![]() |
Tính đến hết tháng 3/2025, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,56 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024. Ảnh: Lê Tiên |
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết tháng 3/2025, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,56 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024 (hơn 1,3 triệu tỷ đồng), tương ứng mức tăng 20%. Đà tăng của tín dụng kinh doanh bất động sản đang vượt xa mức tăng chung. Cụ thể, đến ngày 18/4/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,28 triệu tỷ đồng, tăng 4,27% so với cuối năm 2024, tăng 18,25% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ năm 2024, dư nợ tín dụng tăng 1,48% so với tháng 12/2023).
Từ góc độ các ngân hàng thương mại, báo cáo tài chính quý I/2025 của một số nhà băng ghi nhận đà tăng tín dụng kinh doanh bất động sản tích cực và lĩnh vực kinh doanh này cũng chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng.
Tại Ngân hàng Techcombank, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản đến cuối quý I/2025 ở mức hơn 214,7 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 34% tổng dư nợ tín dụng và tăng 20,6% so với cuối năm 2024.
Tại Ngân hàng VPBank, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản đến cuối quý I/2025 ở mức gần 186 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 25% tổng dư nợ và giảm 0,5% so với cuối năm 2024.
Tại Ngân hàng SHB, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản đến cuối quý I/2025 là hơn 141 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,4% tổng dư nợ, tăng 11,3% so với cuối năm 2024.
Dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tại Ngân hàng HDBank đạt 68,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,8% tổng dư nợ tín dụng, tăng 17,2% so với cuối năm 2024…
Theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM, đà tăng của tín dụng bất động sản từ đầu năm đến nay phù hợp với diễn biến ấm lên của thị trường bất động sản dù mức độ phục hồi chưa đồng đều và giá bất động sản vẫn ở mức cao so với khả năng chi trả của nhiều người dân. “Thị trường bất động sản ấm lên nhờ các giải pháp tháo gỡ khó khăn đã dần có tác dụng. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ người mua nhà được triển khai, nhiều ngân hàng tung các gói cho vay mua nhà với lãi suất rất hấp dẫn”, ông Linh chia sẻ.
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, sau giai đoạn trầm lắng, thị trường bất động sản đã có tín hiệu phục hồi tích cực nên dư nợ tín dụng bất động sản tăng mạnh song chưa đến mức “quá nóng”. Thị trường bất động sản ở một số phân khúc và địa phương còn chịu lực đẩy đáng kể từ các chính sách hỗ trợ tích cực và thông tin sáp nhập tỉnh, thành .
Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường địa ốc có dấu hiệu phục hồi nhẹ và mới vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Tuy nhiên, giá nhà đang neo ở mức cao, chưa có dấu hiệu giảm rõ rệt. Dự kiến, đến năm 2026 - 2027 mới có thêm nguồn cung nhà ở thương mại phân khúc trung bình.
Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường bất động sản vẫn mất cân đối về cơ cấu nguồn cung, giá tăng cao nên chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người dân. Nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, thời gian thực hiện trình tự, thủ tục kéo dài. Một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn triển khai dự án.
Tại cuộc họp với Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp bất động sản cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, mặc dù đã có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng của thị trường bất động sản vẫn không thể so sánh với giai đoạn trước đó, kéo theo ảnh hưởng tới toàn bộ hệ sinh thái đầu tư và kinh doanh liên quan.
Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng và Bộ Công an phối hợp đánh giá nợ xấu liên quan đến bất động sản, có giải pháp xử lý phù hợp để bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng. Đơn cử, đối với doanh nghiệp bất động sản không còn khả năng phục hồi thì cần tính đến phương án xử lý tài sản thế chấp, như bán lại, hoặc chuyển giao cho nhà đầu tư mới có năng lực, thậm chí chuyển thành dự án nhà ở xã hội.
Về xu hướng của thị trường bất động sản trong thời gian tới, giới phân tích cho rằng, triển vọng thị trường đang được nâng đỡ bởi các yếu tố quan trọng như Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và chính sách quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Cùng với đó, đầu tư hạ tầng đồng bộ đang mở ra những vùng đất tiềm năng mới.
Theo TS. Châu Đình Linh, để thị trường bất động sản phát triển tích cực và dòng vốn tín dụng bất động sản lành mạnh, cần tiếp tục các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trên thị trường, đẩy nhanh gói tín dụng nhà ở xã hội trị giá 120 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, chú trọng giám sát các ngân hàng có tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản ở mức cao.
TS. Nguyễn Hữu Huân thì lưu ý: “Dù các ngân hàng đều có chiến lược phân bổ tín dụng theo định hướng kinh doanh và giải pháp quản lý rủi ro, song tỷ trọng tín dụng dành cho bất động sản quá lớn và kéo dài cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực dành cho các lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế. Do đó, cần đẩy nhanh thực thi các gói tín dụng cho những lĩnh vực khác, như gói 500 nghìn tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược. Tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ tín dụng tích cực cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu để thúc đẩy dòng tín dụng lành mạnh và hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững”.