Sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước: Linh hoạt, chủ động trong phân bổ nguồn lực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) được đánh giá cao với các quy định mới về tăng phân cấp, phân quyền cho địa phương, tạo sự chủ động, linh hoạt trong quản lý ngân sách. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế phân chia tỷ lệ nguồn thu hợp lý, hài hòa để bảo đảm cân đối ngân sách. Dự thảo Luật dự kiến sẽ được thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 26/5 và biểu quyết thông qua vào ngày 15/6.
Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) được đánh giá cao với các quy định mới về tăng phân cấp, phân quyền cho địa phương, tạo sự chủ động, linh hoạt trong quản lý ngân sách. Ảnh minh họa: TL
Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) được đánh giá cao với các quy định mới về tăng phân cấp, phân quyền cho địa phương, tạo sự chủ động, linh hoạt trong quản lý ngân sách. Ảnh minh họa: TL

Thay đổi phương thức phân chia nguồn thu

Về phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP), Dự thảo Luật bổ sung quy định thay đổi căn bản phương thức phân chia so với Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 đối với các khoản thu phân chia thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, tỷ lệ phân chia được quy định theo từng nhóm địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng. Ban soạn thảo cho biết, quy định này nhằm bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW và chủ động của NSĐP trong xác định nguồn lực giữa NSTW và NSĐP hàng năm và trong trung hạn.

Đánh giá về quy định này, tại báo cáo thẩm tra Dự án Luật NSNN (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội (KTTC) cơ bản nhất trí với việc thay đổi phương thức phân chia nguồn thu giữa NSTW và NSĐP. Tuy nhiên, theo Ủy ban KTTC, việc đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu cần được đánh giá thận trọng trên cơ sở bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW theo quy định của Hiến pháp. Đồng thời phải phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh sắp xếp bộ máy, địa giới hành chính, việc phân cấp quản lý kinh tế - xã hội cho từng cấp chính quyền địa phương sẽ có sự thay đổi trong thời gian tới. Căn cứ phân cấp quản lý kinh tế - xã hội được quyết định, việc phân cấp nguồn thu phải phù hợp với phân cấp nhiệm vụ chi của từng cấp, bảo đảm nguồn lực triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

Về tỷ lệ phân chia, để bảo đảm việc linh hoạt trong trường hợp có biến động lớn hoặc có chênh lệch lớn về số thu, chi NSNN giữa các địa phương, không phải trình Quốc hội sửa Luật, đa số ý kiến tại Ủy ban KTTC nhất trí với phương án chỉ quy định trong Dự thảo Luật về nguyên tắc, các nguồn thu phân chia. Giao Chính phủ xây dựng phương án về tỷ lệ phân chia trình Quốc hội xem xét, quyết định, điều chỉnh.

Đồng tình với việc phân cấp nguồn thu giữa NSTW và NSĐP, song Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc phân cấp, phân quyền cần lưu ý đến một số vấn đề liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, tiền tệ, những vấn đề cốt lõi thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp…

Theo ông Vũ Hồng Thanh, cần có cơ chế phân chia tỷ lệ nguồn thu hợp lý, hài hòa để bảo đảm cân đối ngân sách. Tuy nhiên, các địa phương cần chia sẻ với Trung ương vì nếu không, NSTW không có khả năng đáp ứng nhu cầu đầu tư cho các công trình lớn cũng như kết nối vùng trong thời gian tới như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đồng tình với các nội dung sửa đổi, trong đó có quy định về nguyên tắc quản lý NSNN. Tuy nhiên, bà Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một số nguyên tắc như: mọi hoạt động quản lý NSNN phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về ngân sách, kế toán, kiểm toán và các văn bản pháp luật có liên quan; bảo đảm nguyên tắc quản lý NSNN có tính tương đối ổn định.

Tạo điều kiện cho địa phương tăng cường quản lý

Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) cũng bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh được phép ban hành một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục của Luật Phí và lệ phí đã quy định.

Đồng tình với quy định này, đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) cho rằng, đây là cơ chế cần thiết giúp địa phương tăng nguồn thu, đáp ứng yêu cầu chi trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền hai cấp.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban KTTC cũng cơ bản nhất trí với Dự thảo Luật nhằm tạo điều kiện cho địa phương có công cụ tăng cường chức năng quản lý nhà nước tại địa bàn, đồng thời có thêm nguồn thu ngân sách trên địa bàn; bổ sung nguồn lực cần thiết đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chi của địa phương.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, tránh ảnh hưởng đến đời sống của người dân, Ủy ban KTCC đề nghị bổ sung một số quy định. Đó là, ban hành một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục của Luật Phí và lệ phí phải “bảo đảm có lộ trình phù hợp với khả năng và yêu cầu phát triển của địa phương, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành, nghề ưu đãi đầu tư; không gây ra tiêu cực, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ, thực hiện điều tiết hợp lý đối với một số hàng hóa, dịch vụ và nguồn thu nhập hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; bảo đảm công khai, minh bạch, cải cách hành chính nhà nước”.

Đồng thời, cần có quy định về việc bổ sung thẩm quyền quy định mức thu đối với các khoản phí, lệ phí mới do địa phương ban hành; bổ sung điều khoản chuyển tiếp để sửa đổi nội dung này tại Điều 4, Điều 25 Luật Phí và lệ phí hiện hành để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tin cùng chuyên mục