Quyền khai thác Dự án BOT đường ĐT741 đoạn từ Km49+537 đến Km72+861 đang được giao cho Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé. Ảnh: Ngọc Anh |
2 dự án BOT và những câu chuyện gắn liền với 2 công ty cao su 100% vốn nhà nước thuộc UBND tỉnh Bình Phước không khỏi khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi!
Chuyển nhượng dự án BOT từ doanh nghiệp xây dựng sang doanh nghiệp cao su
Một trong những dự án BOT có nguồn thu được xem là “khủng” tại Bình Phước là Dự án BOT đường ĐT741 đoạn từ Km49+537 (ranh giới tỉnh Bình Dương) đến Km72+861 (Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su), sau đây gọi tắt là Dự án BOT đường ĐT741. Lưu lượng giao thông qua đoạn đường hiện rất lớn. Với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, đây là “miếng bánh” khá hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư. Sau những quyết định chuyển nhượng, Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé hiện đang được giao quyền khai thác, quản lý dự án BOT này.
Nhà đầu tư cũ của Dự án BOT đường ĐT741 là Công ty TNHH MTV Xây dựng Bình Phước. Công trình được hoàn thành và đưa vào khai thác thu phí đường bộ từ năm 2003, thời gian thu phí của Dự án là 25 năm.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, doanh thu từ nguồn thu phí đường bộ của Dự án năm 2014 là 35,6 tỷ đồng, chiếm gần 25% tổng doanh thu của Xây dựng Bình Phước. Báo cáo tài chính của Công ty TNHH MTV Xây dựng Bình Phước cũng cho thấy, lĩnh vực hoạt động thu phí mang lại lợi nhuận chủ lực cho Công ty, đồng thời có mức tỷ suất lợi nhuận bình quân trên 50%, cao nhất trong các lĩnh vực hoạt động của công ty này.
Tuy nhiên, cuối năm 2014, theo thông tin từ báo chí, UBND tỉnh Bình Phước đã buộc Xây dựng Bình Phước bàn giao Dự án BOT đường ĐT741 cho Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước. Sau đó, UBND tỉnh Bình Phước đã thu hồi quyết định bàn giao chưa phù hợp quy định của pháp luật này, trả lại Dự án và quyền thu phí đường ĐT741 cho Xây dựng Bình Phước. Đến khoảng tháng 3/2015, Sở Tài chính Bình Phước lại tiếp tục có văn bản tham mưu bán thẳng, không qua đấu giá Dự án cho Cao su Bình Phước, nhưng do một số nguyên nhân, việc chuyển giao cho Cao su Bình Phước không thực hiện được. Dư luận khi đó đã đặt nghi vấn, phải chăng “miếng bánh ngon” này đang bị ép chuyển giao bằng được cho Cao su Bình Phước!? Việc chuyển giao cho Cao su Bình Phước bất thành, đến nay, Tỉnh đã chỉ đạo chuyển giao Dự án cho “người anh em” cùng lĩnh vực cao su là Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Giám đốc Sở GTVT Bình Phước cho biết, nguyên nhân chuyển giao Dự án là do Xây dựng Bình Phước tiến hành cổ phần hóa! Lãnh đạo Sở GTVT Bình Phước khẳng định, Tỉnh đã chỉ đạo chuyển giao cho Cao su Sông Bé, nhưng đến giữa tháng 9 vẫn chưa có quyết định chính thức vì “vướng thủ tục gì đó”! Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cho biết, hiện Cao su Sông Bé đang là nhà đầu tư được tạm giao quyền quản lý, khai thác Dự án. Theo tìm hiểu của phóng viên, thời điểm tạm giao là từ 1/8/2016.
Có thể tiếp tục được làm dự án hàng trăm tỷ đồng
Trang tin điện tử của Tỉnh ủy Bình Phước thông tin: Ngày 12/9/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm chủ trì cuộc họp với các sở, ngành và nhà đầu tư nhằm thống nhất phương án nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT741 đoạn từ giáp ranh tỉnh Bình Dương đến thị xã Đồng Xoài... Tại cuộc họp, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé kiến nghị cho đơn vị này trung tu với kinh phí hơn 53 tỷ đồng và đại tu khoảng 117 tỷ đồng... Đồng thời, Công ty đề xuất thực hiện Dự án mở rộng mỗi bên 3,5m đường ĐT741 theo hình thức PPP.
Theo nhiều nguồn tin, Dự án mở rộng đường ĐT741 mà Cao su Sông Bé đề xuất có tổng vốn đầu tư dự kiến gần 400 tỷ đồng. Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, kinh phí trung tu, đại tu tuyến đường lấy từ nguồn thu phí của Dự án BOT đường ĐT741, còn dự án mở rộng Tỉnh mới đang bàn, xem xét giao cho Cao su Sông Bé.
Như vậy, Cao su Sông Bé không chỉ được chuyển nhượng dự án BOT có doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, mà rất có thể sẽ được thực hiện 1 dự án mới mở rộng chính dự án BOT vừa được tiếp quản.
Về phía Công ty Cao su Bình Phước, tuy không được tiếp nhận Dự án BOT đường ĐT741, nhưng tháng 4 vừa qua, Công ty cũng đã được giao là nhà đầu tư khởi công Dự án BOT đường Đồng Phú - Bình Dương (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Đáng chú ý, Cao su Bình Phước được giao khởi công khi dự án này mới bắt đầu đến bước sơ tuyển trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, khiến dư luận đang nghi vấn: Liệu Cao su Bình Phước đã được “chỉ định ngầm” là nhà đầu tư dự án BOT này? Thực tế quá trình lựa chọn nhà đầu cũng cho thấy, Cao su Bình Phước đang rộng cửa trở thành nhà đầu tư dự án này vì qua sơ tuyển chỉ có 1 nhà đầu tư (mà Cao su Bình Phước là cổ đông góp 25% vốn) tham gia và đã được chỉ định thầu.
Được biết, Cao su Sông Bé và Cao su Bình Phước đều là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Bình Phước. Ông Nguyễn Tấn Hùng hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Cao su Bình Phước. Ông Nguyễn Tấn Hải, anh trai ông Nguyễn Tấn Hùng, hiện là Bí thư Huyện ủy Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, từ năm 2015 trở về trước, đã có nhiều năm lãnh đạo Công ty Cao su Sông Bé, năm 2014, được giao tạm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Ông Nguyễn Tấn Hùng và Nguyễn Tấn Hải là con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Tấn Hưng.