Trước đó, theo công văn của Bộ Y tế, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đã nhận được thông tin phản ánh về mặt hàng máy thở (model MV2000 EVO5, hãng sản xuất: Mekics Co., Ltd., Hàn Quốc) được Công ty CP Đầu tư và Phát triển Y tế An Sinh công khai giá trên Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế (gọi tắt là Cổng thông tin) là 960,5 triệu đồng máy. Tuy nhiên, tại cùng thời điểm báo giá (cùng loại, cùng hãng, model máy thở trên), Công ty lại cung cấp báo giá cho các đơn vị là 455 triệu đồng/máy. Nếu thông tin đúng như phản ánh thì mức chênh lệch này là quá lớn (chênh lệch tới khoảng 210% so với giá báo giá), làm ảnh hưởng đến việc tra cứu, lập kế hoạch của các đơn vị mua sắm và giảm hiệu quả của việc công khai giá. Do đó, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị doanh nghiệp này làm rõ.
Công ty CP Đầu tư và Phát triển Y tế An Sinh cho biết, cùng một model máy thở MV2000 EVO5, nhưng cấu hình (phần mềm, phần cứng) khác nhau nên dẫn đến giá bán và giá công khai trên Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế của Bộ Y tế khác nhau. Cụ thể, giá của máy thở MV2000 EVO5 được công khai trên Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế của Bộ Y tế có cấu hình hiện đại hơn - model thở cao tần HFOV, bộ đo khí mê EtCO2, cảm biến SpO02, máy nén khí rời.
Ông Nguyễn Tăng Hòa - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển y tế An Sinh chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, hiện nay doanh nghiệp đang cung cấp 3 dòng máy thở với nhiều cấu hình và phụ kiện đi kèm khác nhau. Riêng đối với máy thở MV2000 EVO5 có 4 cấu hình khác nhau, trong đó cấu hình có giá trị lớn nhất (max option) là hơn 960 triệu đồng như nêu trên.
Ngoài ra, ông Hòa cho biết, theo thiết kế giao diện của Cổng thông tin, mỗi model máy chỉ đăng được 1 giá. Trong khi đó, cùng một model máy thở nhưng có nhiều cấu hình khác nhau, nhất là những dòng máy cao cấp (trừ một số máy thở có cấu hình không thể thêm bớt). Cho nên, khi kê khai giá trên cổng thông tin điện tử này, doanh nghiệp thường kê khai giá tối đa của thiết bị, để sau này các đơn vị mua sắm lấy làm tham chiếu khi đấu thầu. Nếu kê khai theo giá tiêu chuẩn, khi đơn vị mua sắm trang thiết bị có cấu hình cao, giá sẽ bị cao lên, dẫn tới không được thẩm định hồ sơ.
Do đó, Công ty đang kiến nghị Bộ Y tế điều chỉnh giao diện của Cổng thông tin theo hướng là thêm trường dữ liệu làm rõ báo giá theo cấu hình, tức là 1 model có thể có nhiều mức giá theo cấu hình. Trong khi đó, theo quy định, mỗi model có tên thương mại phải đúng với cataloge.
Hiện nay, Bộ Y tế đã có quy định về thời hạn hiệu lực của báo giá, khi có biến động về giá thì doanh nghiệp phải cập nhật thông tin. Bộ Y tế cũng thường xuyên nhắc nhở các doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế, nhiều khi doanh nghiệp không thể cập nhật được kịp thời và đầy đủ được các thông tin như tài liệu thông số kỹ thuật...
"Công ty hiện là nhà phân phối cho hãng Mekics Co., Ltd., của Hàn Quốc tại Việt Nam. Mức giá hơn 400 triệu đồng là giá bán cho các đối tác là đại lý. Khi bán cho bệnh viện, cơ sở y tế thì giá trúng thầu của các đại lý sẽ tăng giá thêm. Song, trên thực tế, cho đến nay, chưa có đơn giá trúng thầu của đại lý nào vượt mức giá tiêu chuẩn, mà chỉ dao động trong khoảng 400 - 500 triệu đồng. Đơn giá trúng thầu đó là đúng và có cơ sở", ông Hòa cho biết.
Mặc dù vậy, theo ông Hòa, trong khi thông tin này chưa được làm rõ, kiểm chứng chính xác thì một số trang mạng xã hội, cơ quan báo chí đã vội quy kết không đúng với bản chất sự việc như: “thổi giá”, “nâng khống giá”... dẫn hiểu lầm trong dư luận, khiến cho uy tín của Công ty bị ảnh hưởng nặng nề.