Báo động tiến độ giải ngân vốn vay nước ngoài

(BĐT) - Tiến độ giải ngân vốn vay nước ngoài vẫn ì ạch. Tình trạng này có thể gây những hệ lụy đáng ngại như chi phí dự án leo thang, tranh chấp làm ảnh hưởng đến uy tín của các bên. Do đó, cần có các giải pháp kịp thời và hiệu quả để tránh tác động bất lợi cho nền kinh tế.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tiến độ chỉ bằng một nửa các nước khác

Tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài ngày 26/6, Bộ Tài chính cho biết, theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài (vốn vay nước ngoài) được điều chỉnh theo nghị quyết của Quốc hội là 360.000 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến tháng 5/2019, số vốn vay nước nước ngoài đã giải ngân được là 133.042 tỷ đồng, số còn lại khoảng 223.000 tỷ đồng.

Đánh giá về vấn đề này, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói: “Thực hiện Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, các cấp, các ngành, địa phương và Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch triển khai thực hiện. Một trong những nhiệm vụ cơ bản là giải ngân nhanh và giải ngân có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, bao gồm cả vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, số liệu giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi từ năm 2016 đến nay đều không đạt dự toán và chậm ở mức đáng báo động”.

Đại diện các nhà tài trợ, ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, trong 3 - 4 năm qua, tốc độ giải ngân trung bình của Việt Nam chỉ bằng một nửa giai đoạn trước và một nửa so với các nước cùng nhận tài trợ từ ADB.

Cần sự chung tay của các bên

Theo Bộ Tài chính, có một số yếu tố, bao gồm cả yếu tố pháp lý từ các luật có liên quan và một số trở ngại về quy trình và thủ tục trong quá trình thực hiện dự án.

Từ phía các nhà tài trợ, Ông Eric Sidgwick nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm giải ngân là thủ tục. Ông dẫn chứng, ngay cả những thay đổi nhỏ trong các dự án như bổ sung phạm vi, gia hạn khoản vay trong 6 tháng, thay đổi cơ cấu chi phí, sử dụng các khoản dự phòng... cũng phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trong khi chờ điều chỉnh chủ trương đầu tư, không thể bắt đầu bất cứ việc chuẩn bị nào và các hoạt động hoặc thanh toán cũng bị tạm dừng.

 “Việc giải ngân chậm sẽ khiến Chính phủ phải trả phí cam kết cao hơn, chi phí quản lý các dự án cũng tăng lên theo thời gian. Các tranh chấp hợp đồng với nhà thầu không chỉ làm kéo dài dự án mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam. Về lâu dài, các tác động này sẽ ảnh hưởng bất lợi cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”, ông Eric Sidgwich nói.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn vay nước ngoài không thể thực hiện được nếu không có sự chung tay góp sức của các chủ dự án, các cơ quan chủ quản các bộ, ngành quản lý cũng như các nhà tài trợ.

Bộ Tài chính cho biết sẽ ban hành và tổ chức phổ biến Thông tư thay thế Thông tư số 111/2016/TT-BTC về hướng dẫn quản lý tài chính đối với chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Còn theo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, các bộ, địa phương, ban quản lý dự án cần chú trọng việc chuẩn bị, đấu thầu, giải phóng mặt bằng, nhanh chóng triển khai dự án để có khối lượng hoàn thành và thanh toán vốn.

Ông Hà nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, các nhà tài trợ trong giải ngân vốn; tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong thẩm định các chương trình, dự án vay về cho vay lại trong đó có chương trình, dự án của ngân sách địa phương; phối hợp chặt chẽ trong đàm phán ký kết các hiệp định vay cũng như các thủ tục điều chỉnh; thúc đẩy thực hiện dự án, không để kéo dài thời hạn giải ngân như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục