Bình Dương: Thu hút FDI hứa hẹn tiếp tục khởi sắc

(BĐT) - Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Bình Dương dự báo sẽ tiếp tục tăng, với con số được đặt ra là 1,4 tỷ USD cho cả năm 2016.
Năm 2016, Bình Dương sẽ hạn chế việc cấp phép đầu tư sản xuất ngoài khu công nghiệp. Ảnh: Mai Xuân
Năm 2016, Bình Dương sẽ hạn chế việc cấp phép đầu tư sản xuất ngoài khu công nghiệp. Ảnh: Mai Xuân

Ông Phú Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 của Tỉnh là triển khai quy hoạch, bố trí quỹ đất để thu hút đầu tư sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Ngoài việc tiếp tục vận động chủ đầu tư chuyển đổi công năng một phần diện tích khu, cụm công nghiệp phía Nam của Tỉnh để phát triển dịch vụ - thương mại, trong năm nay, Tỉnh sẽ hạn chế việc cấp phép đầu tư sản xuất ngoài khu công nghiệp.

Dẫu biết rằng việc cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rất quyết liệt, nhưng năm nay Bình Dương tiếp tục kiên định với chủ trương thu hút đầu tư theo đúng định hướng và quy hoạch phát triển của địa phương. Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp điện tử; máy móc nông nghiệp; chế biến nông sản; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô thành những ngành công nghiệp chủ lực, có giá trị gia tăng cao và đủ năng lực cạnh tranh quốc tế.

Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, từ ngày 1/1/2016 đến ngày 15/2/2016, Tỉnh này đã cấp mới cho 19 dự án FDI với tổng vốn 223,82 triệu USD, trong đó trong khu công nghiệp có 12 dự án, ngoài khu công nghiệp có 7 dự án.
Về điều chỉnh tăng vốn, cũng có đến 8 dự án xin tăng, với 80,72 triệu USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đầu tư cả cấp mới và điều chỉnh tăng là 304,54 triệu USD, tăng 169% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong số 19 dự án nói trên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, có nhiều dự án có quy mô tương đối như: Công ty TNHH HCM Coffee, với tổng vốn đầu tư 88 triệu USD và Công ty TNHH UR Coffee với tổng vốn đầu tư 65,82 triệu USD, chuyên sản xuất và chế biến các loại cà phê; nhà máy sản xuất giày của Công ty TNHH Sung Min Vina, với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD, chuyên sản xuất giày và bán thành phẩm giày; Công ty TNHH Lumens Vina, với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD, chuyên sản xuất, gia công các loại đèn LED BLU dùng trong TV, Note PC, Monitor, ứng dụng điện thoại, sản xuất, gia công các loại đèn LED chiếu sáng. Tuy không rộn rã nhưng nhìn vào những con số nói trên có thể hy vọng vào một năm thu hút FDI tiếp tục khởi sắc.

Theo ông Setsuo Nakashima, Giám đốc Công ty Phụ tùng ô tô Nhật Bản ở Khu công nghiệp Mỹ Phước III, ngoài môi trường đầu tư thông thoáng, Bình Dương là một trong những tỉnh có hạ tầng tốt với hệ thống giao thông thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Điều đặc biệt ấn tượng đối với các nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp FDI, đó là lãnh đạo địa phương luôn quan tâm đến doanh nghiệp và tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để họ yên tâm hoạt động sản xuất.

Để đáp ứng sự mong chờ của nhà đầu tư, theo ông Phú Hữu Minh, trong năm 2016 Tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp để cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm hành chính công gắn với cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, Tỉnh tiếp tục bảo đảm tính minh bạch, công khai và khả năng tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành và thông tin về các chủ trương, mục tiêu, định hướng mời gọi đầu tư của Tỉnh. “Chúng tôi sẽ tổ chức đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh”, ông Phú Hữu Minh nhấn mạnh.