Bệnh nhân điêu đứng vì chờ thuốc, vật tư y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ địa phương tới Trung ương, từ công sang tư, từ tuyến cơ sở cho đến bệnh viện tuyến cuối - đầu ngành, đâu đâu cũng gặp cảnh thiếu thuốc, vật tư, hóa chất (VTHC), trang thiết bị y tế (TTBYT). Bệnh nhân có thẻ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) phải bỏ tiền túi mua thuốc, vật tư bên ngoài, thậm chí không có hàng để mua, chờ đợi ngày này qua tháng khác. Công điện của Thủ tướng cần được thực hiện nhanh chóng để giải phóng người dân khỏi tình trạng khó khăn này.
Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang rất khó khăn trong việc mua thuốc điều trị. Ảnh minh họa: PV
Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang rất khó khăn trong việc mua thuốc điều trị. Ảnh minh họa: PV

Bác Lê Xuân Thảo, 73 tuổi ở Ninh Bình chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, 4 tháng trở lại đây, mỗi tháng bác phải chi trả tiền túi vài triệu đồng để đi xét nghiệm bên ngoài. Là bệnh nhân bị nhiều bệnh nền như: tiểu đường, tim mạch (đã can thiệp đặt stent), hạ đường huyết…, bác Thảo phải làm nhiều xét nghiệm, trong đó có xét nghiệm máu. Mặc dù là cán bộ hưu trí thuộc diện được hưởng 100% chi phí KCB BHYT, nhưng khi đi khám ở bệnh viện Tỉnh, bác sĩ chỉ định đi xét nghiệm ở các cơ sở y tế tư nhân vì Bệnh viện hết VTHC chuyên sâu. Do bệnh tình chuyển nặng, bác Thảo được chuyển lên tuyến trên (Bệnh viện Bạch Mai) để tiếp tục điều trị theo diện cấp cứu. Tuy nhiên, nghe báo đài phản ánh tại các bệnh viện tuyến cuối, VTHC được ưu tiên cho hoạt động cấp cứu, mổ luân phiên nhưng cũng chỉ cầm cự được một thời gian ngắn, bác Thảo càng lo lắng, thấp thỏm.

Không chỉ VTHC, tình trạng thiếu thuốc cũng chưa được giải quyết dứt điểm. Mới đây, Bộ Y tế đã phê duyệt gần 9.000 thuốc và nguyên liệu làm thuốc được gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo Nghị quyết 80/2023/QH15. Tuy nhiên, trên thực tế, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đấu thầu, không ít bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vẫn chưa hết khó khăn trong việc mua thuốc điều trị.

Theo lời anh N.V.H - người nhà của một bệnh nhân ở Hà Nội, bệnh nhân này điều trị bệnh động kinh, tim mạch, huyết áp… được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc Depakine 200mg/ml liên tục trong hơn 2 năm để tránh co giật và chỉ sử dụng được dạng thuốc siro qua ống xông... Tuy nhiên, từ tháng 7/2022 đến nay, dù tới nhà thuốc trong hay ngoài bệnh viện, các chợ thuốc trên địa bàn TP. Hà Nội như Giảng Võ, Láng Hạ… cho đến các nhà thuốc trên Internet, người nhà bệnh nhân này vẫn không mua nổi 1 lọ thuốc. Trước đây, giá mỗi lọ thuốc là từ 85.000 - 100.000 đồng, bây giờ tăng hơn gấp 3 lần nhưng cũng không có sẵn hàng, phải tiếp tục chờ.

“Mỗi lần đi mua thuốc về tay không, nhìn mẹ mà chảy nước mắt, tôi thấy hoàn toàn bất lực. Nếu cứ kéo dài tình trạng thiếu thuốc, không biết bệnh tình của mẹ tôi sẽ ra sao?”, anh N.V.H lo lắng.

Theo nhiều ý kiến, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có cả yếu tố khách quan và chủ quan như: nhu cầu gia tăng; đứt gãy chuỗi cung ứng vì hồ sơ đăng ký gia hạn và cấp phép lưu hành bị tồn đọng; cơ chế tự chủ tài chính; giá dịch vụ KCB chưa phù hợp; bất cập trong quy trình mua sắm, đấu thầu…

Theo Sở Y tế TP. Cần Thơ, gần đây, lượng bệnh nhân đổ về Thành phố KCB tăng đột biến làm ảnh hưởng đến kế hoạch dự trù, mua sắm thuốc. Trong khi đó, các văn bản quy phạm pháp luật đối với công tác mua sắm thuốc, VTHC, TTBYT còn nhiều bất cập, chồng chéo; việc giải quyết thủ tục mua sắm của cơ quan có thẩm quyền còn chậm. Một số giấy đăng ký lưu hành thuốc, VTHC, TTBYT hết hạn; kết quả đấu thầu không đầy đủ theo danh mục… khiến bệnh viện phải sử dụng hết lượng dự trữ, dẫn tới không chủ động được số lượng và thời gian mua.

Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, các nhà cung cấp e ngại cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do nợ đọng dây chuyền từ việc thanh toán BHYT, giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu và thanh toán phức tạp, số lượng dự trù ít và giá trị thấp…

Ngay sau Hội nghị Triển khai công tác y tế năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và cơ sở KCB phải triển khai quyết liệt các giải pháp cần thiết để bảo đảm đủ thuốc, TTBYT phục vụ KCB và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo Chính phủ đưa ra “tối hậu thư” với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan để hướng dẫn các đơn vị, cơ sở y tế, địa phương thực hiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, TTBYT trong quý I/2023. “Tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, kéo dài không dám chịu trách nhiệm”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Trong đó, Bộ Y tế có trách nhiệm khẩn trương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý trong mua sắm, đấu thầu thuốc, TTBYT; rà soát, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà, khó khăn cho việc thực hiện thủ tục mua sắm; đẩy nhanh tiến độ cấp phép lưu hành đối với thuốc, TTBYT; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp kinh doanh thuốc, TTBYT thực hiện theo pháp luật.

Tin cùng chuyên mục