Bất cập cơ cấu vốn cho hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long

(BĐT) - Ngày 22/8/2016, tại Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị chuyên đề về huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì Hội nghị. Ảnh: Văn Huyền - Anh Khoa
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì Hội nghị. Ảnh: Văn Huyền - Anh Khoa

Theo Bộ GTVT, giai đoạn 2010 - 2016, vùng ĐBSCL đã được đầu tư hoàn thành 46 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 76.462 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ trái phiếu chính phủ (47%) và ngân sách nhà nước (19%), các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách còn chiếm tỷ lệ thấp và chủ yếu tập trung tại các dự án BOT đường bộ. Cơ cấu vốn đầu tư theo ngành cũng còn nhiều bất cập khi nguồn vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào 2 lĩnh vực là đường bộ (chiếm 79%) và hàng hải (13%), trong khi đường thủy nội địa là thế mạnh của Vùng thì chỉ chiếm hơn 1% tổng vốn đầu tư trong giai đoạn vừa qua.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đánh giá, trong 5 năm qua, việc hoàn thành nhiều dự án cầu lớn như Cần Thơ, Hàm Luông, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Năm Căn… đã khơi thông kết nối giữa vùng ĐBSCL với các vùng miền khác trong cả nước. Tuy nhiên, do đặc điểm tự nhiên của Vùng là đất yếu, nhiều cầu và sông ngòi chằng chịt nên suất đầu tư rất lớn, số lượng km đường và cầu làm được còn thấp.

Phó Thủ tướng yêu cầu, trong giai đoạn tới, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần có kế hoạch quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho địa phương và toàn Vùng; các địa phương phải tích cực hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án. Ngoài ra, các địa phương cũng phải quan tâm hơn về logistics, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng và khai thác logistics trên địa bàn.