Bản tin thời sự sáng 7/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị; nhẫn trơn ngang giá vàng miếng; thu nhập người lao động tăng 7,4%; ngân hàng đấu giá cả rượu vang, cân xe tải để thu hồi nợ…

Đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị

Chiều 6/7, Cảng hàng không Quảng Trị được khởi công trên diện tích 265 ha với tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng.

Phối cảnh Cảng hàng không Quảng Trị.
Phối cảnh Cảng hàng không Quảng Trị.

UBND tỉnh Quảng Trị và liên danh nhà đầu tư T&T - CIENCO 4 tổ chức lễ khởi công dự án tại huyện Gio Linh. Cảng sẽ được xây dựng đạt tiêu chuẩn CHK cấp 4C và sân bay quân sự cấp II - có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách và 25.500 tấn hàng hóa mỗi năm.

Thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng là 24 tháng; vận hành, thu phí hoàn vốn trong 47 năm 2 tháng. Dự kiến đến tháng 7/2026, công trình sẽ được đưa vào khai thác. Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Tập đoàn T&T Group Đỗ Quang Hiển cam kết sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực để hoàn thành đúng tiến độ, đưa dự án trở thành động lực phát triển kinh tế địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho rằng cảng hàng không Quảng Trị hoàn thành sẽ mở ra cánh cửa bầu trời để Quảng Trị giải phóng tiềm năng, khai thác thế mạnh du lịch vượt trội với những bãi biển đẹp, các khu bảo tồn thiên nhiên và di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng. Cảng cũng sẽ thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp năng lượng với nhiều tiềm năng lớn về điện mặt trời, điện gió, điện khí, góp phần đưa Quảng Trị thành một trong những trung tâm năng lượng của miền Trung.

Theo ông Hưng, việc hiện thực hóa Cảng hàng không Quảng Trị cùng với những Dự án động lực khác như Cảng Mỹ Thủy, cao tốc Bắc Nam, đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây... sẽ giúp Quảng Trị khai thác tiềm năng, gia tăng lợi thế so sánh, biến bất lợi thành động lực để phát triển nhanh và bền vững.

Quảng Trị là giao điểm của trục kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, có điều kiện giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy, trong đó có các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia. Tỉnh có tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), tuyến đường xuyên Á ngắn nhất nối các nước trong khu vực từ Myanmar - Thái Lan - Lào qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến miền Trung Việt Nam và mở rộng ra khu vực ASEAN.

Nhẫn trơn ngang giá vàng miếng

Giá vàng thế giới tăng vọt kéo giá vàng nhẫn tiếp tục đi lên, giá nhẫn tròn trơn 24K tại một số thương hiệu lên cao ngang giá vàng miếng.

Vàng nhẫn trơn tại quầy một thương hiệu trên đường Trần Nhân Tông (Hà Nội)

Vàng nhẫn trơn tại quầy một thương hiệu trên đường Trần Nhân Tông (Hà Nội)

Giá vàng nhẫn 24K tại SJC sáng nay tăng 200.000 đồng cả hai chiều mua bán, lên 74,6-76,2 triệu đồng mỗi lượng, chỉ kém giá vàng miếng của thương hiệu này hơn nửa triệu đồng.

Tại những nhà vàng khác, vàng nhẫn tăng cao hơn, lên ngang giá vàng miếng. DOJI sáng ngày 6/7 tăng giá mua-bán nhẫn tròn trơn lên 75,65-76,95 triệu đồng mỗi lượng, kém giá vàng miếng SJC chỉ 30.000 đồng. Bảo Tín Minh Châu yết giá bán ra mỗi lượng nhẫn tròn 24K ở mức gần 76,7 triệu đồng, bằng giá vàng miếng của thương hiệu này và chỉ kém giá vàng miếng SJC gần 300.000 đồng.

Trong khi đó, vàng miếng tiếp tục giữ nguyên ở 76,98 triệu đồng mỗi lượng - hơn một tháng liên tiếp, cao hơn 1 triệu so với giá của Ngân hàng Nhà nước bán cho 4 ngân hàng quốc doanh và SJC.

Đà tăng của giá vàng trong nước cùng chiều với thị trường quốc tế. Chốt phiên giao dịch 5/7, giá vàng thế giới giao ngay tăng gần 33 USD lên 2.388 USD một ounce - cao nhất kể từ đầu tháng 6. Tổng cộng cả tuần, giá vàng đã tăng hơn 2%.

Kim loại quý tiếp tục đi lên nhờ báo cáo việc làm Mỹ yếu đi, củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất tháng 9. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, mỗi lượng vàng thế giới hiện giao dịch ở mức 73,3 triệu đồng. Chênh lệch giá vàng miếng trong nước và giá thế giới hiện chỉ còn hơn 3,5 triệu đồng.

Thu nhập người lao động tăng 7,4%

Thu nhập bình quân của người lao động trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2023, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê.

Công nhân dệt may ở Đà Nẵng trong ca làm việc

Công nhân dệt may ở Đà Nẵng trong ca làm việc

Riêng quý II, mức thu nhập trung bình tháng đạt 7,5 triệu đồng, giảm 137.000 đồng so với ba tháng đầu năm nhưng tăng 490.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là các khoản phụ trội bổ sung, tiền thưởng, phúc lợi dịp Tết nguyên đán thường được chi trả dịp đầu năm.

Thu nhập bình quân tháng tăng ở hầu hết ngành kinh tế, trong đó một số ngành trội hơn gồm: cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải 9,1 triệu (tăng 17,4%); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước 11,2 triệu (tăng 15,2%); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 12,4 triệu (tăng 10,6%); kinh doanh bất động sản 11,2 triệu (tăng 6,9%).

Thị trường nửa đầu năm 2024 có điểm sáng khi lao động có việc làm đạt 51,4 triệu người, tăng 195.700 người (tăng 0,38%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Cả nước còn 1,06 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, chiếm khoảng 2,27% và không đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 15-24 là 8%, gấp hơn 2,5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung trong độ tuổi lao động của cả nước.

Ngân hàng đấu giá cả rượu vang, cân xe tải để thu hồi nợ

Các ngân hàng tiếp tục thông báo đấu giá hàng loạt tài sản thế chấp của các khoản nợ xấu để thu hồi nợ, trong đó bao gồm nhiều loại tài sản "lạ" như rượu vang, cân xe tải, xe nâng hàng.

Ngân hàng đem gần 7.000 chai, thùng rượu vang ra bán đấu giá để xử lý nợ.

Ngân hàng đem gần 7.000 chai, thùng rượu vang ra bán đấu giá để xử lý nợ.

VietinBank Chi nhánh Biên Hòa mới đây đã có thông báo bán tài sản đảm bảo của Công ty TNHH MTV Sản xuất Thức ăn Chăn nuôi Bình Minh để xử lý, thu hồi nợ vay.

Danh mục tài sản này gồm 13 loại máy móc thiết bị như máy in phun, xe nâng hàng, cân xác định ẩm độ, cân nguyên liệu, cân xe tải 100 tấn... được rao bán với giá thỏa thuận

Trong khi đó, Agribank cũng đang thông báo lựa chọn đơn vị bán đấu giá tài sản đảm bảo gồm 6.923 thùng rượu vang. Trong đó, có tổng cộng 4.534 thùng rượu vang Italy, Pháp, Chile và 2.389 thùng rượu các loại khác mang thương hiệu nổi tiếng như Dewars, Lodge, William Peel, Highland Queen, Yacht Club.

Tài sản đấu giá thứ 2 là 1.500 chai rượu vang Italy Montedeicocci (loại 3 chai hoặc 6 chai/thùng gỗ).

Giá bán khởi điểm của lô rượu vàng nói trên là hơn 17 tỷ đồng (đã bao gồm VAT). Mọi chi phí vận chuyển, bốc xếp, và các chi phí khác có liên quan do bên trúng đấu giá chịu.

Đây là lô rượu do Công ty TNHH MTV Hai Thanh (huyện Tân Yên, Bắc Giang) sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay.

Hồi tháng 2, Chi nhánh Bắc TP.HCM của Agribank cũng thông báo lựa chọn tổ chức thẩm định giá đối với khoản nợ của CTCP Trương Thiên Hà theo 1 hợp đồng tín dụng được ký vào tháng 12/2018.

Tài sản đảm bảo cho khoản vay này gồm các bất động sản là căn hộ ở Hà Nội. Đáng chú ý, một trong những tài sản đảm bảo được đem ra đấu giá là toàn bộ tài sản hiện có và hình thành trong tương lai gồm các công trình dân dụng và công trình hạ tầng kỹ thuật tại Khu hoa viên và Nhà tang lễ thị xã Dĩ An (Bình Dương).

Dự án này là công trình xã hội giữa doanh nghiệp và địa phương do CTCP Trương Thiên Hà làm chủ đầu tư. Công trình được xây dựng trên diện tích 4 ha gồm nhà tang lễ, nhà dịch vụ tổng hợp, tháp lưu cốt.

Thời gian gần đây, các ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động thanh lý tài sản và xử lý nợ xấu, thị trường mua bán nợ cũng dần xuất hiện các loại tài sản "lạ" do ngân hàng đấu giá.

Novaland hoàn tất thỏa thuận lô trái phiếu 300 triệu USD

Lô trái phiếu quốc tế 300 triệu USD của Novaland được kéo dài kỳ hạn và có thể đổi thành cổ phiếu NVL với giá ban đầu 40.000 đồng.

Một góc khu đô thị Aqua City - một trong những dự án vùng ven trọng điểm của Novaland

Một góc khu đô thị Aqua City - một trong những dự án vùng ven trọng điểm của Novaland

Tập đoàn Novaland (NVL) vừa công bố thông tin hoàn tất thỏa thuận tái cấu trúc gói trái phiếu chuyển đổi trị giá 298,6 triệu USD. Thời gian tới, các trái chủ có thể chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu NVL với giá chuyển đổi ban đầu là 40.000 đồng một đơn vị, tỷ lệ chuyển đổi là 134.135 cổ phiếu cho một trái phiếu.

Theo thỏa thuận, dư nợ gốc sau khi nhập lãi lên gần 321 triệu USD. Thời điểm thanh toán là ngày đáo hạn trái phiếu vào tháng 6/2027 hoặc đợt mua lại trước hạn trong tương lai. Giá trị mua lại được tính bằng 115% tiền gốc ban đầu (đã trừ đi phần chuyển đổi thành cổ phiếu) cộng lãi trả chậm và lãi phát sinh. Trong đó, lãi trả chậm sẽ được tính 5,25% một năm như vốn gốc.

Lô trái phiếu kể trên là khoản huy động vốn từ năm 2021, được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX), không có tài sản đảm bảo và thời điểm đáo hạn ban đầu vào năm 2026. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 200.000 USD với lãi suất 5,25% mỗi năm và có quyền chuyển đổi sang cổ phiếu với giá ban đầu là 135.700 đồng. Novaland đã đạt đồng thuận tái cơ cấu từ các trái chủ và nhận được phê duyệt từ Tòa Thương mại Quốc tế Singapore (SICC) vào cuối tháng 4

Trước đó, Novaland đã "lỡ hẹn" ba lần về việc hoàn thành thỏa thuận tái cấu trúc gói trái phiếu này từ đầu tháng 6 đến nay. Thời điểm đó, công ty khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng khi giao dịch cổ phiếu NVL.

Gần đây, Novaland cũng liên tục xin khất nợ trái phiếu trong nước. Tính đến cuối tháng 6, họ đã được đồng ý gia hạn 8/17 lô trái phiếu phát hành hồi năm 2020 với tổng giá trị phát hành gần 3.200 tỷ đồng, thay đổi kỳ hạn sang khoảng tháng 6-8/2025. Các công ty con cũng đạt được những thỏa thuận tương tự.

FLC 2 ngày liên tiếp nhận 28 "trát" phong tỏa tài khoản, cưỡng chế nợ thuế

Tổng số tiền mà các cơ quan thuế yêu cầu các ngân hàng phong tỏa, trích lập từ tài khoản của FLC gần 334 tỷ đồng.

FLC còn nợ thuế hàng trăm tỷ đồng

FLC còn nợ thuế hàng trăm tỷ đồng

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) vừa công bố thông tin cho biết, trong ngày 27/6, doanh nghiệp nhận được 8 quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế của Chi cục Thuế khu vực TP Sầm Sơn - Quảng Xương (Thanh Hóa).

Số tiền bị cưỡng chế là 238,65 tỷ đồng, trong đó, tiền sử dụng đất là 191,58 tỷ đồng; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tổng cộng hơn 2 tỷ đồng, tiền chậm nộp xấp xỉ 45 tỷ đồng.

Tại các quyết định này, Chi cục Thuế khu vực TP Sầm Sơn - Quảng Xương yêu cầu 8 ngân hàng/chi nhánh ngân hàng thực hiện phong tỏa tài khoản đối với 238,65 tỷ đồng để nộp vào tài khoản số 7111 của TP Sầm Sơn - Chi cục Thuế khu vực TP Sầm Sơn - Quảng Xương mở tại Kho bạc Nhà nước TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Trường hợp số tiền trên tài khoản của FLC nhỏ hơn số tiền trên quyết định cưỡng chế thì ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản của người nộp thuế là tập đoàn FLC trong thời gian quyết định có hiệu lực.

Các đơn vị ngân hàng được yêu cầu phong tỏa tài khoản của FLC gồm: VP Bank - CN Hà Nội, VIB - CN Quận 1 TP.HCM; OCB - CN Hà Nội; Agribank - CN Tây Đô; Vietcombank - CN Thanh Hóa; Vietcombank - CN Vĩnh Phúc; VietinBank - CN Thanh Hóa; BIDV - CN Thanh Xuân, Hà Nội.

Chỉ một ngày sau đó, ngày 28/6, FLC tiếp tục nhận được thêm 20 quyết định từ Cục Thuế thành phố Hà Nội cũng với nội dung cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế.

Tổng số tiền bị cưỡng chế là 95,31 tỷ đồng, bao gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp phạt.

FLC bị phong tỏa 89 tài khoản mở tại 20 ngân hàng/chi nhánh ngân hàng gồm: Agribank (5 tài khoản), Bảo Việt (6 tài khoản); LPBank (1 tài khoản); VietinBank (6 tài khoản); PVComBank(3 tài khoản); BIDV (27 tài khoản); Maritime Bank (4 tài khoản); Techcombank (1 tài khoản); Vietcombank (6 tài khoản); MBBank (4 tài khoản); NCB (12 tài khoản); VIB (1 tài khoản); Sacombank (1 tài khoản); PG Bank (1 tài khoản); TPBank (1 tài khoản); VPBank (1 tài khoản); VietBank (5 tài khoản); Eximbank (1 tài khoản); OCB - Chi nhánh Hà Nội (1 tài khoản); Standard Chartered (Việt Nam) - 2 tài khoản.

Bộ Công an khởi tố 14 bị can liên quan đến vụ Xuyên Việt Oil

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, trong vụ án Xuyên Việt Oil, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố 14 bị can về 5 nhóm tội danh.

Giám đốc Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh (trái) và cấp phó Nguyễn Thị Như Phương

Giám đốc Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh (trái) và cấp phó Nguyễn Thị Như Phương

Chiều 6/7, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên – Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin về vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.

Đây là vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, đến nay Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố 14 bị can theo 5 nhóm tội danh nêu trên.

Quá trình điều tra xác định, các đối tượng đã lợi dụng chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, thuế, ngân hàng để được cấp và gia hạn giấy phép kinh doanh xăng dầu khi không đủ điều kiện theo quy định.

Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và đồng bọn đã sử dụng trái phép tiền từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu và tiền thuế bảo vệ môi trường để sử dụng vào các hoạt động kinh doanh, sử dụng cá nhân.

Ngoài ra, Mai Thị Hồng Hạnh còn sử dụng một phần để thiết lập mối quan hệ và đưa hối lộ.

Trước đó, ngày 8/9/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an (A09) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra Lệnh tạm giam đối với 2 bị can trong vụ án hình sự: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan, quy định tại các Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra đã bắt tạm giam và khám xét với bị can Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và Nguyễn Thị Như Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Tin cùng chuyên mục