Bên mua hưng phấn cao, VN-Index tăng gần 20 điểm, dầu khí, ngân hàng dẫn sóng

0:00 / 0:00
0:00
Người mua chiều nay đã thay đổi chiến thuật, chấp nhận đẩy giá lên khi lượng bán ngày càng thấp. Độ rộng của VN-Index thay đổi rất nhanh và càng về cuối chỉ số càng tăng khỏe. GAS và CTG là hai đại diện kéo điểm nhiều nhất...
VN-Index tăng bứt phá chiều nay khi người mua nâng giá dần lên
VN-Index tăng bứt phá chiều nay khi người mua nâng giá dần lên

Người mua chiều nay đã thay đổi chiến thuật, chấp nhận đẩy giá lên khi lượng bán ngày càng thấp. Độ rộng của VN-Index thay đổi rất nhanh và càng về cuối chỉ số càng tăng khỏe. GAS và CTG là hai đại diện kéo điểm nhiều nhất.

Việc các cổ phiếu vốn hóa lớn đảo chiều và tăng mạnh hơn dĩ nhiên khiến VN-Index đi lên. Tuy nhiên hôm nay không phải là tình trạng kéo trụ, vì số lượng cổ phiếu tăng giá cũng rất tốt.

Cuối phiên sáng chỉ số vẫn phập phù và độ rộng chỉ là 202 mã tăng/235 mã giảm, khoảng 10 phút đầu phiên chiều, độ rộng đã cân bằng và càng về cuối phiên phía tăng càng áp đảo. Chốt phiên VN-Index có 318 mã tăng/153 mã giảm. Như vậy xu hướng tăng giá ở cổ phiếu phù hợp với hướng tăng cao dần của chỉ số.

Dĩ nhiên sức mạnh điểm số thì vẫn phải phụ thuộc vào các blue-chips. VN30 cuối phiên sáng giảm 0,17%, đóng cửa tăng 1,09%. Chỉ riêng thay đổi này cũng đã cho thấy sự cải thiện ở các cổ phiếu blue-chips. So với giá cuối phiên sáng, VN30 có 18 mã tăng thêm hơn 1%.

Hai cổ phiếu xuất sắc nhất là CTG và POW. CTG tăng so với phiên sáng tới 5,87% và đóng cửa kịch trần. POW cũng tăng thêm 6,1% và lên giá trần. Tính về sức mạnh điểm số thì GAS tăng cao thêm 2,46% so với phiên sáng và đóng cửa trên tham chiếu 5,04% là trụ mạnh nhất, kế tới là CTG. MSN tăng 3,77%, GVR tăng 4,13%, TCB tăng 3,3%, MWG tăng 3,87%... cũng là các mã cực khỏe.

HoSE kết phiên với 50 mã tăng kịch trần cho thấy sức nóng đang quay trở lại. Ngoài ra còn 147 mã khác ở sàn này đóng cửa tăng trên 2%. Phiên tăng còn thiếu trọn vẹn do VHM giảm 2,47%, VIC giảm 1,07%, SAB giảm 1,67%, NVL giảm 0,79%, VRE giảm 1,58%, thậm chí là VCB giảm 0,13%. Tuy nhiên số này cũng không khiến VN-Index mất nhiều điểm, chỉ là giảm bớt hưng phấn ở điểm số. Chẳng hạn các mã này nếu được “giật” về tham chiếu thì VN-Index có thể tăng thêm khoảng 3,5 điểm nữa.

Giá trị giao dịch thấp hôm nay một phần vì người bán cũng không xả hàng nhiều.

Giá trị giao dịch thấp hôm nay một phần vì người bán cũng không xả hàng nhiều.

Điểm thú vị là chiều nay thanh khoản còn kém hơn cả buổi sáng, hai sàn chỉ khớp được 4.703 tỷ đồng, riêng HoSE chỉ giao dịch thêm 4.292 tỷ đồng. Tuy nhiên diễn biến giá như mới nói ở trên, rõ ràng là mạnh mẽ hơn. Vì vậy, lý do duy nhất là bên bán đã không kiềm chế được giá nữa và bên mua thay đổi chiến thuật, chấp nhận mua cao hơn.

Thống kê ở HoSE cho thấy có tới 183/390 cổ phiếu có giao dịch hôm nay đã đảo chiều tăng rộng hơn 3% kể từ giá thấp nhất ngày. Đây là biên độ đủ lớn cho các giao dịch lướt sóng T0. Do cổ phiếu đảo chiều giá rất nhiều và rất mạnh, nên thanh khoản thấp phiên này không phải là điểm bất lợi.

VN-Index có được 19,61 điểm hôm nay tạo ấn tượng khá tốt về nhịp kiểm định đáy đang diễn ra. Tại đáy cũ thị trường đã không chịu áp lực bán thêm mà phục hồi khá mạnh cả về điểm số lẫn giá cổ phiếu. Điều này có thể củng cố sự tự tin, nhất là khi các thị trường thế giới vẫn chưa có gì tích cực một cách rõ ràng.

Khối ngoại chiều nay giải ngân thêm khoảng 637 tỷ đồng nữa trên sàn HoSE, đẩy mức mua tổng thể lên 1.415 tỷ đồng, chiếm gần 14% giá trị sàn. Mức bán ra đạt 1.062 tỷ đồng, tương đương mua ròng 352 tỷ. MWG vẫn là cổ phiếu được mua ròng lớn nhất với 118,3 tỷ đồng, STB 81,9 tỷ, CTG 68,1 tỷ, GAS 55,9 tỷ. Phía bán có NVL, VND quanh 30 tỷ đồng ròng.

Tin cùng chuyên mục