Biến khát vọng thành hiện thực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thời gian qua, Quảng Ngãi đã không ngừng phát huy các tiềm năng, thế mạnh, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội (KTXH). Đặc biệt, trong năm 2022, với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, Tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, được đánh giá là một trong những địa phương nổi bật trên cả nước.
Cầu Cổ Lũy trên tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh được đầu tư theo định hướng quy hoạch hướng biển và đẩy mạnh kinh tế biển. Ảnh: Minh Trang
Cầu Cổ Lũy trên tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh được đầu tư theo định hướng quy hoạch hướng biển và đẩy mạnh kinh tế biển. Ảnh: Minh Trang

Điểm sáng nổi bật

Năm 2022, Quảng Ngãi hoàn thành thắng lợi toàn bộ 25 chỉ tiêu KTXH chủ yếu, trong đó có 14 chỉ tiêu vượt so với Nghị quyết HĐND Tỉnh đề ra. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 8,08%; quy mô nền kinh tế đạt 121,668 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 2/5 tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thứ 4/14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và đứng thứ 18/63 tỉnh, thành trên cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay với gần 34 nghìn tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Trung ương giao gần 80%. Đặc biệt, 3 tháng đầu năm 2023, trái ngược với dự báo kinh tế địa phương có khả năng giảm sâu, thu nội địa của Quảng Ngãi vẫn ở mức 5.280 tỷ đồng, đạt 35% dự toán Trung ương, 34% dự toán Tỉnh, bằng 95,1% so với cùng kỳ 2022.

Theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, những thành quả này đến từ quyết tâm gỡ vướng, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, cải cách hành chính của địa phương. Nhờ sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, năm qua Quảng Ngãi được Trung ương đánh giá là một trong những điểm sáng nổi bật trên cả nước.

Cùng với thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, công tác tổ chức lập quy hoạch, nhất là các quy hoạch quan trọng, gồm: Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 được ưu tiên triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng, khoa học và khả thi. Đây được xem là công cụ cực kỳ quan trọng để định hướng, tạo hành lang cho sự phát triển của Tỉnh trong giai đoạn tới.

Đến nay, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất đã được Chính phủ phê duyệt. Tỉnh đang chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong triển khai thủ tục để xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia. Phối hợp xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi nội vùng và liên vùng; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp và các cảng hàng không, cảng biển, nhất là đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi để kết nối các địa phương trong vùng.

Bên cạnh đó, Quảng Ngãi xác định phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với 3 dòng sản phẩm chủ đạo là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Trong đó, du lịch biển đảo được xác định là mũi nhọn mà Lý Sơn là trung tâm, trọng điểm, trở thành điểm tham quan nổi tiếng thu hút du khách trong nước và quốc tế. Ðồng thời, Tỉnh tiếp tục chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Khắc phục hạn chế, phấn đấu cho mục tiêu 2023

Không hài lòng với những kết quả đạt được, Quảng Ngãi đặc biệt quan tâm đến việc khắc phục những bất cập, vướng mắc, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững cho những năm tiếp theo. Theo ông Đặng Văn Minh, thời gian qua công tác phối hợp giải quyết công việc giữa các sở, ban ngành, địa phương vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả; chưa phát huy tính mạnh mẽ, sáng tạo, đột phá trong tham mưu, có tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao. Hệ quả là dù chỉ số GRDP của Tỉnh đạt khá cao nhưng đang tiềm ẩn nguy cơ thiếu bền vững, thiếu ổn định; giá trị sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào lọc hóa dầu và thép trong khi nguồn thu phát sinh mới các năm gần đây không đáng kể.

Theo báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, triển vọng hoàn thành chỉ tiêu kinh tế năm 2023 khá bấp bênh khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dừng hoạt động gần 2 tháng để thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 5 theo kế hoạch; Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất giảm sản lượng thép khoảng 50%; các dự án lớn đầu tư trong Khu kinh tế Dung Quất và Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ VSIP được thu hút gần đây đều hưởng ưu đãi về thuế nên chưa có phát sinh số nộp ngân sách nhà nước... Do đó, thu ngân sách nhà nước dự kiến sẽ giảm mạnh so với năm 2022.

Để hoàn thành các mục tiêu phát triển, ông Minh cho rằng, Quảng Ngãi phải tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH năm 2023 và 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đầu tư; chủ động xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng kéo dài. “Đặc biệt, phải rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn nhằm nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh. Mục tiêu đến năm 2030 đưa Quảng Ngãi vào nhóm tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế; là tỉnh phát triển công nghiệp với hai ngành chủ lực là lọc hóa dầu và luyện cán thép; đến năm 2050, là tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung”, ông Đặng Văn Minh nhấn mạnh.

Ngày 9/2/2023, Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị bất thường khóa XX đề ra Chương trình hành động hướng đến mục tiêu năm 2030, Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là tỉnh phát triển khá của cả nước. Đến năm 2045, công nghiệp tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng, đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 7,25 - 8,25%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt trong khoảng 7.700 - 7.900 USD. Tỷ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu GRDP đến năm 2030 đạt 72 - 73%. Năng suất lao động tăng trưởng bình quân 6,5 - 7,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 410.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt ngang với bình quân của cả nước, trên 50% theo định hướng toàn vùng đến năm 2030.

Tin cùng chuyên mục