởi tố, cho tại ngoại hầu tra tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Động thái này được đưa ra sau hơn một năm cơ quan điều tra khởi tố vụ án, bắt Giám đốc CDC Đồng Tháp Trần Văn Hai và một nhân viên dưới quyền. Hiện, nhà chức trách chưa công bố hành vi sai phạm cụ thể của các bị can.

Trước đó, Thanh tra tỉnh Đồng Tháp kết luận, năm 2020 - 2021, các đơn vị, cơ sở y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp đã mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, thuốc... trị giá hơn 742 tỷ đồng từ nguồn kinh phí phòng chống Covid-19. Trong đó, mua sắm trang thiết bị y tế gần 84 tỷ đồng, vật tư y tế hơn 182 tỷ đồng, sinh phẩm xét nghiệm trên 305,8 tỷ đồng và kit xét nghiệm gần 170 tỷ đồng.

Riêng với Công ty Việt Á, các đơn vị mua sắm thông qua 10 gói thầu, tổng giá trị hợp đồng là hơn 233 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị thực tế mua sắm là hơn 197 tỷ đồng và đã thanh toán cho Việt Á gần 157 tỷ đồng.

Tháng 8/2021, CDC Đồng Tháp được cho là thông qua Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp chỉ định thầu rút gọn cho Việt Á cung cấp kit test PCR trị giá 94 tỷ đồng (200.000 bộ LightPower giá 470.000 đồng/kit).

Kết luận thanh tra không đề cập việc Việt Á có hay không "lại quả" cho chủ đầu tư, song cho rằng quá trình đấu thầu có một số sai sót như: ứng hàng trước khi ký hợp đồng; theo dõi nhập, xuất kho chưa hợp lý; một số hồ sơ dự thầu, trúng thầu thiếu tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ, chứng nhận chất lượng đối với các hàng hóa nhập khẩu; biên bản bàn giao và nghiệm thu hàng hóa chưa có chữ ký của cán bộ kỹ thuật...

Tái khởi động 6 công trình khu tái định cư sân bay Long Thành

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi chỉ định thầu, hiện 6 gói thầu xây dựng công trình hạ tầng xã hội tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phục vụ sân bay Long Thành đều khởi động trở lại.

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phục vụ giải toả sân bay Long Thành

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phục vụ giải toả sân bay Long Thành

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn là nơi dành cho người dân thuộc diện giải tỏa, để thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tại đây, có 11 gói thầu là các công trình hạ tầng xã hội. Trong đó có 6 gói thầu thi công dang dở, chậm tiến độ đã được cơ quan chức năng nhắc nhở nhưng vẫn không thi công.

Cụ thể, 6 gói thầu xây dựng các công trình gồm 2 trường tiểu học, 2 trường THCS, 1 trung tâm văn hóa xã và 1 chợ. Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đáp ứng cho hơn 4.800 hộ dân phải di dời để làm sân bay. Đến nay, đã có hơn 1.500 căn nhà được xây dựng và nhiều hộ gia đình chuyển về sinh sống.

Dù đã khởi động trở lại, nhưng do thiếu vốn nên việc thi công 6 công trình trên gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do khu tái định cư này hết niên hạn từ năm 2021 nên dù đã được bố trí đủ vốn nhưng không thể giải ngân.

Để tháo gỡ vướng mắc, mới đây tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị cơ quan Trung ương cho địa phương tạm ứng hơn 100 tỷ đồng, để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xã hội tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, hoàn thuế được hơn 61.000 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng

Một số Cục Thuế đã xử lý hoàn thuế đạt kết quả tốt như: Cục Thuế thành phố Hà Nội đã hoàn 3.058 tỷ đồng; Cục Thuế tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu hoàn 2.391 tỷ đồng, Cục Thuế tỉnh Bình Dương hoàn 10.373 tỷ đồng.

Hơn 61.000 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng được hoàn thuế trong 6 tháng năm 2023

Hơn 61.000 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng được hoàn thuế trong 6 tháng năm 2023

Ngày 4/7, Tổng cục Thuế cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023 đã ban hành 8.510 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng tương ứng số thuế đã hoàn 61.093 tỷ đồng, bằng 33% so với dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2023, bằng 88,3% cùng kỳ năm 2022.

Ngành thuế đã tập trung ban hành quyết định hoàn thuế đối với những hồ sơ có vướng mắc, từ đó, giảm được 188 hồ sơ với số tiền đã hoàn là 5.810 tỷ đồng số tiền đề nghị hoàn. Số còn lại cơ quan thuế các cấp đang tiếp tục giải quyết hoàn thuế theo quy định.

Tổng cục Thuế cho biết, một số Cục Thuế đã xử lý hoàn thuế đạt kết quả tốt như Cục Thuế thành phố Hà Nội đã hoàn 3.058 tỷ đồng, bằng 125% cùng kỳ; Cục Thuế tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã hoàn 2.391 tỷ đồng, bằng 79% cùng kỳ; Cục Thuế tỉnh Bình Dương đã hoàn 10.373 tỷ đồng, bằng 70% cùng kỳ; Cục Thuế tỉnh Đồng Nai đã hoàn 7.612 tỷ đồng, bằng 69% cùng kỳ; Cục Thuế TP.HCM đã hoàn 2.396 tỷ đồng, bằng 55% cùng kỳ.

Những tháng cuối năm, Tổng cục Thuế cho biết tiếp tục yêu cầu các đơn vị ngành thuế đẩy mạnh chỉ đạo và phối hợp triển khai quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.

Xuất khẩu lâm sản trong 6 tháng năm 2023 đạt trên 6,4 tỷ USD

Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 6,42 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu lâm sản trong 6 tháng năm 2023 đạt trên 6,4 tỷ USD

Xuất khẩu lâm sản trong 6 tháng năm 2023 đạt trên 6,4 tỷ USD

Với giá trị trên, xuất khẩu lâm sản đạt 36% so với kế hoạch đặt ra. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 5,96 tỷ USD, giảm 29%; lâm sản ngoài gỗ 455,7 triệu USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất siêu ước đạt 5,32 tỷ USD, tương đương 70% so với cùng kỳ 2022.

Theo Cục Lâm nghiệp, khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc 6 tháng đầu năm 2023 đạt 8,806 triệu m3, tương đương 40% kế hoạch năm 2023, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Việc cấp chứng chỉ rừng đạt khoảng 29.500 ha (đạt 29,5% kế hoạch năm 2023) và 30.000 ha đã đánh giá xong, chờ cấp chứng chỉ, nâng tổng số diện tích rừng có chứng chỉ lên 438,5 ha trên 32 tỉnh trong cả nước.

Cùng với khai thác, ngành đã chuẩn bị được khoảng 600 triệu cây giống các loại phục vụ cho kế hoạch trồng rừng năm 2023. Diện tích rừng trồng mới tập trung nửa đầu năm đạt khoảng 124.000 ha, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; chăm sóc rừng trồng đạt 384.700 ha, tăng 1,2%; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 108.679 ha, tăng 11,7%; trồng cây phân tán khoảng 45,9 triệu cây, tăng trên 5%.

Vũng Tàu thu phí đậu ôtô lòng đường từ 15/7

Ôtô đỗ trên 23 tuyến đường ở TP. Vũng Tàu sẽ bị thu phí 15.000 - 20.000 đồng mỗi lượt, tùy loại, từ 15/7.

Nhân viên thu phí ôtô đỗ trên đường Lê Hồng Phong, TP. Vũng Tàu

Nhân viên thu phí ôtô đỗ trên đường Lê Hồng Phong, TP. Vũng Tàu

Sáng 4/7, ông Nguyễn Trọng Thụy - Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, việc thu phí được các phường thực hiện đồng loạt trên 23 tuyến đường. Xe bị thu phí là ôtô từ 25 chỗ trở xuống hoặc xe tải 2,5 - 3,5 tấn; thời gian thu 6 - 24h mỗi ngày. Tổ thu phí do các phường lập và quản lý; kinh phí thu được dùng chi trả cho nhân viên, duy tu, bảo dưỡng kẻ vạch, mua sắm trang thiết bị...

Động thái thu phí nói trên nằm trong đề án quản lý hiệu quả lòng đường, vỉa hè được Thành phố đưa ra từ năm 2021, song chưa thực hiện. Trước khi thu đồng loạt, từ 1/7, có 5 đường ở Phường 7 được thí điểm thu phí là Lê Hồng Phong, Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Tri Phương, Trương Văn Bang.

Theo lãnh đạo Thành phố, bước đầu việc thu phí chỉ áp dụng với xe đỗ ở khu vực trống, có bãi, vịnh đỗ được thiết kế sẵn; không thu đối với xe công vụ, phục vụ cộng đồng; xe đậu thời gian ngắn để xử lý công việc hoặc đi đám cưới, đám tang, đưa đón con đi học...