Sau khi cướp HSDT Gói thầu Bình Định 05 XL: Xây dựng mới cầu Trường Cửu từ K4+289-K4+454 ngay trước cổng bên mời thầu, các đối tượng lên xe máy tẩu thoát. Ảnh: Bích Thảo |
Táo tợn cản trở đấu thầu cạnh tranh
Ngày 20/9, một số nhà thầu đến mua HSMT một gói thầu ở Vĩnh Phúc đã bị một nhóm đối tượng gồm 8 người nhìn bên ngoài có xăm trổ xuống từ 1 chiếc xe không rõ biển số có lời lẽ không lịch sự, đe dọa nhà thầu khiến nhà thầu sợ hãi không dám tham dự mua HSMT. Đáng chú ý, hành vi đe dọa của nhóm lực lượng kia diễn ra trước mặt một cán bộ thuộc chủ đầu tư. Nhà thầu phản ánh, một người đuổi chúng tôi về không cho mua HSMT và cảnh báo, nếu có mua được hồ sơ thì cũng không đi ra được khỏi huyện, nếu có trúng thầu thì cũng không thi công được.
Trong một lần thực hiện bài viết phản ánh việc thi công trước đấu thầu sau tại Gói thầu Nhà lớp học thuộc Dự án Trường Mầm non khu phố Tư, phường Đồng Kỵ (Bắc Ninh), phóng viên Báo Đấu thầu đã bị nhóm đối tượng đe dọa. Cụ thể là khi đang tác nghiệp chụp ảnh tại hiện trường Gói thầu, một nhóm đối tượng lạ mặt phóng xe máy tới đe dọa đập máy ảnh của phóng viên, sau đó nhóm đối tượng tiếp tục bám sát phóng viên cả chặng đường đến UBND Phường Đồng Kỵ (chủ đầu tư của Gói thầu) rồi biến mất.
Trước đó, tháng 6/2016, Tổng công ty Xây dựng đường thủy – CTCP (Vinawaco) phản ánh tới Báo Đấu thầu về sự việc nhà thầu này bị cướp HSDT Gói thầu Bình Định 05 XL: Xây dựng mới cầu Trường Cửu từ K4+289-K4+454 ngay trước cổng Ban Quản lý dự án Thủy lợi Bình Định (Bên mời thầu) trước thời điểm đóng thầu chỉ ít phút. Khi cán bộ của Vinawaco mang HSDT đến nộp thì tại cổng cơ quan Bên mời thầu này đã có khoảng 10 người trực sẵn lao vào hành hung và cướp mất toàn bộ HSDT đã được doanh nghiệp đóng gói, niêm phong. Ngay sau khi cướp được HSDT, nhóm đối tượng đã lên xe máy tẩu thoát. Vụ việc cướp HSDT tại Bình Định chưa kịp lắng xuống thì đầu tháng 7/2016, nhà thầu khác lại phản ánh tới Báo Đấu thầu về việc xảy ra vụ cướp HSDT ngay trước cổng trụ sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk.
Liên tục sau đó, Đường dây nóng của Báo Đấu thầu luôn trong tình trạng “nóng ran” tiếp nhận phản ánh của nhà thầu về việc gặp khó khăn trong tiếp cận HSMT…
Làm nghiêm…
Theo vị chuyên gia này, lý do chính mà lực lượng xã hội đen này can dự vào công tác đấu thầu đó là việc chủ đầu tư/bên mời thầu và cả nhà thầu không muốn cạnh tranh trong đấu thầu, đấu thầu hình thức. “Có trường hợp chủ đầu tư/bên mời thầu “ăn dơ” với nhà thầu ruột để hạn chế nhà thầu khác muốn tham gia dự thầu; cũng có trường hợp là chính các nhà thầu dùng lực lượng “xã hội đen” để hạn chế lẫn nhau”, chuyên gia này chia sẻ.
Hiện nay, hệ thống pháp luật về đấu thầu đã có quy định rất chặt chẽ và nghiêm minh đối với những hành vi cản trở, không đảm bảo công bằng, minh bạch trong đấu thầu. Khoản 5 Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định rõ, cản trở là hành vi bị cấm trong đấu thầu.
Nhìn nhận về hiệu quả thực thi quy định của pháp luật, các chuyên gia đấu thầu nhất mực: “Quy định đã có, chúng ta phải thực hiện nghiêm, kiên quyết xử lý để có tính răn đe cao”. Song vị chuyên gia nêu trên cho rằng, khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng phải thu thập chứng cứ để buộc tội đối tượng đang cản trở tính cạnh tranh trong đấu thầu. Nếu bên nào vi phạm có thể xử lý ở mức độ cao hơn. Đối với địa phương tổ chức công tác đấu thầu để xảy ra chuyện cướp HSDT, có sự can dự của lực lượng “xã hội đen” thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm.
“Chính quyền cũng như cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu phải lên tiếng, thậm chí báo cáo Thủ tướng Chính phủ để ban hành chỉ thị chấn chỉnh công tác đấu thầu”, vị chuyên gia nêu trên đề xuất.