Các vấn đề nổi cộm của ngành y tế là nội dung phổ biến, chiếm thời lượng lớn trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua. Ảnh: Đinh Quang Tuấn |
Bức tranh rõ nét về tồn tại, hạn chế của ngành y tế
Khi vụ án Việt Á xảy ra, nhiều lãnh đạo Bộ Y tế cho đến các địa phương bị xử lý hình sự, vướng vòng lao lý đã làm rúng động ngành y, gây “sang chấn tâm lý” rất mạnh. Trong bối cảnh đó, tâm lý sợ trách nhiệm, sợ “tai bay vạ gió”, sợ vướng vào vòng lao lý bao trùm lên các cán bộ, nhân viên ngành y tế. Lúc này, gần như mọi hoạt động mua sắm, đấu thầu trong lĩnh vực y tế bị “đóng băng”, đình trệ. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị xuất hiện trên diện rộng.
Cao trào của khủng hoảng nguồn cung vật tư, hóa chất, TBYT xảy ra vào thời điểm cuối năm 2022 - đầu năm 2023, khi tất cả TBYT đều đồng loạt hết hạn số đăng ký lưu hành, không bảo đảm tư cách hợp lệ để tham dự thầu, các bệnh viện hoạt động cầm chừng, trong đó có cả những bệnh viện tuyến cuối như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức…
Chưa hết “đợt sóng” này thì “đợt sóng” khác lại đến. Những tháng đầu năm 2023, tình trạng thiếu hóa chất xét nghiệm, thiếu TBYT bùng phát, các bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM (Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình…), TP. Hà Nội (Bệnh viện Việt Đức…) phải hạn chế phẫu thuật, chỉ ưu tiên cấp cứu, phải gửi bệnh nhân sang các bệnh viện tư nhân để chụp chiếu, xét nghiệm.
“Trăm dâu đổ đầu tằm”, là đơn vị thực thi cuối cùng chịu trách nhiệm bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư, hóa chất, TBYT và trực tiếp cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân, lãnh đạo các cơ sở y tế như “ngồi trên đống lửa”. Trước tình thế bức bách đó, với sự tiếp sức của các cơ quan báo chí, một số lãnh đạo bệnh viện đã dũng cảm chỉ ra những vấn đề bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực y tế.
“Sau 2 năm dịch bệnh, nguồn lực về tài chính, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc đều rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng. Hết dịch, người dân quay trở lại khám bệnh tăng đột biến. Trong khi đó, một số máy đặt, máy mượn theo đề án liên doanh, liên kết hết hạn hợp đồng, một số vướng mắc về pháp lý, về thanh toán bảo hiểm y tế nên dừng hoạt động. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, chúng tôi đã tìm mọi phương cách tháo gỡ, nhưng tréo ngoe là đấu thầu đi đấu thầu lại nhiều lần vẫn không có nhà thầu nào chào thầu vì giá cả thị trường tăng chóng mặt, chưa làm đã biết lỗ, thậm chí trúng thầu rồi cũng không thể cung ứng vì đứt hàng…”, ông Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.
Bên cạnh việc nêu lên những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật, báo chí đã chỉ ra những chiêu trò thông thầu của một số chủ đầu tư/bên mời thầu và nhà thầu trong mua sắm lĩnh vực y tế. Nhiều bài viết, phỏng vấn những người làm chuyên môn đã giúp các cơ quan chức năng hiểu rõ hơn khó khăn khách quan của cơ sở y tế, làm sáng tỏ những vướng mắc về thể chế, chính sách trong lĩnh vực y tế… “Báo chí đã tác động không nhỏ đến phần tranh luận của các đại biểu Quốc hội trong nghị trường, làm cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi những bất cập liên quan đến lĩnh vực y tế”, đại diện một sở y tế tại khu vực phía Nam nhận định.
Từng nút thắt dần được tháo gỡ
Sự thật được đưa ra công chúng, lên tới nghị trường và đi vào các chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, của Quốc hội. Từ đây, các bộ, ngành gấp rút sửa đổi các văn bản pháp quy liên quan để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, TBYT.
Điểm nhấn phải kể đến việc Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) số 15/2023/QH15, Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 9/1/2023 tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024. Đó là cơ sở cho Bộ Y tế gia hạn hơn 10.000 loại thuốc đã hết thời hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành.
Báo chí đã tác động không nhỏ đến phần tranh luận của các đại biểu Quốc hội trong nghị trường, làm cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi những bất cập liên quan đến lĩnh vực y tế.
Bộ Y tế đã khảo sát và chỉ đạo các đơn vị chủ động trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị, bảo đảm vì lợi ích chung của cộng đồng, đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết và nêu cao tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” của người đứng đầu. Sau thời gian trên, khó khăn về cung ứng thuốc đã được khắc phục phần nào.
“Nhiều nhà báo đã vào cuộc, lắng nghe thực tiễn, phản ánh những bất cập trong chính sách mua sắm TBYT. Qua đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP để giải quyết cơ bản những khó khăn đặt ra trong mua sắm cho ngành y tế”, đại diện một Sở Y tế tại khu vực phía Nam ghi nhận.
Bà Trương Thị Tố Hoa - Trưởng ban Pháp chế, Tiểu ban Trang thiết bị y tế và Chẩn đoán (MDDSC) thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá: “Qua sự thúc đẩy của báo chí, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã từng bước được tháo gỡ, ví dụ khó khăn về việc nhập khẩu TBYT, vấn đề máy đặt và thanh toán bảo hiểm y tế cho dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên máy đặt. Cùng với đó, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đưa ra nhiều phương án khác nhau cho việc lựa chọn nhà thầu TBYT phù hợp với thực tế của Việt Nam và hài hòa với các quy định quốc tế”.
“Chúng tôi chân thành cảm ơn các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Đấu thầu đã ghi nhận và phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu trong lĩnh vực trang thiết bị y tế và chẩn đoán. Thông qua kênh báo chí, khó khăn của ngành đã được truyền tải đến các cơ quan quản lý có liên quan”, bà Hoa nói.
Đại diện MDDSC mong muốn, các cơ quan báo chí nói chung và Báo Đấu thầu nói riêng tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy việc hoàn thiện chính sách và đồng bộ giữa các văn bản pháp luật.