Bệnh cục bộ vẫn đang phát tác

(BĐT) - Theo thông tin của Tổ công tác Thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, tình trạng ban hành điều kiện kinh doanh không đúng thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước và các bộ, ngành hầu như vẫn diễn ra như bình thường sau ngày 1/7/2015. Thậm chí cho đến nay, vẫn có bộ tiếp tục soạn thảo và chuẩn bị ban hành các điều kiện trái phép.
Nhiều cơ quan yêu cầu DN phải có xác nhận ngành nghề đang kinh doanh trong khi luật đã bỏ. Ảnh: Tất Tiên
Nhiều cơ quan yêu cầu DN phải có xác nhận ngành nghề đang kinh doanh trong khi luật đã bỏ. Ảnh: Tất Tiên

Cơ quan quản lý vẫn làm khó doanh nghiệp

Tại cuộc họp mới đây nhất của của Tổ công tác, vấn đề này một lần nữa lại được nhắc lại. “Tổ công tác rất cần sự tham gia của doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN, cũng như qua kênh báo chí để phát hiện, tạo sức ép đủ mạnh và cần thiết để thay đổi tư duy, nhận thức của các bộ, ngành, bảo đảm thực thi pháp luật nghiêm minh và trách nhiệm quản lý nhà nước”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Trưởng ban thư ký Tổ công tác Thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, khẳng định.

Theo ông Cung, đây là vấn đề khá dai dẳng bởi tư duy của các bộ là vẫn “cứ theo đúng thói quen, vấn đề và lề lối của mình”. Vì vậy, muốn thay đổi nhận thức của các cơ quan này, cần xác định là phải làm trong dài hạn để vừa giám sát, vừa tạo áp lực bên ngoài. Còn trước mắt, vấn đề mà Tổ công tác muốn tập trung giải quyết ngay là những vướng mắc chủ yếu do nhận thức gây cản trở cho công tác triển khai. Đơn cử như vấn đề đăng ký kinh doanh, khi ngành nghề đăng ký kinh doanh không còn là nội dung đăng ký, thì về bản chất thể hiện quyền kinh doanh là quyền đương nhiên của người dân, không phải đăng ký nếu luật không cấm.

“Tôi thông báo để giúp Nhà nước biết tôi đang làm gì, các bên liên quan biết tôi đang làm gì, vì lợi ích của tôi nên tôi sẽ làm và luật pháp tạo điều kiện cho tôi làm việc đó. Vậy mà cơ quan quản lý và các bên liên quan lại nghiễm nhiên coi đây như là điều người dân và DN bắt buộc phải làm và gây khó khăn khi không có đủ chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ví dụ như trường hợp thực tế mà nhiều DN vẫn đang gặp phải là khi không ghi ngành nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thì đến ngân hàng họ lại yêu cầu phải có xác nhận đang kinh doanh ngành nghề đó, đến chủ đầu tư dự án hay cơ quan khác cũng đòi. Đáng lẽ các cơ quan này muốn biết thì có thể vào Cổng thông tin đăng ký DN để biết, hoặc là để cho người dân và DN tiếp cận được vào hệ thống và in được ra để cung cấp cho ai cần. Đáng tiếc là Việt Nam chưa làm được như vậy”, ông Cung bức xúc.

“Giải pháp cho việc này tới đây vẫn là tuyên truyền và cả phê bình những nơi chưa làm đúng quy định. Song hành là nâng cấp hệ thống thông tin... đáp ứng nhu cầu về thông tin, giảm tải cho phòng đăng ký kinh doanh. Luật đã quy định rõ và sẽ không có lý do gì để không thực thi. Công việc của Tổ công tác là bảo đảm thực thi đúng quy định. Còn việc chuẩn bị cụ thể là việc của các bộ, ngành liên quan”, vị Trưởng Ban thư ký Tổ công tác cương quyết nhấn mạnh.

Quy định ngành ngáng chân luật

Bên cạnh đó, cũng theo báo cáo của Tổ Công tác, tình trạng các văn bản pháp luật được ban hành trước thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực thậm chí cho đến nay đã được 8 tháng triển khai Luật song vẫn chưa được các bộ, ngành điều chỉnh hoàn thiện để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với những cải cách của Luật Đầu tư. Gần đây, Tổ công tác đã nhận được khá nhiều than phiền của các nhà đầu tư về việc nhiều quy định trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi thực tế không được thực hiện vì quy định chuyên ngành chưa sửa. Hệ lụy đáng lo ngại của việc chậm trễ này là các thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đã bị dừng lại do Nghị định số 23/2007/NĐ-CP vẫn đang có hiệu lực, yêu cầu cơ quan đăng ký đầu tư phải lấy ý kiến của Bộ Công Thương và chỉ cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa nếu được Bộ Công Thương chấp thuận bằng văn bản.

“Điều này thể hiện sự lưỡng lự trong áp dụng pháp luật. Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng thi hành Luật Đầu tư đã phủ định yêu cầu về hồ sơ thủ tục liên quan đến lĩnh vực này của Nghị định 23/2007/NĐ-CP. Một số cơ quan đăng ký kinh doanh đã thực hiện theo Nghị định 118, nhưng đa phần không thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu là do không thống nhất cách hiểu và thực thi luật, dẫn đến không dám thực hiện theo quy định, song cũng có trường hợp phải thực hiện theo chỉ đạo của ngành, gây bức xúc cho DN, nhà đầu tư khi những đổi mới của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư không thực hiện được vì những quy định cũ và cách ứng xử của công chức trong thực thi pháp luật. Về vấn đề này, Tổ công tác sẽ đề xuất Tổ trưởng trình xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng quan điểm của tôi là phải thực hiện theo luật”, ông Cung khẳng định.