Blue-chips “tái xuất”, thị trường vượt T3 nhẹ tênh

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường không gặp nhiều khó khăn trong phiên chiều, áp lực bán dường như ngày càng thấp đi. Thanh khoản phiên chiều tiếp tục duy trì mức thấp ngay cả khi giá được đẩy lên càng lúc càng cao. Đến khi VIC, VCB cũng bứt tốc thì VN-Index tăng vọt hơn 1%...
VN-Index tăng dứt khoát hơn nửa sau phiên chiều, khi có sự góp sức của hai trụ là VIC và VCB.
VN-Index tăng dứt khoát hơn nửa sau phiên chiều, khi có sự góp sức của hai trụ là VIC và VCB.

Thị trường không gặp nhiều khó khăn trong phiên chiều, áp lực bán dường như ngày càng thấp đi. Thanh khoản phiên chiều tiếp tục duy trì mức thấp ngay cả khi giá được đẩy lên càng lúc càng cao. Đến khi VIC, VCB cũng bứt tốc thì VN-Index tăng vọt hơn 1%.

Rào cản có thể xuất hiện chiều nay là khi giá tăng thêm, lực bán có thể xuất hiện. Đà tăng do đó khá thận trọng xen kẽ với vào bước lùi, nhưng xu hướng càng về cuối phiên càng được củng cố. VIC bùng nổ trở lại khoảng 2h trở đi, là cú hích dứt khoát.

VIC vốn đã tăng từ sáng, nhưng nửa đầu phiên chiều giao dịch kém. Giá hầu như chỉ đi ngang và phải đến 30 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục, lực cầu mới nâng giá dứt khoát hơn. VIC tăng vọt 1,04% so với tham chiếu lúc đóng cửa, giành lại vị trí cổ phiếu trụ kéo VN-Index mạnh nhất hôm nay.

Với sức mạnh vốn hóa thì vai trò của VIC là nổi bật, nhưng thị trường chiều nay cũng có đà tăng rất tốt ở các cổ phiếu khác. Nhóm VN30 đảo chiều hàng loạt và cuối phiên có 26 mã tăng/3 mã giảm. Nhóm ngân hàng đóng góp VCB phục bứt tốc mạnh trong khoảng 15 phút cuối. Từ mức 97.700 đồng VCB tăng vọt lên 99.200 đồng, tuy chỉ trên tham chiếu 0,51%, nhưng là tăng 1,54% trong vòng 15 phút.

Các trụ khác có VNM cũng tăng cao thêm 1,28% so với cuối phiên sáng, đóng cửa trên tham chiếu 1,16%. MSN tăng thêm 1,45%, đóng cửa trên tham chiếu 1,92%. SSI, VJC, PNJ, FPT cũng là những mã rất mạnh chiều nay.

VN30-Index chốt phiên tăng 0,89% với 12 cổ phiếu tăng hơn 1%. Hơi đáng tiếc là VPB vẫn giảm 0,42%, HPG giảm 0,21%. Hai mã này là trụ rất lớn của VN30-Index, khiến tốc độ tăng bị hạn chế.

Thanh khoản tại nhóm blue-chips VN30 không hề cao, chỉ đạt 3.077 tỷ đồng chiều nay, tương đương giao dịch phiên chiều hôm qua. Tuy nhiên trừ PLX, MWG đứng im so với phiên sáng và GAS tụt nhẹ 0,3%, tất cả 27 cổ phiếu còn lại đều tăng tốt hơn. Như vậy thanh khoản duy trì thấp là do lực bán cản không nhiều.

Cả sàn HoSE phiên chiều cũng chỉ giao dịch 8.386 tỷ đồng, giảm 12% so với cuối phiên sáng. Tổng giao dịch hôm nay của sàn này giảm 10%, chỉ còn 17.950 tỷ đồng. Đây là mức giao dịch thấp nhất kể từ đầu tháng 10.

Tuy vậy hai nhóm cổ phiếu hưởng lợi nhất phiên chiều là midcap tăng 1,71% và smallcap tăng 1,31%. HoSE có 15 cổ phiếu kịch trần, nhiều mã trong số này là các cổ phiếu đầu cơ quen thuộc như HNG, FRT, HAX, TCH, FCN, NT2. Tuy nhiên thanh khoản của hai nhóm này cũng đang giảm dần xuống, phiên này chỉ còn chiếm 35,5% và 15,5% sàn HoSE.

Phiên T3 hôm nay có thể là một dạng phản ứng ngược, khi nhà đầu tư trông đợi một áp lực chốt lời ngắn hạn thì lại phổ biến tâm lý giữ hàng lại để quan sát. Ngay cả các blue-chips thanh khoản cũng rất nhỏ, còn chưa tới 6,5 ngàn tỷ đồng, còn thấp hơn nhóm ngân hàng trong các phiên sôi động. Ba cổ phiếu duy nhất các sàn khớp vượt 500 tỷ đồng hôm nay là SSI, NVL và HAG.

Thanh khoản thấp cũng do dòng tiền vào cổ phiếu ngân hàng hạn chế. Tổng giá trị khớp lệnh các mã ngân hàng của HoSE chỉ là 2.402 tỷ đồng, chiếm 13,4% giá trị sàn. Đây là tỷ trọng thấp nhất 15 phiên. Nhóm ngân hàng trong VN30 thậm chí chỉ khớp được 1.820 tỷ đồng, đôi lúc còn thua cả VPB hay HPG những phiên sôi động.

Như vậy sau khi điều chỉnh từ đỉnh 1.511,68 điểm xuống thấp nhất 1.400,87 điểm tương đương mất gần 111 điểm, VN-Index đã phục hồi hơn 67 điểm, tương đương khoảng 61%. Đây vẫn là biên độ hồi giá kỹ thuật bình thường. Vượt qua ngày T3 nhưng thị trường vẫn có thể xuất hiện áp lực bán mới. Đó sẽ là lúc dòng tiền phải hành động mạnh mẽ hơn.

Tin cùng chuyên mục