Diễn đàn Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc lần thứ hai - năm 2024 tổ chức ngày 24/10 |
Tại Diễn đàn Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc lần thứ hai - năm 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 24/10, ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, trong thời gian qua, báo chí đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.
Thông qua báo chí, người tiêu dùng biết đến thương hiệu Việt và các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước nhiều hơn, từ đó góp phần vào việc nâng cao nhận thức, tình yêu và sự tin dùng với hàng Việt Nam, hỗ trợ sự phát triển doanh nghiệp; đồng thời cũng góp phần phản ánh những thông tin từ xã hội nói chung, người tiêu dùng trong nước nói riêng với doanh nghiệp, nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường đầy đủ, điều chỉnh chính sách kinh doanh và ra quyết định phù hợp.
Ở góc độ khác, báo chí đã và đang là cầu nối hiệu quả, kịp thời giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Thông qua thông tin phản ánh trên báo chí, các cơ quan chức năng của Nhà nước có thêm kênh thông tin để có thể lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp một cách kịp thời, toàn diện hơn. Không chỉ là kênh tuyên truyền chính sách mới của Nhà nước, báo chí trong vai trò ghi nhận thông tin doanh nghiệp cũng ngược trở lại trở thành tiếng nói độc lập giúp doanh nghiệp phản hồi chính sách, nói lên nguyện vọng của thực tế nền kinh tế… Với vai trò đó, báo chí đã và đang là một kênh thông tin hữu hiệu cho nền kinh tế để giúp các chính sách của Nhà nước theo kịp thời diễn biến nền kinh tế, ngày một hiệu quả hơn.
“Có thể nói, với những mối quan hệ biện chứng đa chiều trên, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là vừa mối quan hệ phản biện, vừa tương hỗ, gắn bó không thể tách rời. Do vậy, việc thúc đẩy và tăng cường hiểu biết, hợp tác và hỗ trợ phát triển giữa báo chí và doanh nghiệp là rất cần thiết để cùng hướng đến mục tiêu lớn nhất là đóng góp tối đa vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Lê Quốc Minh nhận định.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thì mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Theo nhìn nhận của đại diện Hội Nhà báo Việt Nam, nhiều bài báo về doanh nghiệp vẫn còn thiếu tính chuyên sâu, phân tích sâu sắc về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến thông tin về doanh nghiệp đến thị trường không đầy đủ, đôi khi còn có sai lệch. Còn tồn tại tình trạng một số bài báo đưa tin thiếu khách quan. Báo chí cũng chưa khai thác hết tiềm năng của mình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa báo chí và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền.
Những tác động tiêu cực của báo chí, theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện Kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp. Việc đưa tin thiếu chính xác hoặc một chiều, cạnh tranh không lành mạnh có thể làm tổn hại đến uy tín và phương hại hình ảnh của doanh nghiệp và dẫn đến mất niềm tin của khách hàng. Một khi doanh nghiệp bị người tiêu dùng mất niềm tin, từ chối sử dụng sản phẩm, dịch vụ thì phải rất khó và rất lâu mới có thể phục hồi được hình ảnh, khiến doanh thu, lợi nhuận sụt giảm. Ví dụ như những tin tức tiêu cực có thể làm giảm giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp, gây ra khó khăn trong huy động vốn, đối tác ngần ngại hợp tác kinh doanh…
Trong khi đó, do có nhiều cách thức khác để tiếp cận người dùng, không ít doanh nghiệp dần xem nhẹ vai trò của báo chí, thậm chí “bỏ quên” báo chí trong các chiến dịch truyền thông thương hiệu. Thực tế, nếu báo chí chính thống gặp khó khăn, bị suy yếu, thì chính doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới đang biến động nhanh, có nhiều diễn biến phức tạp đòi hỏi phải hiểu đúng, truyền thông đúng, kịp thời, chính xác và toàn diện. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng xã hội tác động không nhỏ đến việc truyền thông thông tin kinh tế, và đặc biệt là dẫn đến những thay đổi trong thị hiếu, phương thức tiếp cận thông tin của công chúng.
Để hỗ trợ, động viên đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy vai trò nòng cốt, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho rằng, ngay lúc này, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp rất cần khơi dậy mạnh mẽ khí thế, tinh thần kinh doanh, thổi bùng lên khát vọng đưa nước ta bước sang “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, nắm bắt các cơ hội lịch sử đang mở ra để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
“Yếu tố tinh thần luôn là sức mạnh đặc biệt của cách mạng Việt Nam và con người Việt Nam, đã giúp nước ta thu được những thành tựu to lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng, cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đặc biệt, khí thế, tinh thần kinh doanh sôi động trong thời kỳ đổi mới đã góp phần quan trọng tạo ra sự chuyển đổi, phát triển kinh tế vượt bậc của Việt Nam”, đại diện VCCI nhấn mạnh và kêu gọi báo chí cùng đồng hành.
Bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp trong phối hợp cung cấp thông tin và đặt niềm tin vào báo chí, thì theo ông Tuấn, báo chí cũng cần đề cao đạo đức nghề nghiệp với tinh thần trung thực, khách quan trong đưa tin, cần kiểm chứng thông tin kỹ lưỡng từ nhiều nguồn trước khi đăng bài… Đồng thời, cân bằng giữa thông tin tích cực và tiêu cực, tránh đưa tin một chiều phiến diện, cho doanh nghiệp có cơ hội được phản hồi…