Giá thép tăng ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành công trình. Ảnh: Lê Tiên |
- Ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương, Đại biểu Quốc hội (Đoàn Nghệ An)
Cách điều hành về chính sách thuế đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu mới đây của Bộ Công Thương là chưa phù hợp, dẫn đến việc giá thép trong nước tăng mạnh, thậm chí tăng 20% so với thời điểm trước đó. Việc ban hành biện pháp tự vệ tạm thời này cứ ngỡ là sẽ tạo ra rào cản kỹ thuật đối với thép nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước, nhưng thực tế, các nhà sản xuất trong nước thấy thế lại “trục lợi” nâng giá thép lên.
Chính sách này chỉ mang lại lợi ích cho một số ít DN sản xuất thép trong nước, trong khi các DN sử dụng thép lại gặp nhiều khó khăn. Đối với công trình, dự án chưa thi công thì giá thép tăng sẽ được cộng thêm vào công trình và cuối cùng thì người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu thiệt thòi. Đối với những công trình sử dụng vốn nhà nước đang thi công mà đã cố định về giá thép, nếu không chịu đựng nổi mức tăng này thì tất yếu sẽ không thể tiếp tục, phải dừng thi công. Việc ngừng thi công sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế.
Tạo ra các rào cản kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước là ý tưởng tốt, nhưng nếu không phù hợp sẽ dẫn đến “phản ứng phụ”. Chính sách cần bảo đảm phục vụ cho đại đa số và cho sự phát triển chung của đất nước. Chúng tôi tin chắc rằng chính sách thuế đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu sẽ sớm phải điều chỉnh. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay, Nhà nước phải tạo ra chính sách cởi mở hơn, cho phép hàng ngoại nhập vào để điều tiết giá thép về đúng giá thị trường.
- Ông Nguyễn Văn Mai, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư Thảo Nguyên Xanh
Việc Bộ Công Thương chính thức ban hành Quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam từ tất cả các nước và vùng lãnh thổ, ngoại trừ các nước có lượng thép xuất khẩu vào Việt Nam không quá 3% tổng lượng thép nhập khẩu của Việt Nam không khác gì bắt DN mua thép trong nước giá cao chất lượng thấp.
Chính việc áp thuế của Bộ Công Thương đã vô tình khiến DN trong nước không thể cạnh tranh được với DN nước ngoài vì giá thép và giá vật tư sẽ tăng cao. Trong khi đó, DN trong nước vì thiếu vốn đầu tư, đặc biệt có một số thép cường lực Việt Nam chưa sản xuất được nên bất lợi sẽ chồng thêm bất lợi. Trước áp lực này, các nhà thầu và chủ đầu tư sẽ chuyển sang vật liệu rẻ tiền, khiến chất lượng công trình sẽ thấp hơn.
Tôi cho rằng, Bộ Công Thương đang đi ngược lại quy luật cung cầu. Chúng ta đang cố gắng có được những sản phẩm, hàng hóa chất lượng tốt, giá rẻ phục vụ cho nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước. Vì vậy, dù là quyết định áp thuế tạm thời thì Bộ Công Thương cũng phải thận trọng và cần suy xét kỹ.
- Ông Lâm Văn Châu, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Quang Huy
Là nhà thầu xây lắp, chúng tôi theo dõi diễn biến giá thép hàng ngày. Những biến động dữ dội của giá thép trong những ngày vừa qua ảnh hưởng rất lớn đến nhà thầu xây dựng. Trong các gói thầu xây lắp, chi phí cho vật liệu xây dựng đã chiếm 70% toàn bộ chi phí công trình. Giá thép tăng, nhà thầu phải gồng mình chống chọi, tìm cách vượt qua. Với những gói thầu đã ký hợp đồng trọn gói, đang thi công, chúng tôi bị ảnh hưởng rất lớn. Dự phòng của các gói thầu đều có nhưng không thể bù vào chi phí khi trượt giá do giá thép tăng quá cao diễn ra trong một thời gian ngắn.
Chúng tôi cũng như các nhà thầu xây lắp dân dụng, giao thông đang rất lao đao, đặc biệt là trong thi công các gói thầu trọn gói. Với diễn biến của giá thép hiện nay, với những gói thầu chuẩn bị đấu thầu, nhà thầu sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng khi tham gia, nhất là về cạnh tranh giá. Bên cạnh đó, việc xây dựng dự phòng phí trong các hồ sơ mời thầu cũng cần được các chủ đầu tư xác định chuẩn mực hơn.
- Ông Lương Ánh Dương, Giám đốc Ban Đầu tư xây dựng, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4
Việc giá thép liên tục tăng trong thời gian qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tăng giá thành công trình xây dựng, nhất là với những công trình xây dựng sử dụng khối lượng lớn vật tư thép. Khi giá thép tăng, với các loại hợp đồng xây dựng đã ký kết giữa nhà thầu với chủ đầu tư như hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định thì nhà thầu thi công phải chịu lỗ.
Để giảm những vướng mắc, khó khăn cho DN xây dựng mỗi khi có biến động về giá cả nguyên vật liệu, theo tôi, Nhà nước nên có một quỹ bình ổn cho các vấn đề liên quan đến xây dựng để nhà thầu yên tâm, ổn định sản xuất, kinh doanh.