Đảo Mắt Rồng - đẹp nhất vùng lõi vịnh Hạ Long bị xâm hại
Đảo Mắt Rồng nằm trong vùng lõi của vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) bị một số cá nhân xây dựng công trình, tổ chức hoạt động du lịch trái phép.
Hoạt động du lịch trái phép trên đảo Mặt Rồng được ghi nhận |
Đảo Mắt Rồng rộng khoảng 30 ha, cách hang Sửng Sốt 12 km, có cảnh quan hoang sơ. Giữa đảo là hồ nước lớn chứa nhiều san hô, bao quanh là núi đá. Nhìn từ trên cao, đảo giống như đầu rồng, hồ nước là mắt rồng, được đánh giá là đẹp nhất vịnh Hạ Long.
Nhiều năm qua, một số người tổ chức hoạt động du lịch, xây dựng công trình trái phép trên đảo Mắt Rồng. Tour du lịch ra đảo được quảng cáo trên mạng. Cơ quan chức năng đã phát hiện từ những năm 2018 nhưng chưa xử lý dứt điểm.
Cuối tuần qua, Bí thư tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đi kiểm tra hòn đảo Mắt Rồng, ghi nhận một nhà sàn xây trái phép, có nhiều đồ ăn, đồ dùng cho thấy dấu hiệu tổ chức ăn uống đông người.
Khẳng định những tồn tại trên đảo Mắt Rồng do sự lỏng lẻo trong quản lý của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, ông Ký đã yêu cầu TP. Hạ Long rà soát tổng thể, đề xuất phương án xử lý và "xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân liên quan, không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Vịnh Hạ Long rộng 1.553 km2, gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi. Trong đó, vùng lõi của vịnh là 335 km2 quần tụ 775 hòn đảo. Năm 1994, vùng lõi của vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với giá trị thẩm mỹ và được tái công nhận lần thứ hai với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất, địa mạo vào năm 2000.
Theo Quyết định năm 2016 về quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy di sản vịnh Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh quy định 17 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có cấm xây dựng công trình trên khu vực di sản vịnh Hạ Long chưa được cấp thẩm quyền cho phép; cư trú trái phép trong khu vực di sản vịnh Hạ Long.
Chứng khoán có phiên tăng mạnh nhất từ đầu tháng 4
VN-Index chốt phiên đầu tuần tại 1.053 điểm, tăng 13 điểm so với tham chiếu và đánh dấu phiên tăng mạnh nhất từ đầu tháng 4.
VN-Index chốt phiên đầu tuần tại 1.053 điểm, tăng 13 điểm. Ảnh minh họa |
Trước phiên giao dịch ngày 8/5, không nhiều công ty chứng khoán dự đoán VN-Index sẽ tăng mạnh trong bối cảnh dòng tiền có dấu hiệu rút khỏi các mã vốn hóa lớn bởi triển vọng kinh doanh kém khả quan.
Thực tế VN-Index ngày 8/5 diễn biến ngược lại với phần lớn dự đoán, thể hiện qua sắc xanh bao trùm thị trường từ lúc mở cửa đến hết phiên. Càng về cuối phiên, tâm lý hưng phấn càng dâng lên giúp chỉ số đại diện cho sàn TP.HCM nới rộng biên độ tăng, chốt phiên tăng 13 điểm.
Số lượng cổ phiếu tăng lúc đóng cửa là 255 mã, gần gấp đôi lượng cổ phiếu giảm. Một số nhóm ngành như dầu khí, chứng khoán không ghi nhận cổ phiếu nào giảm điểm.
VCB - cổ phiếu đứng đầu về vốn hóa thị trường - đóng góp nhiều nhất cho phiên tăng hôm nay khi tích lũy 3,6% so với tham chiếu, lên 93.000 đồng. Các mã ngân hàng thuộc rổ VN30 như BID, TCB, STB cũng góp phần lớn vào trạng thái hưng phấn của VN-Index. Ở chiều ngược lại, NVL là cổ phiếu kìm đà tăng của VN-Index khi đối mặt áp lực bán mạnh khiến thị giá mất gần 5%, thủng vùng giá 13.000 đồng.
Thanh khoản thị trường đạt gần 10.800 tỷ đồng, tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với phiên trước. Nhóm tài chính - ngân hàng vẫn hút được nhiều tiền nhất với hơn 3.000 tỷ đồng. Tính riêng cổ phiếu thì SSI dẫn đầu giá trị khớp lệnh với 630 tỷ đồng; tiếp đến là ba cổ phiếu bất động sản gồm DIG, NVL và DXG.
Thị trường đi lên nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa chấm dứt mạch bán ròng ba phiên liên tiếp. Nhóm này hôm nay mua vào 750 tỷ đồng và bán ra xấp xỉ 770 tỷ đồng.
Cần Thơ dự kiến xây hầm ngầm vượt sông 350 m
Đồ án trung tâm hành chính mới của Thành phố có quy hoạch hầm ngầm rộng 22 m, vượt sông Cần Thơ, giúp kết nối quận Ninh Kiều với Cái Răng.
Dự kiến hầm ngầm được xây dựng từ quận Ninh Kiều (trái) vượt sông Cần Thơ đến Khu hành chính ở quận Cái Răng |
Thông tin nằm trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu hành chính tập trung của địa phương và Trung tâm văn hóa Tây Đô vừa được UBND TP. Cần Thơ phê duyệt.
Hầm ngầm được xây vĩnh cửu, chịu động đất 6 độ richter, mỗi bên hai làn xe, hai làn thoát hiểm, giúp kết nối Khu hành chính tập trung và toàn bộ khu vực thông qua quảng trường giáp đường Quang Trung. Sông Cần Thơ dài hơn 16 km, rộng khoảng 350 m, qua các quận Ô Môn, Cái Răng, Ninh Kiều và huyện Phong Điền.
Đồ án cũng quy hoạch hệ thống công sở cấp thành phố, trụ sở làm việc của các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập. Khu hành chính tập trung gần 11 ha, đáp ứng nhu cầu làm việc của 21 cơ quan, đơn vị, bố trí các cụm công trình liên hoàn, kết nối thuận tiện với các dịch vụ cho nhân viên. Khu trung tâm văn hóa Tây Đô rộng gần 23 ha tập trung chủ yếu ở khu vực phía sông Cần Thơ, phát huy tối đa đặc trưng văn hóa vùng sông nước.
Quy hoạch khu trung tâm hành chính nói trên vốn đầu tư dự tính khoảng 2.000 tỷ đồng (1.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương) nhằm thay thế dự án 22 tầng được Thành phố quy hoạch trước đây. Khu hành chính khi hoàn thành sẽ đáp ứng đủ cho 1.300 cán bộ, nhân viên. Chính quyền Thành phố thống nhất các công trình phải qua thi tuyển thiết kế để đảm bảo mặt kiến trúc.
TP.HCM nghiên cứu lắp mái che ở phố đi bộ Nguyễn Huệ
Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu nghiên cứu lắp mái che để tạo bóng mát, kết hợp chiếu sáng mỹ thuật ở phố đi bộ Nguyễn Huệ và công viên Bến Bạch Đằng, Quận 1.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ được trưng dụng để làm đường hoa |
Nội dung được đề cập trong thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, sau khi làm việc với các đơn vị liên quan về phương án quy hoạch, kiến trúc khu vực bến Bạch Đằng.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ dài 670 m, khánh thành năm 2015, mỗi ngày thu hút hàng nghìn người dân, du khách đến vui chơi, giải trí. Trong khi công viên bến Bạch Đằng sau khi hoàn thành chỉnh trang cuối năm 2021 cũng là điểm tập trung đông người đến vui chơi, nhất là dịp cuối tuần. Tuy nhiên, hai khu vực này đang thiếu bóng mát, không thuận tiện cho người đến vui chơi, giải trí vào ban ngày.
Theo đó, để thuận tiện cho người dân, du khách đến tham quan vui chơi, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc cùng Quận 1 nghiên cứu phương án tạo bóng mát vào ban ngày ở hai địa điểm trên. Trong đó, các đơn vị cần tính cả giải pháp thiết kế mái che căng bạt nghệ thuật kết hợp chiếu sáng mỹ thuật ban đêm. Các phương án phải được trình UBND TP.HCM trong tháng 6 tới.
Trước đó, phương án lắp mái che cũng được Sở Quy hoạch và Kiến trúc đề xuất triển khai dọc vỉa hè đường Lê Lợi, Quận 1, nhằm tạo bóng mát, che mưa, hình thành không gian đi bộ cho khu vực. Đây là một trong giải pháp được tính đến trong điều kiện đường Lê Lợi chưa thể bố trí cây xanh đủ lớn, sau khi mặt bằng thi công Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được hoàn trả.
Hà Nội chi 2.500 tỷ đồng xây 7 trường liên cấp
7 trường phổ thông nhiều cấp học "tiên tiến, hiện đại" sẽ được xây dựng từ đầu năm 2024, hoàn thành vào quý IV năm 2025 với tổng kinh phí 2.500 tỷ đồng.
Hà Nội chi 2.500 tỷ đồng xây 7 trường liên cấp. Ảnh minh họa |
Theo kế hoạch ban hành hồi cuối tháng 4 của UBND TP. Hà Nội, khoản đầu tư 2.500 tỷ đồng được lấy từ ngân sách. Muộn nhất trong tháng 9, Thành phố sẽ phê duyệt phương án kiến trúc để thi công vào đầu năm tới.
Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng UBND 7 quận, huyện (Hà Đông, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Thanh Trì, Sóc Sơn, Thạch Thất) phối hợp tìm hiểu mô hình trường nhiều cấp học trong và ngoài nước để học tập kinh nghiệm.
Các đơn vị liên quan nghiên cứu, đưa ra yêu cầu thiết kế phù hợp với địa phương, xứng tầm trường có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại của khu vực. Thành phố khuyến khích tuyển chọn mở rộng các nhà thiết kế nước ngoài khi thi tuyển phương án thiết kế.
Ngoài ra, các đơn vị được yêu cầu phân kỳ đầu tư, ưu tiên các hạng mục phục vụ học tập. Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, các UBND địa phương phối hợp xây dựng cơ chế quản lý, cách vận hành, tuyển dụng và lựa chọn giáo viên, lãnh đạo.
Trước đó, theo dự thảo lấy ý kiến nhân dân từ 28/3, mỗi trường liên cấp sẽ có tối đa 68 lớp, trong đó tiểu học 20 lớp, THCS và THPT mỗi cấp 24 lớp. Để quản lý và vận hành, mỗi trường cần 5 thành viên ban giám hiệu, trong đó một hiệu trưởng, một hiệu phó phụ trách chung, mỗi hiệu phó còn lại quản lý một cấp học; 130 giáo viên và 44 nhân viên.
Ngoài khu phòng học và các phòng thiết yếu, các trường sẽ có sân thi đấu trong nhà, sân tập võ, aerobic, cầu lông, sân tennis, bóng rổ, bóng đá, bể bơi, phòng gym, yoga, phòng sáng tạo nghệ thuật, khu cắm trại và hoạt động ngoài trời. Căn cứ tình hình thực tế, chủ đầu tư có thể đề xuất làm thêm các hạng mục cần thiết.
Chậm thanh toán 800 tỷ trái phiếu, Thái Tuấn phải bán rẻ bất động sản
Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn vừa công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc, lãi của 2 lô trái phiếu tổng giá trị hơn 800 tỷ đồng.
Tập đoàn Thái Tuấn phải đề xuất bán rẻ tài sản đảm bảo để có tiền thanh toán trái phiếu |
Theo thông tin công bố, 2 lô trái phiếu của Tập đoàn Thái Tuấn đang lưu hành có lãi suất 11%/năm, được thanh toán lãi 6 tháng/lần.
Trong đó, lô trái phiếu TTDCH2122001 được phát hành ngày 12/4/2021 kỳ hạn 18 tháng (đáo hạn ngày 12/10/2022), trị giá 300 tỷ đồng. Dư nợ tại thời điểm đáo hạn là hơn 316 tỷ đồng. Tính đến ngày 26/4/2023, Công ty mới thanh toán được hơn 1 tỷ đồng.
Với lô trái phiếu mã TTDCH2122002 được phát hành ngày 20/5/2021, kỳ hạn phát hành cũng là 18 tháng (đáo hạn ngày 20/11/2022), trị giá 500 tỷ đồng. Dư nợ tại thời điểm đáo hạn là hơn 526 tỷ đồng. Tính đến ngày 26/4/2023, Công ty mới thanh toán được hơn 29 tỷ đồng.
Tổng dư nợ tại thời điểm đáo hạn của hai lô trái phiếu là 842,3 tỷ đồng, nhưng tính đến hết tháng 4 năm nay, Tập đoàn Thái Tuấn mới chỉ mới thu xếp trả được cho nhà đầu tư hơn 30 tỷ đồng, chưa bằng số lãi phát sinh.
Thời hạn thanh toán gốc, lãi của 2 lô trái phiếu trên đã khá lâu, song đến nay Công ty mới công bố tình trạng chậm trả. Theo đó, nguyên nhân đưa ra cho việc chậm thanh toán 2 lô trái phiếu trên là chưa thu xếp được nguồn thanh toán.
Với 2 lô trái phiếu kể trên, tài sản được Công ty dùng làm tài sản đảm bảo bao gồm 20 triệu cổ phần của Tập đoàn (tổng mệnh giá là 200 tỷ đồng); nhà ở và quyền sử dụng đất tại số 07-08-09 Trang Tử, Phường 14, Quận 5, TP.HCM và 2,6 ha đất tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An (tổng giá trị 210 tỷ đồng).
Trước đó, Tập đoàn Thái Tuấn đã đàm phán với các nhà đầu tư trái phiếu và được chấp thuận cho "bán rẻ" bất động sản số 07-08-09 Trang Tử từ 135 tỷ đồng xuống 75 tỷ đồng. Đồng thời, chấp thuận cho đại lý quản lý tài sản bảo đảm - BIDV Chi nhánh Sở giao dịch 2 - kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm đến hết ngày 30/4 năm nay.
Ngoài ra, tài sản đảm bảo cho một trong hai lô trái phiếu của tập đoàn này còn có hơn 16 triệu cổ phần khác của Tập đoàn Thái Tuấn, tổng giá trị gần 810 tỷ đồng.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sơn La bị bắt
Ông Lê Văn Kỳ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, bị bắt với cáo buộc chỉ đạo cấp sổ đỏ sai mục đích sử dụng.
Cảnh sát điều tra tống đạt quyết định khởi tố ông Kỳ |
Ngày 8/5, ông Kỳ cùng Phạm Bình Minh, cựu Giám đốc chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bắc Yên và Lò Duy Thành, cựu Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Yên, bị Công an tỉnh Sơn La khởi tố, tạm giam để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ông Kỳ bị điều tra sai phạm khi là Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên.
Theo điều tra ban đầu, năm 2017, ông Kỳ lợi dụng chức vụ để chỉ đạo ông Minh và Thành lập hồ sơ chuyển mục đích và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho người thân quen tại khu khách sạn Đồng Tâm và cửa hàng xăng dầu Tuấn Trung, ở Tiểu khu I, thị trấn Bắc Yên.
Cơ quan điều tra cáo buộc các lô đất này được chuyển đổi từ đất dịch vụ thương mại trúng đấu giá thuê 70 năm của Nhà nước sang đất ở lâu dài là trái quy định. Hành vi này bị cấm theo Luật Đất đai 2013, gây thiệt hại cho ngân sách.