![]() |
Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Ảnh: Tiên Giang |
Đã giảm hơn 133 nghìn tỷ đồng thuế VAT
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2026 sẽ được thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 28/5 và dự kiến được biểu quyết thông qua vào ngày 17/6.
Trong giai đoạn từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2025, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10% (còn 8%), trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Số tiền giảm thuế VAT để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong các năm 2022, 2023, 2024 và 3 tháng đầu năm 2025 lần lượt là 51,4 nghìn tỷ đồng, 23,4 nghìn tỷ đồng, 49 nghìn tỷ đồng và 9,3 nghìn tỷ đồng.
Để góp phần tạo động lực phát triển cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT trong năm 2025 và năm 2026.
Tờ trình Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng nêu rõ điều chỉnh đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế TTĐB (trừ xăng) trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026.
Trong đó, mở rộng đối tượng được giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho mục đích tiêu dùng trực tiếp của người dân, nguyên liệu đầu vào sản xuất hàng hóa tiêu dùng trực tiếp cho người dân, gồm: sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, than ở khâu nhập khẩu và than bán ra ở khâu kinh doanh thương mại, xăng, dầu.
Thúc đẩy tiêu dùng, tạo động lực tăng trưởng
Theo PGS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, từ những kết quả đạt được, có thể đánh giá rằng, chính sách giảm thuế VAT 2% đã góp phần giảm giá thành sản phẩm, dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
“Việc việc tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế VAT, áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026, mở rộng nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế cho thấy Chính phủ đang thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Nếu được triển khai hiệu quả, chính sách này không chỉ kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn mà còn tạo động lực tăng trưởng bền vững trong dài hạn”, ông Long nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín cho rằng, kéo dài chính sách giảm thuế VAT là rất cần thiết cho nền kinh tế nếu ngân sách nhà nước bảo đảm nguồn thu chi. Theo đó, trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự phục hồi, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn hạn chế và đời sống của người dân vẫn còn khó khăn thì việc tiếp tục giảm thuế VAT 2% sẽ hỗ trợ người dân, DN về tài chính, đồng thời, thể hiện sự chia sẻ và "khoan thư sức dân" của Nhà nước.
Theo ông Được, VAT là thuế gián thu, cấu thành trong giá bán của hàng hóa dịch vụ. Do đó, khi giảm thuế VAT 2% thì về mặt lý thuyết, giá sẽ giảm tương ứng 2%, nhờ đó, người tiêu dùng mua được nhiều hàng hóa và dịch vụ với mức giá rẻ hơn nên sẽ làm tăng sức mua. Khi người dân mua được nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn, doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn, tăng tính thanh khoản, gia tăng sản lượng sản xuất.
Về các nhóm đối tượng không thuộc diện giảm thuế VAT, ông Được cho rằng, chính sách cần đến đúng đối tượng, các nhóm không được giảm thuế tại Dự thảo Nghị quyết là những nhóm có ưu thế tốt về tăng trưởng, cần chia sẻ với nền kinh tế.
Thảo luận ở tổ ngày 21/5, Dự thảo Nghị quyết nhận được sự đồng thuận cao từ các đại biểu Quốc hội. Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đánh giá đây là chính sách tài khóa quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, việc giảm thuế VAT giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và dịch vụ, từ đó tăng khả năng cạnh tranh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.