Bản tin thời sự sáng 7/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ba nhà thầu cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ bị nhắc nhở tiến độ; Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan bị đề nghị truy tố do Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản; đề xuất áp thuế bảo vệ môi trường xăng dầu 1.000 đồng/lít năm 2023; cáp quang biển lại gặp sự cố…

Ba nhà thầu cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ bị nhắc nhở tiến độ

Công ty TNHH Nhạc Sơn, Tổng công ty 319, Tổng công ty 36 bị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu đẩy nhanh xử lý nền đất yếu tại cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Thi công đắp cát gia tải trên cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Thi công đắp cát gia tải trên cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Theo kế hoạch, các gói thầu số 2 và 3 hoàn thành tháng 2/2023; gói thầu số 1 xong vào tháng 4/2023. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), hiện việc thi công khá chậm trễ, các nhà thầu đã nhiều lần ký cam kết tiến độ, nhưng đều không thực hiện đúng, khối lượng đất đắp gia tải chưa thi công còn khá lớn.

Cụ thể, nhà thầu Tổng công ty 319 còn khoảng 14.500 m3 đất đắp gia tải trên tuyến chính và 11.550 m3 đắp gia tải đường dẫn cầu vượt An Phú Thuận. Công ty TNHH Nhạc Sơn còn khoảng 19.000 m3 đất đắp gia tải trên tuyến chính, 34.800 m3 đắp gia tải nút giao quốc lộ 80.

Tổng công ty 36 còn khoảng 13.000 m3 đắp gia tải trên tuyến chính, 6.000 m3 đắp gia tải nút giao Chà Và, chậm tiến độ thi công cống hộp dọc cầu Rạch Múc. Các đơn vị không đáp ứng tiến độ hoàn thành cầu và đường đầu cầu trong tháng 11 như chỉ đạo của Bộ GTVT.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận rút kinh nghiệm, kiểm điểm rõ nguyên nhân chậm tiến độ để có giải pháp xử lý. Ban quản lý dự án cần kiện toàn bộ máy điều hành tại công trường. Các nhà thầu chậm trễ không có khả năng khắc phục theo tiến độ cần có giải pháp quyết liệt.

Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan bị đề nghị truy tố do Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản

Nguyễn Thị Thanh Loan dùng 3 công ty do mình điều hành để thông thầu, trúng đấu giá khu đất 49.000m2 với giá hơn 326 tỷ đồng, qua đó hưởng lợi hơn 135 tỷ đồng.

Bị can Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn dược phẩm Vimedimex.

Bị can Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn dược phẩm Vimedimex.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án “thâu tóm” 49.000 m2 đất tại huyện Đông Anh, (Hà Nội).

Bị can Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn dược phẩm Vimedimex bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.

Ngoài ra còn một số bị can khác như Nguyễn Xuân Đức (Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản Mỹ Đình), Tạ Thị Vân (Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm), Trần Công Tuyên (Trưởng phòng hành chính kế hoạch Ban Quản lý dự án và đầu tư xây dựng huyện Đông Anh)…

Theo kết luận điều tra, năm 2020, Ban Quản lý dự án và đầu tư xây dựng huyện Đông Anh tổ chức đấu giá lô đất 49.000 m2 tại địa bàn thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương.

Quá trình thực hiện, bị can Trần Công Tuyên nhờ người liên hệ với Công ty CP Tư vấn thẩm định giá và đầu tư Hà Nội (Công ty VVAI) để thẩm định khu đất. Sau khi khảo sát thực địa và kiểm tra hồ sơ tài liệu liên quan, Công ty VVAI xác định giá trị khu đất là hơn 500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bị can Tuyên lại chỉ đạo thuộc cấp yêu cầu Công ty VVAI điều chỉnh hạ giá trị khu đất xuống còn 300 tỷ đồng. Kết quả, Công ty VVAI đã chỉnh sửa, hạ đơn giá đất trên bảng tính để định giá khu đất giảm còn khoảng 334 tỷ đồng.

Thông qua sự móc nối, Công ty VVAI được lựa chọn là đơn vị tư vấn xác định giá khởi điểm khu đất. Do đã hạ giá trị khu đất theo yêu cầu của bị can Tuyên, Công ty VVAI sau đó phát hành chứng thư xác định giá trị khu đất là hơn 284 tỷ đồng.

Về phía Vimedimex, để tham gia đấu giá, bị can Nguyễn Thị Thanh Loan sử dụng 3 công ty đều do mình điều hành, nhằm thông thầu.

Cựu Chủ tịch HĐQT Vimedimex bàn bạc, thống nhất với đồng phạm về việc chỉ đạo 3 công ty bỏ giá với số tiền bằng nhau, mục đích để đơn vị nào trúng giá thì dự án vẫn thuộc về mình.

Sau đó, Công ty CP Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm trúng đấu giá khu đất với giá hơn 326 tỷ đồng, qua đó hưởng lợi hơn 135 tỷ đồng.

Đề xuất áp thuế bảo vệ môi trường xăng dầu 1.000 đồng/lít năm 2023

Thay vì 4 mức như dự thảo lần 1, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục áp dụng thuế bảo vệ môi trường ở mức sàn 1.000 đồng/lít xăng trong năm tới.

Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục áp dụng thuế bảo vệ môi trường với mức sàn 1.000 đồng/lít xăng trong năm tới

Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục áp dụng thuế bảo vệ môi trường với mức sàn 1.000 đồng/lít xăng trong năm tới

Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến đối với dự thảo lần 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2023.

Theo đó, thay vì kiến nghị áp dụng thuế suất linh hoạt 4 mức thuế tùy theo diễn biến giá dầu thô thế giới, Bộ Tài chính lại đề xuất tiếp tục áp dụng mức giá sàn trong khung thuế trong cả năm 2023.

Cụ thể, thuế với xăng và nhiên liệu bay áp mức sàn 1.000 đồng/lít, thuế với dầu diesel 500 đồng/lít, dầu mazut, dầu nhờn, dầu hỏa 300 đồng/lít, mỡ nhờn 300 đồng/kg. Mức thuế này tương tự như năm 2022.

Từ năm 2024, thuế với các mặt hàng này sẽ quay về mức kịch trần, tức là 4.000 đồng/lít xăng, nhiên liệu bay là 3.000 đồng; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng, dầu hỏa là 1.000 đồng/lít, mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.

Việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần kìm hãm sự tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, từ đó góp phần giảm chỉ số CPI, kiềm chế lạm phát và hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế khi giá xăng dầu vẫn còn ở mức cao.

Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, nhu cầu tiêu dùng và sử dụng xăng dầu tăng cao, ước tính sản lượng xăng dầu tiêu thụ năm 2023 vào khoảng 14,50 triệu m3 (hoặc tấn), tăng khoảng 10% so với năm 2022. Trong đó, tiêu thụ xăng chiếm khoảng 42%, dầu diesel gần 56%, dầu mazut chiếm 1,6%, dầu hỏa 0,2%.

Như vậy, đề xuất lần này có sự thay đổi so với 4 kịch bản áp thuế mà Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo lần đầu. Dự kiến nếu được thông qua, Nghị định có hiệu lực từ 1/1/2023.

Cáp quang biển lại gặp sự cố

Sau Asia America Gateway, tuyến cáp quang biển Asia Africa Europe 1 gặp sự cố, làm ảnh hưởng đến Internet từ Việt Nam đi quốc tế.

Tuyến cáp AAE-1 gặp sự cố song song với tuyến AAG, ảnh hưởng đến tốc độ truy cập Internet. Ảnh minh họa.

Tuyến cáp AAE-1 gặp sự cố song song với tuyến AAG, ảnh hưởng đến tốc độ truy cập Internet. Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam, trong hơn một tuần tính đến ngày 6/12, Việt Nam mất toàn bộ lưu lượng trên tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Africa Europe 1, hay AAE-1, do cáp quang gặp sự cố.

Cụ thể, phân đoạn S1H của AAE-1 bị hỏng lớp cách điện và gây ra đoản mạch do lõi kim loại tiếp xúc với nước biển. Lỗi này sẽ không làm ngừng hoạt động của hệ thống nếu thiết bị cấp nguồn có thể tạo ra điện áp bổ sung cần thiết để duy trì dòng điện qua cáp.

Theo MyBroadband, nếu không khắc phục ngay lỗi này có thể ảnh hưởng đến toàn đường dây. Tuy nhiên, để sửa lỗi này cần phải kéo cáp lên, làm đường cáp ngừng hoạt động trong khoảng 1 - 3 ngày.

Ngoài ra, tuyến cáp Asia America Gateway (AAG) cũng đang bị lỗi hướng kết nối Trung Quốc, ở nhánh S1H và S1I. Lỗi trên nhánh S1H đã sửa xong, tuy nhiên lỗi trên nhánh S1I vẫn đang sửa, dự kiến hoàn thành vào ngày 8/12. AAG cũng đang bị lỗi hướng kết nối đến Singapore của AAG, hiện chưa có lịch sửa chữa.

Các ISP Việt Nam đang tham gia khai thác một số tuyến cáp quang biển quốc tế AAG, SMW3, IA, AAE-1 và APG.

Việt Nam kết nối Internet quốc tế chủ yếu thông qua các tuyến cáp quang này, và việc 2 tuyến cùng lúc gặp sự cố sẽ làm chậm tốc độ truy cập Internet.

Đề xuất dừng bán vé vào công viên Thống Nhất

Sở Xây dựng đề nghị UBND Thành phố Hà Nội dừng bán vé vào công viên Thống Nhất từ 1/1/2023 do doanh thu không đủ chi cho nhân viên bán vé.

Cổng công viên Thống Nhất phía đường Trần Nhân Tông

Cổng công viên Thống Nhất phía đường Trần Nhân Tông

Theo Sở Xây dựng, việc thu phí vào cửa công viên Thống Nhất thực hiện theo Quyết định số 1467 ngày 20/10/2008 của UBND Thành phố. Trong đó, mức phí với trẻ em là 2.000 đồng/lượt, người lớn 4.000 đồng/lượt. Số tiền thu được mỗi năm khoảng 700 triệu đồng, chỉ giải quyết hơn 50% kinh phí trả lương cho nhân viên bán vé.

Cụ thể, tiền bán vé năm 2019 gần 700 triệu đồng, năm 2020 trên 500 triệu đồng, năm 2021 hơn 300 triệu đồng (do ảnh hưởng của đại dịch Covid) và 10 tháng đầu năm 2022 là 630 triệu đồng. Trong khi đó, Công ty Công viên Thống Nhất bố trí 22 nhân viên bán vé theo 3 ca, tại 7 cổng. Số tiền trả lương cho nhân viên bán vé gần 110 triệu đồng một tháng (gần 5 triệu đồng một người), khoảng 1,3 tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh đó, việc bán vé vào cổng công viên cũng bị phản ánh là không hợp lý khi "thu phí quần dài, miễn phí quần đùi". Những người vào công viên tập thể dục, mặc quần áo thể thao, quần áo ở nhà đi qua cổng không phải mua vé. Còn học sinh, người đi làm mặc quần áo chỉnh tề đều bị thu 4.000 đồng một lượt.

Quận Hai Bà Trưng cũng đang nghiên cứu tuyến phố đi bộ quanh Hồ Thiền Quang theo hướng kết nối toàn bộ khu vực vui chơi giải trí xung quanh hồ, gắn với Công viên Thống Nhất. Để thực hiện đề án, thành phố đã thống nhất hạ thấp hơn 400 m hàng rào công viên phía đường Trần Nhân Tông, đoạn từ cổng vào khu xử lý nước thải kéo dài đến phố Nguyễn Đình Chiểu.

Công viên Thống Nhất có diện tích lớn nhất Hà Nội (khoảng 50 ha, diện tích mặt nước hơn 20 ha), nằm giữa bốn phố Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Đại Cồ Việt và Nguyễn Đình Chiểu. Công viên có 7 lối vào, trong đó cổng chính nằm bên mặt đường Trần Nhân Tông.

Đề xuất xây 3 trạm dừng trên cao tốc dài nhất miền Tây

TP. Cần Thơ đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho xây dựng ba trạm dừng nghỉ trên cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dài hơn 189 km.

Vị trí 3 trạm dừng nghỉ được đề xuất trên cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Vị trí 3 trạm dừng nghỉ được đề xuất trên cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Các trạm lần lượt bố trí tại xã Bình Phú, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang); xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) và xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, (tỉnh Sóc Trăng). Mỗi trạm rộng khoảng 5,6 ha với các chức năng: cấp xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn. Khoảng cách giữa các trạm dừng nghỉ khoảng 50-60 km, theo quy định.

Theo UBND TP. Cần Thơ, đề xuất cần được Bộ GTVT chấp thuận quy mô, vị trí các trạm dừng nghỉ để làm cơ sở cắm cọc giải phóng mặt bằng phù hợp.

Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 189 km, điểm đầu giao đường tránh Quốc lộ 91, TP. Châu Đốc, An Giang, điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Công trình đi qua 4 tỉnh, thành: An Giang - 57 km, Cần Thơ - hơn 37 km, Hậu Giang - gần 37 km và Sóc Trăng hơn 58 km, được chia thành 4 dự án thành phần.

Dự án có tổng vốn gần 44.700 tỷ đồng, bằng vốn ngân sách. Theo Bộ GTVT, giai đoạn một của tuyến có quy mô 4 làn xe, rộng 17 m, vận tốc tối đa 80 km/h; vốn đầu tư hơn 27.000 tỷ đồng. Công trình dự kiến khởi công trong năm 2023, hoàn thành sau 3 năm. Toàn tuyến sẽ được hoàn thiện trong giai đoạn 2026 - 2030 với quy mô 6 làn xe, rộng hơn 32 m.

Hơn 10.200 loại thuốc, vaccine, sinh phẩm được gia hạn đăng ký lưu hành

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa gia hạn giấy đăng ký lưu hành thêm 46 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nâng tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được gia hạn qua 5 đợt lên hơn 10.200 loại.

Cục QLDược vừa gia hạn giấy ĐK lưu hành thêm 46 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Ảnh minh họa

Cục QLDược vừa gia hạn giấy ĐK lưu hành thêm 46 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Ảnh minh họa

Trong 46 thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn lưu hành có 10 thuốc được sản xuất trong nước và 36 thuốc nước ngoài.

Các thuốc được gia hạn đợt này gồm các loại thuốc thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID); thuốc điều trị hướng thần và bổ thần kinh; thuốc điều trị xơ gan, viêm gan cấp và mãn tính, gan nhiễm mỡ; thuốc điều trị phụ khoa; tăng huyết áp; nhiễm khuẩn; thuốc điều trị bệnh hô hấp; viêm dạ dày cấp, mãn tính; thuốc điều trị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản...

Đây là đợt công bố thứ 5 của Bộ Y tế về gia hạn hiệu lực số đăng ký, đồng thời đây là số thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine, sinh phẩm y tế... có giấy đăng ký lưu hành hết hạn ngày 31/12/2022 được công bố gia hạn hiệu lực số đăng ký theo quy định.

Như vậy, trong 6 tháng qua, Bộ Y tế đã gia hạn 10.202 giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài; thuốc, nguyên liệu sản xuất trong nước, vaccine và sinh phẩm y tế sau 5 lần gia hạn.

Hà Nam sẽ bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão

Sau 2 năm phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh Hà Nam quyết định sẽ tổ chức chương trình bắn pháo hoa đêm giao thừa tạo không khí phấn khởi, vui tươi để nhân dân đón chào Xuân mới 2023.

Hà Nam sẽ bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão. Ảnh minh họa

Hà Nam sẽ bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão. Ảnh minh họa

Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hà Nam sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Theo kế hoạch, chương trình bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 sẽ được diễn ra trong vòng 15 phút (từ 0h00 đến 0h15 ngày 22/1/2023 - Tức mùng 1 tháng Giêng năm Quý Mão) tại tầng 10 Khách sạn Hòa Bình, đường Trần Phú, phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý.

Số lượng pháo là 150 giàn/điểm bắn với 23 chủng loại pháo hoa tầm thấp, do Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21 - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng nhập khẩu.

23 chủng loại pháo bao gồm: Giàn Đuôi hổ; liễu rủ các loại; hoa buông các loại; nhấp nháy các loại; mưa vàng - mưa bạc kép; phức hợp đơn; mưa vàng; mưa bạc; hoa cúc nở bụi vàng; hoa cúc sóng vàng lấp lánh; pháo hình có tiếng sáo; hoa cúc kép; hoa cúc kép 2 màu thân trắng; hoa cúc kép lốp bốp thân đỏ; hoa cúc kép vàng thẫm thân xanh lục; cây cọ các loại; hoa cúc kép - hoa nhụy vòng; hoa hướng dương - hoa nhụy vòng; mưa vàng đồng loạt; mưa bạc đồng loạt; hoa cúc đồng loạt; hoa cúc nở bụi vàng đồng loạt và sóng vàng lấp lánh đồng loạt.

Cùng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và lễ hội, chương trình bắn pháo hoa đêm giao thừa sẽ tạo không khí đón Xuân vui tươi, lành mạnh cho nhân dân địa phương trong dịp Tết cổ truyền dân tộc.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị xử lý tài chính hơn 729 tỷ đồng tại tỉnh Đắk Lắk

Kiểm toán Nhà nước vừa ban hành Báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021 của tỉnh Đắk Lắk, đề nghị tỉnh này xử lý tài chính 729,5 tỷ đồng do thu chi bất hợp lý...

Nhiều tồn tại hạn chế trong công tác lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách trong năm 2021 của tỉnh Đắk Lắk.

Nhiều tồn tại hạn chế trong công tác lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách trong năm 2021 của tỉnh Đắk Lắk.

Từ những bất cập được phát hiện qua kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021 của tỉnh Đắk Lắk, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị thực hiện kiến nghị xử lý tài chính 729,518 tỷ đồng. Trong đó, tăng thu ngân sách nhà nước 3,077 tỷ đồng; thu hồi và giảm chi ngân sách nhà nước 716,337 tỷ đồng; giảm lỗ 10,1 tỷ đồng; xử lý khác 13,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện và chỉ đạo các đơn vị có liên quan chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Theo đó, khi trình HĐND Tỉnh phê chuẩn Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2021, UBND Tỉnh phải báo cáo rõ các nội dung, số liệu kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước của Kiểm toán Nhà nước đã được thực hiện, tổng hợp trong quyết toán ngân sách địa phương, các nội dung, số liệu sẽ được xử lý các năm sau theo quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước.

UBND tỉnh Đắk Lắk phải báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thu hồi các khoản tạm ứng, ứng trước dự toán từ ngân sách trung ương đã quá hạn số tiền hơn 300 tỷ đồng theo quy định; báo cáo Bộ Tài chính giảm trừ chênh lệch nguồn và nhu cầu thực hiện cải cách tiền lương năm 2021 theo số liệu xác định của Kiểm toán Nhà nước so với số báo cáo của địa phương số tiền hơn 150 tỷ đồng.

Đồng thời, thu hồi các khoản tạm ứng, ứng trước cho ngân sách huyện, các đơn vị dự toán cấp tỉnh quá thời hạn chưa thu hồi số tiền hơn 182 tỷ đồng…

Kỷ luật Đảng ủy Sở Y tế Thừa Thiên Huế

Đảng ủy Sở Y tế Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2020 - 2025 bị kỷ luật do vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.

Ông Hoàng Văn Đức (thứ 2, trái sang), Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi sai phạm trong mua sắm, đấu thầu thiết bị y tế chống dịch Covid-19

Ông Hoàng Văn Đức (thứ 2, trái sang), Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi sai phạm trong mua sắm, đấu thầu thiết bị y tế chống dịch Covid-19

Ngày 6/12, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy vừa có kết luận Kỳ họp thứ 24.

Theo đó, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã có kết luận xem xét, thi hành kỷ luật khiển trách đối với Đảng ủy Sở Y tế Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2020 - 2025 do vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.

Lý do vì vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để một số chi bộ, đảng bộ có vi phạm trong xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt, để một số đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sai phạm trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị vật tư y tế, sử dụng kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch; nhận tiền, hàng để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 không đúng quy định của pháp luật; thiếu kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước đối với tổ chức đảng, đơn vị trực thuộc để xảy ra những sai phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công.

Trước đó, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế cùng những người liên quan để điều tra hành vi gian lận trong đấu thầu, mua bán trang thiết bị y tế chống dịch Covid-19.