Gelex đang chuẩn bị khai thác khu đất vàng tại số 10 Trần Nguyên Hãn, Hà Nội. Ảnh: Thanh Thủy |
Năm 2015, kết quả kinh doanh của Gelex vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc với lợi nhuận đạt được 321 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với kết quả thực hiện năm 2014. Tuy nhiên, cổ phiếu GEX đã trải qua nhiều biến động thăng trầm kể từ khi Bộ Công Thương nhường sân chơi cho các tổ chức/cá nhân khác.
Với gần 80 trang tài liệu, ĐHĐCĐ bất thường của Gelex tổ chức ngày 1/8/2016 đã thông qua nhiều nội dung quan trọng liên quan đến định hướng phát triển của công ty này giai đoạn “hậu” Bộ Công Thương.
Dồn dập đầu tư
Điều dễ thấy nhất là kế hoạch đầu tư khá dồn dập của Gelex với việc thành lập các công ty con có tư cách pháp nhân độc lập, với số vốn hàng trăm tỷ đồng. Có thể kể đến Công ty TNHH MTV Thiết bị đo điện (Gelex EMIC) với số vốn 368 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Bất động sản Gelex với số vốn 900 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Đầu tư năng lượng Gelex (vốn 600 tỷ đồng). Đặc biệt, Gelex sẽ đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng vào lĩnh vực logistics.
Với một doanh nghiệp vừa thoát cái áo nhà nước, kế hoạch đầu tư của Gelex được đánh giá như việc lột xác, mở ra một chương hoàn toàn mới. Nhưng vốn lấy từ đâu?
Theo kế hoạch, Gelex sẽ phát hành 77,25 triệu CP cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1 với giá phát hành 18.000 đồng/CP. Số tiền thu về dự kiến đạt 1.391 tỷ đồng. Ngoài ra, Gelex dự kiến phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền với mục đích khai thác khu đất vàng tại địa chỉ số 10 Trần Nguyên Hãn, Hà Nội, cụ thể là đầu tư xây dựng khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại. UBND TP. Hà Nội đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phê duyệt thiết kế tổng thể. Mỗi trái phiếu phát hành sẽ kèm một chứng quyền được quyền mua 50.000 CP Gelex với giá mua không thấp hơn mệnh giá.
Những lĩnh vực mới mẻ
Ban lãnh đạo Gelex tỏ ra tự tin với khả năng thanh toán lãi và nợ gốc khi phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền cho dự án này.
Một quyết định đầy bất ngờ của Gelex là kế hoạch rót vốn vào lĩnh vực logistics, dự kiến lên tới 1.500 tỷ đồng. Riêng với công ty mục tiêu là Sotrans (Công ty CP Kho vận Miền Nam), Gelex không che dấu kế hoạch thâu tóm trên 51% CP công ty này. Mức giá dự kiến mua vào Sotrans sẽ được Gelex tính toán dựa trên mức định giá của các công ty chứng khoán.
Cùng với kế hoạch đầu tư rầm rộ và tốn kém, Gelex đồng thời đề xuất kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trong mơ. Cụ thể, năm 2016, Gelex dự kiến đạt 764 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (phần dành cho cổ đông công ty mẹ), gấp 2,4 lần kết quả năm 2015. Kết quả nói trên sẽ được duy trì và tiếp tục củng cố sau 3 năm tái cơ cấu, Gelex kỳ vọng. Kế hoạch này đã phình ra đáng kể so với kế hoạch tại ĐHĐCĐ thường niên đưa ra hồi tháng 3 vừa qua.
Bức tranh về Gelex giai đoạn “hậu” Bộ Công Thương đã bắt đầu được đặt những nét vẽ đầu tiên. Những biến động lớn lao tại doanh nghiệp này vẫn cần thời gian để thẩm định hiệu quả.