![]() |
Nếu kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định hiện hành đến hết ngày 31/12/2030, số thuế được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. Ảnh: Lê Tiên |
Trao đổi về đề xuất kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030, ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, việc kéo dài chính sách này với số tiền miễn khoảng 7,5 nghìn tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân và ngành nông nghiệp phát triển trong giai đoạn tới.
![]() |
Ông Nguyễn Thành Hưng |
Quá trình triển khai chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ năm 2001 đến nay có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Nông nghiệp, nông thôn và nông dân đóng vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào sự ổn định kinh tế và chính trị của đất nước. Thực tế, chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được thực hiện từ năm 2001 đến nay, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân, thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo và phát triển khu vực nông thôn.
Với quy định hiện hành tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14, thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn đến hết ngày 31/12/2025. Theo đó, hầu hết đất nông nghiệp được miễn thuế, đặc biệt là đất giao cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý và sản xuất nông nghiệp, trừ đất nông nghiệp được giao nhưng không trực tiếp sản xuất mà cho tổ chức, cá nhân khác thuê lại để sản xuất.
Số liệu tổng kết cho thấy, tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn, giảm giai đoạn 2001 - 2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011 - 2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021 - 2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.
Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng nhằm bảo đảm các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Đảng và Nhà nước, đồng thời thúc đẩy tích tụ đất đai theo các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ sửa đổi chính sách thuế, phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành sản xuất nông nghiệp phát triển trong thời gian tới.
Do đó, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được của việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tiếp tục khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, việc kéo dài thực hiện chính sách này trong 5 năm tới là cần thiết.
Việc tiếp tục thực hiện chính sách này đến hết năm 2030 tương ứng với bao nhiêu tiền được miễn giảm và ảnh hưởng như thế nào đến nguồn thu ngân sách nhà nước, thưa ông?
Với đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định hiện hành đến hết ngày 31/12/2030, số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030 sẽ không làm giảm thu do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế.
Qua đánh giá quá trình thực hiện chính sách này trong thời gian qua, số thu khác từ đất nông nghiệp rất nhỏ, chỉ khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm trong các năm 2022 và 2023. Số thu này chủ yếu dùng để bù đắp chi phí quản lý và sử dụng đất nông nghiệp tại các địa phương, chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khoảng 0,0057% tổng thu ngân sách nhà nước tính đến tháng 5/2023.
Qua đánh giá tại các địa phương, chính sách này không gặp vướng mắc lớn và được xem là phù hợp, cần thiết để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại Phiên họp thứ 44 ngày 15/4/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét để quyết định việc kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tờ trình của Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp dự kiến được báo cáo Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 9 trong tháng 5/2025.
Thực tế tại một số địa phương cho thấy, có tình trạng đất nông nghiệp được miễn thuế sử dụng đất nhưng lại bị bỏ hoang, điều này có đáng ngại không, thưa ông?
Đối với quản lý nhà nước về đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chung, các cơ quan quản lý đất đai tại địa phương cũng có nhiệm vụ quản lý trên địa bàn.
Tình trạng đất nông nghiệp không sử dụng cũng được quy định tại Luật Đất đai năm 2024. Theo quy định tại khoản 7, Điều 81 Luật Đất đai năm 2024, đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản không được sử dụng trong thời gian 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời gian 18 tháng liên tục, đất trồng rừng không được sử dụng trong thời gian 24 tháng liên tục và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì sẽ bị thu hồi.
Ngoài ra, Điều 103 Luật Đất đai năm 2024 quy định, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp bỏ hoang sẽ không bồi thường cho phần đất bị thu hồi. Đây là biện pháp nhằm khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thực tế, đất bỏ hoang không nhiều.