Bầu cử Quốc hội khóa XIV: 'Cửa hẹp' với doanh nhân

Trong Quốc hội (QH) khóa XIV tới đây, dự kiến chỉ còn 10 đại biểu là doanh nhân. Việc giảm gần 4 lần này đã gây ra nhiều băn khoăn tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.
Dù còn những ý kiến khác nhau, nhưng ít nhiều các doanh nhân cũng đã tạo ra “làn gió mới” cho không khí nghị trường. Trong ảnh, doanh nhân Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Như Ý.
Dù còn những ý kiến khác nhau, nhưng ít nhiều các doanh nhân cũng đã tạo ra “làn gió mới” cho không khí nghị trường. Trong ảnh, doanh nhân Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Như Ý.

“Phòng bệnh”?

Sau khi nhìn vào danh sách dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu QH khóa XIV, ông Lý Ngọc Minh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương (T.Ư) Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) bày tỏ băn khoăn khi số lượng đại diện cho doanh nghiệp chỉ có 10 người. “Đại hội Đảng toàn quốc vừa qua đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của đất nước. Nếu chúng ta muốn đổi mới đất nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển thì phải đưa doanh nhân vào QH nhiều hơn nữa”, ông Minh kiến nghị.

Băn khoăn của ông Minh cũng là băn khoăn của nhiều đại biểu tham dự Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu QH khóa XIV do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 16/2. Bởi trong 3 khóa QH trở lại đây, số lượng doanh nhân, đặc biệt là chủ doanh nghiệp tư nhân  tham gia nghị trường tăng mạnh. QH khóa XI chỉ có 22 đại biểu là doanh nhân, sang khóa XII tăng lên đến 26, khóa XIII tăng lên 38, trong đó có hàng chục đại biểu thuộc khối doanh nghiệp tư nhân.

Trao đổi với phóng viên, ông Hà Minh Sơn, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ QH, giải thích: Trong cơ cấu bầu cử QH XIII trước đây đưa ra định hướng đại biểu là doanh nhân rộng quá, bao gồm cả đại diện các hiệp hội doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp tư nhân ở nhiều lĩnh vực, dẫn đến số người tham gia nghị trường đông quá.

“Bên cạnh những mặt tích cực thì việc nhiều ông chủ doanh nghiệp tham gia nghị trường cũng đã tạo ra một số vụ việc không hay, trong đó đã có đến hai trường hợp bị bãi miễn. Vì thế, cơ cấu định hướng lần này đề xuất giảm mạnh các ông chủ doanh nghiệp, và chỉ đưa vào cơ cấu đại diện từ các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề. Như thế sẽ hạn chế được một số trục trặc có thể nảy sinh sau này”, ông Sơn nói.

Công nhận việc chỉ có 10 đại diện cho khối doanh nghiệp là ít, nhưng ông Cao Sĩ Kiêm (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam) cho rằng, việc lựa chọn, cơ cấu như thế nào cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng. Ông nói: “Khóa XIII chúng ta đưa vào quá nhiều người chủ doanh nghiệp nên đôi khi họ chỉ phục vụ cho bản thân doanh nghiệp đó, chứ chưa hẳn đã phục vụ cho cộng đồng. Thậm chí như QH khóa XIII, nhiều chủ doanh nghiệp vào nghị trường đã làm ảnh hưởng đến uy tín của QH, trong đó có hai người đã bị bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội vì có những vi phạm pháp luật”.

Tuy nhiên, theo ông Kiêm, nếu QH khóa XIV có thêm đại diện là chủ doanh nghiệp tư nhân trực tiếp thì vẫn tốt hơn, vì kinh tế tư nhân đang được xác định là “động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Chủ doanh nghiệp có quyền ứng cử

Theo ông Hà Minh Sơn, dù số lượng đại biểu là doanh nhân giảm, nhưng tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp ở nghị trường vẫn được đảm bảo thông qua các đại biểu từ các hiệp hội.

“Trong định hướng cơ cấu lần này, Ủy ban Thường vụ QH đề xuất tập trung lấy những người có tính đại diện cho các doanh nghiệp, tức là đại biểu ở các hiệp hội. Như thế, một đại biểu sẽ đại diện cho cả cộng đồng doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực. Ví dụ, ở TPHCM, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp về dệt may, thì đề xuất có đại biểu từ Hiệp hội Dệt may. Đại biểu đó sẽ không chỉ đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của một doanh nghiệp mà là hàng trăm doanh nghiệp dệt may trên địa bàn và trong cả nước”, ông Sơn nói.

Tương tự, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản, trong cơ cấu có 3 đại diện gồm: Hiệp hội Lương thực ở An Giang, Hiệp hội lĩnh vực nông nghiệp ở Bắc Ninh và Hiệp hội Thủy sản ở Cà Mau… “Tôi nghĩ định hướng cơ cấu như thế là hợp lý, vẫn bảo đảm được tính đại diện cho các cộng đồng doanh nghiệp”, ông Sơn nói.

Tuy nhiên, ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng, đại diện cho doanh nghiệp chỉ có 10 người là quá ít (2 doanh nghiệp nhà nước và các hiệp hội ngành nghề…). Trong cơ cấu đại biểu của MTTQ Việt Nam và các thành viên có 31 đại biểu. Cơ cấu định hướng đưa ra chỉ có 3 đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp gồm: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Tuy nhiên, qua thảo luận tại MTTQ Việt Nam, nhiều người đề nghị tăng thêm một đại biểu đại diện cho Hiệp hội Kinh tế biển.

“Kinh tế biển là lĩnh vực có nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, nhất là trong bối cảnh tình hình biển Đông có nhiều phức tạp. Vì thế, việc đề xuất có đại biểu đại diện cho lĩnh vực kinh tế biển là hoàn toàn hợp lý. Tôi nghĩ ở các địa phương, lĩnh vực khác cũng cần nghiên cứu để điều chỉnh tăng số lượng đại diện cho các doanh nghiệp một cách hợp lý hơn. Có như thế họ mới chuyển tải đến nghị trường đầy đủ những tâm tư, kiến nghị của doanh nghiệp”, ông Kiêm nói.

Theo ông Sơn, cơ cấu trên mới chỉ mang tính định hướng ban đầu và có thể thay đổi thời gian tới. Vì thế, các chủ doanh nghiệp tư nhân, nếu thấy mình đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì vẫn có thể tham gia ứng cử vào QH khóa XIV.

Dự kiến cơ cấu, thành phần 500 đại biểu QH khóa XIV:

* Các cơ quan Đảng: 11 đại biểu

* Cơ quan Chủ tịch nước: 3 đại biểu

* Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ: 18 đại biểu

* Bộ Quốc phòng (gồm cả Bộ trưởng): 15 đại biểu

* Bộ Công an (gồm cả Bộ trưởng): 3 đại biểu

* Lãnh đạo địa phương: 63 đại biểu

* Doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề: 10 đại biểu

* Người ngoài Đảng: 35 đại biểu

* Người dưới 40 tuổi: 50 đại biểu

*...