Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng |
Qua đánh giá định lượng và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, Bộ đã đánh giá việc tăng giá vật liệu xây dựng (VLXD) ảnh hưởng như thế nào đến dự toán xây dựng. Nếu các dự án được lập, thẩm định, phê duyệt ký hợp đồng từ năm 2020 cho đến năm 2022 thì các hợp đồng bị tăng từ 5 - 7% tùy loại công trình.
Trước biến động như vậy, Bộ Xây dựng đã có nhiều biện pháp, trong đó có văn bản yêu cầu các địa phương bám sát tình hình để công bố giá vật liệu kịp thời, đồng thời yêu cầu người quyết định đầu tư, chủ đầu tư rà soát tác động của tăng giá đến công trình, mức độ tăng giá. Phần lớn các địa phương, đặc biệt các địa phương có đường cao tốc đi qua thay vì công bố giá hàng quý chuyển thành công bố giá xây dựng hàng tháng.
Với hợp đồng đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói, theo quy định hiện hành về đấu thầu, về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và hợp đồng xây dựng, các hợp đồng này không được điều chỉnh giá khi biến động giá vật liệu, chỉ được điều chỉnh trong 2 trường hợp là bất khả kháng và khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản quy định tại Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên hiện không có tiêu chí định lượng khi giá VLXD tăng bao nhiêu phần trăm thì được xem là bất khả kháng.
Với hệ thống pháp luật hiện tại chưa có quy định để tháo gỡ khó khăn này, Bộ Xây dựng đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng báo cáo Quốc hội xem xét quy định về biến động giá bất thường là trường hợp bất khả kháng. Trong đó, Bộ đang xin ý kiến giá VLXD tăng quá 15% có được coi là trường hợp bất khả kháng hay là điều kiện thay đổi cơ bản hay không. Nếu có chủ trương, Bộ sẽ có hướng dẫn, hiện tại thì mới ở bước báo cáo Thủ tướng Chính phủ.