![]() |
Việc luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 sẽ đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, giảm chi phí hoạt động của ngân hàng, từ đó hỗ trợ giảm lãi suất và tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Ảnh: Minh Dũng |
Ban soạn thảo cho biết, một trong những cơ sở thực tiễn đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật Các TCTD là tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng, gây áp lực đối với lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt đặt trong bối cảnh năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Theo số liệu từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), đến cuối tháng 12/2024, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD ở mức 5,36%. Trong 2 tháng đầu năm nay, tỷ lệ nợ xấu lên mức 5,47%.
Sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu hết hiệu lực vào cuối năm 2023, các TCTD chủ yếu xử lý nợ xấu bằng trích lập dự phòng rủi ro. Đơn cử, năm 2024, tỷ lệ xử lý nợ xấu bằng việc trích từ dự phòng rủi ro trên 48%, nguồn khách hàng trả nợ trên 35%, chỉ có khoảng 17% xử lý bằng tài sản bảo đảm.
Mục đích ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD là tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, xử lý các vướng mắc đã và đang cản trở TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện các quyền hợp pháp của mình trong việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn cũng như tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, việc xây dựng chính sách để bảo đảm cân bằng giữa quyền lợi hợp pháp của TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ với các quyền hợp pháp của bên bảo đảm bằng tài sản, tránh tạo ra sự bất đối xứng giữa bên cho vay và bên đi vay.
Liên quan tới hoạt động xử lý nợ xấu, 3 nội dung được đề xuất tại Dự thảo Luật gồm: luật hóa quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm; luật hóa quy định về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; luật hóa quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự và bổ sung quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA, việc sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD lần này, trong đó có vấn đề xử lý nợ xấu sẽ hỗ trợ tích cực cho các ngân hàng thu hồi nợ, giảm tỷ lệ nợ xấu, từ đó có cơ hội giảm chi phí của ngân hàng, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, có tác dụng nâng cao ý thức khách hàng trong trả nợ, tránh tình trạng chây ỳ xảy ra kể từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực. Mặt khác, nếu nợ xấu được xử lý bằng tài sản bảo đảm thì khoản dự phòng rủi ro dùng xử lý nợ xấu ở mức 600 nghìn tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế, đồng thời, cải thiện năng lực tài chính của hệ thống các TCTD.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, việc sửa Luật Các TCTD là rất cần thiết, đặc biệt là luật hóa một số nội dung của Nghị quyết số 42/2017/QH14 với điểm mấu chốt, quan trọng nhất là cho phép các TCTD được quyền thu giữ tài sản thế chấp.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, những điểm sửa đổi liên quan đến tài sản bảo đảm tại Dự thảo Luật sẽ giải quyết các vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu, đồng thời hài hòa hóa giữa việc bảo vệ quyền chủ nợ của TCTD với việc thực thi các bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Những thay đổi này sẽ đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu và giảm chi phí hoạt động của các TCTD, từ đó hỗ trợ việc giảm lãi suất cũng như tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế; đồng thời tăng ý thức trách nhiệm của bên đi vay.
Theo ông Lực, việc TCTD được quyền chủ động thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ thay vì phải khởi kiện ra tòa án và chờ tổ chức thi hành án sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí cho các bên có liên quan cũng như tiết kiệm, giảm lãng phí nguồn lực xã hội. Bên cạnh đó, việc luật hóa quy định thu giữ tài sản bảo đảm cũng có tính chất răn đe đối với bên vay, tạo ý thức phối hợp hơn trong việc trả nợ/xử lý tài sản bảo đảm, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật của các doanh nghiệp, cá nhân có liên quan.