Bình Định khát vọng trở thành tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bình Định đang đặt ra khát vọng trong 5 - 10 năm tới sẽ vươn lên trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Để thực hiện khát vọng này, nhiều tư duy mới, tầm nhìn mới định hình các giá trị mới cho Bình Định đã được đưa ra trong Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là nhấn mạnh của Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng khi báo cáo về Dự thảo Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Phiên họp thẩm định Quy hoạch Tỉnh được Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh tổ chức vào chiều ngày 2/8/2023.

Làm rõ sự khác biệt trong phát triển

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh

Chủ trì Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh cho biết, đây là phiên họp thẩm định thứ 47 của Hội đồng, trong đó có 10 quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các quy hoạch tỉnh còn lại sau khi được Hội đồng thông qua đang trong quá trình gấp rút chỉnh sửa, hoàn thiện để sớm trình Chính phủ.

Nhận định về tiềm năng, lợi thế của Bình Định, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Tỉnh có vị trí kinh tế quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong giao thương kinh tế, hội nhập với khu vực và quốc tế. Bình Định cũng có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng khi sở hữu cả 4 loại hình giao thông vận tải với cảng biển, sân bay…; có khu kinh tế, tài nguyên phong phú. Tuy nhiên thời gian qua, địa phương này vẫn có nhiều hạn chế trong phát triển, chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có. Đơn cử, Khu kinh tế Nhơn Hội đã được hình thành từ lâu nhưng việc thu hút đầu tư vào khu kinh tế này lại chưa thực sự hiệu quả, chưa mang lại đóng góp lớn cho sự phát triển của địa phương.

Do đó, trong Quy hoạch lần này, phải đánh giá được cơ hội, quan trọng hơn là rà soát lại để tìm ra đâu là những hạn chế phát triển, rào cản, thách thức lớn của Tỉnh trong giai đoạn vừa qua. Cùng với đó là tìm được cơ hội mới, tiềm năng lợi thế mới, nguồn lực, động lực, nhân tố và đột phá mới làm cơ sở để hiện thực hóa khát vọng phát triển của địa phương. Dự thảo Quy hoạch cũng phải làm rõ hơn vai trò, vị thế và sứ mệnh của Tỉnh đối với vùng và quốc gia về tài nguyên du lịch, văn hóa, cửa ngõ ra biển quan trọng, tổ hợp phát triển khu kinh tế ven biển, bệ đỡ cho Tây Nguyên; trung tâm nghiên cứu đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ của vùng; định vị vai trò vị thế sứ mệnh mới, nhất là sau khi có nghị quyết của vùng.

"Trong Dự thảo Quy hoạch, Bình Định đưa ra một trong những trụ cột phát triển chính là phát triển mạnh đô thị trên nền tảng một trung tâm đổi mới sáng tạo trí tuệ nhân tạo bảo đảm phát triển đô thị bền vững. Hiện, tỉnh Khánh Hòa cũng đang đề xuất hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo với tầm cỡ khu vực và thế giới. Nếu Bình Định cũng lựa chọn định hướng này thì cần có những căn cứ khoa học, phải làm rõ sự khác biệt, đột phá để tránh chồng chéo", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi ý.

Định hình các giá trị mới cho Bình Định trong thời kỳ quy hoạch

Tỉnh Bình Định có vị trí kinh tế quan trọng, nằm ở trung điểm của trục giao thông đường sắt, đường bộ Bắc - Nam, đồng thời là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan thông qua Quốc lộ 19 và cảng biển Quy Nhơn.

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại Phiên họp

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại Phiên họp

Vị trí địa kinh tế này, theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng, là lợi thế quan trọng để Tỉnh định hướng khát vọng vươn lên với mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.

Kinh tế của Tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, logistics và vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh mẽ mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm cao của cả nước.

Có kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại, hệ thống đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế của vùng, cả nước và quốc tế. Tập trung phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc, khai thác tiềm năng, lợi thế đặc biệt về cảnh quan và khí hậu khu vực ven đầm Thị Nại; quy hoạch xây dựng trung tâm hành chính mới của Tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội.

3 khâu đột phá - 5 trụ cột phát triển

Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (Ảnh sưu tầm)

Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (Ảnh sưu tầm)

Để hiện thực hóa khát vọng, Quy hoạch tỉnh Bình Định xác định 3 khâu đột phá cho thời kỳ 2021 - 2030 với việc xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc của Tỉnh; hình thành các tuyến giao thông quan trọng kết nối liên tỉnh, liên vùng; kết nối với Cảng hàng không Phù Cát, cảng Quy Nhơn. Đồng thời, chú trọng nâng cấp, phát triển mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thông tin, hạ tầng đô thị, công nghiệp, nhất là các đô thị trung tâm và khu kinh tế động lực của Tỉnh.

Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tái cơ cấu nền kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương.

Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của Tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao; thực hiện chính sách thu hút lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của Tỉnh.

Thời kỳ 2021 - 2030, Bình Định lựa chọn kịch bản tăng trưởng bền vững nhờ những dấu hiệu khả quan từ sự phục hồi kinh tế - xã hội của Tỉnh và cả nước nói chung sau đại dịch Covid-19. Tốc độ tăng trưởng trung bình 8,5% của kịch bản này là khả thi dựa trên quyết tâm chính trị cao độ của lãnh đạo Tỉnh cũng như những dự án lớn đang được Tỉnh xem xét triển khai. Trong một số điều kiện thuận lợi, các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ của Tỉnh phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng trung bình trong cả thời kỳ có thể đạt 9,0%/năm. Đồng thời, kịch bản tăng trưởng bền vững cũng phù hợp với quan điểm phát triển kinh tế xanh và bền vững, chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các trụ cột phát triển kinh tế của Tỉnh trong thời kỳ quy hoạch gồm: Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo giá trị cao.

Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, chuyển từ số lượng sang chất lượng.

Phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Tỉnh. Xây dựng đô thị thông minh, phát triển đô thị gắn với hình thành, phát triển đô thị khoa học, thung lũng sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo, các trường đại học. Phát triển, mở rộng thành phố Quy Nhơn về phía Đông Bắc, lấy đầm Thị Nại là trung tâm; xây dựng trung tâm hành chính mới của Tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội (phân khu C) trên cơ sở chuyển đổi đất công nghiệp sang đất đô thị, dịch vụ. Tiếp tục phát triển khu đô thị mới Nhơn Hội và các đô thị trên địa bàn theo quy hoạch; xây dựng chuỗi đô thị biển gắn với tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến - Đề Gi - Mỹ Thành - Lại Giang; phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư gắn với phát triển các khu công nghiệp; việc nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông đường bộ (bao gồm cả đường bộ cao tốc), đường sắt (bao gồm cả đường sắt đô thị) và nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát gắn liền với việc hình thành các khu đô thị dịch vụ.

Phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng biển - logistics, nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển của Tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy dịch vụ cảng biển - logistics trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại của Tỉnh. Tăng cường kết nối, mở rộng hoạt động logistics gắn với quá trình đô thị hoá, đồng bộ hoá kết nối giao thông và phát triển kinh tế. Đầu tư, nâng cấp và khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt nối Phù Cát - Nhơn Hội - Quy Nhơn. Tập trung khai thác hiệu quả cụm cảng Quy Nhơn gắn với phát triển hệ thống cảng cạn và hiện đại hóa dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất hiện có; nghiên cứu xác định địa điểm và kêu gọi đầu tư xây dựng cảng mới có công suất lớn và đa năng; khai thác tốt vận tải hàng không; xúc tiến việc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp sản xuất gia công hàng điện tử, bán dẫn gần cảng hàng không nhằm tận dụng lợi thế vận tải hàng không của Cảng hàng không Phù Cát. Nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát trở thành cảng hàng không quốc tế phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Xây dựng đô thị sân bay gắn với Khu công nghiệp Hòa Hội để phát triển công nghiệp điện tử, bán dẫn. Phát triển công nghiệp, đô thị, logistics dọc các tuyến cao tốc Bắc - Nam và cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Tin cùng chuyên mục