Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Việt Anh |
Chương trình đào tạo sẽ kéo dài 2 năm (2018 – 2019) với 8 khóa học, mỗi khóa học kéo dài 12 tuần bao gồm 4 tuần cho việc đào tạo lý thuyết và 8 tuần cho việc đào tạo thực hành tại doanh nghiệp nội địa. Mục tiêu là nhằm đào tạo 200 chuyên gia tư vấn người Việt Nam có đủ năng lực để tư vấn và đào tạo lại cho các doanh nghiệp cung ứng trong ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, từ đó giúp các doanh nghiệp này nâng cao năng lực cạnh tranh để nắm bắt được cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao Samsung với quy mô đầu tư lớn, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đồng thời tạo ra những sản phẩm mang tính toàn cầu, góp phần quan trọng trong việc tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu, bảo đảm cán cân thương mại của Việt Nam và Hàn Quốc. Phó Thủ tướng khẳng định, công nghiệp hỗ trợ hiện là một trong những lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt quan tâm, chú trọng phát triển.
Ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam nhấn mạnh, 200 chuyên gia cốt cán người Việt Nam được đào tạo trong Chương trình sẽ đóng vai trò hạt nhân để đào tạo nhân rộng cho các doanh nghiệp trong cả nước, từ đó sẽ tạo ra sự lan tỏa lớn tác động đến quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Đánh giá cao Chương trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, thành công của Chương trình sẽ góp phần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy khả năng cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, trong đó có tập đoàn Samsung.
Song song với Chương trình, Samsung Việt Nam tiếp tục triển khai chương trình tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam tiềm năng do chuyên gia Hàn Quốc đảm nhiệm.
Dự kiến, hết năm 2018, cả nước sẽ có 38 doanh nghiệp Việt Nam được tư vấn trong Chương trình.
Theo Bộ Công Thương, hiện số lượng doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung đã tăng lên mạnh mẽ, từ 4 doanh nghiệp năm 2014 lên tới 29 doanh nghiệp vào năm 2017 và tiến tới 50 doanh nghiệp vào năm 2020.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hàn Quốc tại Việt Nam vào tháng 3/2018 vừa qua, đại diện Bộ Công Thương Việt Nam và Tổ hợp Samsung Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc triển khai Chương trình đào tạo này.
Công nghiệp hỗ trợ là một trong những lĩnh vực đang được Chính phủ rất quan tâm, chú trọng phát triển. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cung ứng linh phụ kiện, phụ tùng của Việt Nam vẫn còn yếu, số lượng doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng và tham gia sâu được vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia trong đó có Samsung còn hạn chế.