Ảnh minh họa: Internet |
Không còn cảnh đá nhầm sân
Theo báo cáo về tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, địa phương này đã thẳng thắn nhìn nhận, “một số chủ đầu tư/bên mời thầu chưa nghiêm túc trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu dẫn đến nhiều nhà thầu không phải là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ nhưng trúng thầu các gói thầu quy mô nhỏ khá nhiều”.
Thực tế cho thấy, trong tháng 8/2018, Báo Đấu thầu đã có bài viết “Bao giờ hết cảnh nhà thầu đá nhầm sân?” phản ánh tình trạng nhà thầu được xếp vào quy mô lớn vẫn liên tục được chấm trúng nhiều gói thầu vốn dĩ chỉ dành cho nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ. Cụ thể như tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hàm Thuận Bắc công bố kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) Gói thầu số 5 Xây lắp hạng mục cầu Bến Ông Tượng thuộc Dự án Đường từ Quốc lộ 28 đi cầu Bến Ông Tượng, xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc. Gói thầu này có giá gói thầu: 4.497.667.540 đồng. Liên danh Công ty CP Xây dựng Bình Nam - Công ty TNHH Xây dựng Phan Đình đã trúng thầu với giá trúng thầu là 4.488.509.000 đồng.
Tiếp đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận khi công bố KQLCNT Gói thầu số 02 NCB-Bình Thuận: Xây lắp công trình Khối 07 phòng học Trường THPT Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận thuộc Dự án Phát triển giáo dục trung học phổ thông giai đoạn 2. Nhà thầu Phan Đình cũng trúng thầu với giá 4.499.726.000 đồng (giá gói thầu là 4.546.100.000 đồng).
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, Công ty TNHH Xây dựng Phan Đình đã tự kê khai quy mô là doanh nghiệp lớn. Vì vậy, việc Nhà thầu Phan Đình liên tiếp được lựa chọn trúng thầu hai gói thầu xây lắp có giá dưới 5 tỷ đồng đã khiến các nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ “dậy sóng”.
Theo dõi từ thời điểm sau khi Báo Đấu thầu phản ánh tình trạng nêu trên, đến thời điểm hiện tại, Nhà thầu Phan Đình được ghi nhận không còn trúng các gói thầu quy mô nhỏ. Tháng 12/2018, Phan Đình được Công ty TNHH MTV Hưng Đông Dương chấm trúng Gói thầu Thi công xây dựng khối nhà chính và các công trình phụ trợ, hạ tầng kèm theo (bao gồm cả cung cấp, lắp đặt thiết bị điều hòa, thiết bị khác) thuộc Dự án Trụ sở và kho vật chứng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Gói thầu này có giá 9.762.451.042 đồng.
Theo đánh giá của các nhà thầu, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại Bình Thuận đã nắm bắt kịp thời, có sự kiểm tra và đã yêu cầu các chủ đầu tư/bên mời thầu thực hiện nghiêm quy định về nội dung phân loại quy mô gói thầu để lựa chọn nhà thầu. Từ đó, góp phần chấn chỉnh sớm tình trạng nhà thầu “đá nhầm sân” tồn tại khá lâu trên địa bàn.
Vào cuộc nhanh từ phản ánh của nhà thầu
Báo cáo của tỉnh Bình Thuận cũng cho biết, “vẫn còn một số chủ đầu tư chậm phát hành HSMT theo thời gian đã đăng tin trên Báo Đấu thầu đã làm giảm tính cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu”. Đây là nội dung phản ánh khá rõ việc địa phương luôn coi báo chí là kênh giám sát hiệu quả hoạt động đấu thầu trên địa bàn. Trong tháng 6/2018, Báo Đấu thầu có bài phản ánh việc một loạt nhà thầu phản ánh không mua được HSMT tại 2 gói thầu do Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng cơ bản thuộc Chi cục Phát triển nông thôn Bình Thuận làm bên mời thầu. Ngay sau khi Báo Đấu thầu vào cuộc tìm hiểu thông tin, Sở KH&ĐT Bình Thuận cũng tích cực thực hiện vai trò của mình. Theo thông tin của Báo Đấu thầu, ngay khi nhận được phản ánh của các nhà thầu về việc khó khăn khi mua HSMT, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Bình Thuận Nguyễn Văn Quang đã lập tức có ý kiến đề nghị Bên mời thầu tạo điều kiện để các nhà thầu tiếp cận HSMT, đồng thời có giải trình đầy đủ trước những thông tin tố cáo của các nhà thầu.
Theo đường dây nóng của Báo Đấu thầu, trong năm 2018, có một số nhà thầu tại TP.HCM gặp khó khăn trong việc mua HSMT tại Thị xã La Gi (Bình Thuận). Tuy nhiên, sau khi các nhà thầu có phản ánh đến Sở KH&ĐT Bình Thuận thì sau đó đã mua được HSMT. “Các nhà thầu ghi nhận sự vào cuộc kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại Bình Thuận để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình khi tham gia đấu thầu”, một số nhà thầu cho biết.