Luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm: Cần lường hết các rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khi phát sinh nợ xấu, người đi vay có thể tạo tranh chấp giả nhằm tránh bị xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ). Tổ chức tín dụng (TCTD) có thể kiếm cớ để dừng giải ngân đột ngột khiến doanh nghiệp (DN) gặp khó, dẫn đến phát sinh nợ xấu và ngân hàng tiến hành thu giữ TSBĐ. Đây là các trường hợp có thể phát sinh trong thực tiễn khi quyền thu giữ TSBĐ được áp dụng để xử lý nợ xấu.
Việc chỉnh lý quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 cần cân nhắc lợi ích không chỉ của tổ chức tín dụng mà cả các bên có liên quan. Ảnh: Tiên Giang
Việc chỉnh lý quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 cần cân nhắc lợi ích không chỉ của tổ chức tín dụng mà cả các bên có liên quan. Ảnh: Tiên Giang

Do đó, nhiều ý kiến đề xuất cần có quy định bảo đảm quyền và lợi ích của các bên trong hoạt động cho vay dựa trên TSBĐ, tránh tình trạng cơ chế cho vay chỉ quan tâm đến TSBĐ mà bỏ qua các quy định về giải ngân của TCTD.

Trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD (Dự thảo Luật) tại Quốc hội ngày 20/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, Luật được xây dựng nhằm tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu. Trong đó, việc luật hóa 3 quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 (quy định về thu giữ TSBĐ, kê biên TSBĐ, hoàn trả vật chứng của vụ án hình sự) là vô cùng cấp thiết để bảo đảm cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định nhằm gia tăng hiệu quả xử lý nợ xấu, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho DN, người dân, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Dự thảo Luật quy định, TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ được quyền thu giữ TSBĐ. Việc thu giữ TSBĐ chỉ được thực hiện trong trường hợp hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu khi phải xử lý theo quy định của pháp luật. Dự thảo Luật cũng quy định, việc thu giữ TSBĐ không phải là việc thu giữ đơn phương, vô điều kiện mà phải tuân thủ phạm vi, giới hạn, điều kiện thu giữ.

Tán thành với sự cần thiết phải luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật của Ủy ban Kinh tế và Tài chính (KTTC) vẫn bày tỏ lo ngại về một số trường hợp có thể lợi dụng chính sách này, gây khó cho TCTD hoặc người vay.

Ủy ban KTTC cho rằng, việc thu giữ TSBĐ không phải là quyền đương nhiên, mà phải được thiết lập thông qua điều khoản trong hợp đồng được ký kết giữa các bên, bảo đảm nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong giao dịch dân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban KTTC Phan Văn Mãi cho biết, thực tiễn nhiều trường hợp xử lý TSBĐ liên quan đến quyền lợi của bên thứ ba, nhất là trong các trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Trong trường hợp này, nếu khoản tín dụng được cấp sai quy định mà vẫn cho phép áp dụng quyền thu giữ TSBĐ sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba, dễ dẫn đến phát sinh tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện. Do đó, đề nghị cân nhắc có phương án xử lý phù hợp để tránh việc các TCTD dựa vào quyền thu giữ TSBĐ để nới lỏng điều kiện cho vay, thẩm định tín dụng, dẫn tới việc ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bên có liên quan khi xử lý TSBĐ.

Theo Báo cáo của Ban soạn thảo, trên cơ sở ý kiến của các TCTD, Dự thảo Luật không quy định điều kiện về TSBĐ được quyền thu giữ: “TSBĐ không phải là tài sản tranh chấp” như tại Nghị quyết số 42 nhằm tránh trường hợp khách hàng có thể phối hợp với bên thứ ba tạo ra tranh chấp và đưa sự việc ra giải quyết tại Tòa án.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc chỉnh lý quy định của Nghị quyết số 42 cần được xây dựng trên cơ sở cân nhắc lợi ích không chỉ của TCTD mà cả các bên có liên quan; đồng thời, vướng mắc như trên có thể được xem xét khắc phục bằng cách quy định chi tiết nội hàm tranh chấp và phương thức xác định tài sản có phải đang có tranh chấp hay không.

Bên cạnh đó, Ủy ban KTTC đề nghị rà soát các điều kiện về việc phải có hợp đồng bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý TSBĐ theo quy định. Tuy nhiên, cần nghiên cứu có biện pháp phòng tránh trường hợp TCTD đặt điều kiện bắt buộc khách hàng phải đồng ý điều khoản về quyền thu giữ TSBĐ mới ký hợp đồng cấp tín dụng. Thực tế bên đi vay khó có thể “thỏa thuận” khách quan, công bằng và dễ “bị ép”.

Có ý kiến đề nghị cần có quy định kiểm soát quá trình cho vay, giải ngân liên tục, bảo đảm nguồn tiền cung ứng cho dự án vay vốn, tránh trường hợp các TCTD dừng việc cho vay, giải ngân vốn đột ngột, ảnh hưởng đến dự án đang trong quá trình hình thành, xây dựng, dẫn đến phát sinh nợ xấu và phải thực hiện thu giữ TSBĐ.

Thảo luận tại tổ chiều 20/5 về nội dung Dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đồng tình với việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42, song cần lường trước các rủi ro với việc thu giữ TSBĐ để có quy định phù hợp, bảo vệ lợi ích của các bên.

Theo đó, việc phê duyệt hồ sơ vay tín dụng cần căn cứ trên nhiều yếu tố khác như phương án kinh doanh khả thi, dòng tiền trả nợ. Do đó, nếu chỉ cần có thỏa thuận giữa người vay và người cho vay về việc thu giữ TSBĐ thì người vay có thể chấp nhận mọi điều kiện để được cho vay, TCTD chỉ cần xem xét có TSBĐ là xem xét giải ngân cho vay trong mọi hoàn cảnh và cho vay tùy tiện. Do đó, ông Cường đề xuất, cần thêm điều kiện là khoản vay tín dụng không vi phạm các quy định về cấp tín dụng của TCTD, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên.

Mặt khác, về quy định TSBĐ đang tranh chấp và không được thu hồi, theo ông Cường, cần quy định về thời điểm phát sinh tranh chấp. Theo đó, nếu thời điểm phát sinh tranh chấp sau khi TCTD đã ra yêu cầu kê biên để thu hồi thì không hiệu lực, tránh tình trạng sau khi ngân hàng ra quyết định thu giữ TSBĐ thì các bên tìm cách phát sinh tranh chấp để tránh bị thu hồi TSBĐ.

Tin cùng chuyên mục