Tỉnh Bình Dương chủ trương và thực hiện dự án Xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh khi dự án chưa có trong kế hoạch. Ảnh minh họa |
Vi phạm đầu tiên đó là công tác lập và giao kế hoạch vốn đầu tư công không đảm bảo thời hạn theo quy định tại Điều 58 Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 năm 2014 và Điều 19, Nghị định 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.
Bên cạnh đó, thời gian bố trí vốn để hoàn thành dự án trong kế hoạch vốn trung hạn vượt quá thời gian bố trí vốn tối đa theo quy định tại khoản 2 Điều 13, Nghị định 77/2015/NĐ-CP.
Cá biệt, tỉnh Bình Dương chủ trương và thực hiện dự án Xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh khi dự án chưa có trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020, chưa có kế hoạch vốn hàng năm và không có trong quy hoạch ngành giao thông, vi phạm khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư công 2014.
Vi phạm tiếp theo là từ năm 2016-2019, tiến độ giải ngân đạt thấp, điển hình năm 2019 chỉ đạt 66,9% kế hoạch. Thanh tra Chính phủ nhận định, việc giải ngân vốn đầu tư chậm, thời gian thực hiện dự án kéo dài là chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 76, Luật Đầu tư công năm 2014.
Chưa kể, một số dự án được điều chỉnh không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Xây dựng năm 2014. Mặt khác, còn để xảy ra tình trạng sử dụng vốn kết dư phân bổ trực tiếp cho dự án, vi phạm quy định tại Điều 72, Luật Ngân sách 2015. Điển hình như dự án nâng cấp đường ĐH 516 và dự án nâng cấp đường ĐH 502 sử dụng vốn kết dư năm 2019; cầu qua sông thị Tính sử dụng vốn kết dư năm 2018, 2019.
Một sai phạm nữa là chất lượng của công tác khảo sát chưa đảm bảo, dẫn đến quá trình thi công phải bổ sung thiết kế, làm phát sinh chi phí xây dựng. Đáng nói, công tác thiết kế còn nhiều hạn chế dẫn đến phải thay đổi, điều chỉnh thiết kế nhiều lần trong quá trình thi công. Đơn cử, Dự án giao lộ ngã tư Phú Thứ khảo sát kém chất lượng nên đã phát sinh khối lượng làm tăng chi phí xây dựng sau thuế số tiền hơn 2,2 tỷ đồng.
Cùng với đó, công tác lập, thẩm định thiết kế bản vẽ - dự toán còn nhiều hạn chế, dẫn đến làm tăng dự toán tổng số tiền hơn 29,7 tỷ đồng. Việc phân chia gói thầu chưa hợp lý về quy mô, tính chất kỹ thuật. Một số dự án phân chia gói thầu chưa bảo đảm nguyên tắc quy định tại khoản 3, Điều 33, Luật Đấu thầu năm 2013.
Đặc biệt, theo Thanh tra Chính phủ, việc khởi công công trình khi chưa có mặt bằng thi công là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 12 và Điều 107 Luật Xây dựng năm 2014. Một số dự án thực hiện không đảm bảo tiến độ, không có lý do khách quan, nhưng đều được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho gia hạn hợp đồng nhiều lần, không thực hiện chế tài phạt vi phạm hợp đồng đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Nhất là việc thay đổi nhãn hiệu, xuất xứ hệ thống thang máy dự án Bệnh viện 1.500 giường là chưa phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 65, Luật Đấu thầu năm 2013 và quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3 Thông tư số 09/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình.
Riêng trường hợp nhà thầu đã tạm ứng, nhưng thực hiện không đúng tiến độ hợp đồng, chủ đầu tư không thông báo với Kho bạc Nhà nước để thu hồi tạm ứng là chưa thực hiện đúng quy định tại khoản 6 Điều 8 Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/1/2016 của Bộ Tài chính về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Từ những vấn đề nêu trên, Thanh tra Chính phủ kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thời kỳ 2011-2019 chịu trách nhiệm chung trong chỉ đạo điều hành; Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải; Chủ tịch UBND các đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc Tỉnh; Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh; Giám đốc Ban QLDA các công trình chuyên ngành NN&PTNT chịu trách nhiệm chính đối với các vi phạm, thiếu sót đã nêu trên./.