Quy hoạch Bình Định tầm nhìn đến 2050 đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và công nghiệp, trong đó có công nghiệp năng lượng tái tạo |
Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt. Tại quy hoạch này, Bình Định xây dựng 3 cực phát triển kinh tế - xã hội: cực Đông Nam là Quy Nhơn và vùng phụ cận; cực phía Bắc là thị xã Hoài Nhơn; cực phía Tây là đô thị Tây Sơn.
Quy hoạch xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại. Kinh tế của Tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa…
Mục tiêu của tỉnh Bình Định đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt từ 8,5% trở lên, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 7 - 7,5%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9,8% - 10,8%/năm. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến năm 2030 là 204 - 213 triệu đồng/người; tổng thu ngân sách trên địa bàn Tỉnh đạt 30.000 - 35.000 tỷ đồng/năm; tổng lượt khách du lịch đạt 12 triệu khách/năm, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế và 9,5 triệu lượt khách nội địa; vốn đầu tư huy động giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 800 - 850 nghìn tỷ đồng; kinh tế số chiếm 30% GRDP.
Về kết cấu hạ tầng, hạ tầng thông tin và truyền thông của Tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng 4G, ưu tiên phát triển mạng 5G tại các khu, cụm công nghiệp, khu vực trung tâm huyện, thị xã, thành phố, khu du lịch, bệnh viện, trường học; đầu tư phát triển mạng lưới giao thông từng bước đồng bộ, một số công trình hiện đại chất lượng cao. Hình thành hệ thống giao thông vận tải hợp lý giữa các phương thức. Tổng lượng hàng hóa thông qua khoảng 102 triệu tấn và năng lực vận tải hành khách khoảng 103 triệu hành khách.
Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bình Định trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây.
Quy hoạch cũng xác định các trụ cột phát triển và các đột phá phát triển của Tỉnh, trong đó, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo giá trị cao; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.
Ngoài ra, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, chuyển từ số lượng sang chất lượng. Phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng biển - logistics nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển của Tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy dịch vụ cảng biển - logistics trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại của Tỉnh. Phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Tỉnh.
Quy hoạch tỉnh Bình Định cũng xác định phương án tổ chức liên kết không gian các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong đó, cấu trúc không gian đô thị phát triển theo mô hình: 2 vùng - 3 cực phát triển - 3 hành lang kinh tế.