Bộ GTVT đề xuất 2 phương án mở cửa sân bay Nội Bài từ 10/10
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa đề xuất 2 phương án triển khai chuyến bay nội địa thường lệ giữa Hà Nội và TP.HCM từ 10/10.
Bộ GTVT đề xuất 2 phương án các chuyến bay đến/đi từ Hà Nội |
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội đề xuất kế hoạch khai thác tạm thời các đường bay nội địa thường lệ đi và đến sân bay Nội Bài.
Văn bản nêu rõ, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án triển khai chuyến bay nội địa thường lệ giữa Hà Nội và TP.HCM từ 10/10.
Phương án một là tổ chức chuyến bay giữa Hà Nội - TP.HCM với tần suất 2 chuyến khứ hồi/ngày. Phương án hai là chỉ tổ chức vận chuyển hành khách chiều từ Hà Nội đi TP.HCM với tần suất ban đầu là 4 chuyến bay/ngày.
Theo Bộ GTVT, hành khách đi trên chuyến bay ngoài việc phải tuân thủ nguyên tắc 5K; khai báo y tế tại điểm xuất phát và điểm đến theo quy định còn phải có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19. Trong đó, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng tính đến thời điểm xuất phát.
Hành khách xuất phát từ vùng được đánh giá là nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ (cấp 4) phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong vòng 72 giờ.
Bộ GTVT cho rằng, việc điều chỉnh, mở rộng đối tượng khách khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế sẽ được đánh giá trên tình hình thực tế hoặc có ý kiến đề xuất của thành phố Hà Nội, đảm bảo yếu tố không yêu cầu cách ly tập trung.
Đối với các địa phương khác, Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hà Nội có ý kiến cụ thể về khả năng kết nối đường bay đối với từng địa phương.
TP.HCM dự kiến mở cửa trường học từ tháng 1/2022
Trường học đồng loạt mở cửa từ đầu tháng 1/2022, tức đầu học kỳ II, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết.
TP.HCM dự kiến mở cửa trường học từ tháng 1/2022 |
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, hiện có khoảng 1.500 trường học đang được trưng dụng, phục vụ chống dịch. Trong đó, khoảng 150 trường đã được trả lại để sửa chữa, khôi phục nguyên trạng. Số còn lại sẽ được bàn giao dần, dự kiến đến giữa tháng 11 sẽ hoàn tất.
Ngành giáo dục cần 1 tháng để sửa chữa, vệ sinh, khắc phục, chuẩn bị cơ sở vật chất. Nếu được phép của UBND Thành phố, dịch bệnh được kiểm soát và các trường thực hiện đúng bộ tiêu chí, dự kiến đầu tháng 1/2022 sẽ học trực tiếp trở lại.
Năm nay, Thành phố có 1,71 triệu học sinh với hơn 2.400 trường học. Theo kế hoạch năm học của TP.HCM, học kỳ I bậc tiểu học kết thúc từ ngày 22/1; THCS, THPT và Giáo dục thường xuyên kết thúc ngày 15/1.
Giữa tháng 9, Sở Giáo dục và Đào tạo trình UBND TP.HCM phương án mở cửa trường học tại quận, huyện được xác định an toàn phòng chống Covid-19, theo chỉ đạo của Thường trực UBND Thành phố trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Những điều kiện để trường học được mở cửa gồm: được đánh giá theo bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch; giáo viên tiêm đủ 2 mũi vaccine trước ngày đến trường ít nhất 2 tuần; việc dạy trực tiếp cho học sinh trên tinh thần tự nguyện; dạy trực tuyến, qua truyền hình vẫn duy trì cho những em không thể đến trường.
Mở thông 4 hầm ở miền Trung hỗ trợ người dân về quê
Tối 7/10, hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân trên Quốc lộ 1A được mở thông để người dân các tỉnh phía Nam chạy xe máy về quê.
Mở thông 4 hầm ở miền Trung hỗ trợ người dân về quê |
Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (chủ đầu tư) Ngọ Trường Nam cho biết, Chủ đầu tư đã quyết định mở thông 4 hầm xuyên núi, sau khi thống nhất với chính quyền địa phương nơi có công trình. Việc người dân di chuyển về trong đêm, qua các đèo rất nguy hiểm.
Giám đốc Xí nghiệp quản lý vận hành hầm Hải Vân - Phú Gia - Phước Tượng Võ Ngọc Trung cho biết, khi có đoàn người hồi hương đến trạm dừng ở cửa hầm, đơn vị quản lý sẽ thông báo cho cảnh sát giao thông để hỗ trợ điều tiết, dừng hẳn ôtô, không để ôtô chạy cùng xe máy trong hầm.
Khi không còn ôtô trong hầm, đội ngũ kỹ thuật sẽ kiểm tra nồng độ khí thải, tầm nhìn, tốc độ gió trước khi có xe của cảnh sát giao thông dẫn người dân đi vào hầm và không cho xe máy chạy quá 40 km/h trong hầm.
Đơn vị quản lý và vận hành hầm cũng bố trí lực lượng cứu hộ, chữa cháy, cứu thương đi cùng đoàn với người dân. 15 vị trí cửa thoát hiểm trong hầm đều có lực lượng làm nhiệm vụ túc trực để có thể xử lý kịp thời nếu có sự cố.
Hầm Cổ Mã (dài 500 m) và hầm Đèo Cả (dài hơn 4,1 km) ở địa phận giáp ranh giữa tỉnh Khánh Hòa với Phú Yên; đèo Cù Mông (dài 2,6 km), nối Phú Yên với Bình Định; đèo Hải Vân (dài gần 6,3 km) nối Đà Nẵng với Thừa Thiên Huế.
Quảng Bình thí điểm tour du lịch trải nghiệm khép kín sau giãn cách
Với xu thế du lịch hậu Covid-19, Quảng Bình đang dần khôi phục lại các hoạt động du lịch xanh, du lịch theo nhóm, theo gia đình một cách khép kín, đảm bảo an toàn phòng dịch và sức khỏe.
Quảng Bình thí điểm tour du lịch trải nghiệm khép kín sau giãn cách |
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến du lịch của cả nước nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng rơi vào tình trạng gián đoạn, đình trệ. Nhiều địa phương đã tái khởi động và phục hồi du lịch dần chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Sau khi bàn kế hoạch, triển khai các biện pháp đưa du lịch phục hồi trở lại, Quảng Bình đã thống nhất thí điểm triển khai tour du lịch trải nghiệm khép kín sau giãn cách xã hội...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong cho biết, với xu thế du lịch hậu Covid-19, địa phương đang dần khôi phục lại các hoạt động du lịch xanh, du lịch theo nhóm, theo gia đình một cách khép kín, đảm bảo an toàn phòng dịch và sức khỏe. Quảng Bình đang dần phục hồi du lịch, hy vọng rằng đây sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Bình, khi dịch Covid-19 dần được khống chế, đơn vị đã lập kế hoạch phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch trong điều kiện mới với 2 giai đoạn.
Giai đoạn một, từ thời điểm ban hành kế hoạch đến hết tháng 12/2021, tập trung nâng cấp hạ tầng du lịch, xây dựng, hoàn thiện các tour, tuyến du lịch bảo đảm an toàn trong trạng thái bình thường mới.
Giai đoạn hai, từ 1/1/2022 đến 31/12/2023, khi dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, Quảng Bình tập trung các biện pháp khôi phục hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện mới.
Ngay đầu tháng 10/2021, Công ty Oxalis đã tổ chức tour khép kín du lịch trải nghiệm, khám phá tại hệ thống hang Tú Làn thuộc quần thể vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng với các điều kiện như công tác phòng, chống dịch ở Quảng Bình cơ bản được kiểm soát, du khách tiêm đủ 2 mũi vaccine được trên 14 ngày.
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng bị khởi tố vụ án thứ 3
Nguyên chủ tịch UBND Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng cùng cấp dưới bị cáo buộc giao trái phép khu "đất vàng" ở Nha Trang, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.
Khu đất trên đường Trần Phú được tỉnh Khánh Hòa giao doanh nghiệp xây khách sạn, căn hộ cao cấp |
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa vừa khởi tố 3 bị can nguyên chủ tịch UBND Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Đào Công Thiên và nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Võ Tấn Thái về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí do sai phạm trong quá trình triển khai đầu tư Dự án Khu phức hợp Golden Gate, địa chỉ 28E Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang.
Theo cơ quan điều tra, ông Thắng với vai trò là Chủ tịch UBND Tỉnh (2011 - 2016) đã ký nhiều văn bản có nội dung trái pháp luật trong việc thực hiện dự án này.
Trong đó, năm 2014, ông Thắng ký giấy chứng nhận cho Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang làm chủ đầu tư Dự án Nha Trang Golden Gate có diện tích trên 14.220 m2. Khu đất có vị trí đắc địa, nằm giáp biển đường Trần Phú, vốn là cơ sở của Công ty CP Điện lực Khánh Hòa và Trung tâm điều dưỡng Tổng công ty Điện lực Miền Trung.
Việc giao đất không qua đấu giá, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp này sau đó lập dự án làm tổ hợp khách sạn và căn hộ tiêu chuẩn 5 sao, với tổng vốn 1.250 tỷ đồng.
Hai năm sau, ông Thiên với tư cách là Phó chủ tịch Tỉnh (nhiệm kỳ 2016 - 2021) đã ký quyết định giao và thuê 20.110 m2 đất tại đây cho doanh nghiệp xây khách sạn, căn hộ du lịch, trung tâm thương mại mà không qua đấu giá.
Chủ đầu tư Dự án nộp 75,9 tỷ đồng tiền thuê đất, chi 28 tỷ đồng để bồi thường tài sản trên đất cho Công ty CP Điện lực Khánh Hòa và Trung tâm điều dưỡng Tổng công ty Điện lực Miền Trung. Tiền cho thuê đất được cho là quá thấp so với giá thị trường thời điểm đó.
Quận 7 đề xuất cho quán ăn uống phục vụ tại chỗ từ 10/10
UBND Quận 7 (TP.HCM) đề xuất được thí điểm mở cửa các điểm kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ thay vì chỉ bán mang về.
Một điểm kinh doanh thức uống tại Quận 7 thí điểm bán hàng mang về |
Đề xuất được UBND Quận 7 nêu trong công văn vừa gửi UBND TP.HCM, nhằm tạo tiền đề và có lộ trình chuẩn bị mở thêm một số hoạt động. Hiện các điểm kinh doanh ăn uống ở TP.HCM chỉ bán mang về.
Theo đó, ngoài các loại hình được hoạt động kinh doanh theo Chỉ thị 18 của chính quyền Thành phố, Quận 7 kiến nghị UBND TP.HCM thống nhất chủ trương để địa phương mở thêm loại hình phục vụ ăn uống tại chỗ khi đáp ứng điều kiện: không phục vụ quá 30% công suất và không quá 20 người cùng một thời điểm.
Các cơ sở được thí điểm phải đảm bảo bộ tiêu chí ban hành theo Quyết định 3326 của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM ngày 15/9 và đáp ứng một số tiêu chí như: tất cả nhân viên, khách hàng đã tiêm đủ liều vaccine ít nhất 14 ngày, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 dưới 6 tháng.
Ngoài ra, diện tích của điểm kinh doanh từ 100 m2 trở lên, ưu tiên khu vực ngoài trời, thoáng khí, không sử dụng máy lạnh; được UBND Quận 7 thẩm định điều kiện hoạt động, cấp mã QR, gắn camera giám sát và kết nối về trung tâm kiểm soát phòng chống dịch và phục hồi kinh tế quận để kiểm soát.
Là 1 trong 3 địa phương công bố kiểm soát dịch đầu tiên tại TP.HCM, Quận 7 được UBND Thành phố cho phép thí điểm "mở cửa" từ ngày 15/9, sớm hơn các địa bàn khác nửa tháng để chuẩn bị cho giai đoạn "bình thường mới" của Thành phố từ đầu tháng 10.
Hai cựu sĩ quan sắp hầu toà trong vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào ngày 18/10
Cựu thượng tá Đinh Tiến Hiệp, cựu đại uý Nguyễn Việt Hoà cùng 7 người sẽ bị xét xử vào ngày 18/10 tại Toà án Quân khu 5 trong vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mới làm đã hư hỏng.
Mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị hư hỏng |
9 bị can bị truy tố về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng gồm: cựu Thượng tá, Đinh Tiến Hiệp - Giám đốc ban Trường Sơn Miền Trung của Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn; Phan Ngọc Thơm, Chu Tuệ Minh, Trần Năng Hà; Hoàng Trúc Luân; Nguyễn Quốc Hải; Lương Văn Tiến; Nguyễn Việt Hoà; Nguyễn Đình Chung.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam, được phê duyệt với chiều dài 139,2 km. Bộ Giao thông vận tải sau đó giao Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Dự án được phân chia thành 13 gói thầu xây lắp chính, sử dụng hơn 23.800 tỷ đồng.
Giai đoạn một của Dự án do liên danh các nhà thầu của Nhật Bản, Thái Lan và Australia khảo sát, thi công. Năm 2017, Dự án thông xe và đưa vào khai thác 65 km đoạn từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam. Tuy nhiên, đường mới đưa vào khai thác được hơn 3 năm đã xảy ra 380 điểm hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông, gây bức xúc trong dư luận.
Vụ án sau đó được tách một phần, chuyển sang cho Cơ quan điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) điều tra theo thẩm quyền.
Theo cáo trạng của VKS Quân sự Trung ương, các bị can thuộc chủ đầu tư đã không tuân thủ pháp luật về xây dựng dẫn đến cho tổ chức thi công, nghiệm thu các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng. Trong đó có các hạng mục của Gói thầu số 2 và 6.
Hai gói thầu này có nhiều các sai phạm như: vi phạm quy định về vật liệu đầu vào; vi phạm về chỉ dẫn kỹ thuật; vi phạm về quy định nghiệm thu chuyển giai đoạn; vi phạm về lập hồ sơ nghiệm thu, hoàn công. Cùng với hàng loạt tiêu chuẩn không đạt, mặt đường có chất lượng kém, mất độ nhám, hằn lún vệt bánh xe, nứt vỡ khi gặp nắng nóng.
Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở cửa đón khách từ ngày 9/10
Thời gian đầu, đường sách sẽ đón khách từ 9 giờ đến 17 giờ các ngày trong tuần, sau khi tình hình dịch được kiểm soát ổn định sẽ điều chỉnh theo khung giờ hoạt động bình thường (8 giờ 30 đến 21 giờ).
Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở cửa đón khách từ ngày 9/10 |
Trưởng Văn phòng, sự kiện Công ty Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thị Thanh Thúy cho biết, sau hơn 4 tháng tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chính thức mở cửa trở lại từ ngày 9/10 tới.
Thời gian đầu, Đường sách sẽ đón khách từ 9 giờ đến 17 giờ các ngày trong tuần, sau khi tình hình dịch được kiểm soát ổn định sẽ điều chỉnh theo khung giờ hoạt động bình thường (8 giờ 30 đến 21 giờ).
Theo bà Huỳnh Thị Thanh Thúy, dựa trên các quy định, hướng dẫn của UBND TP.HCM và các cơ quan chức năng trong việc đánh giá tiêu chí đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đã lập các phương án dự phòng phòng, chống dịch.
Hoạt động ở từng khu vực như gian hàng, khu vực đọc sách, quán cafe, bãi giữ xe… phải tuân thủ nghiêm các yêu cầu về phòng, chống dịch như thực hiện kiểm soát chặt chẽ ngay từ 2 cổng, hướng dẫn khách thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế...
Để sẵn sàng cho việc mở cửa đón khách trở lại, từ ngày 1/10 đến nay, các gian hàng tại Đường sách đã tập trung chỉnh trang cảnh quan, vệ sinh gian hàng, không gian chung.…
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh tạm ngưng hoạt động từ 28/5 đến nay.
Công bố quy hoạch 6 cụm cảng biển lớn
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa công bố quy hoạch 6 cụm cảng biển kết nối với cao tốc, sân bay gồm: Hải Phòng, Nghi Sơn, Đà Nẵng, Vân Phong, Cái Mép, Trần Đề.
Tàu hàng tại cảng Cái Mép |
Cả 6 cụm cảng được quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, cụm cảng Hải Phòng được quy hoạch là cảng cửa ngõ quốc tế, trong đó cảng Lạch Huyện bốc xếp container, cảng Đình Vũ - Sông Cấm phục vụ hàng công nghiệp, cảng Nam Đồ Sơn phục vụ hàng rời, lỏng... Kết nối với các cảng biển này là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và sân bay Cát Bi.
Cụm cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) sẽ phục vụ Khu công nghiệp Nghi Sơn. Hiện khu vực đã có sân bay Thọ Xuân, sẽ kết nối với vùng lân cận bằng cao tốc Bắc - Nam, trong tương lai có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chạy qua...
Cụm cảng Đà Nẵng có vị trí quan trọng, kết nối Nam Lào, Bắc Campuchia được kỳ vọng là cụm động lực thứ ba của kinh tế đất nước. Kết nối với cụm cảng là cao tốc Bắc - Nam.
Cụm cảng Vân Phong (Khánh Hòa) là vùng nước sâu thích hợp đón các tàu cỡ lớn. Bộ GTVT đã quy hoạch đường cao tốc nối Vân Phong với Buôn Ma Thuột để đưa hàng hóa các tỉnh Tây Nguyên đến cảng.
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) được kỳ vọng là cảng cửa ngõ quốc tế, chuyên đón tàu container cỡ lớn. Một loạt dự án cao tốc đang triển khai như Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Chơn Thành, TP.HCM - Dầu Giây - Bảo Lộc...
Cụm cảng Trần Đề (Sóc Trăng) sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu trực tiếp tại đồng bằng sông Cửu Long mà không phải chuyển đến Vũng Tàu. Vị trí cảng hiện kết nối với sân bay Cần Thơ, Quốc lộ 1 và đường Nam sông Hậu, thuận lợi để xây dựng một cảng nước sâu cho tàu 50.000 tấn trở lên...
Theo quy hoạch mới được phê duyệt, hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn mới sẽ được phân thành 5 nhóm thay vì 6 nhóm như giai đoạn trước.